Nhìn cuốn lịch sắp hết, bỗng giật mình, Tết sắp đến nơi rồi. Trong tâm trí chợt nhớ đến ngày xuân năm nào mình còn nhỏ, nghe ba má than Tết nhứt làm chi cho mệt. Lúc đó, mình thấy người lớn hơi lạ kỳ, Tết vui thấy mồ mà sao lại không thích chứ. Tha hồ chơi, nhứt là cái trò đánh bầu cua cá cọp thì chỉ có ba ngày Tết mới được chơi; đó là lệnh nghiêm nhặt nhất của ba tôi đó. Đặt tiền vô con cua mà lòng hồi hộp, trợn mắt bặm môi nhìn chăm chăm vào hai bàn tay của người anh Hai lắc lắc, còn miệng anh thì cười mím chi. Tôi la lên bộ anh tính ăn gian sao mà cười hoài vậy; nhớ lại thấy mình tức cười thiệt. Chơi cái trò này mê đến nỗi má kêu năm lần bảy lượt mà không đứa nào chịu đi ăn cơm. Nghĩ lại thấy sao mình giống y chang mấy đứa con của ông trưởng giả mê chạy giỡn trong Nhà lửa thế.
Lớn lên theo thời gian, mải miết với việc học hành, rồi đến công danh sự nghiệp. Tất cả những thành công và hạnh phúc luôn mỉm cười với tôi. Nhưng (mọi thứ rắc rối thường bắt đầu bằng chữ "nhưng" này) không phải mọi điều trong cuộc sống này lúc nào cũng xuôi chèo mát mái như ta tưởng. Dù có tài giỏi đến đâu thì không ai học được chữ ngờ mà. Cuộc sống của cả gia đình tôi bị dốc ngược đến tận cùng, tôi buồn chán đến mức không thiết sống.
May thay, trong vực thẳm khổ đau, còn chút xíu căn lành từ thuở nào, tôi đã vớ được cái phao của Đức Phật, cả một tủ kinh sách của má tôi để đó, tôi tha hồ nghiền ngẫm. Lần đầu đọc kinh Tứ Thập Nhị Chương, nghe Đức Phật nói rằng Ngài xem địa vị chức tước như bụi bặm qua khe của, xem y phục lụa là như tấm vải rách, xem thế giới Đại thiên như hạt cải..., tôi chợt thấm thía những thứ vô thường trên thế gian này:
"Ngoảnh lại cuộc đời như giấc mộng,
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không".
Tôi chẳng nhớ đọc hai câu này ở đâu, nhưng thấy thích thì nó tự động lưu trong tâm thức mình. Nhưng nói gì thì nói, vật chất dễ dàng quăng đi; nhưng hàng ngày phải nhìn thấy cuộc sống của cha mẹ anh em bỗng dưng quá đỗi cực khổ, vì của cải trong tay một sớm một chiều hóa thành con số không to tướng, lòng tôi quặn đau khôn cùng.
Thế rồi điều may mắn lại đến với tôi lần thứ hai một cách thật tự nhiên và phước duyên này đã hóa giải được nỗi khổ của tôi. Một thiện hữu tri thức tìm đến tôi thật đúng lúc, "Người bạn vàng" này dẫn tôi đến học đạo với sư phụ. Trong một tích tắc, đạo lực từ bi và cuộc sống thanh thoát của Người đã vực tôi ra khỏi hố sâu khổ đau. Giây phút trước chưa gặp minh sư thì đối với tôi "Ở nơi đây là địa ngục", nhưng giây phút sau đã chuyển hóa thành "Ở nơi đây thế giới an lành". Mùa Xuân chợt ùa đến với tôi một cách chớp nhoáng vô cùng như thế đó.
Nương vào sự khai tâm mở trí của minh sư, từng trang kinh Pháp Hoa được trải rộng trong cuộc đời tôi là từng mùa Xuân đong đầy nơi cõi lòng tôi, từng câu kinh tiếng kệ của Thầy là từng đóa hoa xuân thật dễ thương đã cho tôi niềm thanh thản kỳ diệu trong Nhà lửa tam giới, từng lời pháp giáo dưỡng của Thầy là từng giọt nắng Xuân sưởi ấm tâm hồn tôi vượt qua biết bao khó khăn đối diện … Nhiều đóa hoa xuân nho nhỏ lần lượt nở hương thơm nơi vườn xuân be bé của tôi trong mạch sống đạo vị trải qua những năm tháng cũng khá dài. Rõ ràng thử thách đến với tôi không phải là những điều tôi mong mà không được, mà là những điều tôi có mà không mong. Chính cuộc sống an lạc trong pháp Phật mà tôi đang được tận hưởng, tôi không dám mong đợi; chỉ một lòng làm tôi cho Phật và điều có được ngoài sự mong chờ quả thật vô cùng lớn lao. Mùa Xuân của tôi bình dị, bình an, bình lặng thế đó. Mình nhỏ nhoi, tài hèn sức mọn, mà được sống trong tâm từ bi của chư Phật, chư Bồ tát, minh sư và các pháp lữ đồng hành, tạo thành mùa Xuân trên từng bước thâm nhập Phật pháp, quả thật còn gì an lạc hạnh phúc hơn nhỉ.
"Không mong mà có" gợi nhắc tôi liên tưởng đến lời bộc bạch tràn đầy niềm hoan hỷ của Ngài Đại trí Xá Lợi Phất một thuở nào trong hội Pháp Hoa rằng: "Nay con theo Đức Thế Tôn, nghe được pháp chưa từng có, trước chưa hề nghe, trong lòng hớn hở được điều chưa từng có… Ngày nay mới biết mình thiệt là Phật tử, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh, được pháp phần của Phật". Và Đức Phật đã thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất trong đời vị lai sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai. Ngài đã đón nhận được mùa Xuân vĩnh hằng, quỳ dưới chân Phật mà bày tỏ tấm lòng thương kính và biết ơn vô hạn với đấng Từ Phụ rằng dù cho Ngài có dùng đầu đội, hai vai cõng vác trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp, thì cũng không thể đền đáp được công ơn vô bờ bến của Đức Thế Tôn.
Còn mùa Xuân siêu tuyệt hơn nữa, chẳng cần một lời nói nào cả mà sắc xuân đã vượt qua thời gian vô tận, không gian vô cùng; hồn xuân vẫn còn nuôi dưỡng vô lượng vô biên sinh mạng tương tục của tất cả những hành giả bước theo trí tuệ giác ngộ giải thoát của Đức Như Lai. "Niêm hoa vi tiếu", một nụ cười Xuân bất tận của Đức Tổ Ca Diếp khi Đức Phật đưa lên cành hoa, ngôn ngữ trần gian trở nên ngây ngô.
Đáng lẽ nhìn thấy nụ cười xuân của Đức Tổ Ca Diếp quá tuyệt vời thì không còn gì để nói nữa; nhưng (lại nhưng!) cái máu chúng sanh còn hơi nhiều, không biết trụ lại được bao lâu với nụ cười xuân thấm đẫm thiền vị đến thế. Thôi thì thêm một chút nữa, xem thêm bài kinh Pháp Cú 204 nhắc nhở những điều gần gũi đời sống thường nhật của hạng phàm phu tôi mà cũng thật vô cùng quý báu:
Không bệnh lạc tối thượng
Biết đủ giàu tối thượng
Thành tín bạn tối thượng
Niết bàn lạc tối thượng.
Ba điều tối thượng ở trên có lẽ dễ nhận ra, còn Niết bàn tối thượng thì xin phép mở ngoặc thêm một chút. Niết bàn ở đâu nhỉ? Niết bàn hay mùa Xuân hằng hữu ở trong ta, ở xung quanh ta, khi tâm hồn mình trong sáng, không dính mắc ngã chấp, pháp chấp, không kỳ thị phân biệt, không phiền não nhiễm ô.
Còn chư vị Bồ tát dồn tất cả tâm trí để làm cho chúng sanh được an lạc, luôn làm việc vì lợi ích cho mọi người, lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc của chính mình. Các Ngài kiến tạo Tịnh độ, xây dựng mùa Xuân trên vạn nẻo đường đời trong từng phút giây của cuộc sống này. Xin chúc tất cả quý pháp lữ luôn tận hưởng được hương xuân trên từng bước chân đi ở cõi hồng trần nhé.