Tháng Chạp, thăm lại Hoàng Mai...

Chùa Hoàng Mai gắn liền với cuộc đời của hai vị Danh ni đất Cố đô: Thích nữ Thể Quán và Thích nữ Cát Tường.
Chùa Hoàng Mai gắn liền với cuộc đời của hai vị Danh ni đất Cố đô: Thích nữ Thể Quán và Thích nữ Cát Tường.
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tháng Chạp, nhân chuyến về Huế, người viết đã có dịp thăm lại Hoàng Mai, ngôi chùa nhỏ trên vùng đồi núi Dương Xuân thỉnh thoảng được nhắc đến lúc kể chuyện thiền môn của lớp người cố đô thế hệ trước.

Cách đây không lâu, trong câu chuyện vãn cùng nhà nghiên cứu, cư sĩ Nhật Cao Trần Đình Sơn nhân buổi tất niên, người viết có dịp được nghe nhắc lại câu chuyện đặc biệt về một nếp thiền xưa nức tiếng trên đất Huế: Tịnh thất Hoàng Mai. Nhắc tới Hoàng Mai, lại không thể không nhắc đến nhị vị Ni trưởng sáng lập mà câu chuyện gắn liền với cuộc đời tu tập, giới hạnh và phụng sự của hai Sư bà có thể gây nên sự cảm phục nơi người nghe: Ni trưởng Thích nữ Thể Quán và Ni trưởng Thích nữ Cát Tường.

Năm 1958, hai Sư bà lên khu đồi núi Dương Xuân, cạnh chùa Hồng Ân, lập một ngôi tịnh thất nhỏ để cùng nhau tĩnh tâm tu tập. Sở nguyện ấy của hai Sư bà được chấp thuận, Hoàng Mai tịnh thất do vậy mà thành hình.

Một góc chùa Hoàng Mai ngày nay

Một góc chùa Hoàng Mai ngày nay

Quanh ngôi tịnh thất tranh tre vách lá, những cội mai vàng được mang về vun trồng, cùng với vô số cỏ hoa được hai vị bỏ công chăm sóc. Xuân đến, mai vàng trổ hoa rực rỡ, làm nên một cảnh thiền thanh tao, thi vị. Cái tên Hoàng Mai bắt nguồn từ đó.

Hai Sư bà tâm ý tương giao, ưa thích sự thanh tu và nghiên tầm kinh điển, nhưng cũng đồng thời, suốt một thời gian dài, là hai cái tên từng có đóng góp rất lớn, lăn xả trong công việc cứu tế xã hội như hỗ trợ cho những người dân vạn đò Gia Hội, lập ký nhi viện để cưu mang các em nhỏ bất hạnh ở Huế, cứu trợ thiên tai, bão lụt,… Công đức ấy, đến nay vẫn được hậu nhân ghi nhận và nhắc nhớ.

Theo lời kể, hai Sư bà, mỗi người một tánh hạnh. Ni trưởng Thể Quán dí dỏm, sôi nổi; Ni trưởng Cát Tường nhẹ nhàng, thanh thoát. Họ cùng gặp nhau nơi ý hướng tu tập và chí nguyện làm việc thiện nguyện. Cảnh tĩnh tu cỏ hoa trang nhã Hoàng Mai thuở trước, vốn là nơi lui tới của nhiều nhân sĩ trí thức cố đô.

Bảo tháp nhị vị Ni trưởng nằm trong khuôn viên chùa, giữa vườn hoa cỏ xanh tươi luôn được các vị đệ tử chăm nom cẩn trọng

Bảo tháp nhị vị Ni trưởng nằm trong khuôn viên chùa, giữa vườn hoa cỏ xanh tươi luôn được các vị đệ tử chăm nom cẩn trọng

Cũng phải nhắc lại, đến chùa, "hưởng lây" nếp thiền thanh đạm, xa lánh cuộc bon chen thế tục một đôi giờ, nói chuyện đạo, chuyện thơ phú cũng vốn là điều đặc biệt trong nếp sống tinh thần của giới trí thức Huế. Nếp sống ấy, đến bây giờ, dần phai lạt theo thời thế, trở thành dư hương của một thời quá vãng xa xôi.

Miền Trung năm nay thời tiết thất thường, mai vàng do vậy cũng vắng bóng. Trong những ngôi nhà, ngôi chùa Huế giữ theo nếp cũ, ngày Tết thường chỉ điểm tô nhà cửa bằng những cành mai được cắt mang về từ vùng rừng núi hoặc từ những cây lão mai sum suê các tư gia ở vùng ngoại ô. Tháng Chạp năm này, để tìm một cành mai cũng là điều khó. Mưa dầm kéo dài, cảnh xuân vì thế cũng có đôi phần ảm đạm.

Thời tiết không thuận lợi khiến hoàng mai không kết hoa dẫu đã cuối tháng Chạp

Thời tiết không thuận lợi khiến hoàng mai không kết hoa dẫu đã cuối tháng Chạp

Theo câu chuyện cũ, chúng tôi tìm về Hoàng Mai. Tịnh thất xưa nay đã thành chùa. Kể từ ngày Ni trưởng Cát Tường thuận tịch vào năm 2013, một vài vị đệ tử của hai Sư bà vẫn ở lại hằng ngày săn sóc trông nom, giữ cho cảnh chùa luôn sạch sẽ, phong quang.

Cảnh trí già-lam dù được tu sửa khang trang hơn, nhưng vẫn giữ được sự thanh tao, khiêm cung như thuở hai Sư bà còn tại thế. Tiếc rằng, hai hàng mai già được trồng dọc từ ngoài cổng vào trong hiên chùa thường được các thế hệ trước nhắc đến, nay đã mất dấu.

Bia tưởng niệm Sư bà Thể Quán trước vườn tháp

Bia tưởng niệm Sư bà Thể Quán trước vườn tháp

Hỏi thăm một Ni sư đang cần mẫn quét sân chùa thì được biết hai hàng mai trước đây vốn tươi tốt, sau khi Ni trưởng Cát Tường vắng bóng, cứ cằn cỗi rồi chết dần, chỉ còn lại đôi ba cây bên hông chánh điện và gần khu tháp mộ của hai Sư bà.

"Các vị đến thăm chùa làm chúng con bỗng nhớ tới Sư bà, hồi tưởng lúc Sư bà còn tại thế, khách khứa tới lui thăm viếng”

"Các vị đến thăm chùa làm chúng con bỗng nhớ tới Sư bà, hồi tưởng lúc Sư bà còn tại thế, khách khứa tới lui thăm viếng”

“Ngày trước, có ai đến thăm, Sư bà chúng con vui lắm. Sư bà thường đưa khách đi thăm khắp các cảnh trí hoa cỏ của chùa rồi kể chuyện. Từ lúc Sư bà mất, chùa cũng vắng người lui tới. Các vị đến thăm chùa làm chúng con bỗng nhớ tới Sư bà, hồi tưởng lúc Sư bà còn tại thế, khách khứa tới lui thăm viếng...”, Lời của Ni sư làm chúng tôi không khỏi xúc động.

Năm cũ sắp hết, cảnh chùa Hoàng Mai im lìm vắng vẻ, dạo một vòng từ Hoàng Mai, theo cửa ngách ghé sang Hồng Ân, dạo thêm một vòng nữa, tất thảy đều vắng bặt.

Chùa Hồng Ân gắn liền với hành trạng của Sư bà Diệu Không - vị Ni trưởng kiệt xuất của cố đô

Chùa Hồng Ân gắn liền với hành trạng của Sư bà Diệu Không - vị Ni trưởng kiệt xuất của cố đô

Thời tiết không đãi người, sắc hoa lưa thưa càng làm cho cảnh chùa thêm u tịch. Dừng lại thật lâu trước bảo tháp hai Sư bà, đọc những dòng văn bia khiêm cung bạc phai vì mưa gió, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước đạo tình tri kỷ của những bậc tôn túc ngày trước: "Giữa chốn Hoàng Mai, dưới bóng thông già bây giờ đã dựng lên đôi tháp. Đây là bản nguyện chân thành của những người ở lại tỏ lòng tri ân, ghi dấu người đã khuất, đây cũng là hình ảnh tương thân tương đắc của hai Sư trong đại nguyện từ bi và trí huệ của chư Phật".

Khắp nơi nơi, cảnh chùa được trùng kiến khang trang, vững vàng hơn trước, nhưng mối đạo tình như thế lại dần trở nên hiếm có khó tìm. Bảo tháp hai vị Ni trưởng lặng lẽ giữa sắc xanh hoa cỏ và cái trầm tư muôn đời của đất Huế. Hoàng Mai rợp sắc vàng mỗi độ xuân sang, có lẽ, chỉ còn lại trong câu chuyện vang bóng một thời của lớp người Huế cũ.

Lạy xuống một lạy trước vườn tháp, những câu thơ của người xưa bỗng gợn về trong thoáng chốc nhớ nhớ quên quên:

Bởi giấc mơ tiên cơ lỡ say

Lòng con mến Phật tự bao ngày

Đêm nay chuông gọi hồn con tỉnh

Phủi sạch trần ai con đến đây…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày