Nếu ngày mai bạn chết

Giác Ngộ - Đã có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi “Nếu ngày mai tôi chết tôi sẽ ra sao?” chưa? Nếu ai đã đặt được câu hỏi đó vào mỗi ngày thì người đó không những sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc, an lạc mà còn mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.

>>> Cám ơn vô thường!

>>> Bạn lớn và lời sách tấn cuối ngày

>>> Trước cái chết

1.

Nếu biết trước ngày mai bạn chết bạn sẽ làm gì? Nếu là một người sống vị tha thì người đó sẽ dành trọn thời gian ngày cuối cùng đó để làm nhiều điều công đức với tâm niệm đem lại hạnh phúc cho mọi người mà không chút tính toan. Vì vậy cứ mỗi buổi sáng thức dậy bạn đều khởi lên câu nói : “Nếu ngày mai tôi chết” và hành động như trên thì chắc chắn một điều rằng phước lành mà bạn tạo được vô cùng to lớn.

w1ngay1.jpg

Nếu chỉ còn một ngày để sống, thì hãy sống trọn vẹn một ngày được là người, bạn nhé! - Ảnh minh họa

Nếu biết trước ngày mai bạn chết tâm trạng bạn như thế nào? Có lẽ bạn sẽ rất hoảng hốt và lo sợ phải không? Đó là tâm lí chung của những người không hiểu được đạo Phật. Đức Phật có nói: “Cuộc đời này là vô thường, có sinh phải có tử (hữu hình tất hữu hoại). Mạng sống con người theo thời gian đang đi dần vào cái chết, thế nhưng có mấy ai trong chúng ta ý thức được điều đó:

“Không mời tự đến, không đuổi tự đi

Đến như thế nào, đi như thế đó

Đến như gió, hợp tan như mây

Gió mây vô thường, vấn vương chi khổ

Chúng ta sinh ra trên đời này không ai mời mà tự đến, cũng không ai đuổi mà tự đi, đến như thế nào đi như thế đó. Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này như gió thoảng mây bay, vốn vô thường, giả tạm. Biết như vậy thì sự đến và đi không có gì phải bận tâm, phải đau khổ.

Chính vì không nhận rõ về chân tướng hiện thực của cuộc đời nên con người thường lo sợ cái chết và tìm cách chạy trốn thần chết. Thật là điên rồ phải không?

Nếu ta nhìn nhận được điều đó thì ta có thể thản nhiên chấp nhận cái chết. Nếu muốn có cái chết thanh thản thì suốt cả cuộc đời này phải làm nhiều điều phước thiện và tránh các việc ác.

Khi thấy người khác sai lầm thì hãy nên nhìn lại bản thân mình, đó mới là người có trí tuệ. Đức Phật dạy: “Tức giận người khác thì cũng giống như người đi lạc vào núi không có đường ra”. Sự tức giận ấy không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm bản thân mệt mỏi và tâm trí rối loạn.

Nếu biết trước ngày mai bạn chết bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Có lẽ bạn sẽ nghĩ đến chuyện buồn phải không vì cuộc đời này buồn nhiều hơn vui mà! Bạn cho rằng đời mình sao mà khổ, sao mà bất công quá! Để rổi từ đó chán ghét cuộc đời này. Nhưng bạn nên nhận thức rõ về cái khổ của thế gian theo thái độ nhận thức và xử lý của Phật giáo.

Trước hết là phải “biết khổ” - tức là biết thế gian là khổ, là vô thường. Thứ đến là biết “giải trừ khổ” - tức là biết sử dụng những phương pháp đúng đắn để giải trừ khổ. Thứ ba là “lìa khổ” - tức là từ thực tiễn và sự hiểu biết đúng đắn khi ta rời xa những đau khổ, phiền não. Cuối cùng nếu như các bạn là Bồ tát thì “cứu khổ - cứu nạn”.

Vì thế Phật giáo nói đến khổ chính là để các bạn hiểu biết, giải thoát chứ không phải khiến các bạn trở thành tiêu cực vứt bỏ. Vì vậy hãy vui vẻ lạc quan mà sống!

2.

Nếu biết trước ngày mai bạn chết bạn sẽ nhớ ai nhất? Cha mẹ hay người yêu? Có lẽ đa phần sẽ chọn nhớ người yêu phải không?

Bạn có nghĩ với đáp án đó bạn quá vô tâm và tàn nhẫn không? Mạng sống này ai đã ban cho ta? Chẳng phải cha mẹ ta sao? Ai đã nuôi dạy, yêu thương ta? Chẳng phải ba mẹ đó sao? Vậy mà chưa đền đáp được gì đã dại khờ dành trọn đời này cho người mình yêu. Thậm chí cho đến lúc chết cũng dành tình cảm cho người yêu hơn cha mẹ. Bạn quả thật là người con bất hiếu đấy!

w1ngay2.jpg

Lạc quan lên, dẫu biết ngày mai mình không còn nữa - Ảnh minh họa

Nếu biết trước ngày mai bạn chết bạn sẽ làm gì với những lỗi lầm của người khác? Hận thù có đúng không? Đó là tâm lí chung của con người, khi có ai đó khiến ta buồn, làm tổn thương trái tim và lòng tự trọng của ta thì chúng ta thường khởi lên lòng hận thù và tìm cách trả thù. Chưa trả được thù thì ta đã đau khổ trước rồi. Thật là tội nghiệp phải không?

Bạn có muốn trở thành người tội nghiệp như vậy không? Chắc chắn bạn sẽ không dại khờ đến nỗi như vậy đâu phải không? Nếu bạn không muốn mình là một người tội nghiệp như thế thì bạn phải thực hiện điều tâm nguyện của Đức Phật : “Tha thứ là lễ vật lớn nhất của đời người.”

Chúng ta phải thực tập hạnh nhẫn nhục, tha thứ và bao dung, bởi vì những đức tính này giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn. Chúng ta cần phải biết đồng cảm, biết chia sẻ những khó khăn của người khác, không nên có ý niệm bới lông tìm vết, cần phải hiểu người và nhất là phải biết tha thứ đối với những lỗi lầm của người khác.

Chúng ta biết những yếu kém, những khuyết điểm của người khác thì ngay trong bản thân của chúng ta cũng có, nhưng vì chúng ta không tự thấy khuyết điểm của mình mà thôi, cũng giống như con mắt thấy được mọi vật nhưng lại không thấy chính nó.

Khi thấy người khác sai lầm thì hãy nên nhìn lại bản thân mình, đó mới là người có trí tuệ. Đức Phật dạy: “Tức giận người khác thì cũng giống như người đi lạc vào núi không có đường ra”. Sự tức giận ấy không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm bản thân mệt mỏi và tâm trí rối loạn.

3.

Nếu biết trước ngày mai mình chết bạn sẽ chiêm nghiệm cuộc đời mình như thế nào? Hạnh phúc hay đau khổ. Tại sao hạnh phúc và vì sao đau khổ? Hạnh phúc khi ta dành trọn cả cuộc đời này làm nhiều điều phước lành mang lại niềm vui cho mọi người, đến lúc chết thì ta chẳng có điều gì hối tiếc.

Đau khổ khi ta làm biết bao nhiêu lỗi lầm, vì bản ngã to đùng của mình đã gây ra biết bao nhiêu nỗi khổ cho con người. Để rồi từ đó tự làm tổn thương mình và mọi người. Đến lúc chết bạn sẽ rất day dứt và mặc cảm. Bạn muốn ra đi với nụ cười an lạc hay đầm đìa những giọt nước mắt tiếc thương muộn màng.

w1ngay3.jpg

Hãy mỉm cười và an trú ngay hiện tại này, đó là hạnh phúc, bạn ạ! - Ảnh: Internet

Nếu biết trước ngày mai mình chết bạn cảm thấy như thế nào về những gì bạn làm? Những việc làm của bạn xuất phát từ trái tim vị kỷ thay vị tha? Bạn đã đề cao niềm vui của mọi người lên trên cái bản ngã vì niềm vui của mình chưa? Nếu bạn có một trái tim vị tha và luôn đem lại sự lợi lạc hạnh phúc cho moi người thì bạn sẽ cảm thấy rất mãn nguyện, trái lại bạn chỉ cảm thấy dày vò và hối hận thôi!

Vì vậy bạn hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay vì ngày mai bạn sẽ không biết mình ra sao? Sẽ đi về đâu? Còn sống hay đã chết khi vô thường đến bất chợt, hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa, thật thiện lành vì lối sống đó không những đem lại niềm vui và an lạc cho mình mà còn trang trải đến với mọi người. Mỗi buổi sáng thức dậy bạn hãy tâm niệm : “Nếu ngày mai tôi chết, tôi sẽ…”  và mỉm cười tặng cho những ý niệm lành của mình được đặt sau dấu ba chấm, nhé!  

Cùng bạn đọc:

Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên Trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ Online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết...

Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Giác Ngộ Online 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày