Nghĩ về hạnh Quán Thế Âm

GN - Không có gì rộn rã bằng âm thanh thế gian. Mỗi sát-na phút giây nhất định đã có không biết bao nhiêu loại âm thanh trỗi dậy, ở mỗi người. Dù đối lập nhau nhưng cứ phải gợi hình gợi bóng sóng đôi nhau: tiếng buồn - tiếng vui, tiếng khổ đau - tiếng hạnh phúc, tiếng hy vọng - tiếng tuyệt vọng, tiếng thăng - tiếng trầm, tiếng được - tiếng mất… Tiếng nào cũng nhiều cung bậc. Âm thanh nào cũng nhiều thanh âm.

Ở trong phạm vi hữu hạn của thế giới nhị nguyên, mọi âm thanh đều là tên gọi của một giới hạn và mọi cung bậc thanh âm đều mang giá trị tạm thời. Vượt thắng mọi âm thanh kia của thế gian là âm thanh của chân như, của duyên khởi trùng trùng: diệu âm, Quán Thế Âm, Phạm âm, hải triều âm; là âm thanh quán chiếu từ hiện hữu của cuộc đời mà diễn xướng, tương tục và bất tận.

an kc 1.jpg
Học hạnh Quán Âm chính là học hạnh nguyện lắng nghe của Ngài - Ảnh: K.C

Không có gì phức tạp, lắm cung bậc như thanh âm thế gian. Vui có 101 kiểu vui; buồn cũng có 101 kiểu buồn. Không niềm vui nỗi buồn nào giống niềm vui nỗi buồn nào. Âm thanh được biểu lộ ra càng không phải bao giờ cũng là âm thanh xác thực. Cùng cực đổ vỡ trong lòng nhưng có thể biểu lộ ra là âm thanh của kỳ vọng, tin yêu; có những lúc biểu lộ ra là âm thanh tung hô, chúc tụng nhưng giấu kỹ là tiếng nói của ganh ghét, đố kỵ; dù la hét rằng một hiện hữu nào đó đã ràng buộc và gây khổ đau nhưng đau khổ chỉ thật sự có mặt khi hiện hữu đó không còn ràng buộc nữa. Vậy nên đối với thế gian nhiều đối đãi này, sự phi lý nào cũng tìm ra cái lý của nó.

 Bao lâu con người còn ở trong giới hạn của đối đãi, của các cực đối lập, chừng đó con người còn muốn vượt thoát sự trói buộc. Bao lâu con người còn tự trói buộc, chừng đó con người còn phải tự vượt thoát chứ không phải là mong cầu vượt thoát. Giữa phức hợp âm thanh và đủ thứ cung bậc của thanh âm, tuệ giác đại trí và đại bi sẽ suốt thấu tới những tiếng kêu cấp thiết, hữu duyên. Vì đại trí nên biện biệt vô ngại; vì đại bi nên hóa độ tùy nghi. Quán xét âm thanh thế gian chính là lắng nghe ước nguyện vượt thoát: vượt thoát đau khổ, vượt thoát sợ hãi, bất an…

Quán xét âm thanh thế gian, lắng nghe âm thanh thế gian, tùy từng trường hợp, sự kiện cụ thể của thế gian mà diễn nói. Mỗi âm thanh của thế gian cần phải có một chủ thể âm thanh riêng biệt thích hợp để có thể lắng nghe và độ thoát. Nếu xét thấy cần dùng thân Phật để độ thoát liền dùng thân Phật để độ thoát, đáng dùng thân người nữ để độ thoát thì liên dùng thân người nữ  để độ thoát… Cho nên nói rằng Quán Thế Âm là nói tiếng nói ứng hợp với tiếng nói của cuộc đời, nhìn thẳng cuộc đời mà diễn nói.

Thế gian không ra ngoài khổ nên quán xét âm thanh thế gian là nhìn nhận đau khổ hiện hữu trong cuộc đời bằng con mắt tuệ giác. Âm thanh thế gian là âm thanh hữu ngã, âm thanh đối đãi... Trong đủ cung bậc thanh âm đó, khắp nơi chỗ chỗ, bốn phương tám hướng đều được lắng nghe, được độ thoát là bởi hạnh nguyện Quán Thế Âm: “Khéo hiện khắp mọi nơi/ Thệ nguyện sâu như biển/ Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn/…………/ Hay diệt khổ các cõi”.

Hạnh Quán Âm là hạnh “tầm thanh cứu khổ nạn”, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

Hạnh Quán Âm là hạnh “linh cảm ứng”. Bồ-tát đem mắt thương nhìn chúng sanh, lắng nghe chúng sanh nhiều khổ đau, hoạn nạn, chưa từng thôi bỏ, chưa từng tạm nghỉ. Có hạnh phúc nào hơn khi có một nơi bất cứ lúc nào cũng có thể đến, có một người lúc nào cũng sẵn lòng lắng nghe mình! Bao nhiêu buồn khổ cũng nhẹ nhàng tan.

Học hạnh Quán Âm chính là học hạnh nguyện lắng nghe của Ngài. Mỗi sinh mạng con người hiện hữu trong thế gian đều mang theo nghiệp lực riêng của mình. Buồn vui kiếp người có thể hao hao giống nhau nhưng không ai giống ai cả. Lắng nghe chính mình để thấy mình, hiểu mình. Chưa hẳn mỗi người đều thấy được “gương mặt” thật của chính mình, đôi điều biết là sai, là xấu ác nhưng vẫn bảo vệ chính mình như một tất yếu. Lắng nghe mình, rồi bạn sẽ thấy bạn thật sự muốn gì, cần gì. Những gì mình muốn, mình cần có chính đáng không? Rồi với những cố gắng, những đánh đổi để đạt tới những thứ mình muốn, mình cần đó mình sẽ thế nào, sẽ đi về đâu…? Lắng nghe chính mình trong từng móng tâm động niệm, lúc đó ta mới thực sự sống vì chính ta chứ không phải vì những nhãn hiệu phù phiếm hoa mỹ khác của thế gian.

Lắng nghe mình thì cũng lắng nghe được người khác, hiểu được người khác. Bên ngoài vẻ mặt, hình dáng khác nhau nhưng hạt giống tâm hầu như giống nhau: ganh ghét, đố kỵ, yêu thương và muốn được yêu thương… Cho nên cả những thứ khó chấp nhận ở đời cũng cần được cảm thông, chia sẻ. Lắng nghe người khác, chẳng phải chỉ người khác được vui mà chính mình cũng sẽ được sống trong cộng đồng thân ái, an vui.

Lắng nghe nghĩa là không nhất thiết phải nói. Niềm vui được lắng nghe là phép nhân của niềm vui được chia sẻ. Khi bạn nghe ai đó nói về niềm vui của họ với một chút hào hứng chân thành chính là khi bạn mở rộng lòng vui với cái vui của người khác. Khi bạn nghe ai đó nói về nỗi buồn của họ, nhiều lúc, chỉ cần bạn im lặng lắng nghe, từng chữ từng câu trọn vẹn đi vào lòng bạn, bạn đã thật sự đem đến cho người khác một sự chia sẻ và an ủi lớn lao.

Lắng nghe nghĩa là nghe một cách lắng dịu, nghe trong sự quán xét, tĩnh tại; nghe một cách trọn vẹn, đầy đủ với tất cả niềm cảm thông, hiểu biết.

Lắng nghe là cho người sự không sợ hãi. Khi bạn có thể lắng nghe niềm đau nỗi khổ của người, tự bản thân bạn đã là một nơi gửi gắm tin cậy, tự bạn đã cho người khác sự không sợ hãi, thiết lập được cho người khác một cảm giác an toàn tuyệt đối, từng bước xa lìa đau khổ được sống một cuộc sống an vui.

Bồ-tát Quán Thế Âm là một điển hình cho hạnh nguyện lợi sanh của Phật giáo Đại thừa. Trong thân tướng người nữ, nhân gian gọi Ngài là Mẹ hiền Quán Thế Âm, lắng nghe và đáp ứng mọi thiết yếu của những người con không phân biệt không gian, thời gian. Học theo hạnh nguyện lắng nghe của Ngài, chúng ta lắng nghe theo cách chúng ta có thể cũng là đã góp phần tạo nên hoa trái cho trần gian.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày