Sông Hằng là dòng sông Mẹ, là lịch sử, là tâm linh của Ấn Độ. Ba lần sang đất Ấn, tôi đều dành thời gian tìm đến những thánh địa dọc theo hơn 2.500km dòng sông. Năm thánh địa hay 5 khúc ca không thể quên trong đời mình…
Khúc một: Varanasi
Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên về sông Hằng ngay trong lần đầu đến Ấn Độ theo đoàn hành hương do thầy Huyền Diệu đích thân dẫn dắt. Sáng sớm mù sương, thầy đã thức mọi người dậy để kịp ngắm mặt trời mọc trên sông. Chúng tôi đi xuống những bậc đá của một trong hàng chục ghat (bến sông) trải dài suốt dọc hơn 6km, vừa đi, vừa quan sát những đám giàn thiêu chuẩn bị nổi lửa. Được rắc tro xác trên dòng sông thiêng liêng sau khi lìa trần là nguyện ước số một với người theo Ấn giáo. Những ngọn lửa thiêu xác bập bùng trong màn sương đang tan dần là một cảnh tượng kỳ bí của xứ Ấn.
Thầy thuê một chiếc thuyền máy đưa chúng tôi ra xa bờ. Thuyền chạy một đoạn dài qua mặt tiền hàng trăm tòa nhà cổ, trong lúc vầng mặt trời đỏ ối từ từ nhô lên từ phía bên kia sông. Một cảnh tượng huy hoàng mà tính thiêng được tôn lên bởi sự ngưỡng vọng của hàng ngàn khách hành hương đang lặng ngắt ngước lên từ các ghat và những con thuyền.
Khi nắng chiếu vàng rực các tòa nhà và thềm đá của các ghat, thì những người tắm sông đã tràn ngập các bến. Y phục nhiều màu của cả đàn bà lẫn đàn ông làm nên một bức tranh lộng lẫy trên nền đá cổ rực nắng và nước sông đỏ lựng phù sa. Được một lần trong đời tắm mình trên con sông thiêng để rửa sạch tội lỗi là nguyện ước của người Ấn giáo. Nhiều người tin rằng nghi thức rửa tội của Do Thái giáo và Cơ đốc giáo có ảnh hưởng từ phép tắm sông Hằng ở Varanasi đây.
Lần thứ hai tới Varanasi, có dịp băng qua thành phố từ nhà ga xe lửa đến bờ sông Hằng, tôi mới trải nghiệm hết nghịch lý giữa đời sống tâm linh phát triển và đời sống thực tế lạc hậu ở đây: Những đường phố, ngõ ngách chen chúc, đầy cứt bò (bò thoải mái chạy rông trên phố vì là vật cưỡi của vị Thần tối cao) và bùn, những ông già hom hem gầy đen còng lưng kéo xe...
Khúc hai: Haridwar
Đây là nơi sông Hằng rời vùng núi Himalaya để ào xuống đồng bằng, nơi cuối cùng nó còn giữ dòng nước xanh trong vắt. Đây là thánh địa quan trọng nhất trên sông, nơi diễn ra lễ hội Kumbha Mela 12 năm một lần tập trung đến vài triệu tín đồ Hồi giáo vì được cho là có dấu chân Thần Shiva lưu trên vách đá. Nhưng chẳng cứ ngày hội, mà tất cả mọi ngày trong năm, cứ chiều xuống là khách hành hương kéo nườm nượp đến khu vực đền thờ trên sông làm lễ, nhã nhạc tụng niệm vang lừng, đèn đuốc huy hoàng. Rồi hàng trăm chiếc thuyền con chở đèn nến và mâm hoa được thả xuống nước, kéo nhau trôi xuôi dòng, tạo thành con sông ánh sáng thật diễm lệ. Quang cảnh như thế về sau tôi thấy được mô phỏng trên dòng sông Hương trong dịp Festival Huế.
Tại Haridwar, tôi có dịp trú ngụ trong một khu ashram rộng lớn. Ashram là cơ sở hành lễ, tập yoga, giảng đạo, hành hương, kiêm dưỡng lão miễn phí do các tổ chức Ấn giáo lập nên khắp nơi, mỗi tổ chức do một vị cao nhân sáng lập, quy tụ được hàng ngàn, hàng vạn tín đồ. Các vị guru (đạo sư) có kênh riêng trên truyền hình để giảng đạo. Trong thời hiện đại, người dân Ấn vẫn hết sức mộ đạo.
Khúc ba: Rishikesh
Phía trên Haridwar, nơi sông Hằng chuẩn bị hạ sơn là thánh địa nổi tiếng Rishikesh. Cảnh thiên nhiên tuyệt vời, với núi đá hai bên, với những ghềnh nho nhỏ, rồi con người tô điểm thêm bằng những ngôi đền, những chiếc cầu treo thơ mộng, lại mọc lên rất nhiều trung tâm dạy yoga, trung tâm chữa bệnh bằng thuốc thảo mộc truyền từ thời Kinh Veda (có tên là ayurveda), Rishikesh hấp dẫn khách du lịch quốc tế, nhất là từ khi nhóm nhạc Beatles đến đây trú ngụ hàng tháng trời. Tôi gặp ở đây nhiều cô gái da trắng, mắt xanh tự hào đi lại trong bộ trang phục truyền thống Ấn, gấu váy kéo lê trong bùn; có cô cặp với anh phục vụ bàn người bản xứ, chiều chiều sau bữa ăn hai người ra sông tắm, bơi lặn vui như con trẻ. Lần duy nhất tắm sông Hằng của tôi chính là ở đây, dầm mình trong mát rượi của dòng nước trong xanh, cái sự thiêng tôi chưa biết thế nào nhưng cái sự thanh khiết của tuyết tan trên Himalaya chảy xuống thì thấm sâu vào da thịt!
Ở đây tôi dự một buổi lễ chiều đẹp nhất trên sông Hằng, khi ráng chiều bắt đầu nhạt sau dãy núi trước mặt, bài đạo ca của viên chủ tế lên đến hồi say mê nhất cuốn theo dàn đồng ca của các lễ sinh áo đỏ, ông nổi lửa cây đèn thần trước tượng thần Shiva uy nghi trên sông. Đó là lúc bắt đầu nghi lễ rước lửa, cây đèn được mọi người truyền nhau, đưa tay vào ngọn lửa rồi áp lên trán mình lấy khước. Và những con thuyền đèn bắt đầu hạ thủy...
Khúc bốn: Gangotri
Thánh địa có độ cao nhất trên sông Hằng là Gangotri, cao trên 3.000m. Tên của nó có nghĩa: Nơi phát tích của sông Hằng. Thực ra, chính xác con sông thiêng lấy nước đầu nguồn từ một cái hang cao gần 4.000m ở trên băng hà Gangotri, có tên là Gaumukh (Mõm Bò), nhưng đường lên rất gian nan, phải ngồi trên lưng những con ngựa địa phương thành thạo địa hình và có giỏi leo trèo trên băng giá mới lên nổi, nên khách hành hương thường chỉ dừng ở thị trấn Gangotri để chiêm bái.
Đường lên Gangotri là hàng trăm cây số đèo cao, vực thẳm, phong cảnh kỳ thú, với rừng thông xanh ngắt, vách đá dốc đứng sâu hàng trăm mét xuống dòng nước sôi sục tung bọt trắng bên dưới, với những cánh đồng lúa mì vàng rực bất ngờ hiện ra ở một khúc quanh, với rặng núi tuyết cao ngất im lìm vĩnh cửu.
Khúc năm: Patna
Trên đường ra biển cả, sông Hằng mở ra rộng mênh mông ở nơi này. Cây cầu dài khoảng 5,5km là một thắng cảnh của nó. Đứng trên cầu nhìn sang bên kia không thấy bờ, nhìn lên thượng nguồn, nhìn xuống hạ nguồn, du khách trải nghiệm một cảm giác kỳ lạ: Giây phút nhận biết cái bao la của lòng mẹ. Mẹ sông. Phải, người Thái, người Lào cũng gọi dòng sông lớn nhất của họ là Mẹ Koong (Mekong), và người Việt đồng bằng Bắc bộ thì gọi sông Hồng là sông Cái (Mẹ) mà.
Patna - thủ đô của bang Bihar, chính là Palatiputra, trong kinh sách Phật giáo gọi là Hoa Thị Thành, cố đô của Vương quốc Maurya nhiều lần in dấu chân Phật Cồ Đàm, cũng là cố đô của triều Ashoka (A Dục vương) vị vua có công lớn nhất xiển dương đạo Phật thời trước Tây lịch. Trong thời hiện đại, Patna nổi tiếng vì là nơi Thánh Ghandi khởi đầu cuộc đi bộ đòi độc lập cho nước Ấn. Chỉ cách Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), thánh địa hàng đầu, nơi Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật, có hai trăm cây số, nên Patna cũng là điểm thu hút đông đảo du khách từ khắp thế giới.
Một số tín đồ còn vục nước sông Hằng uống như uống nước phép, mặc dù bằng mắt thường có thể thấy dòng sông đục ngầu, chở vô số rác bẩn, và những nghiên cứu khoa học cho biết sông Hằng là một trong các con sông ô nhiễm nhất thế giới (song cũng lại chứa những hóa chất có tính năng diệt một số khuẩn như khuẩn bệnh tả và kiết lỵ).