Một Tiến sĩ phát ngôn sai lệch về ngài Mục Kiền Liên

GNO - Mới đây, trong chương trình Cuộc sống 24H phát trên kênh truyền hình kỹ thuật số VTC14 vào ngày 17-8-2016 có một đoạn phỏng vấn giữa phóng viên chương trình và một vị được giới thiệu là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai đến từ Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Nội dung đoạn phỏng vấn xoay quanh vấn đề về ý nghĩa ngày lễ Vu lan và đi đến kết luận ngày xá tội vong nhân và lễ Vu lan có phải là một hay không. Trong lúc diễn giải về ý nghĩa ngày lễ Vu lan thì Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai có nhắc về sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ nhưng có phần khác biệt lớn đối với kinh điển Phật giáo mà chúng ta thường thấy.

vulan 2.jpg


Bà Nguyễn Ngọc Mai phát ngôn chưa chính xác về ý nghĩa Vu lan,
về ngài Mục Kiền Liên trong chương trình Cuộc sống 24h phát trên VTC14 ngày 17-8 qua

Cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai phát biểu như sau: “Cái lễ Vu lan bắt nguồn từ một cái tích trong Phật giáo. Đó là có một người đi tu tên là Mục Kiền Liên, là sau khi mà tu thành chánh quả, thành vị đại Bồ-tát thì trí tuệ rất là thông tuệ. Đấy là một trong những đệ tử được ‘cưng’ nhất của Đức Phật. Khi ông ấy đạt được mức độ thông tuệ thì ông đã dùng tâm nhãn của mình để nhìn thấu xuống dưới địa ngục. Khi nhìn xuống dưới địa ngục thì thấy rằng là mẹ đẻ của mình bị đọa đầy rất là khổ sở. Thế thì Mục Kiền Liên mới tâu với Đức Phật xin được thỉnh kinh Vu lan và làm các phép thần thông để phá ngục cứu mẹ. Khi cứu mẹ như thế thì mẹ của Mục Kiền Liên được cứu ra.

Và chuyện còn kể rằng khi được cứu ra thì bà biến thành một con chó và hằng ngày quấn quýt bên ông ấy để thể hiện một sự hối lỗi của mình. Mục Kiền Liên sau đó dùng một phép thuật của mình để biến mẹ trở thành người. Và ông ấy đã dùng tâm đức của Phật giáo để mà khuyên giải mẹ và từ đấy bà mẹ đã ngộ được ra cái chân lý và hai mẹ con cùng ăn chay niệm Phật. Và sau đó đến một ngày đẹp trời thì bà ấy được trở về trời” (xem đầy đủ phần phát biểu của bà Mai ở cuối bài).

Không biết “một cái tích trong Phật giáo” mà Tiến sĩ Mai kể như trên được dẫn nguồn, lấy tư liệu từ đâu nhưng nó thật sự lạ lẫm và có phần mê tín dị đoan. Nếu căn cứ theo bản kinh Vu lan do Hòa thượng Thích Huệ Đăng chiếu dịch được sử dụng rộng rãi trong các nghi thức, khóa tụng ngày nay và cả bản kinh xưa nhất mà người viết có trong tay - được xuất bản vào Phật lịch 2509 tức là năm 1965 thì hoàn toàn không có những nội dung như lời của Tiến sĩ Mai nói.

Theo đó, như trong kinh Vu lan ghi lại thì Tôn giả Mục Kiền Liên dùng huệ nhãn để tìm kiếm mẹ mình và thấy mẹ đang bị nghiệp hành khổ sở do cái nhân xấu gây nên. Nhưng Ngài không có cách nào cứu mẹ nên mới về bạch Phật để tìm cách cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ đang bủa vây. Nguyên văn đoạn kinh như sau:

Phật mới bảo rõ ràng căn tội:

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu,

Dầu ông thần lực nhiệm mầu,

Một mình không thể ai cầu đặng đâu”.

Rõ ràng Đức Phật nhấn mạnh nghiệp mà bà mẹ của Tôn giả Mục Kiên Liên đang gánh chịu là do quả phát sinh từ cái nhân xấu mà bà gây tạo từ trước. Tôn giả không thể gánh thay mẹ hoặc một mình mà cứu mẹ được.

Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn,
Tiếng vang đồn thấu đến cửu thiên
Cùng là các bực thần kỳ
Tà, ma, ngoại đạo, bốn vì Thiên vương

Cộng ba cõi sáu phương tu tập,
Cũng không phương cứu tế mẹ ngươi
Muốn cho cứu đặng mạng người,
Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng
”.

Từ lúc này Đức Phật mới chỉ bày cho Tôn giả Mục Kiền Liên cùng đại chúng  pháp cứu mẹ và từ đó mới hình thành nên kinh Vu lan như chúng ta vẫn đọc ngày nay chứ không có chi tiết nào giống lời của Tiến sĩ Mai như - “Mục Kiền Liên mới tâu với Đức Phật xin được thỉnh kinh Vu lan và làm các phép thần thông để phá ngục cứu mẹ” (!?).

Nói theo cách của Tiến sĩ Mai là trái với luật nhân quả, trái với tinh thần của kinh Vu lan. Đồng thời còn cổ xúy cho lối mê tín dị đoan bằng cách thần thánh hóa Đức Phật và cả đạo Phật. Cách nói giống như trong các bộ phim, các tuồng cải lương, tuồng chèo được dựng lên dựa trên kinh Vu lan và truyền khẩu dân gian - có thêm các yếu tố thần thông, các phép biến hóa để thu hút người xem.

Một điểm nữa cho thấy lời của Tiến sĩ Mai dị biệt so với kinh Vu lan là “khi được cứu ra thì bà biến thành một con chó và hằng ngày quấn quýt bên ông ấy để thể hiện một sự hối lỗi của mình”.

Chi tiết này hoàn toàn không có trong các bản kinh Vu lan mà Phật tử đã, đang đọc trong những ngày tháng Bảy. Một chi tiết thật khó tin, mang màu sắc huyền bí và mê tín.

Trong kinh Vu lan Tôn giả Mục Kiền Liên cứu vớt được mẹ ra khỏi “ngục” bằng pháp Phật đã dạy là cúng dường chư Tăng mười phương sau mùa An cư kiết hạ thanh tịnh, nhờ công đức cúng dường, thông qua sự chú nguyện từ chư Tăng mà bà Thanh Đề thoát khỏi “tam đồ khổ” để tái sanh vào một “cảnh thanh nhàn” (được hiểu là cõi Trời, vẫn nằm trong sáu nẻo luân hồi), chứ không hề có chi tiết “biến thành một con chó” để “hằng ngày quấn quýt” bên Tôn giả Mục Kiền Liên. Phải chăng chi tiết này được lấy từ các chuyện truyền miệng trong dân gian?

Bên cạnh đó, khảo cứu Kinh Vu lan - Khảo về nguồn gốc Hán tạng & Nikàya của tác giả Chúc Phú (đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ) cho thấy kinh Vu lan đã có từ hàng ngàn năm trong lịch sử Phật giáo và cũng không có chi tiết nào như lời của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai nói.

Tác giả Chúc Phú còn kết luận: “Việc nhân danh cha mẹ, hoặc những người thân đã khuất, vì họ mà làm nhiều thiện sự, bao gồm cả việc cúng dường Tam bảo, là việc làm đúng pháp. Không những vậy, các nguồn tư liệu cũng ghi nhận rằng, sự phát tâm của đối tượng, được kết hợp đồng thời với năng lực chú nguyện của chư Tăng, sẽ tạo nên những năng lượng chuyển hóa tích cực. Một bản kinh khá ngắn và có mặt trong cả hai truyền thống, nhưng với Phật giáo Bắc truyền thì được biến thành một sự kiện lễ hội quần chúng, đem đến sự chuyển hóa thánh thiện trong tâm thức của nhiều người, và nhẹ nhàng lan tỏa ảnh hưởng của Phật giáo đến với số đông chưa phải là Phật tử; điều đó cho thấy tính năng động sáng tạo của các nhà hoằng pháp, kể cả vai trò hộ pháp của các vị quân vương Phật tử tại Trung Hoa trong thời kỳ đầu. Do vậy Lễ hội Vu lan theo Bắc truyền hay Lễ hội Uttara, theo Kinh tạng Nikāya, là một sáng tạo văn hóa thấm đẩm trí tuệ, cần được ghi nhận, bảo tồn và tán thán.[1] ”.

Điều này cho thấy việc dùng phép thần thông để cứu mẹ hay bà Thanh Đề bị biến thành chó sau khi được cứu ra khỏi ngục là một điều khó tin, trái với căn cứ theo kinh Vu lan. Nó “đặc sệt” màu sắc mê tín dị đoan, thần thánh hóa câu chuyện về Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ, một câu chuyện hết sức có ý nghĩa giáo dục đối với mọi người trong vấn đề báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ và tinh thần phụng sự Phật pháp của các hàng Phật tử.

Việc một Tiến sĩ công tác, nghiên cứu về tôn giáo mà có những phát biểu chưa chuẩn xác có thể gây hiểu lầm, hiểu sai về tính chất cốt lõi của Phật giáo và tinh thần giáo dục đạo đức trong các bản kinh là điều khó chấp nhận.

Thiết nghĩ các nhà báo, các nhà biên tập, các nhà nghiên cứu nên tìm hiểu kỹ trước những phát ngôn của mình. Bởi báo chí có tính định hướng dư luận rất cao, một khi đã truyền đi một thông điệp sai thì rất khó mà khắc phục được hậu quả của nó. Trong trường hợp này, nhà đài lo lắng người khác hiểu không đúng về lễ Vu lan nhưng với nội dung đã phát lại làm cho người xem truyền hình hiểu về ý nghĩa ngày lễ Vu lan sai lệch, có suy nghĩ, cái nhìn về Phật giáo như một tôn giáo mê tín dị đoan với đầy “các phép thần thông” - trong khi bản chất Phật giáo là giáo dục đạo đức và nuôi dưỡng thân tâm đem lại đời sống an lạc cho mọi người.

Tấn Khang



[1] Trích từ bài Kinh Vu lan - Khảo về nguồn gốc Hán tạng & Nikàya, tác giả Chúc Phú

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày