Ngoại & mẹ

GN - Hai mươi năm trước, mẹ tôi trở thành góa phụ. Ba mươi tám tuổi, mẹ cõng một gánh nợ nần sau ngày cha tôi chạy chữa khắp nơi và bốn đứa con bé dại. Thằng Út 22 tháng tuổi, chưa biết nỗi đau có tên mồ côi. Mẹ gầy như mảnh trăng non. Bên nội có người nói ra nói vào, đại ý tôi là chị cả, con gái học nhiều làm gì, nghỉ học mà phụ mẹ nuôi các em. Tôi vừa xong lớp 8, ước mơ trở thành người chiến sĩ công an cứ từng ngày âm ỉ, nghe cái “đại ý” đó, rấm rứt khóc ri ri. Nghe con khóc, mẹ choàng tỉnh nỗi đau mất chồng, quằm quặp bươn bả đủ thứ nghề, quyết không để đứa nào thất học.
ngoaivame.jpg
Tôi nhìn thấy bóng ngoại trong dáng mẹ ngồi - Ảnh minh họa

Hồi ngoại còn sống, cứ chép miệng thương con, rồi dặn cháu, ngó chừng mẹ mi, chớ ham làm quá rồi chết hồi mô không hay, bây đã mồ côi cha rồi...

Tôi tốt nghiệp đại học, rồi lần lượt thằng út tốt nghiệp đại học, mẹ chẳng để bốn chị em thua thiệt với ai. Ba giờ sáng mẹ đã lục đục nhóm bếp, kê bàn ghế, bưng từng ly cà-phê hầu hạ đời để chị em tôi lớn lên. Cả chục năm rồi vẫn vậy. Mới hay chiều sâu thăm thẳm của câu ca dao ngoại hay ơ hờ ru: “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ lót lá nằm đường”.

Nhà tôi ở cạnh bến xe. Ồn ã, xô bồ và náo nhiệt của nơi này dạy tôi khôn ranh. Nỗi cực nhọc của mẹ dạy tôi rắn rỏi. Tôi cứng rắn với chính nỗi đau của mình và nhìn đời bằng cái nhìn cay nghiệt. Yêu ghét rạch ròi, cực đoan. Có ơn phải trả có nợ phải đền. Không đành lòng nhìn tôi trượt đi, ngoại thường thủ thỉ, đừng con ạ, cứ thương yêu hết thảy, cứ đối xử tốt với hết thảy, lòng mình sẽ thanh thản hơn. Ai người ta đối xấu với mình cứ kệ, biết để tự bảo vệ mình, cứ đối tốt với họ, rồi họ sẽ tự xấu hổ với chính họ thôi.

Tôi mười tám đôi mươi, chưa hiểu hết những lời ngoại dạy, cũng như chưa thấu những giọt nước mắt góa phụ trẻ nuốt ngược của mẹ tôi. Ngoại tôi, cả đời cặm cụi với ruộng đồng, quanh quẩn với rau cải rau răm, lành như đất và từ như Bụt. Lời ngoại dạy, tôi tìm thấy nhiều trong kinh kệ - ấy là sau này, khi tôi chơi thân với bạn tu ở Huế.

Nhớ những mùa hoa cải vàng ươm, ngoại thường làm cạnh đó mấy vạt cải ngọt, rồi tỉ mẩn nhổ, rửa, làm dưa cho mỗi đứa mỗi hũ. Con cháu Tết về xúm xít, thể nào cũng có món quà quê mang đi. Chỉ là dưa cải thôi, mà đứa nào cũng quý như vàng.

“Ngoại rầy rà, ngoại đẻ mẹ bây nhằm năm Thân, long đong lận đận cả đời, mẹ bây lại đẻ con gái Canh Thân mà ngoại lo thắt ruột”. Ngoại kể, hồi tôi lên năm, có thầy trụ trì chùa đến nhà chơi, trông hình dong tôi thế nào, thầy khuyên nên cho tôi quy y Tam bảo, đời sẽ đỡ khổ. Mẹ tôi khóc mất mấy đêm. Ngoại không khóc mà hai hốc mắt sâu hoắm.

Mẹ tôi đẹp. Tình thương con phủ sương hết thảy mọi lời ong bướm. Mẹ bảo, đời người con gái sang sông một lần là đủ. Cuối cùng và những gì còn lại, chỉ là con cái. Ngày cha tôi lạc chốn thiên thai, gối tôi đặt cạnh gối mẹ. Bao bận mưa nắng rồi, từ bận tôi đi xa, gối mẹ vẫn vậy, một mình.

Hai mươi năm sau, tôi thành đàn bà ba mươi sáu. Ám ảnh cô độc thường trở lại trong những giấc mơ, khi mỗi bận quay nhìn con đường gập ghềnh mẹ phải đi. Vang vang trong tôi lời bạn tu nói về tuổi Thân của mình: “Canh cô mồ quả”… Qua bao nhiêu năm bươn bả nuôi con, tóc mẹ nhuốm bạc, tay mẹ chai sần bao nhiêu nốt. Tôi nhìn thấy bóng ngoại trong dáng mẹ ngồi. Nhẫn nại. Hy sinh. Hai người đàn bà của đời tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày