Mưa xuân

GN - Mấy hôm nay trời mưa như quen lệ. Vào khoảng nửa khuya về sáng, kéo dài đến trời trưa, có khi đến xế, mưa không lớn nhưng rỉ rả không muốn ngừng. Thời gian còn lại mây kéo âm u, liu riu gió lạnh thổi về, đường quê thưa thớt người đi. Thời tiết những ngày đầu năm không khác đang vào giữa mùa đông. Chưa năm nào như năm nay, trời đất đổi thay có vẻ hơi bất thường.

MUAXUAN.jpg

Buổi sáng ngồi uống cà-phê với Thiên - người bạn cũ - nơi quán quê, nghe có tiếng người bên cạnh nói chuyện với nhau về mùa màng: “Lúa đang lúc bón đồng nhưng nước ngập ruộng, đành chịu!”. Hóa ra, có những lúc mưa trái mùa đã không làm vừa lòng người. Thiên nói, như có vẻ bâng quơ: “Trời lạ thiệt! Lúc thì mưa, lúc thì âm u suốt mấy tháng liền, chỉ nắng lên được mấy ngày cận Tết. Đầu năm tưởng nắng ráo, ai ngờ cũng chỉ được đôi ba bữa!”. Tôi buông xuôi: “Chuyện trời đất mà!”.

Năm nào về quê, tôi với Thiên cũng thường xuyên ngồi uống cà-phê nơi quán này. Năm ngàn một ly đen đá, ngồi lì cả buổi trời cũng không sao. Có khi buổi sáng, có khi buổi chiều, có khi cả hai buổi, khi Thiên bấm máy gọi “Cà-phê” là tôi mặc áo quần lội bộ tìm đến ngay. Họa hoằn mới có vài ba bạn khác, còn thì cũng chỉ hai đứa, chọn bàn ngồi ngó ra mặt đường. Thiên nói: “Cả năm ông mới về một lần, không uống bù sao được?”.

Bên ngoài trời vẫn mưa rỉ rả. Từng ngụm cà-phê đen không làm đủ ấm người. Trên dòng xe cộ thưa thớt lưu thông qua tỉnh lộ, tôi chợt nhận ra dáng người quen quen ngồi phía sau yên xe của một người rất lạ đang chạy vút qua. Người ấy là một cụ già không râu, không mặc áo đi mưa để bày ra bộ áo quần thuộc loại vải dày nhưng gần như nhàu nát, vác ngang cây gậy trên vai, đầu gậy treo lủng lẳng một gói bằng vải. Tôi chỉ tay theo chiếc xe chưa kịp hỏi thì Thiên đã nói: “Ông Chín Hiệt chớ ai! Lâu rồi mới thấy ổng về!”.

Ông Chín Hiệt trước đây là người hàng xóm với tôi. Cả đời không có một mụn con nối dõi nên bà con hàng xóm thường hay gọi đùa là ông Chín Nâng. Ông vốn là con của một vị tú tài cuối thời kỳ Nho học, và là em trai của một cán bộ cách mạng đã hy sinh trong cuộc chống Pháp khi đang là huyện ủy viên. Hai vợ chồng sống trong một ngôi nhà đã cũ với diện tích đất trồng hoa màu tương đối. Ông thích trồng cây cảnh, nuôi chim nhưng chỉ là tay ngang nên không thành công được việc gì. Thích giao lưu với những người trẻ tuổi hơn mình mà không ưa đàm luận với người đồng trang lứa hay lớn tuổi hơn nhưng không hợp ý, bởi ông trực tính, nói thẳng thừng những điều thấy không phải, chẳng sợ mất lòng ai.

Có một việc làm mà ông cho là chính đáng, cả xóm ai cũng biết nhưng không ai dám ra mặt tiếp tay chỉ vì không muốn “dây dưa” để sanh chuyện với “người ấy”.

Đó là ngay sát ranh nhà ông Chín Hiệt là nhà ông Tám Thiệu - vốn là con cô con cậu ruột, lại đồng tuổi. Khác với ông Chín Hiệt ít nói, ông Tám Thiệu suốt ngày không ngớt miệng, nổ tung trời nên có biệt danh là “Tám nổ”. Ông Tám Thiệu được cử làm Từ nhang khói cho ngôi miếu Bà. Sau ngày 30-4-1975, lúc kê khai lại ruộng đất để làm sổ đỏ, ông đã không ngần ngại khai số diện tích đất dùng để nhang khói cho miếu Bà thành đất riêng của mình rồi chia cho các con cất nhà trên đó. Đất nhang khói cho miếu Bà vốn đã có từ rất lâu đời ai cũng biết nhưng không ai muốn lên tiếng vì sợ miệng lưỡi của ông Tám Thiệu, vừa không biết giấy tờ chứng minh sở hữu đang ở nơi nào. Chỉ có ông Chín Hiệt dám đơn thương độc mã đứng ra tố cáo. Vậy là cả hai ông già cùng tuổi, con cô con cậu ruột trở thành hai kẻ “bất cộng đái thiên”, không ai muốn nhìn mặt ai. Sự căng thẳng kéo dài đến hơn cả năm trời, chúng tôi - một số thanh niên trong xóm - đã phải nhiều lần hàn gắn tình cảm giữa đôi bên mới tạm yên được.

Vợ chồng ông xin được một đứa con nuôi để hủ hỉ lúc tuổi già khi đứa bé vừa mới biết đi chập chững, cưng chiều rất mực. Không ngờ đứa bé lớn lên lại lung hoang dàn trời, hết ai chịu nổi! Khi đến tuổi nghĩa vụ quân sự, người con nuôi lung hoang của ông trở nên thuần tánh, tự nguyện xin lên đường nhập ngũ, không may đã hy sinh tại chiến trường Campuchia trong chiến dịch đánh Pol Pot - Ieng Sary cứu nạn diệt chủng nước bạn. Bà Chín được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hưởng trợ cấp thường xuyên và ưu đãi nhà nước. Ông Chín Hiệt thừa hưởng trợ cấp của người anh ruột đã hy sinh. Tiền trợ cấp của ai người nấy giữ.

Càng về già, vợ chồng ông Chín Hiệt càng cảm thấy đơn độc. Ông đánh tiếng kêu gọi các cháu về giao nhà cửa đất cát chỉ với một điều kiện là nuôi vợ chồng ông suốt đời và không được bán tài sản. Nói là nuôi, nhưng vợ chồng ông ai cũng có tiền trợ cấp của nhà nước, không phải tốn kém gì, vậy mà không có người cháu nào chịu nhận. Lý do đơn giản là người nào cũng viện cớ bận công ăn việc làm, không thể về quê gặm đất để sống. Trên thực tế, họ nghĩ không tội tình gì gánh lấy của nợ khi tương lai chẳng hưởng chút lợi lộc nào.

Giao nhà đất không được, ông Chín Hiệt đâm ra bất mãn. Không ai chịu nhận thì ông cứ cắt ra, bán dần để ăn tiêu cho sướng một đời, mai mốt chết rồi có ai mang theo được đâu? Và ông đã làm thật! Có đồng tiền trong tay, vài người trong số các cháu của ông tìm đến ngon ngọt hỏi vay, hứa sẽ lãi suất đàng hoàng. Ông xiêu lòng! Dù sao cũng cháu mà! Nhưng có vay mà không có trả, nói chi đến phần lãi suất! Ông cáu gắt thề: “Không có cháu gì nữa hết!”.

Ông Chín Hiệt trút sự bất mãn, nỗi cô độc vào việc vui chơi bên chai bia chén rượu, nhưng cũng biết dừng lại đúng lúc chứ không thả giàn bất kể trời đất. Có điều, một mình ông không bao giờ uống, mà tự bỏ tiền ra mua bia, mua mồi rồi gọi đám thanh niên như con cháu cùng đến chung vui. Hoặc khi nhà này hoặc khi nhà khác, ít khi tổ chức tại gia đình vì bà Chín Hiệt lúc này đã yếu, mắt mờ, lại mang chứng bệnh quên trước quên sau. Lợi dụng hảo ý của ông, một số người hay gạ gẫm ông để được ăn nhậu mà không phải mất tiền.

Lúc bấy giờ tôi đã vào Sài Gòn, không biết giai đoạn tiếp theo của ông Chín Hiệt như thế nào. Lâu lâu mới có dịp về lại quê, nghe được bà con xóm giềng cho biết vậy nên cũng hay vậy. Đến nhà thăm vẫn cũng không có gì khác xưa, ngoại trừ việc vợ chồng ông có già hơn, khu đất vườn nằm sát nhà đã có chủ khác.

Bẵng đi một thời gian dài tôi mới có dịp về lại thăm quê. Vợ chồng ông Chín Hiệt đã không còn là cư dân trong xóm nữa. Tất cả khu đất của ông thấy chia thành nhiều lô, có lô đã có nhà xây san sát, có lô mới xây tường rào, có lô còn để hoang cỏ dại mọc đầy. Ngay ngôi nhà cũ của ông cũng là của chủ mới, sửa lại gần như khác xưa. Ông Tám Thiệu vẫn còn ở ngôi nhà cũ nhưng thiếu bàn tay chăm sóc nên cây dại lấn sát mép sân, vỉa hè. Ông ra vào âm thầm như một chiếc bóng, cả ngày không nghe được tiếng nói canh cang như thuở nào.

Có một chút gì vừa như nuối tiếc, vừa như lạ lẫm đang âm thầm len lỏi vào tâm tư tôi. Thời gian vô tình trôi qua để lại sau lưng những vết hằn thật tàn nhẫn.

Nhâm nhi ly cà-phê đen nơi quán quê quen thuộc, tôi hỏi Thiên ông Chín Hiệt đã bỏ xóm đi đâu rồi? Thiên buông hai tiếng “tội nghiệp” trước khi kể đại lược cho tôi nghe. Bà Chín đã mù, lú lẫn không còn nhớ được gì, thêm chứng bệnh liệt nên chỉ nằm một chỗ. Cháu của bà thay phiên nhau đến chăm sóc nhưng thấy có nhiều bất tiện nên muốn đem về nhà mình. Ông Chín Hiệt nghĩ không thể theo vợ nên bán tất cả nhà cửa đất đai, lấy một số tiền xây lại mồ mả ông bà tổ tiên, một phần giao cho cháu vợ xây một căn nhà nhỏ cho bà Chín, phần còn lại đem gởi tiết kiệm ngân hàng rồi tự mình xin vào viện dưỡng lão. Bữa chia tay, ông đến nhà một người lối xóm hỏi mua con gà, mượn chỗ nhà ấy làm tiệc mời một số thanh niên đến uống bữa chia tay. Người hàng xóm không bán gà, chỉ tặng cho ông. Từ đó, ông đi. Lúc đầu thỉnh thoảng còn thấy ngồi xe ôm về thăm lại xóm giềng, nhưng dạo sau này, lâu rồi, không ai thấy ông về nữa.

Tôi chợt nhớ hồi trước bà Chín vừa làm nghề bún vừa làm nghề đổ đường tán. Không con, bà rất yêu đám trẻ nhỏ trong xóm, thường hay kêu đến cho ăn những chén bún tươi vừa mới vớt ra khỏi lò, hoặc phân phát mảnh vụn của những tán đường vừa được lấy ra khỏi khuôn. Bà coi những đứa trẻ nhỏ trong xóm như con của mình. Những đứa trẻ nhỏ ngày ấy nay đã là những người lớn như chim trời đã đủ lông đủ cánh tung bay khắp nơi.

Vợ chồng lúc về già, bà vẫn chăm sóc chu đáo cho ông từng mỗi bữa ăn. Ông Chín ưa thích chơi cây cảnh. Có lần ông mua phân ure về bón cây, số phân còn lại cho vào lọ để dành. Bà Chín tưởng là bột ngọt nên bữa nào nấu ăn bà cũng nêm thứ “bột ngọt” ấy vào. Ông Chín ăn phân ure mà không biết, càng ngày càng thấy mập ra, nhưng là cái mập giống như người bị sỉnh. Cho đến khi nhà có đám giỗ, đám cháu của bà Chín về phụ bếp nấu nướng, hỏi bột ngọt để đâu, bà thản nhiên chỉ lọ phân ure, lúc này mới bật ngửa ra.

Gần cuối một đời người sao lại có thể mỗi người một nơi cô độc?

Vợ chồng ông Chín Hiệt tách rời khỏi xóm âm thầm như cây cao bị cắt bỏ mất một cành, có thể nhiều người vô tâm không còn nghĩ tới, nhưng sao tôi vẫn thấy thương thương cành cây đã bị cắt bỏ!

“Ông Chín Hiệt chớ ai! Lâu rồi mới thấy ổng về!”. Câu nói ấy của Thiên đã đưa tôi về với cả một vùng trời dĩ vãng. Dường như chỉ mới đây thôi, có xa xôi gì cho lắm!

Thiên đặt ly cà-phê đen lên trên bàn sau khi đã uống một ngụm nhỏ, mắt vẫn nhìn bâng quơ ra đường: “Ổng về thăm bả, chắc không ghé lại xóm đâu!”.

Câu nói của Thiên như một điều xác nhận thực tế phũ phàng!

Cơn mưa dai dẳng đầu năm, vẫn không thấy có triệu chứng ngừng lại. Tôi nghe có chút lành lạnh đang ngấm vào thân!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ý nghĩa đời người

Ý nghĩa đời người

GNO - Mục đích của đời người là gì? Đây là câu hỏi rất phổ biến mà người ta thường hay hỏi. Có một số người đã trả lời câu hỏi này theo cách của họ, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn các bậc thức giả.
[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

[Video] Tăng Ni, Phật tử TP.HCM về Việt Nam Quốc Tự ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

GNO - Sáng ngày 16-9, tại Trụ sở Ban Trị sự - Việt Nam Quốc Tự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phố. Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm phát biểu kêu gọi và đóng góp ủng hộ.

Thông tin hàng ngày