GNO - Cận Tết Ất Mùi, cậu con trai 12 tuổi bỗng dưng hỏi: “Bố ơi, bao nhiêu tiền thì mua được mùa xuân?”.
Một câu hỏi không dễ trả lời ngắn gọn.
Con trai và câu hỏi khó, cùng cành đào mùa xuân 30 nghìn - Ảnh: Chu Minh Khôi
Còn nhớ hồi Tết năm 1979, khi ấy tôi mới 7 tuổi, nhà nghèo và đói lắm. Cả xóm nhà nào cũng đói. Thuở ấy ở miền Bắc chưa chia ruộng khoán, tất thảy mọi lao động ở nông thôn phải làm việc trong hợp tác xã (HTX), mỗi vụ thu hoạch HTX chia thóc theo công điểm. Nhà tôi chỉ có một lao động là mẹ, thóc chia chỉ đủ ăn đến hết tháng Giêng âm lịch, còn từ tháng hai trở đi là phải ăn khoai, chóc.
"Tôi tin, tất thảy những ai theo đạo Phật, chỉ cần số tiền rất nhỏ cũng có thể mua được mùa xuân, thậm chí mùa xuân hiện hữu trong tâm hồn, trong đất trời ban tặng mà không tốn một xu để mua" |
Ngày 25 tháng Chạp hàng năm, HTX mổ lợn chia thịt cho xã viên để ăn Tết, nhưng mỗi khẩu chỉ được 3 lạng thịt hơi. Nhà tôi khi đó chỉ có 3 mẹ con (vì bố đi bộ đội ở Hoàng Liên Sơn, không về ăn Tết), nên được chia 1 kg thịt hơi, quy ra 5 lạng thịt thật. Chừng ấy chỉ ăn được 3 ngày, đến 28 là hết thịt.
Tất cả các hộ gia đình chăn nuôi lợn đều phải bán cho nhà nước, tư nhân không ai được phép mổ lợn. Nhà tôi nuôi một con gà để dành ăn Tết, toàn bộ Tết nhất chỉ trông vào còn gà đó thôi. Thế nhưng đến 29 Tết, có một người là ông họ - em ruột của ông nội tôi mất đột ngột. Nhà nào cũng nghèo, nên họ hàng ai có thực phẩm gì phải đem đến góp cùng làm cỗ đám ma.
Mẹ tôi đem con gà duy nhất của mình đến đó cúng. Vậy là Tết không có thịt, suốt 3 ngày năm mới chúng tôi chỉ ăn cơm với rau, nhưng sướng hơn ngày thường là mỗi bữa được ăn 3 bát cơm, chứ không bị khống chế ăn một bát mỗi người.
Chiều 30 Tết, mẹ đưa cho tôi đồng 5 hào, dặn: con đi mua ít dầu về thắp đèn cúng. Thuở ấy chưa có điện, đêm nào cũng tối om. Đêm ba mươi, chiếc đèn hoa kỳ trên bàn thờ sáng lên, thế là vui lắm.
Sáng mồng Một, gia đình hàng xóm sang chúc Tết, biết nhà không có thịt ngày Tết, bèn đem sang cho một nửa chiếc bánh chưng. Hàng xóm cũng nghèo, chỉ có 2 chiếc bánh chưng ăn Tết. Mẹ cắt nửa cái bánh chưng làm đôi, chia cho hai anh em tôi mỗi đứa một góc. Tôi ăn xong, mới nhớ ra, mẹ không có phần bánh chưng, mới hỏi: Mẹ không ăn bánh chưng à?. Mẹ quay mặt đi, trả lời: Mẹ ăn rồi!
Mùa xuân trong ký ức của tôi là ngọn đèn dầu giá 5 hào và một góc chiếc bánh chưng có lẽ cũng có giá tương đương.
Ngày nay, Tết có giá cao hơn nhiều. Tôi có người bạn làm doanh nhân, cho biết, mỗi năm sắm Tết hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Sắm Tết ê hề, nhưng rồi để đó, vì suốt mấy ngày Tết phải bươn bả chạy đi các nơi để ngoại giao, lễ Tết các sếp, thành ra chẳng có thời gian mà thưởng Tết. Một lần, người bạn than thở: Tôi bỏ ra cả trăm triệu mua Tết, mà chẳng biết mùa xuân là gì!
Năm nay là Tết Ất Mùi. Ngày 23 tháng Chạp, tôi lượn qua một vườn trồng đào, chọn mua một cành. Muốn hoa nở rộ vào đúng Tết, nên tôi trỏ vào một cây nho nhỏ, không có hoa nhưng đầy kín nụ. Người nông dân trồng đào ôn tồn: Anh khéo chọn đấy, cành này để nguyên trên gốc thì nụ hàm tiếu rất lâu, nhưng chặt cành cắm vào bình nước là chỉ hai, ba ngày sau sẽ bung hoa nở hết. Hỏi giá, chủ vườn nói: Lẽ ra tôi đòi bảy chục nghìn, nhưng để cho anh ba mươi nghìn lấy may.
Quả đúng như lời người trồng đào, đem cành đào về bày chơi, ngày 26 Tết hoa đã nở rộ kín khắp.
Người xưa từng nói, ở đâu có hoa đào, thì ở đó có mùa xuân. Cành đào hoa đã đầy cành. Mùa xuân đang hiện hữu. Chỉ 30 nghìn mua được cành đào - mùa xuân. Tôi tin, tất thảy những ai theo đạo Phật, chỉ cần số tiền rất nhỏ cũng có thể mua được mùa xuân, thậm chí mùa xuân hiện hữu trong tâm hồn, trong đất trời ban tặng mà không tốn một xu để mua.
Chu Minh Khôi
Giác Ngộ online xuân Ất Mùi 2015 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.