Nghĩ về đề án tu viện chuyên tu của HT.Thích Huệ Hưng

GN - Là người xuất gia, những ai còn nuôi dưỡng sơ phát tâm đều ước mong được sống trong môi trường đại chúng có năng lượng hỗ tương nuôi lớn tâm Bồ-đề.

z2111691119351_88a2d1fd647a706420170a64695c6a62.jpg


Ảnh tư liệu TVHQ

Cố HT.Thích Huệ Hưng (1917-1990) những năm 1990 với vai trò là Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM và Tổng lý quản trị tổ đình Ấn Quang, khai sơn ngôi tu viện Huệ Quang, có lẽ là người cảm nhận sâu đậm nhất về nhu cầu tu tập của tu sĩ Phật giáo thời bấy giờ. Chính vì vậy ngài đã viết hẳn một đề án “Mô hình một tu viện chuyên tu” gồm 12 trang đánh máy roneo và một bản thu gọn 3 trang thay mặt Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN trình bày trước Giáo hội trong kỳ họp Thường trực vào ngày 12-10-1988. Sau đó chính ngài được Giáo hội giao coi sóc, đôn đốc việc xây dựng Viện chuyên tu tại Đại Tòng Lâm. Tiếc rằng công việc tiến hành chưa được bao lâu thì ngài viên tịch.

Trong di chúc để lại, Hòa thượng có tha thiết đề nghị với Giáo hội 3 việc: 1. Mở lớp hoằng giới, 2. Thành lập tu viện chuyên tu, 3. Mở lớp huấn luyện trụ trì. Ngài viết:  “Phật giáo hiện nay có tín đồ Phật tử rất đông trên 80% dân số, Tăng Ni tứ chúng cũng rất nhiều nhưng đa số chỉ học hiểu để phát triển mặt rộng của thế đế hơn là đệ nhất nghĩa đế, nên ít có người tu chứng đến chỗ rốt ráo như người xưa đời Trần, đời Lý, Trúc Lâm Tam Tổ v.v… Do đó, tôi hằng ao ước thực hiện được một viện chuyên tu để làm phương tiện cho những vị xuất gia phát tâm tu hành đạt ngộ bổn tâm, chứng vô sanh nhẫn hầu làm đèn Thiền, đuốc Tuệ cho hậu tấn noi theo”.

Hai lớp Hoằng giới và Huấn luyện trụ trì thường xuyên được Giáo hội tổ chức, nhưng viện chuyên tu chính thức mà ngài hằng ao ước vẫn chưa được thực hiện.

Đề án tu viện chuyên tu mà ngài đề xuất, mục đích nhằm đào tạo một lớp tu sĩ thực tu thực chứng, giải thoát trong một đời, tự độ rồi mới độ người, khôi phục truyền thống tu chứng của tiền tổ thời Lý, thời Trần. Phương hướng tổ chức là xây dựng một hệ thống các ngôi thất độc cư để hạ thủ công phu, cắt đứt mọi duyên, mọi sự liên lạc với bên ngoài.

Các thất phân làm 2 khu: khu thứ nhất cho các thiền sinh công quả hoặc các vị mới tập nhập thất. Khu thứ hai là những ngôi thất vĩnh cửu, tức dành cho những vị đã có một trình độ về pháp học và pháp hành tương đối thuần thục phát tâm hạ thủ công phu cho đến thành tựu mới ra thất. Giữa các ngôi thất là thất phương trượng, thất Ban Giảng huấn để có nơi cho các hành giả tham vấn khi cần. Ngoài ra còn có nhà bếp, nhà khách, thư viện… phục vụ nhu cầu tối thiểu cho việc nhập thất lâu dài.

Tâm nguyện thành lập một viện chuyên tu của HT.Thích Huệ Hưng phát xuất từ nhu cầu thực tế của Phật giáo Việt Nam như đã phân tích ở trên, nhưng lại cũng có dấu ấn cá nhân rất rõ từ người đã đề xuất ra mô hình ấy.

Hòa thượng xuất gia với Sư tổ Đạt Thới-Chánh Thành chùa Vạn An Sa Đéc năm 21 tuổi (1938). Từ nhỏ ngài đã có thiên hướng nghiêm trì giới luật và tu thiền định. Trong bản tiểu sử của ngài có một chi tiết rất đáng chú ý. Đó là việc xảy ra vào năm 1960, ngài 44 tuổi, khi đảm nhiệm trụ trì tổ đình Kim Huê-Sa Đéc được hai năm, ngài đã mời TT.Thích Huệ Phát thay mình giữ chức vụ trụ trì, để yên tâm bế quan thiền định. Việc làm ấy tuy rất bình thường với bất cứ một tu sĩ thực sự nào, nhưng đã cho thấy ngài nhận thức việc trụ trì chỉ là một trách nhiệm, là việc Tăng sai, không phải là đặc quyền đặc lợi; và công việc chính yếu của người xuất gia là việc tu tập, quán chiếu nội tâm, làm sáng tự tánh.

Chính nhờ chân tâm ấy nên dù việc Giáo hội đa đoan mà việc tu tập luôn được duy trì, không những tự mình luôn hướng về việc tu tập mà cũng luôn muốn tạo điều kiện cho tha nhân tu tập. Cho nên trong di chúc cuối cùng ngài vẫn thiết tha mong một tu viện chuyên tu chính thống do Giáo hội thực hiện. Hàng năm đến ngày giỗ ngài, Giáo hội và pháp lữ vẫn đọc lại bản di chúc ấy.

Vào những năm cuối đời (1988-1990), ngài được Giáo hội tin tưởng giao phó trông coi việc thành lập Viện chuyên tu tại Đại Tòng Lâm. Một am nhỏ được cất lên và ngài ở nơi đó trực tiếp coi sóc công việc xây cất. Tiếc thay, một lần nữa, những công trình rất có ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam lại gián đoạn.

Một số nơi nỗ lực thực hiện mô hình đó, với hình thức tổ chức nội viện và ngoại viện. Ngoại viện giữ chức năng như các ngôi chùa khác trong khi nội viện chính là trọng tâm. Chúng trong nội viện sống theo thanh quy thiền môn, không giao tiếp với bên ngoài, không sử dụng mạng internet hay điện thoại (chỉ có một điện thoại chung). Chư Tăng/ Ni không được giữ tiền hay tài sản nào riêng.

Chúng chấp tác mỗi ngày độ một tiếng, phân công các nhóm trị nhựt hành đường. Toàn bộ thời gian còn lại dành cho việc học giới, hành giới và tu tập. Mùa hạ Tăng chúng ở trên Tịnh nghiệp đường còn nhiều hơn trên Tăng phòng. Chính môi trường giới luật và thanh quy có phần gắt gao ấy đã chắt lọc được những học tăng có khuynh hướng tu tập tụ hội về. Ở đây họ chuyên tâm tu tập nên Bồ-đề tâm tăng trưởng, bằng chứng là sau khi ra trường đa phần muốn đi nhập thất để tìm cầu giải thoát chứ không muốn đa đoan thế sự. Trái tim của mô hình ấy là vị giáo phẩm trụ trì.

Thích Không Hạnh/Báo Giác Ngộ

z2111691069230_c0a697ae71f430c62dc3bac96afcac82.jpg
Sinh tiền, HT.Thích Huệ Hưng là vị giáo phẩm dành nhiều tâm huyết ưu tư về mô hình chuyên tu cho Tăng Ni - Ảnh tư liệu TVHQ

Đề án về viện chuyên tu của HT.Thích Huệ Hưng được soạn thảo chi tiết gồm 8 phần, thuyết minh về việc cần thiết của việc kiến tạo viện chuyên tu đối với sự hưng vong của Phật giáo, vị trí, quy hoạch kiến trúc (nội viện và ngoại viện), trách nhiệm của Tăng sinh, pháp môn, công tác, sinh hoạt tu tập…Ở đây, trích giới thiệu phần VIII, về Thanh quy trong đề án đầy ưu tư này.

"Những Tăng sinh đến đây đều phải chấp nhận thanh quy của tu viện, thực hiện đúng đắn những yêu cầu sau:

1. Đủ lòng kính tin tuyệt đối về phạm hạnh và đạo lực của vị phương trượng.

2. Chỉnh đốn lại kiến giải theo giáo án của tu viện.

3. Tham vấn với phương trượng và Ban Chức sự về mọi vấn đề chưa sáng tỏ.

4. Nghiêm chỉnh giữ gìn giới bổn, trau dồi đức hạnh.

5. Thuận theo sự phân công sắp đặt của Ban Chức sự, không sợ khó, sợ khổ.

6. Không được tiếp khách quá 30 phút. Nếu người thân còn ở lại, chuyển qua tri khách sắp xếp chỗ nghỉ cho họ.

7. Những thư từ liên lạc đều trình cho Ban Chức sự biết.

8. Tiền bạc giao cho thủ bổn, nếu cần giữ riêng vì duyên sự đặc biệt thì phải trình người trên.

9. Các Tăng sinh phải sống theo tinh thần lục hòa.

10. Trong khi công quả tập tu không được nói chuyện nhiều với huynh đệ làm mất chánh niệm của mình và người khác.

11. Tuân theo thời khóa để tiến tu, giờ công phu phải thực hành đầy đủ, trừ lúc bệnh nặng.

12. Phải dẹp bỏ mọi duyên, quyết tâm tu tập.

13. Sắc phục, y áo phải theo quy định của tu viện.

14. Mọi Tăng sinh đều phải ăn chay.

15. Tăng sinh nhập thất tuyệt đối không được nói chuyện với người ngoài, kể cả việc đọc thư từ của người thân.

16. Tuyệt đối không được đến gần khu vực nhập thất của Ni chúng (nếu có)".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày