Nghĩ về chữ Tâm qua chương trình “Nối vòng tay lớn”

Giác Ngộ - Trong những thời khắc chuyển giao của năm củ 2009 sang năm mới 2010, chương trình “Nối vòng tay lớn” - Chương trình gây qũy vì người nghèo được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 vào lúc 20h tối ngày 31 - 12 như một cơn mưa xuân đầu mùa mang lại sự lạc quan tin tưởng và niềm tin bất diệt vào những giá trị nhân bản, nhân văn của đời sống hôm nay.

Sự truyền tải các thông điệp về lòng nhân ái, những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt từ bao đời nay qua câu ca dao quen thuộc:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Câu ca dao nay đã được MC quen thuộc Quyền Linh, Thanh Vân tại đầu cầu TP.HCM và MC Anh Tuấn, Nguyễn Thị Huyền tại đầu cầu Hà Nội dẫn dắt một cách nhịp nhàng, sinh động. Tuy có xảy ra vài lỗi nhỏ về ngôn từ, cách diễn đạt từ phía MC Nguyễn Thị Huyền khiến một số khán giả tỏ vẻ bực mình đối với một chương trình lớn như vậy, nhưng không vì thế mà chương trình giảm đi ý nghĩa vốn có của nó.

WMH.jpg
 
Khi bàn tay nắm lấy những bàn tay

Sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; người đại diện cao nhất về mặt nhà nước cùng việc bán đấu giá các sản phẩm như cúp Lạc Hồng, cúp Nối vòng tay lớn... thực sự là một “cú hích” tác động đến nhận thức của các doanh nghiệp cũng như toàn thể mọi người dân trong việc thể hiện tấm lòng của mình trước cộng đồng.

Sự có mặt của các “đại gia” trong các nghành công nghiệp năng lượng thuộc hàng Top như dầu khí, than khoáng, điện lực, viễn thông... đặc biệt là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam với mức ủng hộ cao ngất ngưởng 500 tỷ đồng đã trở thành “hiện tượng” trong đêm gây quỹ. Thế nhưng, xét về góc độ xã hội thì điều này cũng là dễ hiểu và là lẽ đương nhiên. Sự biến đổi khí hậu đã trở nên rõ rệt tại Việt Nam , quá trình sa mạc hóa này đã kéo theo nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận không nhỏ người dân. Báo chí đã nói về chuyện rất nhiều các tập đoàn kinh tế, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp... được hưởng mọi đặc quyền, đặc lợi nhưng lại tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm đóng góp, xây dựng cho cộng đồng xã hội bởi những hậu quả mà họ đã gây ra trên mọi mặt đời sống của người dân. Như chúng ta đã biết việc khai thác khoáng sản là nghành công nghiệp chủ lực của bất cứ quốc gia nào, tuy nhiên, việc khai thác này nếu không được sự quản lý một cách quy mô của nhà nước, của những nhà hoạch định chiến lược sẽ gây nên những dư chấn cho thềm lục địa, phá vỡ kết cấu địa chất và tạo nên những đợt sóng thần mà hiểm họa về lâu dài thì như chúng ta đã được chứng kiến qua trận sóng thần càn quét các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương năm 2004. Vì thế, việc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam gây quỹ vì người nghèo với mức tiền thuộc hàng Top là một động thái tích cực, nó không chỉ chứng minh được tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách về lâu dài mà nó còn tỏ rõ cái tâm của các nhà lãnh đạo đang nắm giữ vận mệnh quốc gia.

Thật tự hào khi TP.HCM – thành phố trẻ và năng động bao giờ cũng là địa phương dẫn đầu trong cả nước cho các phong trào từ thiện xã hội với số tiền ủng hộ lên tới 300 tỷ đồng. Và Ban từ thiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ mức số tiền lên tới 150 tỷ. Thủ đô Hà Nội tuy ở mức độ “khiêm tốn” 30 tỷ nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. Tin rằng, với bề dày của Hà Nội ngàn năm tuổi; nơi neo giữ những giá trị sống, văn hóa tinh thần, Hà Nội sẽ tỏ rõ được vị thế của người Tràng An trong các phong trào, các chương trình vì cộng đồng xã hội về sau.

WMD.jpg

Vẫn còn nhiều mãnh đời cần sự chung tay của xã hội

Có một điều mà bất cứ khán thính giả xem truyền hình nào cũng đều nhận ra là sự “lên ngôi” của các tỉnh nhỏ không thuộc các thành phố lớn như Hậu Giang, Bình Phước, Bắc Giang, Bến Tre... với mức tiền ủng hộ rất cao của mình. Hay như Quảng Nam - một tỉnh vừa gượng đứng dậy sau cơn bão số 9 cũng đóng góp một số tiền rất lớn. Xin đơn cử ví dụ tỉnh Hậu Giang là tỉnh mà điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, kinh tế vi mô, vĩ mô đều ở mức còn phải học tập, tiếp thu kinh nghiệm từ các đô thị lớn, thế nhưng, mức ủng hộ lên tới 150 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ các cấp lãnh đạo tại địa phương đã tỏ rõ vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm của mình đến đời sống của một bộ phận người dân nghèo. Chiều dài lịch sử đã dung tích cho con người ta nhiều sự tồn tại, mà luận bàn về lẽ được, mất thì chỉ thì chỉ có một chữ tâm mà thôi. Người viết bài này chắc chắn một điều rằng rất nhiều đêm các cấp lãnh đạo nơi đây họ đã không yên giấc, rất nhiều bữa cơm họ ăn không biết ngon khi mà thế sự đang trong những bước thăng trầm, đời sống của người dân trong tay họ điều chỉnh. Thế nhưng bằng cái tâm dám nghĩ, dám làm, cái tâm luôn: “Tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc” – lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Người dân Hậu Giang đã rất tự hào cất cao tiếng nói của mình, chung tay cùng cả nước thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo một cách hữu hiệu.

Sự có mặt của các đối tượng được hỗ trợ bởi nghị quyết 30A của Chính phủ thuộc hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội đã gây được sự xúc động mạnh mẽ trong lòng khán giả. Câu chuyện về tấm lòng của hai cha con anh H tại đầu cầu TP.HCM đã nhiều lần nhường số tiền được hỗ trợ để xây nhà của mình cho các hộ dân khác vì anh nghĩ rằng: “Mình đã thuộc diện hỗ trợ thì không trước thì sau cũng tới lượt mình, còn nhiều người khó, khổ hơn mình nên để cho họ có cơ hội trước...” đã gây xúc động mạnh mẽ cho hàng triệu triệu khán giả xem truyền hình. Nó làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện bà lão nghèo thời Đức Phật đã dùng một đồng xu của mình để mua dầu thắp đèn cúng Phật; trong khi những ngọn đèn khác đã dần lụi tắt thì ngọn đèn dầu của bà lão vẫn cháy sáng huy hoàng. Các đệ tử của Đức Thế Tôn đã đem thắc mắc lên hỏi Ngài và được Đức Phật trả lời rằng “Sự cúng dường không căn cứ nơi phẩm vật mà cốt ở sự thành tâm, sở dĩ ngọn đèn của bà lão mãi mãi cháy sáng là vì bà đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Phật, Pháp, Tăng vào những điều tốt đẹp nhất nơi con người”[1]. Phải chăng vì thế mà hai cha con anh H đã vinh dự là đại diện cho hàng ngàn hộ gia đình được hỗ trợ trong chương trình xóa đói giảm nghèo có mặt tại trường quay để giao lưu cùng khán giả?.

Chương trình “Nối vòng tay lớn” đã kết thúc vào những thời khắc cuối cùng của năm 2009, thế nhưng câu chuyện cảm động về sự chia sẻ của họ với những người cùng cảnh ngộ, cứ khiến tôi trằn trọc không sao yên giấc. Nếu như nước hoa là sự thăng hoa của những tinh dầu quý, thì câu chuyện nhường cơm, sẻ áo của hai cha con anh H quả thật là sự thăng hoa của những giá trị nhân bản, nhân văn. Nhưng làm sao để những giá trị ấy tồn tại vĩnh cửu trong đời sống của dân tộc Việt hôm nay ? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của hàng Phật tử chúng ta nhất là các bạn thanh niên nam, nữ Phật tử.

Để tồn tại và phát triển loài người phải đấu tranh để sinh tồn, trong công cuộc đấu tranh này chắc hẳn có rất nhiều người sẽ bị gạt ra khỏi bên lề sự sống khi mà cái ăn, cái mặc, được đi học, được hưởng mọi quyền lợi xã hội đang trở thành vấn đề thách thức  đối với các họ. Thế nhưng chúng ta đứng bao giờ thỏa hiệp với sự vô cảm. Đừng bao giờ hết sẻ chia; và nếu đêm nay bạn cũng như tôi cảm thấy khó ngủ, hãy nhớ đến những gia đình không nhà cửa, phải ngả lưng trên phiến đá lạnh nơi công viên hay bến tàu bến xe. Và nếu bạn bị kẹt xe phải nhích từng bước một để tiến lên phía trước thì bạn đừng thất vọng hãy nghĩ rằng rất nhiều người mơ ước có được chiếc xe máy để đi học, hoặc đi làm nhưng lại chưa bao giờ có. Và nếu bạn phải trải qua một ngày làm việc mệt nhọc, hãy đừng cau có bực mình vì xung quanh bạn có biết bao người đang thất nghiệp không có việc để làm. Các bạn biết không ? Có lần đứng trước gương soi thấy tóc mình sao quá nhiều sợi bạc tôi chợt giật mình, thoáng chút ưu tư, nhưng rồi nghĩ đến những bệnh nhân ung thư phải sử dụng hóa chất trị liệu đang ao ước tóc mình mọc lại tôi lại thấy mình là người hạnh phúc. Không nhất thiết phải là người có nhiều tiền mới có thể sẻ chia, nếu tất cả chúng ta cùng biết lưu giữ những giá trị nhân bản, nhân văn thì đó cũng là một cách để sẻ chia cùng đồng bào nghèo mình ???

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày