“Ngày nào bình an, ngày đó là Tết”

GN - Đó là lời chia sẻ của bà Võ Thị Quỳ, sống tại căn nhà tình nghĩa số 110, khu 6, ấp 3, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Với bà Quỳ, khái niệm về Tết đơn giản chỉ có vậy, bởi, mặc dù tuổi đã 74, nhưng bà vừa phải nuôi người mẹ già 95 tuổi, vừa nuôi đứa cháu 25 tuổi bị bệnh tâm thần, chỉ bằng đồng lương trợ cấp ít ỏi hàng tháng. Trong hoàn cảnh như thế, có hạnh phúc nào hơn khi nhìn thấy mẹ ăn ngon, ngủ ngon, thấy cháu không khắc khổ, không quậy quọ, sống bình yên hàng ngày…

TRAN.TET.2.JPG


Đút cơm cho mẹ, bà Quỳ nói: "74 tuổi mà còn mẹ để phụng dưỡng,
cơm nước hàng ngày là may mắn, là mừng"

Cả cuộc đời gắn liền với mất mát, hy sinh

Một ngày cuối năm, người viết âm thầm tìm đến nhà bà Quỳ lúc trời chập tối, hình ảnh đầu tiên chúng tôi chứng kiến đó là cảnh bà vừa ngó chừng mẹ ăn cơm, vừa đi vòng vòng để đút cơm cho cháu. Thấy người lạ đến nhà, cháu bà Quỳ ôm đầu khóc. Bà Quỳ vừa dỗ dành người cháu, vừa trải lòng: “Thằng nhỏ bệnh tâm thần từ lúc lọt lòng mẹ. Đến lúc lên năm tuổi, mẹ cháu mất, tui bỏ không đành nên đem cháu về nuôi. Bỏ thì thương nên 21 năm qua, bà cháu nương nhau mà sống”.

Những người đồng trang lứa với bà kể lại, cả cuộc đời bà Quỳ gắn liền với mất mát, hy sinh, bà làm thuê, làm mướn, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm làm cách mạng. Đến khi chiến tranh gần kết thúc, chồng hy sinh, bà ở vậy một thân một mình hết nuôi mẹ, nuôi cháu gọi bằng cô, rồi đến nuôi cháu gọi bằng bà. Ba mươi năm liền, bà luôn chọn công việc nặng của người đàn ông như gánh lúa, gánh gạo để làm. “Việc nặng nhưng bà Quỳ luôn làm hơn người khác gấp đôi. Tui thân con trai gánh lần chưa tới hai giạ lúa, gánh vài bận là đứng thở rồi mà bà Quỳ gánh một lần phải là 3 giạ lúa, gánh một mạch, xuyên suốt, không nghỉ chân. Mỗi lần tụi tui kêu bả nghỉ chút rồi gánh tiếp, bả không chịu”, một người đồng trang lứa với bà kể lại. “Mình không làm thì cả nhà lấy gì mà sống, nên tranh thủ được chút nào hay chút đó. Gánh được một bao lúa là đồng nghĩa có thêm tiền mua mắm muối cho gia đình, nên có cực, biết là tổn hao sức khỏe cũng cố mà làm”, bà Quỳ lý giải.

Chính vì tuổi trẻ, sức khỏe của bà dùng để đánh đổi miếng cơm nên khi tuổi già, chân khớp bà yếu, cứ khuya sương xuống là nhức, là đau. Có những ngày đầu gối, mắt cá sưng to, không đi được nhưng bà vẫn lết khắp nhà, vừa nấu cơm, vừa đút cơm cho mẹ, cho cháu, vừa dọn dẹp vệ sinh... Hàng xóm bà Quỳ kể thêm: “Ban ngày chăm cơm nước, áo quần, giặt giũ cho bà cụ, cho cháu. Tối đến, cô Quỳ giăng mùng cho bà cụ ngủ, canh giờ để dậy dẫn bà đi vệ sinh. Khuya 3g30 đã thức dậy nấu thức ăn cho cả nhà, năm này qua tháng nọ, cô Quỳ bây giờ chưa đầy 37 ký. Còn thằng nhỏ thì phải dụ nó, có khi phải lôi nó, nó mới chịu ngủ. Có những đêm thằng nhỏ lên cơn, đánh cô Quỳ xém điều thở không nổi. Cô Quỳ chỉ biết xức dầu gió cho đỡ đau, nhiều khi cũng không có tiền mua thuốc”.

Cực vậy đó, mà hỏi bà Quỳ có khi nào công việc nhà nhiều quá, vất vả quá, bà lớn tiếng với mẹ và cháu không? Bà bảo: “Không lớn tiếng với ai hết, thỉnh thoảng mẹ không ăn cơm, thì có la chứ không chửi. Mẹ già rồi, có lẫn thì đó cũng là mẹ mình. Mình 74 tuổi mà còn mẹ để phụng dưỡng cơm nước hàng ngày là may mắn, là mừng đó chứ, còn chuyện trí nhớ lúc nhớ, lúc không cũng là chuyện bình thường mà. Còn cháu mình, khùng điên gì đó cũng là cháu mình, nó đã mất mẹ, mình là bà nó mà không bao dung, chăm cho nó được thì người dưng làm sao thương mà lo cho nó đàng hoàng”. Vậy đó, cho nên mấy chục năm nay bà Quỳ ôm lấy mẹ và cháu vào lòng, có gì ăn đó, ngày ngày chăm sóc, thương yêu chứ nhất quyết không gửi mẹ, gửi cháu vào trung tâm nào cả.

Khi hỏi bà Quỳ lấy đâu ra sức mạnh để cáng đáng cả gia đình suốt mấy chục năm như thế. Không đắn đo suy nghĩ, bà bảo: “Thương thì lo được hết!”.

Điều tốt đẹp luôn dành cho mẹ, cho cháu

Ngày xưa còn sức khỏe, còn đi làm mướn kiếm tiền, gần chục năm nay, sức khỏe yếu đi, bà Quỳ không đi làm thuê được nữa, cả nhà sống nhờ vào tiền trợ cấp. Gom hết số tiền hỗ trợ người cao tuổi, người tâm thần và cộng số tiền thụ hưởng từ chồng là liệt sĩ, mỗi tháng bà Quỳ có khoảng một triệu tám. Với số tiền này, mỗi ngày đi chợ của bà được cân đo đong đếm kỹ từng ngàn. Đến điện, bà cũng không dám xài, chỉ dám bật đèn cà na, còn đèn ống tuýp dài, chỉ khi nào có khách bà mới dám bật. Thường tối 7g là cả nhà đã vào mùng, không ngủ thì cũng nằm đó để tiết kiệm tiền điện, đỡ đồng nào hay đồng đó. Vậy mà có tháng cũng chẳng xoay xở đủ, bà phải mua thiếu ngoài quán tiệm, nhận được tiền hỗ trợ mới có mà trả. Cữ cơm của ba người trong gia đình nghèo khó này thường là cơm nhão, ăn với nước lèo hủ tiếu, bún riêu người ta thương tình vừa bán vừa cho. Phần cơm của mẹ, của cháu thì bà Quỳ luôn dành những gì ngon nhất, còn phần cơm của mình, bà thường ăn cùng canh hay rau luộc chấm nước muối. “Ngày nào hũ gạo còn nhiều thì nấu cơm; ngày nào còn ít, hết tiền thì tui nấu cháo trắng, múc ra một tô cho mình, phần còn lại bỏ mười ngàn thịt vô cho mẹ với thằng cháu ăn; còn mà không đủ tiền mua thịt thì mua bí đỏ thay vào. Áo quần mặc mấy chục năm nay toàn xóm giềng cho, chứ không dám mua bộ nào”, nghe bà nói mà lặng người.

Mặc dù tuổi đã vào hàng xưa nay hiếm, có nhiều chuyện đã quên nhưng lúc tỉnh táo, bà Năm, mẹ của bà Quỳ vẫn biết. Hỏi bà, con cho ăn cực, có buồn không, bà vẫn đủ minh mẫn để trả lời: “Nó thương mới nuôi chứ không thương thì bỏ mình chết lâu rồi. Có lúc khùng lên, chửi nó, la nó mà lúc hết khùng rồi, thấy thương nó”, nói đến đây, nước mắt bà chảy dài trên gò má nhăn nheo.

Cả ba con người sống trong căn nhà tình nghĩa này có một điểm chung, đó là tóc đều hớt trọc, bà Quỳ nói, “xuống tóc theo Phật, cho đau khổ, phiền não qua đi. Tối nào tui cũng niệm Phật, lúc ngủ không được hay lúc phải canh chừng mẹ, lúc mẹ ốm đau, lúc cháu đau đầu không ngủ được, tui cũng niệm Phật cho mọi người dịu mát, cho trời mau sáng, cho ngày mai tốt hơn hôm nay”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày