Mùa vui trên đất nước Vạn đảo

GN - Năm nay, lần đầu tiên, Chính phủ Indonesia đã mời đoàn đại biểu của nhiều quốc gia trong khu vực tham dự lễ hội Vesak, kính mừng Đức Phật đản sinh ngay tại thánh tích Phật giáo Borobudur, tỉnh Magelang, miền Trung đảo Java.

Nhờ thế mà có lẽ đây là lần đầu tiên, nhiều vị khách nước ngoài biết thêm về không khí Khánh đản được tổ chức tại một đất nước Hồi giáo trong đó có chúng tôi - chư Tăng và các nhà báo thuộc đoàn Phật giáo Việt Nam.

muavui (1).JPG


Lễ hội rước Phật trên đất nước Vạn đảo

Những nụ cười thân thiện

Vừa đặt chân xuống phi trường quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta sau một chuyến bay dài, chúng tôi được chào đón bằng những nụ cười thân thiện của những người con đất nước Vạn đảo. Nụ cười ấy theo mãi chúng tôi trong suốt hành trình một tuần lễ có mặt tại đây, làm vơi đi mệt nhọc khi phải về muộn và dậy sớm để di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Dù trong tuần lễ Phật đản, nhưng tại thủ đô của đất nước đông dân thứ tư thế giới này dường như chẳng thấy có một dấu hiệu gì về sự kiện này. Đường sá đông đúc xe cộ, người đi lại như nêm. Không cờ phướn, không đèn hoa rực rỡ, lộng lẫy như ở Hàn Quốc hay Việt Nam, và càng không thấy bóng dáng Tăng Ni Phật giáo hiện diện. Điều này cũng dễ hiểu, vì dù đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng hiện tại, Phật giáo được xem là tôn giáo thiểu số, chiếm chưa đến 2% tổng dân số tại đất nước này.

Ngày hôm sau, đến Magelang, một tỉnh miền Trung đảo Java, nơi có ngôi chùa linh thiêng Borobudur được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa thế giới thì mọi thứ lại khác. Cảnh vật và lòng người như hoan ca khi ai nấy cùng hướng về ngày trọng đại trong trái tim người con Phật toàn cầu - ngày Vesak.

Cờ phướn được treo lên với đủ màu sắc chào khách phương xa. Các sân khấu lớn xuất hiện trên phần đất rộng lớn, xanh mát của khu thánh tích, và đêm xuống, tiếng kinh cầu của hàng ngàn người tham dự tạo nên âm thanh du dương trầm vọng, khiến ta liên tưởng đến thời kỳ hoàng kim của Phật giáo nơi đây cách hàng chục thế kỷ.

Chúng tôi được chị Tania Tunru, nhân viên Bộ Du lịch Indonesia và cũng là một trong những nhân sự điều phối và hỗ trợ các đoàn nước ngoài đến Indonesia dự lễ, dẫn đi tham quan khu thánh tích giữa lúc mọi người chộn rộn cho việc trang trí triển lãm và chuẩn bị các khóa lễ tâm linh Phật giáo. Dù bận rộn, chị vẫn luôn nở nụ cười thân thiện.

Là một tín đồ Hồi giáo và lần đầu tiên tiếp xúc với chư Tăng Phật giáo, Tania vẫn cố gắng hết mực tìm hiểu thông tin và kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện Vesak năm nay tại đất nước mình. Chị cho biết, có tất cả 13 đơn vị thuộc Liên đoàn Phật giáo Indonesia tham gia lễ hội Vesak lần này và mỗi đơn vị có màu sắc, cách thức trang trí không gian triển lãm của mình ở những khu vực mà Ban Tổ chức cung cấp xung quanh chùa Borobudur.

Trong câu chuyện, Tania luôn dùng những từ “tuyệt vời”, “bất ngờ”, “ấn tượng” để nói về cảm xúc của mình khi được hòa mình vào không khí lễ hội. Và lúc thắp nến cầu nguyện theo nghi thức Phật giáo, chị đã không kìm được nước mắt, chia sẻ với chúng tôi rằng mọi thứ quá mới nhưng hết sức thiêng liêng, và dường như có một tha lực nào đó làm chị trải rộng tấm lòng, nghĩ về những người thân yêu với tất cả sự ấm nồng.

Một lễ hội xứng tầm

Dù đã được đi nhiều nơi, dự lễ hội Phật đản nhiều nước, nhưng có lẽ ấn tượng về lễ hội này tại đất nước Indonesia giữ một vị trí quan trọng trong tôi về cách thức tổ chức, huy động sự tham gia của cộng đồng và cả những nỗ lực của chư Tăng Ni, tín đồ đất nước Vạn đảo.

Trong 7 ngày có mặt, thời gian chủ yếu của các đoàn khách nước ngoài được Ban Tổ chức bố trí là các cuộc tiếp xúc, hội thảo và tìm hiểu không khí chung. Việc dự lễ Phật đản chính thức chỉ diễn ra trong 2 ngày, và theo chúng tôi, như thế là trọn vẹn để người con Phật trên đất nước Hồi giáo tận hưởng niềm vui, hân hoan đón mừng ngày Đản sinh của Đức Từ phụ.

Theo đó, lễ hội bắt đầu từ 1 giờ chiều ngày 14 ÂL bằng một lễ rước Phật hoành tráng với sự tham gia của hàng chục ngàn người đi bộ kéo dài 5km từ chùa Mendut đến chùa Borobudur. Lễ hội này quả thực xứng tầm là một lễ hội văn hóa cộng đồng, bởi có cả hóa trang, kèn trống, âm nhạc và các phần nghi lễ riêng.

Lễ rước Phật diễn ra trong một không khí trật tự, vui tươi, thu hút hàng chục ngàn người dân đứng hai bên đường chào đón, cổ vũ. Mặc dù đông người, nhưng mọi thứ vẫn chỉn chu, tuy náo nhiệt nhưng không có dấu hiệu lộn xộn thường thấy ở một số lễ hội cộng đồng khác.

Đoàn rước đi trong 3 giờ và buổi tối cùng ngày là lễ chính thức rước Phật đản sinh với sự tham dự của Phó Tổng thống Indonesia Mohammad Jussuf Kalla cùng nhiều bộ trưởng và lãnh đạo khu Java. Vẫn là các bài phát biểu như các nghi thức hành chánh về Phật đản thường thấy, nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng là tất cả đều súc tích, ngắn ngọn.

Đặc biệt nhất, dù các vị lãnh đạo phần lớn là người Hồi giáo, song mỗi khi bắt đầu phát biểu, họ đều chắp tay chào hàng ngàn người phía dưới và niệm câu “Namo Buddhaya” (Nam-mô Phật-đà), cử tọa cũng đồng thanh chào lại câu này. Khi kết thúc, họ lại “Sadhu! Sadhu!” (Lành thay! Lành thay!) vang vọng khắp hội trường thay cho những tràng pháo tay rộn rã.

Nghi thức hành chính diễn ra trong thời gian ngắn, phần lớn còn lại dành cho chương trình nghệ thuật tái hiện lại cuộc đời Đức Phật trên sân khấu chuyên nghiệp do các nghệ sĩ thực thụ người bản xứ trình diễn. Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và cả những phần thoại trên sân khấu đều hết sức sống động, thu hút và tạo nên sự rung cảm tột độ.

muavui (2).JPG


Thành tâm cầu nguyện trong lễ hội ánh sáng vì hòa bình

muavui (3).JPG
Hàng ngàn đèn trời được thả trong lễ hội ánh sáng vì hòa bình

Trời về khuya, Borobudur như hóa thành một không gian hoàn toàn khác với nến và hoa cho nghi thức cầu nguyện với chủ đề “Lễ hội ánh sáng vì hòa bình”. Sau hơn 30 phút thiền tọa và cầu nguyện bên ánh nến nhẹ nhàng, 5.000 ngọn đèn trời được chuẩn bị phân phối đến người tham dự để cùng thắp sáng, thả lên trên bầu trời, tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.

Phần thả đèn trời kéo dài đến quá nửa đêm và ngay sau đó là các khóa lễ tụng kinh được 13 tổ chức trực thuộc Liên đoàn Phật giáo Indonesia thay phiên nhau chủ trì. Đến khi mặt trời ló dạng ở phía đỉnh tháp Borobudur, các khóa lễ kết thúc bằng thông điệp Phật đản của Liên đoàn Phật giáo Indonesia. Ai nấy ra về trong niềm hoan hỷ vô biên sau một ngày một đêm hòa mình vào không gian linh thiêng nhất.

Tại một đất nước Hồi giáo chiếm đa số, số lượng Phật tử chưa đến 2 triệu và số lượng tu sĩ chỉ 700, nhưng Phật giáo Indonesia đã biết cách tạo nên một lễ hội Vesak đặc sắc, trở thành điểm đến của đông đảo du khách quốc tế là điều rất đáng ghi nhận.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày