Là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại hiện nay của Vĩnh Phúc, đình làng Thổ Tang, xã Thổ Tang huyện Vĩnh Tường xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17 theo kiểu chữ đinh, quy mô khá bề thế, gồm phần hậu cung và một tòa năm gian hai dĩ. Ðình thờ Lân Hổ Ðô Thống Ðại Vương, vị tướng có công đánh giặc Nguyên Mông thời Trần. Di tích này là điển hình cho nghệ thuật kiến trúc đình làng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cũng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc dân gian. Ðình đã được Bộ Văn hóa trước đây (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ghi vào danh mục di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964 và năm 1990 được nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa. Trong đình hiện còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc gỗ độc đáo và hết sức tinh tế trên các thành phần kiến trúc: thân kẻ, thân bẩy, thân rường. Ðây là những di sản vật thể, minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất học, đất nghề, đất giao thương với trăm miền.
Hằng năm, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật trong nước và ngoài nước cùng các đoàn sinh viên chuyên ngành văn hóa và nghệ thuật tạo hình đã về đây khảo sát, tìm hiểu nét kiến trúc của đình làng và những tác phẩm chạm trổ nghệ thuật trang trí tại đây. Tiêu biểu là bức chạm: Ngày hội xuống đồng, ở ngay hè đình, cạnh cửa ra vào, dài 1,35 m, rộng 0,7 m, miêu tả ngày hội xuống đồng thuở trước với nhiều nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội thu nhỏ trong một ngôi làng mà trung tâm là người đang cày ruộng với trâu, cho thấy một không khí ngày hội xuống đồng đầu năm tưng bừng. Bên cạnh gian đình trong phía phải là bức chạm Bắn hổ, thể hiện sức mạnh, sự mưu trí của con người chinh phục và làm chủ tự nhiên, ngay cả với những loài thú dữ. Bức chạm Ðá cầu tả cảnh đá cầu, được đặt ở ngách cột cái gian cạnh hình vuông, mỗi chiều dài 0,4 m, thể hiện hình ảnh hai người đá cầu khá đẹp cùng những động tác vô cùng sống động. Thu hút sự quan tâm của du khách khi đến thăm đình là bức chạm Múa có kích thước 1,05 m x 0,7 m với hai người đang trong động tác múa uyển chuyển, đầu chít khăn, tay cong xòe rộng; một người ngồi xem tay vuốt râu, dưới là một con rồng. Nhất là ba tầng chạm trổ tinh tế của cửa võng đình làng. Tầng trên chạm Cửu Long tranh châu. Tầng giữa chạm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên có hai phượng đang bay cùng nhiều đao mác vần mây. Tầng dưới chạm lục tiên, cửu trùng, gai dứa rất đẹp mắt và sống động. Trên cửa vọng treo bức hoành phi Hòa Vi Quý (Hòa là quý). Bên trái cửa võng gần hậu cung còn có bức chạm cảnh sinh hoạt của đời sống nông thôn Việt Nam dài 1,4 m, rộng 0,75 m, thể hiện cảnh một gia đình với trung tâm bức chạm là hình ảnh một đôi trai gái đang tình tự. Bốn góc bức chạm tả các sinh hoạt trong cuộc sống gia đình: từ cảnh chồng đèn sách, vợ chăm con... Có thể nói, những bức chạm này không chỉ đạt tới độ điêu luyện trong kỹ thuật điêu khắc gỗ dân gian, từ bố cục, tạo dáng, đục bong chạm thùng mà còn mang những nội dung và triết lý nhân sinh sâu sắc.
Chùa Tùng Vân nằm trên địa bàn thị trấn Thổ Tang là ngôi chùa cổ, lớn nhất trong khu vực huyện Vĩnh Tường, được xây dựng cách đây 327 năm vào thời vua Lê Huy Tông và cũng được ghi vào danh mục di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964 như đình Thổ Tang, được nhận bằng Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Trải qua những thăng trầm, biến cố, chùa Tùng Vân đã nhiều lần được trùng tu và lần gần đây nhất là đợt khởi công tu bổ năm 2008. Trong chùa hiện vẫn lưu giữ nguyên vẹn nhiều bảo vật như chuông đồng, khánh đồng... và nhất là một số pho tượng bằng đất nung, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm. Khác với kiến trúc của nhiều ngôi chùa trong vùng, chùa Tùng Vân được xây dựng gồm bảy gian, hai dĩ với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá.
Cùng với công cuộc trùng tu lại chùa, sắp tới, tại chùa sẽ khởi công chế tác pho tượng Ðức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni từ nguyên khối ngọc xanh nặng hơn 18 tấn, chiều cao 3,3 m, rộng 2,1 m, dày 1,2 m. Khối ngọc tạc tượng được cho là quý hiếm và lớn nhất trong các khối ngọc tìm thấy tại tỉnh Yên Bái và cũng là khối ngọc lớn nhất được tìm thấy tại nước ta đến thời điểm này. Ðại đức Thích Nguyên Cao, trụ trì chùa Tùng Vân cho biết: "Tượng Phật gồm pháp tòa và đài sen sẽ được tạc liền khối dựa theo nguyên mẫu của pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đất nung của chùa". Hiện tại, khối ngọc đã được vận chuyển về chùa Tùng Vân và một nhóm các nghệ nhân điêu khắc và chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực đá quý trong nước sẽ làm việc liên tục để hoàn thành pho tượng Phật đúng vào dịp cả nước kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 tới. Nhóm tạc tượng đã đưa ra nhiều phác thảo, điều chỉnh nhiều lần mô hình tượng nhằm thể hiện được hình mẫu Ðức Phật đẹp và uy nghiêm nhất trên nền khối ngọc xanh quý hiếm.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cổ bằng đất nung tại chùa Tùng Vân.
Trong các di tích ở thị trấn Thổ Tang còn có đền Trúc Lâm xây dựng trên vùng rừng trúc xưa (thuộc khu nam). Theo ngọc phả ghi lại, đền Trúc Lâm cũng có từ thời Hậu Lê, kiến trúc nhỏ, kiểu tứ trụ chồng bồn. Ðền là nơi thờ cúng Lân Hổ hầu đô thống Ðại vương và thân mẫu Phùng Thị Dong. Ðền Trúc Lâm đã qua sáu lần tu sửa, bên trong còn lưu nhiều cổ vật quý giá, trong đó có một bức hoành phi và tám bản sắc phong thời kỳ nhà Nguyễn. Cùng với đình làng Thổ Tang, chùa Tùng Vân, đền Trúc Lâm đã tạo thành một quần thể di tích độc đáo, một điểm đến của du lịch văn hóa, tâm linh của Vĩnh Phúc.