GN - 1. Những ngày qua, dòng chủ lưu thời sự chính là thông tin tuyển sinh, với những quyết định rút, nộp, chờ đợi, hy vọng đến nghẹt thở của cả phụ huynh lẫn thí sinh. Có trường hợp, ngày cuối cùng xét tuyển nguyện vọng 1, một phụ huynh ở Hà Tĩnh đã thuê xe cấp cứu 115 đi ra Hà Nội để rút và nộp hồ sơ cho con.
Chuyện tưởng như đùa đó lại là sự thật! Sáng 21-8, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh, xác nhận vào ngày 20-8 đơn vị này có một chiếc xe được thuê ra Hà Nội để làm thủ tục hồ sơ xét tuyển đại học. Người thuê xe là chị N.T.T. ở khối 5, phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh.
Vẻ mặt mệt mỏi của cả phụ huynh và thí sinh khi phải chờ đợi
rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Không bàn chuyện bi hài của mùa tuyển sinh “có một không hai” được các chuyên gia giáo dục lên tiếng, bất bình trước phản ứng gắt gao của dư luận, ở đây, tôi nói về tình thương của ba mẹ dành cho con, nhất là trước ngưỡng cửa vào đời, tiếp sức cho giấc mơ đại học của con.
Sở dĩ người mẹ phải thuê cả xe cấp cứu đi “cấp cứu” nguyện vọng học đại học (nộp hồ sơ vào một trường khác) là vì lo cho con, mong con mình được có danh phận rỡ ràng. Một số người dân cho biết, kỳ thi tốt nghiệp cấp III quốc gia vừa qua con chị T. là T.C.C. đạt 25,75 điểm và đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh.
Khoảng 11g ngày 20-8 (ngày xét tuyển nguyện vọng 1 cuối cùng) gia đình chị T. quyết định phải ra Hà Nội gấp để đến Học viện An ninh rút hồ sơ và kịp nộp vào Trường ĐH Bách khoa trước 17g cùng ngày nên phải thuê xe cấp cứu 115 để được ưu tiên.
Ai đó lên án việc làm thái quá này nên đã bỏ qua yếu tố thương con của người mẹ, sẵn sàng dành tất cả điều tốt nhất cho con, ngay cả khi đó chỉ là mầm hy vọng nhỏ nhoi, bé bỏng.
Xoay quanh mùa tuyển sinh kỳ dị, ống kính phóng viên không chỉ dừng lại ở việc rút, nộp hồ sơ theo quy trình “rối như canh hẹ” mà ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa lên tiếng nhận trách nhiệm, mà ở đó còn có nước mắt ngắn dài của những ông bố, bà mẹ đi xét tuyển cùng con, vui buồn lo lắng cùng con, có khi còn nhiều hơn con cái nữa. Do vậy, nỗi lo trở thành nhân đôi, nhân ba... trong nỗi lo chung của mọi thí sinh vào những kỳ khảo thí.
Thật sự không khó để thấy những hình ảnh đùm túm, bỏ việc ở quê để đưa con “lai kinh ứng thí” trong những mùa thi, nhất là kỳ thi quyết định như tuyển sinh hay kỳ thi quốc gia THPT như năm nay.
Tôi nghĩ, nếu không có những sự động viên tinh thần, sự đầu tư vật chất từ gia đình; không có những cổ xúy của bà, của mẹ bằng ly sữa nóng, chén chè đậu hay sự dõi theo lặng lẽ, âm thầm của bố bằng việc hỏi han sau mỗi giờ thi cam go thì chắc chắn sẽ khó có những tân sinh viên tràn đầy niềm tin, mơ ước bay cao, bay xa mỗi năm học mới bắt đầu. Từ những bữa cơm đạm bạc quê nhà đến cơ hội học và trưởng thành, đóng góp và đạt được những vị trí trong cuộc sống luôn có bóng dáng ba mẹ, những người thân thương của bạn, của tôi, của bao thế hệ sinh thành, dưỡng dục của chúng ta.
2. Nhiều buổi lễ tốt nghiệp ở các trường đại học, thi thoảng có đi dự và tôi cũng xúc động khi có bà mẹ quê lam lũ, ông bố nghèo khó nào đó đến dự buổi lễ quan trọng của con mình và cả hai ba con, hai mẹ con ôm nhau mừng tủi, hạnh phúc dâng tràn.
Nhận tấm bằng tốt nghiệp cử nhân sau 4-5 năm miệt mài ở giảng đường là cả hành trình cùng cố gắng của ba mẹ, con cái. Khi đó, niềm vui của ba mẹ là con cái được học và niềm hãnh diện của con là ba mẹ đã cực nhọc lo cho mình được tới trường. Cả hai cùng làm cho nhau hạnh phúc, cùng hướng về mục tiêu tốt đẹp là tấm bằng tốt nghiệp, đánh dấu bước đầu thành công, đánh dấu cho chặng đường học hành nghiêm túc, để từ đó có “giấy thông hành” vào đời, làm việc.
Thành công của ba mẹ là nuôi con khôn lớn, thành đạt, con cái nhớ ơn ba mẹ nên không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân, để viết tiếp ước mơ dang dở của ba mẹ nghèo, vì hoàn cảnh không được học giống mình.
Ở đó, có lời cám ơn con đã không phụ tấm lòng ba mẹ dành cho và có lời tri ân sâu sắc của tân cử nhân, rằng, con cũng cám ơn ba mẹ đã tần tảo sớm hôm, lặn lội thân cò, chịu thương chịu khó cho con vào đại học, vững tin chinh phục ước mơ vì luôn có ba mẹ phía sau luôn nâng đỡ...
Có được những “bệ phóng” thiêng liêng, ấm áp ở quê nhà ấy mới có những ông cử, bà cử, và sau này là những người trẻ chung tay đóng góp cho xã hội, cho cuộc sống thêm tươi đẹp nhờ tri thức đã học được từ mái trường, từ giảng đường, thầy cô. Đó là quá trình chuyển vận của ước mơ, nghị lực và cả những hy sinh thầm lặng của những đấng sinh thành, nên việc sẻ chia niềm vui trên những bước đường thành công của mình chính là món quà ý nghĩa nhất dành cho ba mẹ, những người luôn dõi theo mình.
Một bạn học sinh lớp 12 tặng ba bông hoa hồng thay lời cám ơn trong buổi lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12 niên khóa 2011-2014 của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
PGS.TS Trần Hữu Tá, nguyên là hiệu trưởng của trường chia sẻ với báo chí rằng: “Chúng tôi cùng suy nghĩ về một ngày lễ trang trọng dành cho học sinh lớp 12, và đặt tên là lễ trưởng thành và tri ân. Trải qua nhiều năm sáng tạo, bổ sung và rút kinh nghiệm, lễ trưởng thành và tri ân đã trở thành lễ hội truyền thống ở Trường Trương Vĩnh Ký, chứng nhận các em đã trở thành những công dân 18 tuổi”.
Thầy Tá chia sẻ thêm, “lễ trưởng thành và tri ân của Trường Trương Vĩnh Ký thường được tổ chức vào đầu tháng 5. Vì sao lại đầu tháng 5? Vì lúc đó còn khoảng một tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp. Nếu làm tốt lễ này thì đó sẽ là liều thuốc tăng lực cho các em và thực tế là sau đó các em ngoan hơn, chăm hơn, kỷ luật hơn” - để bước vào mùa thi trọn vẹn niềm biết ơn ba mẹ, thầy cô.
Từ khởi nguyên buổi lễ tại Trường Trương Vĩnh Ký, đến nay, sau hơn chục năm, các trường đã học hỏi buổi lễ hay này để trao cho học trò bài học về lòng biết ơn, lấy được khá nhiều nước mắt học trò khi vào tuổi trưởng thành, kịp nghĩ, nhớ ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy.
Nghĩ về những lễ tri ân và trưởng thành tại các trường trung học phổ thông, tôi thấy, thực ra cũng tương tự như những lễ đốt nến tri ân trong các khóa tu mùa hè ở các chùa. Đó là một buổi lễ thắp sáng tâm hồn thông qua ngọn nến lung linh ở bên ngoài cùng những gợi nhắc chân thành từ quý thầy, sư cô (Ban Tổ chức khóa tu) về ơn sinh thành của cha mẹ.
Thực ra, mỗi người ai cũng sẽ dễ cảm, dễ xúc động và thêm niềm tin, động lực để phấn đấu sống tử tế (nhất có thể) vì những người thân yêu. Khi còn nghĩ tới ba mẹ mình, còn nghĩ tới tình thâm thì chúng ta vẫn còn có cơ hội làm người tốt, tốt thêm nữa hoặc sẽ quay đầu lại khi lỡ sai lầm, bởi vì kính, thương, nhớ ơn người sinh dưỡng - như một sợi dây neo tâm hồn. Khi đó, chúng ta sẽ không thể buông mình vào bóng đêm hư hỏng. Đó là bài học tôi nghĩ, thật thiêng liêng, cần luôn khơi nhắc, và xin được đặt tên là “nghĩ về những ‘bệ phóng’ của đời mình...”.
Lễ trưởng thành và tri ân là mô hình được Sở GD&ĐT TP.HCM mở rộng đến cả các lớp cuối cấp của bậc mầm non, tiểu học, THCS. “Gieo vào các em hạt giống của lối sống ân nghĩa” là điều mà bao thế hệ Ban Giám hiệu, giáo viên của Trường Trương Vĩnh Ký mong muốn khi thực hiện những lễ trưởng thành và tri ân đầu tiên. |