Bà là một trong hai người còn lại của làng Ngũ Xã giữ được nghề truyền thống của tổ tiên, một trong 4 nghề danh bất hư truyền của đất Kẻ chợ xưa: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã". Những bước thăng trầm Gốc gác của gia đình bà Ngô thị Đan gắn liền với sự hình thành của làng đúc đồng Ngũ Xã. Từ đời Lê, khi các phường thợ cùng nhau ra bán đảo hồ Trúc Bạch lập nên làng gọi là Ngũ Xã Tràng, tổ tiên bà đã có mặt ở đây.
Trải qua mấy trăm năm, như vậy, bà Đan là người chính gốc Kinh kỳ Kẻ chợ.Như các gia đình khác trong làng, người cha của bà cũng làm nghề đúc đồng. Ông mất sớm, năm bà mới lên 2 tuổi, còn mẹ bà đi mua phế liệu nhôm, thiếc ở các nhà máy và bán lại.
Vì vậy những hình ảnh về nghề với bà chỉ thoảng qua. Người Ngũ Xã làm nghề một cách ăn đong, nhà nào làm nhà đấy theo kiểu "sáng sửa cưa, trưa mài đục" nên thợ đúc rất nghèo.
Chỉ năm 1952 khi đúc một pho tượng lớn cần trưng dụng tất cả thợ giỏi trong làng, thì làng nghề mới nhộn nhịp. Đó là pho tượng Phật Adiđà của chùa Thần Quang, nằm ngay chính trong làng. Tượng cao 3,95 mét, nặng 11 tấn toạ lạc trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh. Không chỉ kỳ vĩ về kích thước, pho tượng này còn được đúc theo kỹ thuật rỗng liền khối, một kỹ thuật bí truyền mà chỉ làng Ngũ Xã mới có.
Sau khi đúc pho tượng ấy, làng Ngũ Xã lại trở về không khí trầm lắng vốn có.Năm 1954, khi giải phóng thủ đô, nghề đúc không còn để lại chút dư âm gì vì khi tiếp quản, chuyện thờ cúng bắt đầu bước sang giai đoạn mới, mọi người không mua nhiều đồ thờ như trước nữa. Khi đất nước có chiến tranh, nguyên liệu đồng rất cần thiết nên Nhà nước quản lý, không cho ra bên ngoài, cả làng cũng không còn nghề.
Nghệ nhân Ngô Thị Đan bên cạnh một số sản phẩm đồng cuả mình
Bà Đan may mắn được học nghề từ những người giỏi bậc nhất. Anh ruột của mẹ bà, ông Nguyễn Đức Thuận từng vào kinh đô Huế đúc theo yêu cầu của vua Khải Định và được vua phong một chức quan nhỏ. Ông nổi tiếng với việc đúc thành công một tàu lá dừa bằng đồng theo yêu cầu của vợ quan Thống sứ Pháp. Về sau ông là người đúc quả chuông Cổ Lễ nổi tiếng.
Khi lấy chồng, gia đình nhà chồng bà có truyền thống đúc đồng nổi tiếng bậc nhất làng Ngũ Xá. Bà học nghề từ chính cha chồng và các anh em ruột của ông, rồi bà còn “học lỏm” nghề của cụ Nguyễn Văn Tùy là bác chồng. Cụ dạy bà bằng cách truyền khẩu nói chuyện.
Cũng từ đấy, bà trải qua bao thăng trầm với nghiệp cũ của làng.Năm 1963, ông Nguyễn Văn Phấn - chủ nhiệm HTX nghề Trúc Sơn xin với Nhà nước duy trì một tổ đúc đồng nghề truyền thống. Ông Phấn mời cha chồng bà là cụ Nguyễn Văn Đối và cụ Nguyễn Văn Tùy lên làm thợ đúc chính. Về sau, chính các cụ là người đã đúc pho tượng “79 mùa xuân” đặt ở đồi Thanh Tước.
Sau nhiều năm bươn trải đủ các nghề, từ thợ cơ khí, làm tại cty ăn uống... những năm 70, cuộc sống quá khó khăn, bà quay về đúc nhôm, gồm các chắn xích xe đạp, cửa ti vi, cửa tủ, hoa văn trang trí "bán lậu" tại chợ Đồng Xuân. Để làm các mặt hàng đó, cần phải đục các bộ khuôn sắt thì các mặt hàng mới đanh, mới nổi màu sáng lên được. Việc đúc các khuôn hoa văn bằng sắt lúc ấy, ngay thợ bậc 6 cũng không đúc được nhưng bà đã làm thành công. Nghề đúc Đồng trở lại khoảng cuối những năm 1980, khi đó chỉ có 3 gia đình trong làng khôi phục nghề xưa.
Bí mật tinh hoa đúc đồng Ngũ Xã Căn nhà nhỏ của bà ở phố Nam Tràng bày kín đồ đồng, từ đỉnh đồng, lư hương, hạc đồng... đến tượng Phật, tranh đồng, tượng bán thân. Tất cả đều tinh xảo, uy nghi, huyền bí. Để đúc thành công một sản phẩm đồng, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu vất vả, nặng nhọc. Nếu không đủ kiên nhẫn thì không thể làm được nghề này.
Trước tiên phải có một mẫu sản phẩm được điêu khắc từ đất sét, trước khi mẫu vào khuôn phải chỉnh kỹ các đường nét. Đắp khuôn là việc đòi hỏi sự công phu, đất lớp đầu tiên để đắp khuôn là đất sông Hồng phải được làm nhuyễn, sạch sạn. Sau đó, dùng giấy bản và đất nhào với nhau, người ta thường gọi là chọc đất để đất và giấy bản nhuyễn với nhau. Khi bắt đầu làm khuôn, lấy dao dần thật kĩ, thật dẻo tay để nguyên liệu đất và giấy bản có độ mịn, độ dẻo khi người thợ dàn ra thì không bị rách và khi áp vào mẫu tượng thì ăn nét rất chuẩn xác.
Cách làm khuôn đúc ở Ngũ Xã lâu hơn các nghề làng khác, sau khi lớp đất đầu tiên đắp, đến lớp áo sau vào, để tự khô sau khoảng 2 ngày mới thực hiện "vỗ khuôn" để lấy các nét kỹ, các đường vân nhỏ nhất, các "may tre" của sản phẩm.Khi nấu đồng, người thợ phải biết chọn than, tránh than non bởi khi đồng nóng chảy, nếu than non sẽ ếp lại và bị khê đồng, khi đó đồng sẽ đặc lại không thể chữa được. Phải chọn than nặng, than già và nhiệt nóng chảy của đồng phải đạt trên 1000 độ trở lên.
Theo kinh nghiệm của người thợ, khi nào nhìn thấy nước đồng trong nồi có ánh vàng khói bốc lên, thì có một nước đồng tốt.Khi rót đồng, để đồng thoáng và trong, phải gạt hết bã, sau đó rót vào khuôn. Rót phải đều tay, mũi đồng xuống tròn đều không được ngắt quãng, nhưng phải biết lúc nào cần phải ngừng. Đúc các quả chuông khi lên đến đỉnh chuông, phải giảm dần đều mũi đồng, nhất là ở các quả chuông lớn.
Theo kinh nghiệm của bà Đan, nếu khuôn để nguội, rót đồng vào sẽ bị rỗ, nên để ấm chứ cũng không nên để nóng già. Đúc chuông to thì phải dùng đồng đỏ nguyên chất, thiếc nguyên chất, thiếc già pha theo tỷ lệ thích hợp là kinh nghiệm bí truyền của thợ. Khâu sửa nguội thì sửa theo mẫu, trước kia chỉ dùng dũa, chạm nhưng hiện nay có máy mài với đá mài rất nhỏ có thể mài trong các khe nhỏ.
Để tạo ra các sản phẩm độc đáo, bà Đan cũng đã mời nhiều thợ giỏi về chạm bạc, điêu khắc tham gia hoàn thiện. Theo bà, đức tính cần thiết nhất của một người thợ đúc đồng là kiên nhẫn, biết yêu nghệ thuật và say mê cái đẹp, thấy một đường nét đẹp phải biết nâng niu và càng cố gắng làm cho nó đẹp thêm. Và những đức tính ấy, những người thợ Thăng Long tài hoa vốn không thiếu.Năm 2009, bà Ngô Thị Đan được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, và là người đúc đồng duy nhất của Hà Nội nhận được danh hiệu này.