Ngoại cảm & những ngộ nhận, lạm dụng

Th+¡ch Nhߦ¡t Tß+½ - 2.JPG

GN - LTS. Với quan niệm thông thường, có nhiều chuyện, trong đó có ngoại cảm, được xếp vào lĩnh vực “tâm linh” - năng lượng bí mật không thể giải thích. Để nhìn rõ vấn đề đó dưới ánh sáng của Phật học, GN rất mong nhận được các ý kiến của chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni, các nhà nghiên cứu Phật học và bạn đọc.

Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề ngoại cảm và những dư luận xôn xao thời gian gần đây, TT.Thích Nhật Từ (ảnh), Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM cho biết:

Ngoại cảm không phải là chuyện mới vì cách đây nhiều chục năm nó đã được nói đến ở Liên Xô cũ. Tôi cho rằng ngoại cảm là năng lực có thật, nhưng ngộ nhận và lạm dụng nó là chuyện không thể phủ định. Ngộ nhận nó không đáng lo vì không ai biết được hết mọi thứ, nhưng lạm dụng nó mới là điều đáng bàn.

Nước ta trải qua một thời gian dài chiến tranh, nay là thời bình, kinh tế ngày một phát triển, làm người ta ngày càng nhớ đến những người thân của mình bị mất tích hoặc chết mất xác. Từ đó, nhà ngoại cảm đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm thông tin, ít nhất là những vết tích về sự chết, thi thể người chết. Thời gian qua, thực tế là có một số nhà ngoại cảm đã làm được chuyện này.

Nhưng điều nhà ngoại cảm làm và công việc nhà ngoại cảm làm được đôi khi không ăn khớp nhau. Thí dụ nhà ngoại cảm tìm được hai hài cốt có kiểm chứng bằng ADN, nhưng sau đó lại thổi phồng lên tìm được vài ngàn hài cốt, đó mới là chuyện chúng ta cần bàn tới. Cũng có không ít người chẳng có năng lực ngoại cảm, nhưng lại tự phong mình là nhà ngoại cảm để lừa đảo, lợi dụng người khác, phục vụ lợi ích riêng tư. Theo tôi, bên cạnh sự thừa nhận những đóng góp mà ngoại cảm mang lại, chúng ta phải hết sức thận trọng và lên án hiện tượng lạm dụng ngoại cảm, vì điều này làm giảm giá trị của một phương cách phục vụ nhân sinh, giải quyết được chuyện khổ đau giữa cái chết và những người còn sống.

Thưa Thượng tọa, nhà ngoại cảm có cần đến tri thức khoa học không?

- Ngoại cảm là một năng lực siêu giác quan, không phải muốn mà có được và có từ chối thì nó cũng xuất hiện. Nó như nguồn suối tuôn trào hoặc thác đổ xuống, không cần huấn luyện hoặc tu tập gì hết, cứ tự nhiên mà có. Ở một số người, năng lực ngoại cảm xuất hiện sau một biến cố như chấn thương sọ não, bị chó dại cắn. Vì thế, những người này không cần đến tri thức khoa học. Nhưng ngược lại, nhà ngoại cảm giả mới cần đến tri thức khoa học, bởi vì họ muốn đánh lừa người nghe, lừa gạt những người không có kiến thức khoa học thật sự bằng những kiến thức na ná giống như kiến thức khoa học.

Vậy điều gì cần có nhất ở nhà ngoại cảm thật?

- Họ cần phải có lương tâm hay tính liêm khiết tri thức, nghĩa là đánh giá nghiêm túc năng lực ngoại cảm của mình có còn hay không. Thí dụ 10 năm trước nhà ngoại cảm có năng lực kiệt xuất, làm được một số chuyện không ai phủ định, có kiểm chứng bằng ADN, nhưng điều đó không có nghĩa là bây giờ năng lực đó vẫn tiếp tục tuôn chảy. Tuy nhiên nhiều nhà ngoại cảm lại không thừa nhận năng lực đó kết thúc với mình, cứ tiếp tục sống với hào quang cũ. Khi người nào đó nhờ họ tìm kiếm một liệt sĩ có tên tuổi, một nhân vật có tầm vóc, họ cung cấp thông tin sai, vẽ trật sơ đồ, xương người A nói xương người B, xương động vật nói xương con người.  Điều này cho thấy họ không còn sự liêm khiết tri thức. Nhưng cũng đừng dựa vào điều đó mà nói rằng năng lực trước đây của nhà ngoại cảm là không có thật. Như vậy, vấn đề ở đây là phải biết dừng ở lúc nào.

Trong thể thao hay nghệ thuật, vận động viên hoặc diễn viên đến một tuổi nào đó sẽ không còn năng lực, họ phải về hưu để giữ uy tín cho mình. Họ không cần chứng minh nữa vì thời của họ đã qua rồi. Trong ngoại cảm cũng thế, và theo tôi, ở lĩnh vực này sự đào thải còn khắc nghiệt hơn nhiều. Có người chỉ có năng lực ngoại cảm vài ba tháng, 1 - 2 năm, hiếm ai quá 5 năm. Nhưng ở Việt Nam, nhiều nhà ngoại cảm sau hàng chục năm vẫn cho mình còn năng lực. Điều đó làm cho họ mất uy tín, những đóng góp có thể có thật của họ trong quá khứ bây giờ bị đặt lại vấn đề và hiểu sai. 

Khoa học chưa giải thích được ngoại cảm, vậy theo Thượng tọa, Phật giáo giải thích như thế nào?

- Phật giáo đề cập đến năm loại siêu giác quan. Đầu tiên là Thiên nhãn thông (hay thiên nhãn minh), nghĩa là có cái nhìn và dự báo chính xác về thời tiết, thiên tai, tình huống, sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai với độ chính xác cao. Thứ hai là Thiên nhĩ thông, có thể nghe được các loại âm thanh khác nhau với tần số khác nhau, như âm thanh của người chết chưa siêu trong thời gian ngắn, âm thanh của động vật mà người thường không nghe được.

Phần lớn nhà ngoại cảm nước ta rơi vào hai trường hợp trên, một phần rất nhỏ của Thiên nhãn thông và Thiên nhĩ thông. Chẳng hạn có người cho rằng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có khả năng đối thoại với hương linh, đối thoại ở đây không phải là nói chuyện bằng miệng, mà là nghe âm thanh và truyền đạt tâm tưởng của mình bằng âm thanh đó. Ở giai đoạn đầu sáng chói của chị cách đây khoảng 20 năm, chị có thể có năng lực này, nhưng đến giờ thì theo tôi năng lực đó đã mất lâu rồi. Hay như bà Năm Nghĩa được cho là có thể nhìn được xương thuộc về ADN người nào, để xác định xương đó của liệt sĩ A hay liệt sĩ B.  Với những nhà ngoại cảm còn lại, theo tôi đẳng cấp không thể bằng hai người này, như thế mức độ khả tín về mặt khoa học thấp hơn rất nhiều.

Những siêu giác quan còn lại là Tha tâm thông, nghĩa là biết được tâm lý, tình cảm, nhận thức của người khác mà không cần trò chuyện; Thần túc thông, có thể khinh công, độn thổ, lặn biển sâu; và Lậu tận thông là năng lực mà người chứng đắc mới đạt được. Sau khi giải quyết được hết mọi chuyện khổ đau, người này trở thành một minh triết, có thể mang lại an lạc, hạnh phúc cho con người.

Thượng tọa có từng chứng kiến năng lực của nhà ngoại cảm thật hay chưa?

- Tôi có thời gian 6 năm tiếp xúc với một số nhà ngoại cảm tên tuổi mà tôi không tiện nêu tên. Những năm qua tôi từng hai lần làm Trưởng ban tổ chức hội thảo về ngoại cảm tại Quân khu 7. Tại đó, tôi có mời một số nhà ngoại cảm đến thuyết trình, và bản thân tôi cũng có cơ hội tiếp xúc và thuyết trình chung với họ. Bằng nhận thức trực quan và kiến thức Phật học của mình, tôi không tin vào năng lực của những nhà ngoại cảm này. Có thể họ chia sẻ rất hay về những kiến thức và những gì mình đã đóng góp cho xã hội trong quá khứ, nhưng điều này khác hoàn toàn với năng lực hiện tại của họ. Thế nhưng rất nhiều người dân không phân biệt được hai giai đoạn khác nhau đó của ngoại cảm, ngộ nhận “nhà ngoại cảm” với hình ảnh sáng chói nhiều năm trước và nhờ vả “nhà ngoại cảm” giúp mình. Nếu không có liêm khiết tri thức, không biết dừng lại, “nhà ngoại cảm” sẽ tự đào thải mình và làm cho xã hội nhìn nhận lệch lạc về ngoại cảm.

Cau Thuy.jpg


"Cậu Thủy" (thứ 2 từ trái sang) - vừa bị các cơ quan chức năng bắt vì có hành vi lợi dụng "ngoại cảm"
lừa dối trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Vậy người dân bình thường làm sao phân biệt được “nhà ngoại cảm” chân chính và không chân chính?

- Thường thì thông qua một sự kiện, nếu nhà ngoại cảm đưa ra được kết quả đúng, xem như nhà ngoại cảm đó còn tiếp tục sở hữu năng lực và đó là một nhà ngoại cảm chân chính; ngược lại, nếu nhà ngoại cảm không đưa được thông tin chính xác, đó là nhà ngoại cảm không chân chính hay nhà ngoại cảm dỏm. Trường hợp này, người dân đừng dại dột nghe họ, dù cho họ có giải thích cách này hay cách kia.

Cũng có thể phân biệt thông qua thái độ của  nhà ngoại cảm. Chẳng hạn họ vẽ sơ đồ về một địa điểm cách xa và nói ở đó có hiện tượng này hay cảnh vật kia, nhưng khi ta mời họ đi theo, họ lại từ chối thì xem như đó là nhà ngoại cảm “dỏm”. Bởi nếu anh có thể vẽ được sơ đồ cách xa hàng trăm cây số không lý gì anh không dám đến tận nơi mà lại kêu gia chủ đi một mình. Nội chừng đó thôi, theo tôi đó là nhà ngoại cảm giả hiệu, hoặc nhà ngoại cảm đó không còn năng lực nhưng họ không chịu thừa nhận.

Đối với con người, cái chết của người thân yêu luôn là một mất mát lớn, vì thế nhu cầu tìm kiếm người thân mất tích hoặc chết mất xác là khát khao mãnh liệt. Cái chết trong đạo Phật được hiểu như thế nào, thưa Thượng tọa?

- Phật giáo có hai trường phái, Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa. Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi người chết thật sự, tối đa trong vài ba phút tâm thức của người đó sẽ thoát khỏi cơ thể và có mặt trong một bào thai mới. Kinh Trung bộ xác định rõ, nếu có tinh cha trứng mẹ giao phối trong ngày, sự thụ thai sẽ xảy ra. Khi đó trong vũ trụ nếu có một người vừa mới tắt thở mà mẫu số nghiệp lại ngang nhau, cùng biên độ nhất định nào đó với bào thai, sự tái sanh sẽ có mặt. Phật giáo không cho rằng chết là hết, mà quan niệm sự tái sanh sẽ xảy ra thường xuyên sau mỗi kiếp sống. Như thế, theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi chết sẽ không có tình trạng âm phủ dưới lòng đất, không có hiện tượng ma nhập, cũng không có hiện tượng người chết không được siêu phải trải qua năm này, kiếp nọ dưới hình thức hương hồn vất vưởng.

Phật giáo Đại thừa cũng chấp nhận quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy, nhưng giải thích biên độ thời gian để một kiếp tái sanh diễn ra dài hơn, theo kinh điển Đại thừa, đặc biệt là kinh Địa Tạng, đó là 49 ngày. Sở dĩ Phật giáo Đại thừa lý giải như thế vì có trường hợp người chết không có liên hệ giới tính thì họ không thể tái sanh được. Khi đó họ phải ghé tạm vào một bào thai nào đó, và sẽ có hai hiện tượng xảy ra, sẩy thai và phá thai. Sẩy thai là do vô ý, còn phá thai là chủ ý. Lúc này tâm thức phải tái sanh thêm một vài lần nữa cho đến lúc tìm được một bối cảnh gia đình phù hợp để vào làm con cái và gia đình kia là cha mẹ. Từ đó mới chịu chung mẫu số về gien di truyền, vóc dáng, chiều cao… mà đạo Phật gọi là cộng nghiệp. Còn những nghiệp riêng là điều làm cho người đó có cá tính A, khác với người có cá tính B.

Như thế, dù là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa đều thừa nhận việc tái sanh, trong biên độ thời gian nhanh nhất một tích tắc và chậm nhất là 49 ngày, không thể có chuyện một hương linh đã chết rồi mà còn nằm dưới lòng đất hay vất vưởng đâu đó quá 49 ngày. Vì thế nếu ai đó cho rằng mình có thể nói chuyện được với hương linh, thì theo tôi, đó là điều phi lý. Bằng trực quan, nhà ngoại cảm có thể cảm nhận và tái dựng lại một câu chuyện lịch sử bị bỏ quên trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa là ngoại cảm nói chuyện được với hương linh chết cách đó vài năm. Nếu nhà ngoại cảm nào nói mình có năng lực này thì đó là điều phi khoa học, hoàn toàn không đáng tin.

Vậy Thượng tọa có chia sẻ gì với những người trong cuộc?

- Dựa vào triết lý Phật giáo, tôi khuyên những người có thân nhân quá cố không nên quá đau buồn, vì chết theo đạo Phật là một quy luật, hãy chấp nhận nó như một sự thật, kháng cự với quy luật đó chỉ làm mình thêm khổ đau. Nỗi đau mất người thân nên khép lại ở thời điểm cái chết diễn ra.  Nhưng thực tế là nhiều người cứ bị níu kéo về tình cảm, ray rứt vì người thân mất đi mà mình không nhìn thấy mặt, giờ đây tôi có điều kiện, nếu tôi không tìm được người thân, tôi càng thiếu sót hơn.

Sự tìm kiếm đó, theo tôi là không cần thiết vì tinh hoa của con người không nằm ở thể xác, mà theo đạo Phật, nằm ở cái tâm. Khi cái tâm thoát khỏi cơ thể để tái tạo, có mặt trong một bào thai mới, với một mầm sống mới thì chúng ta có thể lại gặp nhau bằng cách này hay cách kia. Vì thế Phật mới dạy rằng không nên xem chết là kết thúc, không phải là dấu chấm cuối cùng, không đáng buồn. Đó là thái độ đối với một Phật tử thuần thành.

Điều đó cũng có ý nghĩa nhắc nhở họ đừng bám víu  vào tình yêu vợ chồng, tình thương của cha mẹ và con cái, tiếc nuối gia tài, sự nghiệp, danh vọng, địa vị, chức tước, tất cả những gì mà người chết đã tạo dựng lên. Hãy buông bỏ hết, vì trong thế giới của tái sanh hoàn toàn trái ngược với thế giới sự sống. Trong thế giới sự sống, người ta có trách nhiệm với chuyện này hay chuyện kia, nhưng khi cái chết xảy ra điều này phải được kết thúc sớm chừng nào tốt chừng đó.

Theo tôi, việc tìm ra một hài cốt không quan trọng, nếu được thì cũng tốt, nhưng điều quan trọng là sau khi chết mình làm một lễ tống táng đơn giản, có giá trị nhắc nhở đến đóng góp của người quá cố để tránh tình trạng “cha mẹ làm thầy, con cái đốt sách”. Bằng điều này, một trong năm điều báo hiếu của người con Phật là tổ chức lễ tang đúng văn hóa Phật giáo: không khóc lóc, không mê tín, dị đoan, không cúng linh đình, chỉ làm lễ tang đơn giản và mong cho người chết rũ bỏ được mọi chấp trước về cảm xúc để nhẹ nhàng ra đi. Đó chính là tinh hoa trong khóa lễ cầu siêu của đạo Phật. Không quan trọng trong việc tìm ra hài cốt, mà làm sao để cái chết diễn ra nhẹ nhàng và người sống cảm thấy được bình an.

Bình Yên thực hiện

_________________

* Bài vở cộng tác và những chia sẻ liên quan đến vấn đề này vui lòng gửi e-mail về: baogiacngo@yahoo.com hoặc toasoan@giacngo.vn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày