Trong những triển lãm nhóm năm 2010, họa sĩ - nhà giáo Đặng Thị Dương gây được sự chú ý với những tranh vẽ hoa, phong cảnh mềm mại, nữ tính và loạt tranh về những con thú, trong đó có con mèo ngộ nghĩnh, đáng yêu, được chị vẽ với tình cảm thật đặc biệt. Để vẽ chúng, phải có “người mẫu” như chị kể:
- Có lẽ tôi có duyên vẽ những con thú như: cọp, gà, heo, ngựa, chim, bò cộ, dê, chuột, rắn... nhưng với tôi, dễ thương nhất vẫn là mấy chú mèo. Để vẽ được mèo, nhất định trong nhà phải có “người mẫu”, mình phải chăm “người mẫu”, khi “người mẫu” sinh con càng cực vì chúng... Tôi thường quan sát “người mẫu”, tìm ra tính cách của chúng: khi còn bé tinh nghịch và phá phách, đôi mắt lúc nào cũng tròn xoe, chiếc đuôi thẳng góc với thân mình; lớn lên trầm tĩnh hơn, đi đứng khoan thai, đủng đỉnh... Đặc biệt “người mẫu” cái rất chăm con, luôn “grừ grừ” nhắc đám con không được rời xa mẹ.
* Trong loạt tranh mèo đã công bố của chị, bức nào chị ưng ý nhất?
- Đó là bức Mèo mun câu cá. Qua lăng kính của tôi, mèo đã được nhân cách hóa. Có lần nhìn chú mèo say mê nghịch với con cá bằng chiếc đuôi của mình, tôi nghĩ ngay cách thể hiện chú mèo mun này hệt một anh chàng đang câu cá. Vẽ xong, tôi thích lắm.
Tôi còn thể hiện những khía cạnh khác nhau của đời sống tình cảm mèo, chẳng hạn tình mẫu tử với Mẹ con mèo, tình yêu gia đình với Gia đình mèo... Tôi cũng thích các bức Mèo rước đèn trung thu, Mèo bắt bướm, Mèo dưới giàn hoa mướp...
* Chị có xem và thích tranh mèo của các họa sĩ khác?
- Tôi ít được dịp xem tranh vẽ mèo của họa sĩ nước ngoài, nếu có chỉ gặp những chú mèo vẽ tả thực nên chưa tâm đắc lắm. Song tôi rất thích tranh mèo của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Sáng. Hai họa sĩ bậc thầy ấy đã khéo phối hợp nét hòa quyện cùng những mảng màu đậm chất dân gian, điều mà tôi đã học tập rất nhiều khi sáng tác.