Nghề nghiệp chân chánh (tiếp theo & hết)

Giác Ngộ - Và mở rộng hơn nữa để chúng ta thấy từ bản thể chơn như vào cuộc đời là Bồ tát. Bồ tát từ quả hướng nhân là Bồ tát từ chơn như xuất hiện trên cuộc đời, điển hình là thái tử Sĩ Đạt Ta đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác rồi sanh trên cuộc đời làm thái tử, nhưng bên trong đã là vị Phật. 

Vì vậy, Đức Phật nói Trời, người, A tu la chỉ nhìn bề ngoài, nên lầm tưởng Ngài là thái tử mới sanh ở cung dòng họ Thích đến cội Bồ đề gần thành Già Da mà thành Chánh giác. Vua Tịnh Phạn cũng thấy như vậy, nên ông thấy Phật rách rưới, mới đưa lông bào cho Ngài mặc, nghĩa là thấy bề ngoài, thấy thái tử là con của ông.

images444643_banlinh_nghenghiep_3182011_204312.jpg

Làm công việc chân chính giúp bạn thành công và bằng an - Ảnh minh họa

Bồ tát thường hiện thân làm Chuyển luân Thánh vương tu hành để thành Phật, tức ngầm chỉ người thành Phật phải có điều kiện tất yếu là Chuyển luân Thánh vương, nghĩa là người phải có đầy đủ phước đức và trí tuệ, tức đã thực hiện hạnh Bồ tát viên mãn. Khi chưa có những điều kiện này, chúng ta phải hành Bồ tát đạo. Bồ tát và Phật sanh lại là thế, việc tu lâu hay mau không cần thiết đối với các Ngài.

Chúng ta là Bồ tát từ nhân hướng quả, nghĩa là có Phật, Bồ tát ra đời, thuyết pháp, giáo hóa, chúng ta nương theo các Ngài  mà phát Bồ đề tâm, từng bước tự sửa mình. Chúng ta coi Bồ tát Quan Âm, Văn Thù, Di Lặc có nét gì để chúng ta bắt chước làm theo là điều quan trọng.

Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói rằng những người đã thành tựu quả A la hán rồi phát Bồ đề tâm tu hành thì dễ dàng. Còn chúng ta mới phát tâm, làm sao tu? Chúng ta phải nương Phật và Bồ tát để tu, không tự ý làm được. Thí dụ tôi làm được việc là nhờ nương những bậc Thầy hướng dẫn để làm, tôi không tự ý làm được, vì cái thấy của mình còn sai lầm. Các vị La hán đã thấy đúng, nên các Ngài tự làm được. Chúng ta thấy sai, nên làm phước cả đời mà vẫn tội. Làm đúng là ta giúp một người ăn nên làm ra, họ có thể thay ta làm tốt cho cuộc đời. Còn giúp họ thành người ăn hại thì làm sao tốt được.

Ta nương Phật và Bồ tát xuất hiện trên cuộc đời, các Ngài để lại tấm gương sáng cho chúng ta sửa mình, đó là chánh nghiệp; vì xuất gia là ở ngoài cuộc đời, nhưng dấn thân vào đời, chúng ta phải nương Bồ tát. Nếu tu Pháp Hoa, phải tìm Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Các Ngài luôn hiện hữu trên cuộc đời, tìm các Ngài để chúng ta học. Gương các Ngài là nội bí ngoại hiện, bên ngoài hiện phàm phu, nhưng bên trong là Bồ tát. Các Ngài giỏi nhưng không khoe; thấy họ bình thường, không làm, nhưng sao được kính trọng, chúng ta phải suy nghĩ, học theo.

Tôi có hai vị Thầy mà tôi kính trọng. Hòa thượng Thiện Hoa làm việc không mệt mỏi. Ngài nổi danh với phương châm đề ra là nơi nào chúng sinh cần thì ta tới, không nại gian lao, không từ khó nhọc. Hòa thượng tích cực làm việc, nên mới 54 tuổi đã viên tịch, nhưng làm được nhiều việc quan trọng, để lại cây thang giáo lý cho chúng ta học. Từ thuở tuổi trẻ, tôi nhờ nương vào sự hướng dẫn này của Ngài mà đi lên.

Lớn lên, tôi học với Hòa thượng Trí Tịnh. Ngài không làm gì, chỉ ở trong thiền thất, quanh năm ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, nhưng ai cũng kính trọng Ngài, đó là điều quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ, còn làm việc được kính trọng là điều dễ hiểu. Tôi nhận thấy Hòa thượng là Bồ tát Pháp sư hiện lại, vì trước khi tu, Hòa thượng Vạn Linh đã bảo đại chúng đừng xem thường chú bé này, đời trước đã là Hòa thượng Pháp sư, đời này cũng vậy. Những người khác tu lâu, nhưng Hòa thượng Vạn Linh không coi trọng, mà lại nể Hòa thượng Trí Tịnh. Hòa thượng Tắc Phước nói với tôi rằng Hòa thượng Trí Tịnh có điểm đặc biệt là Ngài đọc kinh nào một lần là nhớ hết. Kinh Pháp Hoa hơn sáu vạn từ mà Ngài nhớ đủ.

Đối với người làm việc tốt, được người kính trọng, chúng ta nên học theo. Đối với người không làm mà được kính trọng, chúng ta phải tìm hiểu, bắt chước theo.

Tìm Bồ tát Tùng địa dũng xuất để học phẩm hạnh của các Ngài. Sáu vạn hằng hà sa Bồ tát Tùng địa dũng xuất mà Bồ tát Di Lặc nói không biết, chưa thấy là mật hạnh, ẩn hạnh. Các Bồ tát này thuần vàng nghĩa là người trọn lành, không tì vết, không chỉ trích được. Bồ tát từ nhân hướng quả phải học theo các Bồ tát này. Bồ tát Tùng địa dũng xuất đông, nhưng có bốn vị thượng thủ: Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh. Các Ngài xuất hiện trên cuộc đời, chúng ta có thể học được các việc như sau. Một là nên học những việc khó hiểu, khó làm của Bồ tát Thượng Hạnh; những việc dễ làm, ta nhường cho người khác.

Chúng ta thấy Bồ tát xuất hiện, làm việc khó làm là gì? Làm vua, làm tướng là khó nhất. Làm thầy tu dễ, thất bại đi tu dễ quá. Vì theo tinh thần Đại thừa, lãnh đạo quần chúng, hướng dẫn quần chúng, làm cho xã hội tốt đẹp là khó. Thật vậy, dấn thân hành Bồ tát đạo, nổi tiếng có Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ và vua Trần Nhân Tông. Thiền sư Vạn Hạnh đào tạo Lý Công Uẩn, thấy rõ ông có năng lực lãnh đạo quần chúng, đưa đất nước phát triển, chắc chắn đó là việc khó; trong khi tìm ông đạo gõ mõ là việc dễ. Năm 1963, Hòa thượng Từ Nhơn cạo đầu cho 300 người làm sư đi biểu tình, tu kiểu này dễ.

job.jpg

Ảnh minh họa

Tìm người làm vua khó vô cùng, làm thay đổi vận mạng, thay đổi thời cuộc để đất nước đi lên không dễ. Vào đời làm vua được, lúc bấy giờ không ai ngoài Lý Công Uẩn, nên ông phải hy sinh, điều này khó. Hoặc đức vua Trần Nhân Tông 16 tuổi đã ăn chay trường, đã tu rồi, nhưng vì phải lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Ngài phải làm vua. Thật sự Ngài không muốn làm vua, vì xem ngai vàng như chiếc giày rách. 

Đối với ngũ dục thế gian, Ngài xem nhẹ và còn khởi tâm từ, cho phép hàng trăm cung phi được trở về lập gia đình. Vì vậy, thắng giặc xong, Ngài lên núi tu hành, rõ ràng Ngài không màng phú quý lợi danh, đã làm những việc khó làm. Chánh nghiệp của Ngài ở chỗ nào? Vua Trần Nhân Tông cầm quân đánh giặc, bao nhiêu tướng sĩ phải chết, nhưng đây là chánh nghiệp theo Đại thừa. Giết người, nhưng là chánh nghiệp của Bồ tát.

Chúng ta còn nhớ tiền thân Phật Thích Ca đi trên thuyền của thương buôn, Ngài đã giết chết tên cướp biển để cứu sống cả thương thuyền. Trên bước đường hành Bồ tát đạo, Ngài giết người không thù oán do trí tuệ chỉ đạo là chặn đứng nghiệp của họ và cứu được 500 người.

Phật giáo Ấn Độ ở thế kỷ 12 bị tiêu diệt, vì bấy giờ Tỳ kheo không có trí tuệ, cố chấp giới luật đến mức cọng cỏ không dám nhổ, sợ tội, thể hiện tinh thần thụ động tuyệt đối, cho nên quân Hồi giáo tràn vô, khum cổ cho chúng chém giết thoải mái.

Vua Trần Nhân Tông ngăn chặn việc ác của quân Mông Nguyên và cứu dân Việt Nam , việc làm cao đẹp này lưu danh đến ngày nay, trải qua 700 năm, Phật giáo chúng ta vẫn tôn thờ Ngài là Phật, Nhà nước coi Ngài là vị anh hùng dân tộc. Đây là chánh nghiệp, làm vua, giết người không vì quyền lợi, nhưng để chặn đứng hành động ác của giặc. Nếu không có Ngài chỉ đạo, triều đình chia năm xẻ bảy, sẽ dễ dàng mất nước.

Học theo hạnh làm việc khó làm, nhưng Phật tử cần lưu ý không phải việc khó, ai cũng làm được. Tôi nói làm vua khó, quý vị suy nghĩ, định làm vua, nhưng việc này không được, vì mình không có khả năng. Sư Vạn Hạnh không làm vua, nhưng bảo Lý Công Uẩn làm, hoặc Đại Đăng quốc sư bảo Trần Thái Tông nên làm vua. Ta làm chuyện khó của ta, kể cả quét lá, gánh nước, bửa củi cũng khó làm. Điển hình như Huệ Năng gánh nước, bửa củi để làm Tổ cũng là chuyện khó làm, chứ không đơn giản.

Tôi vào Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang học, tình nguyện rửa nhà vệ sinh để sau này tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp, cũng là việc khó. Những việc khó không ai muốn làm, nhưng chúng ta gánh vác, nên ai cũng thương, vì đây là việc công đức. Người xấu xả rác bừa bãi để mặc cho người khác dọn dẹp. Nhưng người tốt dọn dẹp sạch sẽ cho người khác hưởng là việc khó. Không thích hưởng thành quả của người khác là nét đặc biệt của Bồ tát. Ta làm theo hoàn cảnh của ta, theo năng lực của ta, thậm chí có tâm tốt, thấy cây gai trên đường, nhặt bỏ để người khác không giẫm đạp bị đau, cũng là chánh nghiệp.

Bồ tát làm vì lợi ích chúng sinh, kinh Pháp Hoa gọi là Thượng Hạnh Bồ tát cao quý nhất. Thứ hai, Vô Biên Hạnh là Bồ tát đa năng, hiểu biết rộng càng tốt. Dấn thân vào cuộc đời, ở chỗ nào cũng được, việc nào cũng giải quyết tốt đẹp. Thứ ba, tâm luôn trong sáng, không ganh tỵ, không thù hận, không phiền não là Bồ tát Tịnh Hạnh. Nhờ người không làm, chúng ta mới có dịp làm. Ví dụ tất cả đều là Bồ tát, thấy rác lượm, thì không còn việc này cho chúng ta làm. Thứ tư là Bồ tát An Lập Hạnh luôn làm lợi ích cho chúng sinh với tâm thanh tịnh, từ bi.

Tóm lại, chúng ta học những tấm gương sáng của chư Bồ tát. Các Ngài làm đủ mọi ngành nghề, nhưng đều thành Phật, đó là chánh nghiệp của Bồ tát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày