Nghẹn ngào với món quà quê của cha

GNO - Chiều nay khi nhận được món quà quê của cha gởi lên, cầm những trái sầu riêng thơm nứt, những chùm chôm chôm đỏ rực, mà lòng con như muốn nghẹn ngào.

Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa sầu riêng cha lại chăm từng chút một, chỉ mong sao lựa những quả to, ngon nhất để gửi lên cho con gái. 

Cách đó vài hôm, cha có điện lên báo rằng có trái sầu riêng tầm 6 - 7kg, ngon lắm, cha để dành cho con và đã bao bọc lại rất cẩn thận, đợi vài ngày nữa nó già, sẽ gửi lên cho con. Nhưng mà hôm qua cả nhà đi làm hết nên bị người ta vô hái mất rồi. Nghe giọng cha buồn rười rượi, tôi biết cha tiếc lắm.

Con đã khẽ cười, nói: mất rồi thì thôi cha ạ. Người ta ăn thì mình khỏi ăn ý mà… 

benbo.jpg


Sầu riêng - món quà quê của cha - gói trong đó tình thương vô bờ - Ảnh: Diệu Lợi

Cha! Đã rất nhiều lần con thường nghe mẹ kể rằng hồi nhỏ con rất khó nuôi, chiều nào cũng khóc lóc đòi cha bế sang nhà hàng xóm chơi, thậm chí còn nũng nịu đòi cha đút cơm cho thì mới chịu ăn hay tối tối thường đòi cha hát ru cho ngủ…

Thuở nhỏ, cha vì bận rộn với việc nương rẫy nên không có thời gian chăm sóc, lo lắng và bên cạnh chị em con  như là mẹ. Nhưng cha lại là người luôn để ý chúng con từng chút một. Thậm chí, tuy mẹ là người chăm các con nhưng chính cha lại là người biết sở thích, tính tình của từng đứa một. Đối với chị em con mà nói, cha tuy có thể không hoàn hảo, nhưng với chúng con cha luôn là tất cả.

Con còn nhớ năm con 12 tuổi, là khi con quyết định xuất gia. Lúc ấy, con và mẹ đã âm thầm bàn tính với nhau mà không cho cha biết. Vì con biết rằng nếu con nói con đi xuất gia thì cha sẽ không đồng ý. Bởi lúc đó tuy cha không phản đối việc mẹ con con đi chùa nhưng cha vẫn còn chưa biết đến đạo. Thế nên, mẹ chỉ nói rằng gửi con vô chùa để đi học vì kinh tế nhà mình khó khăn. Cha khẽ gật đầu nhưng sâu thẳm trong lòng con cảm nhận được cha đang cố nén những giọt nước mắt vào trong.

Cha buồn vì bản thân mình không phải là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, không đem lại nguồn kinh tế ổn định khiến con khi tuổi còn nhỏ đã phải rời xa vòng tay yêu thương của cha mẹ, xa các chị, các em để vào chùa.

Cha lo rằng liệu đứa con gái bé nhỏ của cha có đủ sức để vượt qua những khó khăn, thử thách trong đường đạo; liệu con có thể thích nghi được với cuộc sống cơ cực ở chốn thiền môn khi tuổi còn quá nhỏ; lo rằng những lúc con ốm đau thì ai là người sẽ chăm sóc con…

Nhưng cha nào đâu biết rằng xuất gia chính là tâm nguyện của con. Và khi con vào chùa được một thời gian, mặc dù mẹ có nói cho cha biết con đã xuất gia nhưng cho đến 2 năm sau khi con trở về thăm nhà lần đầu tiên, thấy con xuất hiện với hình dáng của một chú điệu - cha đã rất ngạc nhiên. Ánh mắt cha lúc ấy như chứa đựng rất nhiều cảm xúc: vui, buồn, giận, tự hào... Và có lẽ cha cũng phần nào hiểu được rằng giờ con đã là con gái của Như Lai, đã không còn là đứa con gái bé bỏng của cha nữa rồi. 

Cho đến tận bây giờ, về việc con xuất gia, cha chưa một lần tán thành nhưng cũng không phản đối, bởi cha luôn tôn trọng mọi quyết định của con. Cha chỉ luôn nhắc con rằng: “Một khi đã chọn con đường này, thì con phải cố gắng hết sức mình, và đi trọn con đường ấy”. Chính lời dạy ấy như một sự động viên, khích lệ, tiếp thêm động lực cho con mỗi khi con chùn bước. 

*

Thời gian cứ thế trôi qua, chị em con ngày một trưởng thành, có những người đã có tổ ấm riêng của mình. Con thì vì những bộn bề của việc học, và những công tác tại chùa mà những cuộc gọi điện thoại, những lời thăm hỏi cũng thưa dần hơn. Nghe em con kể lại rằng, những lần chị gọi về, cha vui lắm, vui đến nỗi nhiều khi nước mắt muốn chực trào, có những lúc không ngăn được cảm xúc, cha lại tắt máy ngang.

Con luôn tự hỏi có phải những giọt nước mắt ấy là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc khi thấy con mình đã trưởng thành, đã có thể vượt qua những chướng ngại, thử thách trên con đường đạo để vững bước cho đến ngày hôm nay hay không? Hay giọt nước mắt ấy còn mang những hàm ý nào khác?

Em còn nói dạo này cha thường bị mất ngủ, chắc hẳn là do cha đã suy nghĩ quá nhiều cho chị em con. Cha lo cho những chị đã có gia đình nhỏ liệu có được ấm êm, hạnh phúc; lo cho đàn em dại liệu đã có những suy nghĩ chín chắn hay chưa?

Thậm chí con còn biết gần đây gia đình xảy ra một vài chuyện nhưng cha chưa một lần than vãn với ai, cũng không muốn cho ai biết và đặc biệt là con. Có lẽ cha sợ những trói buộc của đường đời sẽ làm bước chân con càng thêm vướng bận, sợ rằng con sẽ vì nặng gánh gia đình mà bỏ dở lý tưởng của mình. Chính vì thế, cha luôn âm thầm chịu đựng mà không oán trách bất cứ ai.

*

Giáo lý nhà Phật tuy cha hiểu không nhiều, nhưng cuộc đời cha lại là một bài học sâu sắc về đức tính hy sinh và sự nhẫn nhịn sâu sắc. Vì các con cha luôn hy sinh tất cả, luôn dành cho chúng con những điều tốt đẹp nhất.

Thuở nhỏ cha thường nhẫn nhịn với chị em con. Cha hiền nhưng rất nóng tính, vậy mà mỗi khi chúng con phạm lỗi, cha lại không nỡ đánh đòn, cho dù lúc đó con có ngỗ nghịch, ngang bướng biết nhường nào. Cha luôn tự dằn cơn giận của mình xuống, im lặng khẽ suy tư và dành cho chị em con những ánh mắt biết nói, rồi có khi cha lại răn dạy vài điều, mắng yêu vài câu. Ấy thế mà những lời khuyên răn, những ánh mắt vô hình ấy lại khiến cho chị em tôi sợ đến lạ lùng.

Bởi thế, nên cứ mỗi lần - chỉ cần chị em con không nghe lời là mẹ lại hù rằng sẽ méc cha, thế là đứa nào đứa nấy đều nghe răm rắp.

Không những thế, cha nhẫn nhịn ngay cả với mẹ con. Người ta thường nói “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Thật vậy, những tranh cãi trong gia đình là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng mỗi lần cha mẹ cãi nhau thì cha luôn là người nhẫn nhịn, cho dù cha không sai. Cha làm thế bởi vì muốn cho chúng con có một gia đình ấm êm, để không phải xấu hổ với bạn bè… Cho tới giờ vẫn vậy. Đó chính là bài học quý giá, là tấm gương sáng để chúng con học hỏi theo.

Vu lan năm nay con muốn mượn đôi dòng này để gửi đến cha những lời bộc bạch (lần đầu tiên) với cha những điều thân thương nhất: “Cha à, gần nửa cuộc đời cha đã hy sinh vì chị em con rất nhiều rồi. Bây giờ chị em con đều đã trưởng thành và phải là người chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình. Lúc này đây, con mong cha hãy buông bỏ bớt những muộn phiền và sống cho mình, nghĩ cho mình nhiều hơn nữa. Bởi hạnh phúc lớn nhất của chị em con chính là được nhìn thấy cha có cuộc sống an nhàn, khỏe mạnh và luôn nở nụ cười trên môi, cha nhé! Những tình cảm, sự hi sinh mà Cha đã dành cho con thật đúng như lời bài hát “Cảm ơn con nhé”: Ngày con sinh ra đời, lòng cha sướng vui. Tình yêu thương dâng trào, vương trên khoé mắt. Tuổi thơ con hồn nhiên với biết bao kỷ niệm. Bên cha, dưới mái nhà ấm êm. Cha thương con nhiều, thương con nhiều lắm…

Đối với chị em con, cha mãi là “bến bờ nhân gian”, là dòng suối mát mà chúng con luôn muốn trở về. Con thương cha nhiều lắm cha ơi!”.

Thích nữ Diệu Lợi
(Chùa Bảo Thắng, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

“Bến bờ nhân gian” do Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan Báo hiếu 2019, diễn ra từ 23-7 tới 23-9, mời gọi bạn đọc chia sẻ câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Từ ngày 16-8 đến 27-8, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được bài viết của các tác giả Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung, Nguyên Hiếu, Công Nguyễn, Minh Út, Nguyễn Nguyên An, Liên Khanh, Thích nữ Huyền Trúc,…

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.


Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày