GN - Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời đúc đồng ở TP.Huế, năm 1954 vừa tròn 16 tuổi, Nguyễn Văn Sính phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình (mẹ mất, nhà đông anh em).
Từ đó, anh theo bố làm nghề đúc đồng. Bố anh là cụ Nguyễn Đình Toại - một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của Huế thời bấy giờ: từng đúc bộ lư “Tứ Tuần Đại Khánh” cho vua Khải Định, đúc 6 vạn quan tiền cho vua Bảo Đại, cụ được vua Bảo Đại tặng chức tước “Cửu phẩm”.
Tặng trống đồng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (ông Sính là người thứ 2 từ phải sang)
Do ảnh hưởng bởi uy tín nghề nghiệp của bố, lại năng động, ham tìm tòi học hỏi nên anh sớm thành thạo công việc. Năm 1963 anh được bố tin tưởng giao làm chủ cơ sở đúc đồng nổi tiếng của Huế, có tên “Nam công thương cuộc” ở đường Bùi Thị Xuân - Huế và điều hành hàng chục thợ trong tay. Với bản tính điềm đạm, thích học hỏi, biết lắng nghe ý kiến của mọi người nên tên tuổi của anh sớm được nhiều người biết đến.
Năm 1963, anh được Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế trợ duyên đúc “Bánh xe pháp luân” bằng đồng không rỉ, đặt ở đài Thánh tử đạo (cạnh cầu Trường Tiền-Huế).
Năm 1973, Niết Bàn tịnh xá (Vũng Tàu) có thuê thợ đúc một cái chuông nặng 3 tấn nhưng gõ không kêu, nghe ở Huế có anh Sính giỏi nghề thạo việc nên họ đã mời anh cùng kíp thợ vào đúc. Sau khi công trình được hoàn thành, âm thanh tiếng chuông vang vọng ngân xa, thế là người dân miền Nam có câu nói dí dỏm: “Từ nay thấy dân Huế đúc chuông thì hãy đứng xa mà ngó”. Khi được tham quan, chiêm ngưỡng đại hồng chung nặng 3 tấn này, một du khách Mỹ đã thốt lên rằng: Nếu ở đất nước chúng tôi, làm như thế này thì phải cần 3-5 kỹ sư và phải huy động nhiều máy móc hiện đại, còn ở đây các bạn hoàn toàn làm thủ công, thật đáng khâm phục! Thật đáng khâm phục!
Năm 1977, ông Sính tham gia HTX Đúc Thắng Lợi và chủ trì đúc nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, khoa học phục vụ cho đời sống tín ngưỡng tâm linh; sản phẩm của ông đã góp mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước từ đó đến nay.
Năm 2000, ông đúc tượng đồng Trần Hưng Đạo đặt tại Công viên Vị Hoàng (TP.Nam Định) cao 10m, nặng 22 tấn; đúc chuông chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 30 tấn, cao 5,4m và nhiều đại tượng, đại hồng chung khác ở trong Nam, ngoài Bắc.
Tiếng lành đồn xa, cái tên Nguyễn Văn Sính đã được nhiều nước trên thế giới biết đến và hợp tác, đặt hàng như: Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, Úc, Pháp, Mỹ…
Đơn cử, năm 2004 ông sang Ấn Độ để chủ trì đúc đại hồng chung nặng 3 tấn, đặt ở Bồ Đề Đạo Tràng, trên chuông khắc bài kinh Bát-nhã gồm 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Phạn, tiếng Việt, và đã để lại trên quê hương Đức Phật một “tuyệt tác tâm linh” thể hiện tài trí vẹn toàn của người Việt Nam. Năm 2008 ông sang Nhật Bản đúc tháp chuông 3 tầng, tác phẩm kết tinh đường nét hoa văn mang dáng dấp đặc trưng, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt, âm thanh đặc trưng của xứ Huế.
Khi được hỏi có bí quyết gì giúp ông thành công trong nghề nghiệp, ông chia sẻ: Tui luôn thấm nhuần lời dạy của cổ nhân: “Bắn phải nhắm, ăn phải nhai, nói phải nghĩ”. Trước khi làm một việc chi tui đều suy nghĩ thấu đáo, bằng cảm quan của mình phải lường trước công việc, phải đoán được thất bại bao nhiêu, thành công bao nhiêu…, dần dần hạn chế thất bại, tăng tính thành công. Đó là thắng lợi của chính mình, như Đức Phật có dạy: “Đánh thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”.
Cũng theo ông Sính, nghề đúc đồng có 2 phần rõ rệt: phần kỹ thuật và phần tâm linh. Muốn chuông kêu hay, thanh âm trong trẻo, vang vọng thì phải tuân thủ kỹ thuật đúc: nguyên liệu đạt chuẩn, pha chế đúng mức, làm khuôn độ dày mỏng phải cân xứng hài hòa với quả chuông, tượng, đổ đồng đúng nhiệt độ, đảm bảo thời gian. Nghề đúc chuông, tạc tượng khác hẳn với các nghề thủ công mỹ nghệ khác, bởi nó mang dáng dấp thanh cao, phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Vì thế, khi nhận được đơn đặt hàng thì phải lấy trách nhiệm của người ta làm trách nhiệm của chính mình, bên cạnh tự lực bản thân thì phải cần đến tha lực của thập phương nữa - ông Sính nói.
Hiện ông có 2 người con đang theo nghề truyền thống của gia đình: Nguyễn Phùng Sơn (sinh 1967) tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành kỹ sư chế tạo máy, hiện đang mở doanh nghiệp đúc đồng ở Đồng Nai và TP.Huế; Nguyễn Trường Sơn (sinh 1968), tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là kỹ sư kim loại màu, đang phụ trách Cơ sở Đúc đồng Nguyễn Văn Sính ở đường Bùi Thị Xuân, TP.Huế.
Ngoài ra, ông còn có công đào tạo cho làng nhiều thợ lành nghề. Hiện ước tính có khoảng 50% thợ đúc đồng ở Phường Đúc được dạy nghề, truyền nghề từ cơ sở của Nguyễn Văn Sính, người ít thì vài ba năm, người gắn bó lâu nhất lên đến 20 năm, và chính họ đã bổ sung vào lực lượng thợ đúc đồng xứ Huế dồi dào như hôm nay.
Năm 1996, ông đã hiến tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Thừa Thiên-Huế một chiếc trống đồng phong mỹ. Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông gửi tặng một quả chuông tròn, khắc dòng chữ “Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính”, có trị giá 100 triệu đồng do chính tay cha con ông chế tác. Hiện ông là Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ Huế, Ủy viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Để ghi nhận những cống hiến của ông cho nghề đúc đồng xứ Huế, người có công gìn giữ, bảo tồn, phát huy, phát triển làng nghề truyền thống, năm 1988 ông được Bộ Công nghiệp nhẹ tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng “Nghệ nhân dân gian” đợt 1 của toàn quốc. Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng ông danh hiệu “Nghệ nhân Thừa Thiên Huế”. Đặc biệt, năm 2010 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng cho ông danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” vào năm tới.
Nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, hơn nửa thế kỷ hành nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đã góp phần tô điểm, hun đúc cho nghề đúc đồng xứ Huế mãi bay cao, vươn xa.