Nghệ thuật “nghe” hương

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1191 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1191 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kōdō (香道) - Hương đạo, tức nghệ thuật “nghe” mùi hương là một trong những loại hình văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, dẫu không được biết đến rộng rãi như Trà đạo - Chadō hay Hoa đạo - Kadō, Ikebana.

Trong tác phẩm Thiền và Văn hóa Nhật Bản, học giả Suzuki T. Daisetsu nêu lên nhận định rằng: “Bàn về văn hóa Nhật Bản mà không đả động tới Phật giáo là một chuyện hết sức khó, bởi vì trong mọi giai đoạn phát triển của nó, ở đâu ta cũng thấy dấu ấn của đạo Phật dưới hình thức này hay hình thức khác”.

Soi chiếu trong thực tế lịch sử và văn hóa của xứ sở Phù Tang, có thể thấy nhận định này hoàn toàn chính xác. Nền văn hóa Nhật là nền văn hóa thấm đẫm tinh thần Thiền tông Phật giáo. Nó không đơn thuần chỉ thể hiện trên bình diện các nguyên lý phổ quát dẫn đạo về mặt tinh thần mà đã hòa tan vào những thực thể văn hóa sinh động của dân tộc và đất nước này.

Kōdō (香道), còn được biết tới là bunkō hay monkō - “văn hương” (聞香) tức nghệ thuật “nghe” mùi hương. Mỗi loại hình văn hóa truyền thống của người Nhật đều hàm chứa những triết lý sâu xa của Thiền, chính vì thế, với “đạo” thưởng thức hương, họ không chỉ đơn thuần xem đó như sự thưởng thức trong khứu giác bằng cách “ngửi”, mà là “nghe” những gì mà mùi hương chuyên chở trong đó.

Theo các ghi chép lịch sử, nghệ thuật Kōdō được định hình ở khoảng thế kỷ XV, tuy nhiên nó đã xuất hiện kể từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI. Dưới thời Heian (794-1185), giới quý tộc ưa chuộng việc đốt trầm hương để thơm tho nhà cửa và y trang. Dần dần, việc đốt hương được khuếch trương rộng rãi, vượt ra ngoài phạm vi của giới quý tộc và phổ biến rộng rãi trong dân chúng.

Sự ra đời của giai cấp samurai - võ sĩ vào thế kỷ XII đã khiến ảnh hưởng của Thiền vào đời sống Nhật Bản trở nên đậm nét. Nghệ thuật thưởng thức mùi hương của người Nhật chuyển sang Nerikō tức trộn lẫn trầm hương với nhau rồi dần định hình dưới dạng Kōdō vào thời Muromachi (1336-1573), với phong thái tĩnh mịch, hướng nội khác hẳn thú chơi hương phần nào hào nhoáng của thời kỳ ban đầu.

Việc phân loại mùi hương trong Kōdō theo nguyên tắc Ngũ vị lục quốc (五味六国), được hiểu nôm na là theo năm mùi vị: ngọt, chua, cay, mặn, đắng và theo sáu nước được xem là nơi xuất sinh những loại trầm hương mang vị đặc thù. Mùi hương phân theo sáu nước gồm:

- Kyara (伽羅 Già La): tức để chỉ kỳ nam, một loại hương thượng hạng có ở miền Trung Việt Nam.

- Rakoku (羅国 La Quốc): mùi hăng, vị đắng, mặn và cay; chỉ có ở Thái Lan.

- Manaban (真南蛮 Chân Nam Man): vị ngọt; có ở miền Đông Ấn, hoặc vùng giữa Mã Lai và Ấn Độ.

- Manaka (真那伽 Chân Na Già): vị nhạt, có ở Malacca (Malaysia).

- Sasora (佐曾羅 Tá Tăng La): mùi nhẹ, có ở miền Tây Ấn.

- Sumatora (寸聞多羅 Thốn Văn Đa La): vị chua, có nhiều ở Sumatra (Indonesia).

Đặc biệt hơn cả, bên cạnh mang ý nghĩa truy tầm cái đẹp u nhã của nghệ thuật, Kōdō còn phản ánh sự giao lưu văn hóa từ sớm giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vị tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa là Tokugawa Ieyasu từng gửi thư cho vua Champa vào năm 1606 và chúa Nguyễn để xin gửi kỳ nam. Theo thông tin từ các văn thư, vào các năm 1605 và 1606, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi một số tặng vật cho Tokugawa Ieyasu, trong đó có kỳ nam.

Trong thời kỳ hoạt động của các đoàn “Châu ấn thuyền” giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á vào thế kỷ XVI - XVII mà Hội An (Quảng Nam) là một trong những điểm cập bến, trầm hương cũng là mặt hàng được đặc biệt ưa chuộng.

Ngày nay, nghệ thuật Kōdō dần được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống vật chất và tinh thần, các loại hương có xuất xứ từ Nhật Bản được ưa chuộng và sử dụng. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết đến những nguyên lý gắn liền với Kōdō cũng như mối liên hệ đặc biệt giữa hai quốc gia Việt-Nhật qua lịch sử sâu xa gắn với loại hình nghệ thuật này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày