Cứ đến Tết lại thấy mình giống như một đứa trẻ chờ quà. Có lẽ cảm giác này nhiều người cũng có giống mình. Chắc đến khi 50, 60 tuổi hoặc già hơn nữa mình cũng còn cảm giác này. Bỗng nghĩ về Tết thật thiêng liêng, Tết có những thứ đã ăn vào máu thịt từ thế hệ ông cha, nhất là những ngày Tết bé thơ…
Đi xa nhà nên cảm giác nhớ Tết càng da diếc hơn khi có ai đó hỏi: “Mấy tháng Chạp về quê?”. Ờ, thì cũng để tranh thủ thu xếp công việc, cơ quan cho nghỉ, tất niên ngày nào thì mới về được, tự tính toán thế. Đi làm, cuống vào vòng xoáy của công việc và cũng bị nó “lái”, không thể theo ý mình được. Nhiều khi đến Tết, muốn về sớm với mẹ lắm nhưng không thể. Gọi điện về cho mẹ, nói với mẹ là: “Con sẽ về sớm nhất có thể, công việc cuối năm nhiều lắm mẹ à!”. Có lẽ 8 năm xa nhà là ngần ấy cái Tết mình cứ hẹn lần lữa vào mỗi ngày cuối năm, không lý do này thì lý do khác.
Lại nhớ, những ngày sinh viên, nghỉ tết vào khoảng 20 tháng Chạp nhưng vẫn chưa thể về, dù rất muốn. Những ngày ấy nghỉ Tết chính là dịp để làm thêm vì được rảnh lại có nhiều công việc. Bạn bè trong nhóm đứa nào cũng làm thêm như thế, có đứa ở xa còn không thể về do tiền vé tàu xe cao quá. Mấy năm gần đây Đoàn, hội sinh viên có chương trình hỗ trợ vé xe cho sinh viên về quê ăn Tết, thấy cũng vui vui, vui với niềm vui của sinh viên nghèo.
Lao xao ngày về còn là tâm trạng của những công nhân ở các miền quê vào Sài Gòn làm việc. Quần quật nơi nhà xưởng, xí nghiệp với nhiều nỗi lo âu như mất việc, lương bổng… để rồi cuối năm về mang niềm vui sắm cho ba đôi giày, mẹ cái áo, em út cái quần mới ăn Tết. Có đôi khi cả năm mang từng ấy thứ về nhà cũng là mang cả mùa xuân cho gia đình. Dù biết rằng ăn Tết mươi bữa rồi lại đi vào thành phố làm việc, lại quần quật nhưng niềm vui ngắn ngủi ấy thiết nghĩ cũng là miền Tết của công nhân.
Tôi nhớ mình từng tiếp xúc với một gia đình công nhân trẻ, họ ở miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, có đứa con ba tuổi thì cũng đúng ba cái Tết cả nhà chưa một lần về quê đón Tết. Dòng họ đều ở quê nhưng đứa con trai của họ chưa một lần được tiền lì xì của ông bà ngày Tết, và cũng chưa bao giờ được ba mẹ bế đi chúc Tết ông bà vào những ngày đầu năm. Người chồng ấy tâm sự: “Tết này về phải đi thăm làng xóm, đi chúc Tết ông bà, thắp nhang tổ tiên và cho thằng bé đi theo để gieo vào tâm thức của nó về Tết dân tộc ngay từ những ngày thơ bé”. Nghe chia sẻ ấy của một công nhân trẻ, anh vốn là một người học khá nhưng nhà nghèo phải đi làm công nhân, rồi kiếm tiền học thêm nghề. Giờ tuy cũng là công nhân nhưng là công nhân kỹ thuật. Tiếp xúc với cái Tết nơi phố thị anh nhận diện ra rằng: Tết quê có những cái hay, ấm cúng mà cứ nghĩ đến là lại thấy bâng khuâng, muốn về quê đón Tết trong mỗi mùa cuối năm về…
Vâng, rồi thì Tết cũng đến, cũng lại thấy những điều như vậy, chân thật như là chính quy luật của cuộc sống: sinh, già, bệnh, chết. Bốn “cửa ải” ấy ai mà chẳng trải qua như đất trời thì cứ thế vần xoay cũng lại xuân, hạ, thu, đông. 365 ngày cứ trôi qua để cho mùa xuân lại về, để cho những miền nhớ Tết tràn qua và để cho người xa xứ lại lao xao chờ Tết, và mỗi lần quay về lại lỉnh kỉnh quà Tết cho người thân, người thương nơi quê nhà!