Mùa Vu lan đền đáp bốn trọng ơn

GN - Ngày rằm tháng Bảy là ngày Vu lan Báo hiếu của hàng đệ tử Phật. Tôi gợi một số ý để quý vị suy nghĩ, làm theo lời Phật dạy là chúng ta tu trong pháp Phật.

Phật dạy đạo hiếu phải được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, nói cách khác, đạo hiếu là đạo Phật. Vì vậy, chúng ta có thể kết hợp đạo Phật với đạo Nho.

Đạo Nho nói không có tội nào lớn hơn tội bất hiếu. Thể hiện sự hiếu thảo theo đạo Nho thì nghĩ đến người cha, nhưng trong đạo Phật, nói đến hiếu thảo thường nghĩ đến người mẹ.

vulan.jpg
Vu lan về - Ảnh: La Dương

Đạo Nho nói rằng cha bảo người con chết mà con không dám chết là phạm tội bất hiếu, vì con phải nghe lời cha tuyệt đối. Còn đối với người phụ nữ chưa lập gia đình thì “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nghĩa là con gái ở nhà phải nghe lời cha, lấy chồng phải tuyệt đối nghe lời chồng và chồng chết phải nghe lời con trai. Điều này cho thấy đạo Nho xem nhẹ phụ nữ.

Nhưng đạo Phật có tầm nhìn rộng hơn. Phật dạy chúng ta điều quan trọng nhất là phải thấy đúng đắn mối quan hệ giữa ta với người thân trong gia đình nhất là cha mẹ, hoặc giữa ta với những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp cùng làm việc và rộng hơn nữa là mối quan hệ giữa ta với xã hội mình đang sống để chúng ta có cách sống phù hợp mang lại sự gắn bó thân thương, hòa hợp, hạnh phúc cho mình và cả cho người.

Trước nhất, Phật dạy chúng ta phải nhớ ơn cha mẹ vì không có cha mẹ không thể có mình. Ngài Mục Kiền Liên bày tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ rằng “Làm con hiếu hạnh vi tiên”. Đó là sự hiếu kính đối với cả cha và mẹ, vì có cha mà không có mẹ, chắc chắn cũng không sanh con được.

Vì vậy, làm con phải biết nhờ có cha mẹ, ta mới có thân này. Đến khi trưởng thành, ta cần nhờ thầy bạn dìu dắt. Phật dạy điều này để giúp chúng ta phát huy trí tuệ. Thật vậy, có được thân này nhờ cha mẹ nhưng ta lại gặp thầy tà bạn ác dẫn mình đi vào ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là điều khó tránh khỏi.

Còn gặp được thầy hiền bạn tốt chỉ dạy cho chúng ta trở thành con người tốt có đức hạnh để từ đó chúng ta thăng hoa đời sống tâm linh, từ loài người lên cõi trời và tiến cao hơn, ta về cõi Phật. Đó là con đường đi lên mà thầy hiền bạn tốt mới giúp được, vì họ có trí tuệ biết chỉ ta nên làm việc tốt lành khiến ta tạo được phước báu và giúp ta tránh làm việc xấu ác, không bị quả báo khổ đau.

Riêng tôi thành tựu được việc tu hành tốt đẹp cho đến ngày nay nhờ gặp được thầy hiền bạn tốt. Tôi sanh trong thời Pháp thuộc và lớn lên trong thời chiến tranh thì dễ đi vào con đường khổ đau. Nhưng nhờ thầy hiền bạn tốt dẫn lối đưa đường giúp tôi không bị lạc vào con đường khổ đau, thoát được kiếp nạn và tương lai sáng lần.

Vì vậy, đối với tôi, ơn cha mẹ và ơn thầy bạn rất quan trọng. Thầy chỉ cho ta những điều ta không biết, nghĩa là thầy hơn ta về trí tuệ. Còn bạn chia sẻ kinh nghiệm tu hành cho ta, vì ta giỏi ở lãnh vực này, bạn giỏi ở lãnh vực  khác, nên có thể trao đổi với nhau, nhờ vậy lần lần trí ta sáng ra.

Chắc chắn thầy hiền bạn tốt giúp chúng ta từng bước đi lên. Nhưng thầy tà bạn ác kéo mình đi xuống. Thực tế cho thấy theo thầy tà bạn ác thì dễ, vì họ nói những cái hợp với ý ta, nghĩa là hợp với tham sân si của ta. Chẳng hạn ta tham và bạn ác biết ta tham, nên họ xúi dại ta hoặc mua chuộc ta, bày mưu tính kế đủ kiểu, cuối cùng đẩy ta vào con đường khổ đau, tù tội, chết chóc. Ngược lại, bạn tốt có trí tuệ mới chỉ được cho ta việc đúng sai, hơn thiệt, thì nghe theo họ chẳng những không sa vào con đường tội lỗi mà còn được nhiều lợi lạc. Có thể nói yếu tố bạn tốt rất quan trọng đối với chúng ta trong cuộc sống.

Thiết nghĩ bạn tốt hôm nay có được do kiếp quá khứ từng làm bạn tốt của nhau, nên tái sanh gặp lại, hiểu nhau, tin nhau và hợp tác được. Đại thừa gọi đó là Bồ-đề quyến thuộc.

Thực tế cho thấy làm được việc là nhờ có bạn tốt, giỏi hỗ trợ ta. Người đời cũng nói giàu nhờ bạn, vì nhờ bạn hướng dẫn, hợp tác, giúp đỡ ta dựng lên sự nghiệp được. Theo Phật, kết quả này là hạt nhân tốt từ quá khứ. Vì vậy, có được bạn tốt, nên trân trọng tình bạn này. Họ là bạn tốt của ta từ quá khứ dẫn đến hiện tại và vẫn tiếp tục là bạn tốt trong vị lai. Đừng làm mất tình bạn tốt.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, tu pháp môn nào cũng được, nhưng tuyệt đối đừng làm mất lòng người thì còn có đường sống. Phật dạy trên bước đường tu, những người đã tốt với mình thì phải cố gắng gìn giữ tình bạn này và nhân rộng ra, nhưng đa số thường làm mất tình bạn tốt đẹp. Thí dụ làm vua chắc chắn phải nhờ nhiều người giúp đỡ, một mình sao làm được. Điển hình như vua Gia Long khởi nghiệp nhờ có tướng tài, tốt, gan dạ, giỏi nhất là tiền quân Nguyễn Văn Thành luôn dẫn quân đi trước trong trận chiến. Khi Gia Long lên ngôi vua, đã giao cho vị tướng này cai quản miền Bắc. Nhưng sau đó, vua lại nghĩ rằng ông tướng này giỏi quá, giúp vua dựng nghiệp được thì ông cũng có thể soán ngôi vua. Ý xấu của vua Gia Long nảy sanh như vậy liền bị các ông quan xấu tác động rằng không nên tin mà giao quyền cho tướng Thành nhiều như vậy. Vua mới kêu tướng Thành về Ngọ môn Huế rồi bao vây, chém chết.

Một người bạn tốt như vậy hết lòng cực khổ giúp vua dựng nghiệp mà lại sẵn sàng giết bỏ là đã biến người thân thành người thù. Phật dạy đối với người thân tốt thì phải ráng nuôi dưỡng lòng tốt này để sau mình thành Phật cũng có người tốt giúp đỡ.

Thật vậy, Phật làm nên đạo nghiệp phần nào cũng nhờ có tình thương và sự hộ đạo của vua Tần Bà Sa La dâng cúng Phật khu thượng uyển để làm tinh xá cho 1.250 vị đệ tử La-hán trú ngụ. Đức Phật cho biết ông vua này từng là người bạn tốt của Phật trong quá khứ mà Phật ráng nuôi giữ tình bạn tốt này bằng cách không cho ông trả ơn Phật đã cứu mạng ông. Ơn không cho trả thì ơn còn sâu nặng hơn, trả ơn rồi thì hết ơn. Thí dụ nợ một triệu và trả một triệu là hết nợ. Còn người nợ mình, nhưng mình không cho trả, họ vẫn là con nợ của mình. Nhưng họ trả hết nợ rồi mà mình còn lấy thêm nữa là tự biến mình thành con nợ. Các ông vua triệt tiêu người tốt chết thì chắc chắn phải gánh chịu mối oan gia này.

Tụng Từ bi Thủy sám, chúng ta thấy rõ từ đời Hán, ông Viên Án giết Triệu Thố. Giết rồi mới thấy nặng lòng và đi tu, đời nào cũng tu, từ đời Hán đến đời Đường trải qua mấy trăm năm khiến ông gặp lại Triệu Thố cũng phải trả món nợ cũ này. Nhân quả của việc làm tốt hay xấu không mất.

Người khôn mỗi kiếp làm việc tốt, tái sanh đời sau cuộc sống sẽ khá hơn và cứ làm tốt như vậy từ kiếp này sang kiếp khác là con đường đi lên của Hiền Thánh, Phật. Vì vậy, Phật khuyên làm việc tốt và tránh xa việc xấu, không thể thoát được nhân quả đã gieo trồng.

Chúng ta được sanh trên cuộc đời, người làm cha mẹ là có nhân duyên với ta. Tu thành Phật thấy nhân duyên này, nhưng chưa thành Phật, tu có Chánh niệm cũng thấy được mang máng bằng niềm tin. Như tôi thấy các người đeo pháp y về đây nghe pháp là quyến thuộc Bồ-đề của tôi từ nhiều đời.

Người cảm tình với mình và mình cũng thấy họ dễ thương là bạn tốt. Có người mình thấy sợ là oan gia đời trước gặp lại. Phật dạy đối với người dễ thương, mình đối xử tốt để dễ thương này tăng thêm. Cái mình sợ thì đó là quan hệ xấu giữa mình và họ đã có từ quá khứ. Nếu có Chánh niệm sẽ thấy rõ như vậy, vì người tới đòi nợ phải khác với người trả nợ chứ. Có Chánh niệm thấy ai là chủ nợ, ai là con nợ của ta.

Nếu người tới trả nợ mà ta thấy chưa cần thì ta không lấy, nên tình cảm tốt này còn hoài và ta tiếp tục nuôi tình cảm tốt đẹp đó với họ. Còn anh hầm hầm tới kiếm chuyện thì ta coi họ đòi mình cái gì để mà trả cho yên. Điển hình như một thiền sư để dành túi vàng. Một hôm có tên cướp đến đưa dao kề cổ ngài. Ngài cười nói ta thiếu vàng, không thiếu mạng và quăng túi vàng cho hắn. Hắn chụp lấy rồi bỏ chạy liền. Người tu đắc đạo thấy nhân duyên rõ ràng nên giải quyết việc một cách nhẹ nhàng tốt đẹp.

Trên bước đường tu, chúng ta thấy tất cả gương luân hồi vay trả nhau, thay nhau làm cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng, bạn bè…

Đức Phật thấy rõ nhân duyên của Ngài với vua Tịnh Phạn và Thánh mẫu Ma Gia. Ngài mới nhập định lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ vì đã mang nặng ơn lớn trong kiếp này đối với Thánh mẫu đã cho Ngài hình hài, vóc dáng làm người mới tu được.

Tu hành, làm sao tạo thắng duyên để có cha mẹ cho chúng ta hình vóc, đặc biệt là ngoại hình dễ coi khiến ai cũng thương thì dễ sống. Thứ hai, có sức khỏe tốt để mình làm chuyện lớn. Thứ ba, thông minh hơn mọi người là điều kiện làm Phật của mình được mở rộng. Đức Phật đã có đủ ba điều kiện này và Ngài thành Phật cũng thấy rõ nhân duyên tốt đẹp của Ngài với cha mẹ để Ngài tiếp tục thị hiện làm con của họ.

Nhưng chọn được cha mẹ cho chúng ta hình vóc đẹp, sức khỏe tốt và thông minh thì khó có người làm được, hay đúng hơn, không ai làm được. Duy nhất chỉ có Đức Phật Thích Ca làm được, trong khi các người khác chỉ làm Tổ, làm thầy, làm A-la-hán.

Ngài thành Phật thấy rõ nhờ ơn cha mẹ đã tạo cho Ngài ba điểm ưu việt nhất của con người như đã nói, nên Ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Thánh mẫu Ma Gia để tạ ơn lớn của mẹ đã cho Ngài hình hài tốt đẹp để tu. Và Phật nói thêm rằng Ma Gia không phải làm mẹ của Ngài đời này mà những đời trước bà đã từng làm mẹ của Ngài.

Có thể thấy trong mối nhân duyên tốt gặp nhau thì mẹ con rất thương nhau. Mẹ dạy con nghe theo dễ và con nói, mẹ cũng chấp nhận dễ, như vậy tình mẹ con gắn bó mật thiết với nhau một cách nhẹ nhàng.

Còn oan gia gặp nhau thì con ngỗ nghịch không bao giờ nghe cha mẹ, dù dạy nó điều tốt nó cũng nghĩ là xấu. Tôi thấy nhiều gia đình rất đáng thương, cha mẹ tần tảo lo cho con từng ly từng tí, nhịn ăn để dành tiền lo cho tương lai của con, nhưng đứa con luôn tìm cách phá sạch. Đó là cha mẹ phải trả món nợ thiếu nó từ đời trước. Trong cuộc sống, vì chưa biết nên đa số người thường gây oan trái.

Thuở còn là học tăng, tôi nghe Hòa thượng Thiện Hoa kể câu chuyện rất xúc động. Hai ông bà trưởng giả có ba người con tánh tình hoàn toàn khác nhau. Người con thứ nhất, cha mẹ nói gì anh ta cũng nghe và lớn lên, anh làm lụng cực khổ mà không dám tiêu xài tiền của cha mẹ. Người con thứ hai không làm nhưng luôn tiêu xài phá phách cho cha mẹ tàn mạt. Người con gái thứ ba rất hiền lành và thích bố thí, cúng dường.

Anh con cả siêng năng làm lụng, đến một lúc không bệnh mà chết. Bà mẹ thương con nên khóc đến chảy máu mắt rồi chết luôn. Người cha nói còn thằng con ngỗ nghịch thì thôi kệ, cho nó xài thoải mái, nhưng một thời gian sau, nó cũng chết. Còn con gái út, người cha nghĩ kén rể để quản lý gia tài. Ông ra đề bài, người nào làm được bài thơ đối đáp thì ông gả con và giao gia tài. Cuối cùng có anh thư sinh tới, ông nói ông chỉ cái gì thì phải xuất khẩu thành thơ. Ông chỉ cái cửa. Anh này đáp:

 Môn tiền nhất phiến khai
Tòng bá lưỡng biên bài
Nhược nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Hai câu đầu, anh tả cái cửa nhưng chỉ mở một cánh cửa, còn một cánh cửa đóng. Trên con đường đi vô nhà có hai hàng cây tùng bách.

Và hai câu sau anh lấy trong kinh Kim cang để ngụ ý rằng hãy cẩn thận. Cửa mở tiêu biểu cho con đường sáng mở ra mà không đi vào, lại đi vào cánh cửa đóng chỉ cho con đường tối tăm, tức là làm việc xấu ác thì không thể thấy Như Lai.

Ông già này nghe nói đến kinh là ghét. Ông nói ta cấm ngươi không được nói Như Lai là phạm húy. Sau cùng, nhờ thiện tri thức này tới khai ngộ, nên ông gả con cho anh ta.

Cần biết rằng cha mẹ cho hình hài con người mà Phật dạy thân người là quý nhất, khó được nhất trong sáu đường sinh tử. Dù ta tới với cha mẹ để đòi nợ, hay trả nợ, thì cũng nhờ cha mẹ để chúng ta gặp Phật pháp và biết được đạo lý để tu. Ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ lớn lao như trời biển chắc chắn chúng ta phải nhớ ơn, trả ơn.

Duyên thứ hai là thầy hiền bạn tốt biết tu, họ dìu dắt chúng ta vào nhà Phật pháp và chúng ta nỗ lực áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống giúp cho đời này và nhiều đời sau của chúng ta tốt hơn, lại được gặp cha mẹ và thầy hiền bạn tốt chỉ dạy để ta tiếp tục tu lên.

Và ơn thứ ba là ơn xã hội, ơn cộng đồng. Nhờ xã hội, quý vị mới tu phước được. Thuở nhỏ, Hòa thượng Trí Tịnh thường khuyên tôi về Cực lạc. Tôi nói ở đó sướng quá, không có việc thì làm sao tu. Hòa thượng dạy rằng ở Cực lạc cũng có việc. Về Cực lạc, pháp tu khác hơn ở Ta-bà. Ngài nói ở Cực lạc nghe nhạc trời, nhặt hoa trời đem đi cúng dường khắp mười phương làm cho người phát tâm rồi quay về Cực lạc còn kịp thọ thực kinh hành. Nghĩa là điều kiện tu ở Cực lạc tốt hơn ở đây nhiều, vì có thần thông mới làm được việc lớn như vậy chỉ trong chớp mắt.

Thể hiện lý này, khi hoàn tất việc tu học ở Nhật, tôi về Việt Nam, vì ở nước mình có nhiều việc cho tôi làm. Còn ở Nhật, họ không cần mình đâu.

Phật dạy rằng phải nhớ ơn xã hội, vì có người khó khăn, mình mới bố thí được. Ở Nhật, mình cho họ cũng không nhận. Về Việt Nam, tôi thấy rõ ơn xã hội mà Phật dạy rất đúng. Có người hiểu biết Phật pháp kém, tôi mới giảng dạy được. Ý thức như vậy, quyến thuộc Bồ-đề và tôi nhìn nhau trong sự tương thân tương kính, còn xem thường người kém hiểu biết là sai.

Nhờ có xã hội, càng bố thí, phước huệ càng sanh ra, quyến thuộc Bồ-đề và trí tuệ của mình nhân đây tăng lên. Nhờ có người nghe pháp, tôi giảng hơn 50 năm. Nếu không có người nghe pháp, tôi về hưu từ lâu rồi. Rõ ràng tôi thành tựu được việc nhờ ơn xã hội.

Thứ tư là ơn quốc dân thủy thổ cũng quan trọng. Nhờ xã hội ổn định, đất nước bình yên tôi mới xây dựng được giảng đường ở Việt Nam Quốc Tự và làm được một số Phật sự khác thì công đức sanh ra, tái sanh sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Sống theo Phật, chúng ta khắc cốt ghi tâm bốn công ơn lớn của cha mẹ, thầy bạn, xã hội và đất nước. Chúng ta nỗ lực làm mọi việc thiện lành để hồi hướng, đáp đền bốn ơn đức sâu nặng này. Đừng nghe ác ma mà đoạn diệt người tốt với mình, thì xung quanh chỉ còn toàn là người thù chắc chắn không thể sống an lành trong hiện tại và phải gánh chịu khổ đau vô cùng trong những kiếp lai sanh.

Mùa Vu lan, Phật tử tập trung tụng kinh cầu nguyện cho cha mẹ và người thân, cũng cầu nguyện cho người oán thù. Người thân đương nhiên theo ta về nghe kinh được siêu thoát và người thù theo mình thấy mình tu, họ cũng nhẹ lòng và tu theo cũng được giải thoát.

Tôi nhớ câu chuyện đọc từ thuở nhỏ. Có bà già giã bột làm bánh. Mỗi khi bà giã xuống thì niệm Mô Phật. Chồng bà ngồi kế bên phụ cũng bắt chước nói Mô Phật cho đến thành tánh quen. Khi chết, ông này đọa xuống địa ngục, quỷ sứ đưa cái chày lên định gõ vào đầu ông, ông quen miệng liền nói Mô Phật thì nhờ vậy, hồn ông bay ra khỏi địa ngục.

Câu chuyện ngụ ý rằng người kết duyên với đạo dù là thuận duyên hay nghịch duyên cũng đều được hưởng lợi lạc.

Chúng ta tu, hồi hướng cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, bạn bè và cũng không quên hồi hướng đến người thù nghịch. Nhờ phước báu chúng ta tu tạo cùng với tấm lòng chí thành cầu nguyện của chúng ta mà kết nối được với tâm đại từ bi của chư Phật và nương theo oai thần lực của Phật, Pháp, Tăng, hương linh của tất cả người thân cũng như hương linh của oan gia trái chủ đều được siêu sanh về cảnh giới an lành trong mùa Đại lễ Vu lan Báo hiếu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày