Ngày báo chí Việt Nam 21.6: Thư ký của thời đại

Tác giả tác nghiệp ở xa - Ảnh: MỄ THÀNH THUẬN
Tác giả tác nghiệp ở xa - Ảnh: MỄ THÀNH THUẬN
Khi còn ngồi trên ghế  giảng đường đại học các thầy cô là giảng viên   thỉnh giảng (vốn là những nhà báo ở các cơ quan báo chí) đã nói về nghề báo: Đó là nghề thư ký của thời đại.

Cách ví von ấy “sát” với tính chất của người làm báo: Ghi chép, phản ánh những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày trên phạm vi một quốc gia và cả thế giới. Từ những phản ánh ấy người “thư ký thời đại” còn “thổi” vào những sản phẩm báo chí của mình những góc nhìn, nhận định… mang tính định hướng dư luận.

Báo chí là một kênh thông tin toàn cầu. Thầy dạy môn đạo đức nghề báo đã từng nhắc chúng tôi lúc còn là những sinh viên báo chí rằng: “Vì tính chất định hướng của báo chí mà người cầm bút cần phải vững về quan điểm, có cái nhìn nhân văn về tất cả các sự việc, hiện tượng cũng như con người”. Bài học ấy càng trở nên gần gũi, sống động khi tôi bước vào tòa soạn Báo Giác Ngộ để đưa tin, viết bài cho một tờ báo “chuyên ngành” đặc biệt: Tờ báo của Phật giáo.

Tuy Giác Ngộ trực thuộc Thành hội Phật giáo TP.HCM nhưng được bạn đọc cả nước biết đến như một tờ báo của Phật giáo Việt Nam . Làm báo Phật giáo tôi xác định cho mình một tiêu chí nữa trong công việc: Phải tỉnh thức trên từng thông tin, trang viết. Chỉ cần “vô minh” là tôi có thể trở thành “tội nhân” vì sản phẩm mà mình tạo ra sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự tiếp nhận của bạn đọc. Mà bạn đọc của tờ báo là ai? Phải kể đến đầu tiên là quý vị tôn túc giáo phẩm cùng hàng Phật tử đã uyên thâm về Phật pháp, có sự tu tập thuần thục. Ngoài ra cũng có không ít bạn đọc là người sơ cơ phát tâm vào đạo, tìm cầu sự bình an khi đến với cửa Phật. Do vậy, trong mỗi đề tài tôi đều dành sự trao đổi nghiêm túc với những vị lãnh đạo tờ báo, những vị tôn túc, Phật tử và bạn đọc để xin ý kiến. Thế đấy, nhưng có không ít lần tôi cũng “vô minh” vì kiến thức còn hạn hẹp, vì áp lực tin bài… Có những bài viết của tôi được đăng trên Giác Ngộ và nhận được phản hồi không tốt từ bạn đọc dù đó là nhân vật “người tốt việc tốt”. Chưa nhìn kỹ vấn đề, chưa hiểu rõ nhân vật mà tôi đã thông tin lên mặt báo, tạo ra dư luận không hay cho bạn đọc và cả ngòi bút của mình. Những lần như vậy đều là một lần tôi nhìn lại để tự rèn luyện thêm về nghề, về cái Tâm. Trước khi là người làm báo, tôi là một Phật tử nên tôi hiểu nhân quả của “sự cố” mà tôi vừa kể. Sám hối sau những bài viết như thế và tự nhắc mình là phải cẩn thận hơn.

Ai đó nói nghề báo là một nghề rất cao quý, câu ấy được nhắc nhiều trong những ngày tháng 6 (vì tháng 6 có ngày Báo chí) ngỏ hầu tôn vinh người làm báo. Tôi yêu nghề của mình nhưng tôi nghĩ bất kỳ nghề nào cũng rất cao quý miễn là nghề ấy phục vụ cho lợi ích chính đáng, nhân văn của con người. Đồng thời người làm nghề ấy phải là người-chân-chính trong cách sống và trong công việc. Một cơ thể nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào cũng trở nên khập khiễng, mất thăng bằng. Tôi thử tưởng tượng một ngày mở mắt ra và không còn báo chí nữa mình sẽ thế nào? Chỉ là tưởng tượng thôi đã thấy chênh vênh! Các ngành nghề khác cũng vậy thôi, nếu thiếu thì con người ta cũng sẽ bớt đi phần thú vị và sự kết nối để phát biểu.

Nhìn kỹ lại những khía cạnh trong công tác “thư ký thời đại” của mình, tôi và những đồng nghiệp thân thiết của Giác Ngộ nói riêng và những người làm công tác thông tin tuyên truyền nói chung tự nhận nghề báo cũng là một nghề bình thường như bất kỳ nghề nào. Người làm nghề ấy cũng là con người bình thường như bất kỳ người nào. Do đó cũng có lúc sai, lúc đúng và cũng có nhà báo tốt, nhà báo chưa tốt. Song, dù thế nào đi nữa thì trong tương quan của một xã hội được gọi là văn minh tôi tin con người sẽ luôn hướng đến cái chân-thiện-mỹ, hướng đến những giá trị nhân văn mà đạo Bụt là tôn giáo luôn nêu cao và phát huy, nhất là trong thời đại ngày nay…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày