Quả là nhân duyên! Tôi và anh hội ngộ hết sức tình cờ nhưng đầy thú vị tại chốn Già Lam, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh nhân ngày giỗ Cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ và đây cũng là những dịp về cội của anh em cựu Tăng chúng tôi. Cũng chính từ cuộc hội ngộ này, tôi mới được nối lại liên lạc với em Hồng Mai, một nữ sinh lớp Đệ lục ngày ấy (lớp 7 bây giờ). Hồng Mai chính là cô học trò bé bỏng, chân chất và dễ thương đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng cho đến tận bay giờ!
Sau khi liên lạc được với Hồng Mai, trong tôi như có một động lực thôi thúc trở về chốn xưa. Thế rồi, tôi và thầy Hồng Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề cũng đã sớm quyết định về lại Bến Tre, nơi gắn với bao nhiêu kỷ niệm của chúng tôi.
Cũng xin nói thêm rằng, ở Kiến Hòa lúc bấy giờ tôi được thầy Hồng Sơn giao cho việc “bếp núc”, tức là Tổng giám thị của trường từ niên khóa 1973 - 1974 cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Và cũng chính vì những kỷ niệm ấy thôi thúc để con người “ham chơi” như tôi được rời xa Sài Gòn xô bồ, nóng bức và khói bụi, trốn được sự tra tấn của những âm thanh động cơ xe các loại gầm rú đêm ngày…
Với nhiệt độ ngoài trời trên 35oC của những ngày tháng 4 lịch sử, 36 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi ra bến xe Miền Tây (Xa cảng miền Tây) bắt xe về Bến Tre. Không biết do trời quá nóng hay trong lòng chúng tôi quá háo hức mặc dù ngồi trên xe có máy lạnh nhưng lưng áo chúng tôi vẫn ướt đẫm mồ hôi. Với hệ thống giao thông ngày càng được hoàn thiện và hiện đại, sau 2 giờ đồng hồ chúng tôi đã tới thành phố Bến Tre.
Khi bước chân xuống bến xe Bến Tre, tôi đã thấy anh Đạt Nhân và cô học trò Hồng Mai đón đợi chúng tôi tự bao giờ. Gặp mặt, tay bắt mặt mừng, trong lòng tôi bỗng tràn lên một cảm xúc lâng lâng khó tả. Bao năm xa cách, tình cảm thầy trò, bằng hữu thật đầm ấm, xúc động. Với niềm cảm xúc ấy giờ đây như đang nâng bước cho chúng tôi trên đường về nhà anh Đạt Nhân. Và trên con đường dẫn về nhà anh Đạt Nhân, niềm xúc động lại đến với chúng tôi khi gặp lại Quách Viễn Thanh đón đợi chúng tôi đã rất lâu rồi ở ngã tư đường, như đón người thân đi xa lâu ngày trở về. Có thể nói, Thanh ngày xưa là một học sinh tính cách hiền lành, ngoan ngoãn và học khá. Chính vì những tố chất ấy, Thanh được chọn làm lớp trưởng của lớp Hồng Mai.
Chúng tôi về tới nhà anh Đạt Nhân, bữa cơm được gọi là “ôn cố, tri tân” đã được cô Nết, vợ hiền anh Đạt Nhân (cũng là giáo viên cũ của trường) với sự tham gia của Hồng Mai đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nhìn những gì đã được bày biện tại đây, tôi đã nhận ra sự chu đáo, trọng thị, thêm vào đó Hồng Mai cho chúng tôi những bất ngờ khi được thưởng thức những hương vị nước dừa thơm mùi lá dứa, xoài, sầu riêng hạt lép, béo ngậy, ngọt dịu đậm đà, đặc sản của Bến Tre và ẩn trong đó là một nghĩa tình sâu lắng với sự sáng trong, đầm ấm và chân thành…
Sáng hôm sau, Hồng Mai, anh Đạt Nhân đưa chúng tôi đến chùa Bửu Thành, cách thành phố Bến Tre khoảng 20km về phía Tây Nam để thăm Diệu - một nữ sinh cùng lớp với Hồng Mai thời ấy. Diệu có mẫu người nhỏ nhắn, hiền thục, ít nói, một cựu học sinh Bồ Đề sau 36 năm nhánh bồ đề đã “trổ hoa” tươi thắm trong vườn hoa đạo Bụt. Ấy là Diệu nay đã trở thành sư cô với pháp danh Diệu Huyền, tiếp chúng tôi tại phòng khách của chùa; trong không gian tĩnh lặng, phủ màu tươi xanh của cõi tịnh tu còn có sư cô phó trụ trì, chúng tôi vừa dùng bữa trưa vừa trò chuyện quanh mâm cơm chay thắm tình đạo vị.
Chiều đến, Quách Viễn Thanh lại mời chúng tôi về nhà. Thanh hiện là một chủ doanh nghiệp, dù bận rộn với công việc làm ăn nhưng vẫn chăm nuôi mẹ hiền trên 80 tuổi đang bị trọng bệnh, một cách chu đáo trọn vẹn hiếu thảo... Hơn thế nữa, Thanh tự làm những món ăn đặc thù để thiết đãi chúng tôi.
36 năm, một vòng quay hơn nửa đời người để rồi gặp lại những thâm tình xưa cũ, tuy giờ đây đã làm ông làm bà, nhưng trong chúng tôi, những tình cảm ấy vẫn còn đong đầy ở mỗi con người, vẫn còn tươi mới vẹn nguyên như những tà áo dài trắng tinh khôi của các cô, các cậu học trò ngày ấy.
Do thời gian quá ít nên chúng tôi chỉ gặp được vài ba em học sinh ở lớp Đệ lục. Tuy đây mới chỉ là một nhóm nhỏ trong hàng trăm em học sinh từ lớp Đệ thất đến lớp Đệ nhất ngày xưa, nhưng đã đi vào lòng nhau bằng tình cảm trắng trong, thân thương và chân thành. Những tình cảm ấy mang đậm nét nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt và chính trong những giá trị nhân văn ấy lại hun đúc cho tình cảm của tình đồng liêu, tình thầy trò chúng tôi thêm sâu đậm.
Cách đây vài năm, tôi và thầy Hồng Sơn đã chở nhau bằng xe gắn máy về Bến Tre để tìm thăm những tình thân xưa cũ ngày nào, nhưng xui rủi cho chúng tôi chẳng gặp được một ai cả. Cứ thế chúng tôi đi vòng quanh thành phố để tìm kiếm những gương mặt quen cũ ấy, để rồi vô vọng tấp vào quán nước ven đường, ngậm ngùi như tìm kiếm một sự đồng cảm như gần, như xa mà ngắm nắng chiều vàng vọt để tâm sự, chia sẻ chút hắt hiu mà ngóng đợi mà hy vọng một cuộc gặp tình cờ.
Bây giờ chúng tôi đã nối lại tình cảm “trong vòng tay nhỏ” với bao niềm ấp ủ thầm lặng bấy lâu, với bao sự kiếm tìm, bao sự nhớ mong. Sự gặp gỡ hôm nay là kết quả của sau 36 năm khắc khoải kiếm tìm, là nghĩa tình của những con người biết sống vì những giá trị đẹp đẽ trong cuộc sống và hơn thế nữa là văn hóa ứng xử truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của các cô, cậu học trò như Mai, Thanh, Diệu… sẽ không bao giờ mai một! Cái đẹp đó luôn tỏa sáng trong tâm hồn của chúng ta và đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chúng ta.
Nghĩa tình sau 36 năm gặp lại! Là một giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã thấm đẫm trong mỗi con người trong cuộc, nó đã được rèn dũa, tôi luyện trong gian khó và cơ cực.
Giật mình! Nhìn lại hôm nay. Những thông tin “nữ sinh Trung học cơ sở đánh ghen, quay clip tung lên mạng, nữ sinh lột quần áo làm nhục nhau hay Hiệu trưởng một trường Trung học của một tỉnh vùng cao phía Bắc gạ tình nữ sinh tuổi vị thành niên để đổi điểm…”, được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhan nhản một cách đậm nét.
Có thể nói, nhân cách, đạo đức của một bộ phận người trong xã hội ta hiện nay đang đi xuống một cách đáng báo động. Họ tôn sùng đồng tiền, chạy theo đồng tiền và coi đồng tiền là trên hết. Họ ứng xử theo đồng tiền, coi đồng tiền có thể “mua tiên cũng được”, đồng tiền có thể ngự trị lên tất cả trong đó có những giá trị tốt đẹp truyền thống.
Đây có thể là mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng có thể khẳng định rằng chính những người coi đồng tiền là tất cả họ không có gì cả. Họ không có những khắc khoải tìm kiếm, đợi chờ của những con người có tấm thâm tình, họ không có những dồn nén nhớ nhung của tình đồng liêu, tình thầy trò chân chính, họ không mang trong mình những giá trị truyền thống nhân văn vô cùng tốt đẹp của dân tộc. Và chắc chắn họ không có được giá trị truyền thống “Tôn sư trọng đạo” như câu chuyện “Nghĩa tình sau 36 năm hội ngộ” kể trên.