Nghĩ về tác hại của “giang hồ mạng”

GNO - Học sinh là độ tuổi cần phải quan tâm học tập, trau dồi, rèn luyện những phẩm chất, đức tính tốt, cần được tiếp xúc với môi trường lành mạnh. Những gì trẻ tiếp xúc có ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm, lối sống và cách hành xử của trẻ, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Anh 1, PGTT.jpg
Vun bồi đời sống đạo đức mỗi ngày, mội người - Ảnh minh họa

Vì đâu nên nỗi?

Thực trạng ngày nay là cha mẹ ít có thời gian gần gũi, quan tâm dạy dỗ con cái. Nhà trường chạy theo thành tích và dạy học sinh theo kiểu nhồi nhét kiến thức, học sinh không được học tập, rèn luyện nhiều về đạo đức và kỹ năng sống.

Học sinh căng thẳng trong học tập, thiếu sự quan tâm chia sẻ từ cha mẹ, thầy cô, bị ức chế tâm lý nhiều mặt. Các em cũng không được trang bị nhiều những hiểu biết về công nghệ, những lợi ích và tác hại của việc tham gia thế giới  mạng. Trong khi đó thế giới mạng ngày càng phát triển thu hút không chỉ giới trẻ mà mọi giới, mọi thành phần xã hội.

Qua các mạng xã hội, các kênh video, người ta có thể sẻ chia, giao lưu, học hỏi cả cái tốt lẫn cái xấu. Người ta cũng lên mạng để xả stress, giải phóng những áp lực, ức chế trong cuộc sống; để tìm niềm vui, tìm sự hứng khởi; lên mạng để tự do thể hiện cái tôi, để khẳng định mình và tạo sự chú ý nơi mọi người bằng nhiều cách thức tiêu cực lẫn tích cực...

Có thể nói mạng toàn cầu (Internet) là nơi người ta tìm thấy mình trong đó, là nơi có những điều mà thế giới thật bên ngoài không có, nơi mà con người được thỏa mãn nhiều nhu cầu, ước muốn dù phần lớn nó là ảo chứ không thật, tuy nhiên hậu quả đến với người sử dụng mạng là thật.

Đời sống xô bồ bận rộn và chạy theo lối sống thực dụng đã khiến cho một bộ phận cha mẹ và thầy cô không còn là hình mẫu, là tấm gương để giới trẻ noi theo.

Trẻ thiếu nơi nương tựa về tinh thần, không được dìu dắt, giáo dục, định hướng. Trong khi đó thì xã hội ngày càng phức tạp, cái xấu không ngừng tăng và nó có sức thu hút giới trẻ rất mạnh thông qua thế giới mạng…

Trở thành một người tốt với nhiều ưu điểm, xuất sắc về thành tích học tập, lao động, đóng góp cho tập thể, cộng đồng thì khó, nhưng làm xấu hình ảnh của mình, gây ra những việc sai trái động trời hoặc khắc họa mình bằng hành vi lập dị, quái gở để mọi người chú ý, để “nổi tiếng”, để hình ảnh và tên tuổi được cộng đồng biết đến là việc làm rất dễ.

Những nhà làm phim, nhất là phim chiếu mạng (web drama) nắm lấy đặc điểm này và cho ra đời những sản phẩm phù hợp tâm lý giới trẻ, đó là tâm lý nổi loạn, tự do thể hiện cái tôi, muốn khẳng định mình, muốn trở thành người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn... Những loại phim thỏa mãn tâm lý giới trẻ (tất nhiên không phải tất cả) sẽ trở lại tác động tiêu cực vào giới trẻ. Tức là càng xem những loại phim này thì tinh thần giới trẻ càng hăng, cái tôi nổi loạn, hiếu chiến, hiếu thắng, thích thể hiện mình càng như được hun đúc, nuôi dưỡng và ngày càng lớn thêm.

Quan niệm và lối sống lệch lạc cũng ngày càng bền vững hơn nhờ sự hun đúc của phim ảnh, sự cổ xúy của bè bạn hư hỏng.

Thử nghĩ giải pháp

Gần đây thế giới mạng, nhiều nhất là Youtube và Facebook xuất hiện nhiều trang cá nhân và video clip đăng tải hình ảnh những hoạt động lệch chuẩn nhân cách, trái với văn hóa, đạo đức, vi phạm pháp luật của một số cá nhân được xem là dân giang hồ, hiện tượng này được một bộ phận giới trẻ cổ xúy và có khuynh hướng noi theo, gây ra nhiều hệ lụy. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ vô cùng lo ngại.

Một đứa trẻ nhỏ sau khi xem các phim bạo lực, về nhà lập tức bắt chước ngay những màn đánh đấm, đâm chém, vỗ ngực xưng tên, huống chi là lứa tuổi thanh thiếu niên khí huyết bừng bừng, luôn muốn chứng tỏ bản thân với người yêu, bạn bè và mọi người xung quanh.

Những học sinh đã có tiếng không tốt trong trường lớp (quậy phá, lưu ban, thường bị khiển trách…), chúng muốn làm nổi trong mắt bạn bè, muốn tạo sự chú ý của mọi người, muốn được mọi người thừa nhận (không phải học giỏi, có những thành tích xuất sắc mà là bản lĩnh quậy phá, chơi ngông, hung hãn,…), những học sinh này rất thích thú khi xem các video clip của giang hồ mạng, chúng học tập từ đó và đem sử dụng trong trường lớp, gia đình, sử dụng với cộng đồng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật...

Theo tôi, trẻ cần được tiếp xúc với môi trường học tập, vui chơi giải trí, môi trường sống tốt, tiếp xúc với những tấm gương mà qua đó trẻ có thể học tập được những bài học có giá trị về đạo đức, tinh thần nhân văn, ý thức tiến bộ. Cần phải tạo môi trường thân thiện, lành mạnh cho giới trẻ, giáo dục và định hướng cho trẻ. Không để trẻ có thời gian tiếp xúc nhiều với những gì tiêu cực trên thế giới mạng. Muốn làm được điều này phải có những quy định tích cực của các nhà quản lý, kiểm duyệt và phạt nặng những nhà sản xuất, những cá nhân làm phim, quay video clip mang nội dung gây tác hại cho giới trẻ như khiêu dâm, bạo lực, nổi loạn trong lối sống làm ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa, đạo đức, pháp luật.

Nhà trường và gia đình quan tâm con em mình sát sao hơn, giúp trẻ phân định được đâu là giá trị tốt và đâu là cái xấu cần nên tránh, giúp trẻ hướng đến những điều tốt đẹp, sống có lý tưởng, chí hướng.

Việc làm phim trên mạng, các video clip ngắn không tốn nhiều chi phí, không cần đầu tư nhiều nhưng thu hút giới trẻ và lợi nhuận lớn, cho nên đây là cách được nhiều người chọn lựa hiện nay, vừa kiếm tiền, vừa lăng xê tên tuổi. Tuy nhiên người ta mãi tranh đua, mãi chạy theo danh, theo lợi, hoặc muốn thỏa mãn tính ngông (của các tay giang hồ) mà không nghĩ đến những hệ lụy của nó đối với thế hệ con em mình.

Báo chí mỗi ngày đưa những thông tin thật đáng sợ: Các Facebooker, fan cuồng, quá khích, sau khi khẩu chiến trên mạng xã hội facebook, đã hẹn nhau thanh toán, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng vũ lực; học sinh đánh hội đồng bạn cùng trường, cùng lớp, xé áo quần rồi quay video clip tung lên mạng để bêu xấu, dằn mặt, để cho mọi người biết mình đáng mặt anh chị, để câu like, câu view…

 Đây là nỗi đau không chỉ riêng nạn nhân mà còn là nỗi đau của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Tôi nghĩ mọi người nên chung tay vì tương lai thế hệ trẻ, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em; có những biện pháp tích cực giúp trẻ chọn lựa cho mình những đối tượng tiếp xúc phù hợp, có ích; không tiếp tay cho những sản phẩm độc hại bằng cách kêu gọi chống bạo lực, xây dựng môi trường thân thiện có thương yêu và hiểu biết, không xem và không phổ biến những phim ảnh bạo lực, kích động, nổi loạn.

Gia đình và nhà trường quan tâm giới trẻ nhiều hơn trong việc yêu thương, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mà các em gặp phải trong quá trình học tập, tiếp xúc với cộng đồng; giáo dục con em mình ý thức sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội, hướng tới đời sống văn hóa, đạo đức, văn minh.

Diệu Thể 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày