GNO - Sau hơn 3 tháng triển khai, những bức tranh vẽ trên ô vòm cầu đường sắt phố Phùng Hưng (Hà Nội) đã vừa hoàn thành, biến nơi đây thành phố đi bộ liên thông với không gian chợ Đồng Xuân mừng Tết Nguyên đán năm nay.
Toàn bộ 19 tác phẩm bích họa đường phố dưới vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng là dự án hợp tác giữa UBND quận Hoàn Kiếm, Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) thực hiện.
Người họa sĩ hoàn thành nét vẽ cuối cho bức tranh chùa Báo Ân
Khu vực phố Phùng Hưng nằm trong khu vực di sản đô thị, là đoạn đường dẫn lên cầu Long Biên và kề cận khu phố cổ. Từ giữa năm 2017, lãnh đạo TP.Hà Nội đã có ý tưởng đục thông 127 vòm cầu đường sắt cổ dọc phố Phùng Hưng, để kiến tạo một không gian đặc thù cho văn hóa và nghệ thuật như mô hình “phố vòm cầu” tại Paris. Sau đó, thêm ý tưởng để lại một số vòm không đục, dành vẽ tranh bích họa, tạo nên vẻ đẹp cho khu phố nay.
Sau khi dự án bích họa trên phố Phùng Hưng hoàn thành, các đoạn vòm cầu còn lại trên phố Phùng Hưng sẽ tiếp tục được nghiên cứu để đục thông như đề xuất.
Dự án bắt đầu được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ ngày 3-11-2017. Với chủ đề của các tác phẩm chính là những ký ức về Hà Nội đã mất, các tác phẩm hội họa tạo ra một không gian kết nối các giá trị di sản, nghệ thuật và cộng đồng, truyền tải thông điệp về một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song luôn gìn giữ truyền thống và tinh hoa văn hóa.
Đến đây, người xem được chiêm ngưỡng những hình ảnh nổi tiếng của Hà Nội từ cách đây 40 -50 trở về trước, nhưng nay đã không còn hiện hữu. Đó là, hình ảnh tàu điện gợi lại ký ức đặc biệt trong tâm trí người Hà Nội, hay tác phẩm ông đồ cho chữ thường thấy ở đường phố xưa những ngày cận Tết. Cả thảy có 19 tác phẩm, gồm 11 bức của các họa sĩ Việt, 7 bức của các họa sĩ Hàn và 1 bức do nghệ sĩ 2 nước cùng thực hiện.
Một góc Hà Nội xưa qua tranh
Đến thưởng lãm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh chùa Báo Ân với những nét vẽ huyền mặc màu chì xám. Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn và độc đáo ở Hà Nội trong thế kỷ 19. Chùa do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng khu đất gần 100 mẫu ở bờ Đông hồ Gươm, và khánh thành vào năm 1842.
Ngoài tên gọi chính thức, chùa Báo Ân còn có nhiều tên gọi khác như chùa Liên Trì (ao sen) vì nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, nhưng người Pháp thì gọi đây là chùa Khổ Hình (Pagode des Supplices) vì thấy ở chùa có hai bức ván vách chạm nổi cảnh hàng loạt khổ hình dành cho những kẻ có tội phải chịu ở đời sau (cảnh thập điện Diêm vương).
Theo các tư liệu được lưu lại, chùa Báo Ân có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, các chi tiết kiến trúc của chùa được tạo tác rất tinh tế, cùng với một quần thể tượng lớn, nhiều bức được sơn son thiếp vàng hoặc khảm xà cừ, tạo hình sinh động.
Cách đây hơn một thế kỷ, người Pháp từng viết về chùa Báo Ân như sau: “Từ xa, tầm mắt khách thập phương đã bị những cái tháp chuông, cột trụ, tiểu tháp thu hút. Bước vào chánh điện, quy mô rộng lớn, giữa những hàng cột vàng son lộng lẫy, có đến trên hai trăm pho tượng thần Phật sắp hàng. Chính giữa là bàn thờ Đức Phật Thích Ca, cao 1m50, dát vàng từ đầu đến chân, ngồi trên tòa sen, đôi mắt lim dim nhìn xuống lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối. Hai đại đệ tử đứng hầu hai bên…”.
Chùa Báo Ân xưa qua nét cọ của họa sĩ tại phố Phùng Hưng
Phía sau chùa Báo Ân có tháp Hòa Phong, là ngọn tháp cao 3 tầng, tầng 1 có 4 vòm cửa nên còn gọi là tứ môn tháp, một kiến trúc thường thấy trong các công trình của Phật giáo, tầng 2 có bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía Đông, tầng ba ghi “Hòa Phong tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô.
Theo đề án quy hoạch lại Hà Nội, đầu năm 1886, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm, khiến khu vực quanh chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn.
Tới năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong được giữ lại và là dấu tích kiến trúc duy nhất của chùa Báo Ân còn tồn tại đến ngày nay. Vì vậy, được chiêm ngưỡng hình ảnh chùa Báo Ân trên bích họa đường phố Phùng Hưng, ai nấy đều bùi ngùi, cảm thán cho một ngôi chùa xưa nổi tiếng chỉ còn trong hoài niệm.
Hà Nội nay, Hà Nội xưa sống động qua bích họa phố Phùng Hưng
Chiêm ngưỡng bích họa ở phố Phùng Hưng, ấn tượng nhất có lẽ là bức tranh của Oh Ye Seul - nữ họa sĩ đến từ Hàn Quốc, người ta thấy hình ảnh của những người phụ nữ bán hoa điển hình tại Hà Nội, với nón, với dép lê và đôi quang gánh chất đầy hoa giữa sắc trời thu. Những cô gái gánh hoa thanh thoát như múa, và thấy ở đó có những ngó sen, cánh sen thanh giác. Con đường dưới chân họ rải đầy cánh hoa, nhưng không phải là đường mà họ đang tiêu dao giữa hồ nước phiêu linh.
Bên cạnh tác phẩm của Oh Ye Seul, các bức bích họa khác của các họa sĩ Hàn Quốc cũng để lại nhiều ấn tượng. Đó là những bức vẽ dựng lại hình ảnh cầu Long Biên, hình ảnh phố cổ Hà Nội với xích lô, với những chuyến tàu điện từng hoạt động trong quá khứ.
Tại vòm cầu số 71, có bức tranh khá thú vị của Trần Hậu Yên Thế, anh đã biến bức tường đá thành “bức tường lịch sử" của một ngôi nhà Hà Nội cũ, với sự kết hợp giữa tranh vẽ và trưng bày... một cánh cửa thật, cùng với bậc thềm. Ý đồ của Trần Hậu Yên Thế là tái hiện ngôi nhà 63 Phùng Hưng với kiến trúc Pháp cổ rất đẹp, nhưng nay đã không còn do nhiều lần sửa chữa và thay đổi. Ta nhìn như ngôi nhà bị xé toạc ra, nhưng vẫn còn nguyên chiếc cửa, hình ảnh về bó rau muống nhặt dở ở bậu cửa và những đứa trẻ con thời bao cấp lấp ló sau tấm rèm... Tất cả sẽ được sắp đặt như cánh cửa của một ngôi nhà thật, chỉ chờ người xem đẩy cửa...
Du khách thích thú chụp hình tại đây
Chỉ với 19 vòm cầu trong tổng số 127 vòm cầu cổ của con phố dài 1.200m, các bức bức bích họa đã đủ kết nối lịch sử và ký ức của thành phố với nghệ thuật đương đại trong không gian dành cho cộng đồng.
Bài, ảnh: Chu Minh Khôi