Những ước mơ cháy bỏng
Điểm qua những tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiền Phong… chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh "thương đến rơi nước mắt" của những học trò quê nghèo: có em phải vượt hàng 90km để đến trường thi như em Nguyễn Văn Thảo ở Bắc Giang (Tuổi Trẻ ngày 5-7); có em tưởng chừng như dang dở ước mơ đi thi đại học như Đặng Thanh Tuấn ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), em đã định không thi vì không có tiền lộ phí (Tuổi Trẻ ngày 4-7)… Thế nhưng, với ước mơ cháy bỏng của mình, các em đã được đến với trường thi bằng nghị lực, bằng sự chia sẻ kịp thời của bà con, hàng xóm.
Ôn thi tại chùa - Ảnh: H.Diệu
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện của em Trương Văn Dương ở Cai Lậy, Tiền Giang đã cơm nắm, muối mè đạp xe gần 100km lên Sài Gòn dự thi hồi năm ngoái! Câu chuyện cảm động của Dương hay của Thảo, Tuấn… là "câu chuyện ước mơ", về nghị lực với khát khao được đến với giảng đường, được học tập của những học trò nghèo. Khi được hỏi về khả năng phi thường của mình, những học trò nghèo đều có chung một câu trả lời hết sức chân phương rằng: tụi em học là để mong thoát nghèo…
Đâu đó trên đất nước chúng ta vẫn còn nhiều, nhiều lắm những người trẻ nuôi ước mơ đổi đời từ những gánh xôi, đàn vịt hay thửa ruộng… Cứ mỗi mùa thi đến các em lại nổi lên như một điểm sáng giữa bao bộn bề, tất bật, giữa những lao chen thường nhật để rồi nhiều người dừng lại, mở hầu bao chia sẻ, để cho chúng ta một chút lắng lòng về tình người, về lòng trắc ẩn, tâm từ bi trong chính trái tim mỗi người.
Câu chuyện "tiếp sức"
Có lẽ cả xã hội nhìn thấy được những khó khăn trong hành trình đi tìm con chữ ở những ước mơ đổi đời của sĩ tử nghèo ấy nên hàng chục năm nay chương trình "Tiếp sức mùa thi" của Đoàn – Hội sinh viên khởi xướng tổ chức, phối hợp với các cá nhân, doanh nghiệp đã mang lại nhiều ý nghĩa. Sức lan tỏa của chương trình cùng với hiệu quả thiết thực của nó thì ai cũng biết và thầm cảm ơn. Khi mà chương trình ấy được lan đi thì nhiều đơn vị, cá nhân, nhiều tổ chức khác cũng bắt đầu tham gia "tiếp sức mùa thi".
Ai có thể quên được hình ảnh bác xe ôm ở Bến xe Miền Đông chở miễn phí (hoặc lấy giá rẻ) cho thí sinh và phụ huynh trong suốt thời gian cao điểm của mùa thi. Ai có thể quên được một chị bán cơm tốt bụng ở Bến xe Miền Đông đã lấy giá hữu nghị cho sinh viên tình nguyện và thí sinh, phụ huynh trong thời buổi "gạo châu củi quế"?... Những con người bình dị ấy đã bật sáng giữa cộng đồng nhất là khi có rất nhiều người nhân sự kiện thi cử của thí sinh mà "chặt chém", lấy giá phòng trọ bình dân, ọp ẹp bằng với giá… khách sạn (Tuổi Trẻ online ngày 29-6).
Cuộc sống vốn có hai mặt và chọn mặt đen hay trắng là tùy ở trí (sự hiểu biết) của mỗi người. Với cái biết theo kiểu của thế gian thì người ta sẽ bĩu môi trước hành động chở miễn phí của bác xe ôm là "lo chuyện bao đồng", không biết nhân cơ hội mà "chặt, chém" để kiếm tiền. Nhưng, với quan niệm bình thường của người Phật tử thì hành động nhân nghĩa của anh xe ôm kia đáng được ca ngợi bởi anh đã vừa gieo trồng một nhân lành: nhân trí tuệ, nhân tình thương. Giúp người ta trong chuyện học, làm cầu nối để người ta được đến trường, được thành đạt nghĩa là chúng ta đang gieo nhân thông minh, thành đạt. Tất nhiên, có thể những người đã tiếp sức, đồng hành cùng thí sinh sẽ chẳng bao giờ tính toán, nghĩ rằng mình làm việc này là để ngày sau thành đạt, có trí tuệ… Họ làm chỉ đơn thuần là chọn một niềm vui, chọn những nụ cười - như lời một bài hát của Trịnh mà thôi.
Khi "tiếp sức" phân biệt màu áo
Có một vị thầy đã từng bộc bạch với tôi rằng: "Làm từ thiện không dễ, đôi khi con cũng sẽ gặp phải những chướng duyên và sự cản trở…". Câu nói ấy cũng là lời nhắc của thầy khi tôi chập chững bước vào cuộc sống, tổ chức vài chương trình từ thiện nho nhỏ. Thầy là người từng trải, từng cọ xát nhiều với thực tế với đúng ý nghĩa của một vị Tăng nhập thế. Cho đến một ngày tôi gặp…
Lần thứ nhất, là khi tôi tổ chức trao quà ở một trường học nọ và bị xét nét đủ điều từ phía một vài vị lãnh đạo nhà trường. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng tôi cũng tổ chức được chương trình ấy, nhưng sau khi tổ chức xong tôi đã được một thầy trong Ban Giám hiệu "nói nhỏ" lại là: "Một số thầy cô gây khó cho con bởi vì… chất lượng quà con tặng cho học sinh tốt hơn phần thưởng theo chỉ tiêu của nhà trường". Tôi giật mình, ngộ ra rằng: đôi khi con người ta cũng bị sự ích kỷ, nhỏ nhen điều khiển, dù anh ở cương vị nào. Một ý niệm ganh tị khởi lên thì sẽ kéo theo là những sân si, bảo thủ… làm mờ đi tâm trí để rồi họ dễ hành động không đúng. Tất nhiên, trong những trường hợp như thế thì đối tượng cần được hỗ trợ sẽ là người thiệt thòi nhất. Nếu tôi bất mãn trong trường hợp này thì rất có thể tôi đã mất một cơ hội chia sẻ!
Thí sinh và phụ huynh dùng cơm tại chùa Pháp Vân - Ảnh: Bảo Toàn
Lần thứ hai, là với chương trình "Tiếp sức mùa thi" của Báo Giác Ngộ, mùa tuyển sinh 2010. Những ngày qua, đại diện Ban Tổ chức chương trình đã chạy đôn chạy đáo đến Bến xe Miền Tây để xin được có một điểm đón thí sinh trong bến nhưng vẫn… không được. Sự cương quyết của Bến xe Miền Tây có nhiều lý do nhưng cơ bản là từ một công văn của Thành đoàn TP.HCM đã làm hạn chế sự tham gia của lực lượng tình nguyện viên (thuộc chương trình "tiếp sức" của Giác Ngộ) vốn rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác giúp đỡ thí sinh. Nỗi buồn loáng thoáng trên gương mặt ĐĐ.An Đạt - Thư ký chương trình cùng hàng trăm tình nguyện viên ở TP.HCM làm tôi chạnh lòng, thầm ước… giá như mọi chuyện không xảy ra thì có lẽ niềm vui sẽ nhân đôi.
Tất nhiên, không ai mong muốn "đụng độ" bởi với ý nghĩa của bốn từ "Tiếp sức mùa thi" cho thấy mục đích tối thượng của người làm chương trình là tạo những thuận lợi có thể cho thí sinh và phụ huynh. Và cũng chính từ mục đích này mà sau một năm tổ chức thì chương trình của Báo Giác Ngộ đã có những hiệu ứng tốt như tăng số lượng chỗ trọ (từ 2.200 chỗ lên 4.800 chỗ - NV) , tình nguyện viên (250 lên 450 tình nguyện viên) cũng như địa điểm tiếp sức (năm nay ngoài TP.HCM, Cần Thơ còn có thêm TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).
Tôi lại nhớ lời thầy tôi, làm việc tốt đôi khi cũng khó khăn vì những nghi kỵ hoặc đơn giản chỉ là vì sợ hãi vô hình khi thấy ai đó làm một việc giống mình nhưng lại có sức bật mạnh và nhanh? Nhưng dù sao đi nữa thì việc chương trình "Tiếp sức mùa thi" của Giác Ngộ gặp phải một vài trở ngại ấy cũng khiến cho dư luận có những chia sẻ, an ủi: Giác Ngộ cứ yên tâm, các bạn làm bằng tâm thuần khiết là "tiếp sức" cho những khát khao cháy bỏng của thí sinh thì chắc chắn sẽ được chư vị Bồ tát, Thiện thần gia hộ. Còn những ai không đồng thuận, không hợp tác, cản trở những việc làm thiện lành thì họ đã gieo một nhân xấu, nhân thiếu lòng bi mẫn và cứ y cứ theo luật nhân quả mà họ phải chịu những quả bất thiện…
Nghe những lời động viên ấy của thân hữu và những người biết đến chương trình "Tiếp sức mùa thi" của Báo Giác Ngộ, quý thầy trong Ban Tổ chức đã nhẹ nhàng nói với chúng tôi rằng: "Tôi chỉ mong cho chương trình lan rộng để thí sinh, phụ huynh được thuận lợi, đơn giản thế thôi…". Vâng, đơn giản thế đấy nhưng nó cần sự mở lòng của nhiều người. Riêng tôi, với sự việc này tôi lại muốn khấn nguyện để lỡ mai mốt mình có gặp phải những thành công của người khác cũng biết mà kiềm chế, biết vui, tôi nguyện: "Xin tâm con sung sướng/ Khi thấy người thành công/ Hoặc gieo tạo phước lành/ Như chính con làm được…". Ấy là hạnh tùy hỷ - hạnh thứ 5 của Bồ tát Phổ Hiền Vương.