Tôi đã gọi ngôi nhà ấy là “ngôi nhà an lạc” vì một lẽ khá đặc biệt, chủ nhân đã dành một nửa diện tích cho nhu cầu thờ phụng, sinh hoạt tâm linh, và cũng chính nơi đó tôi đã tìm được bình an. Đó là ngôi nhà của cô Nguyễn Thị Lan, pháp danh Như Liễu nằm sâu trong con hẻm rộng, rợp bóng cây xanh, cách Quốc lộ 1A chừng vài trăm mét. Căn nhà rộng rãi, khang trang có một khoảnh sân không rộng lắm nhưng chủ nhân đã thiết trí không gian ngoại thất đầy màu xanh hài hòa, khiến tôi cảm nhận thật an bình giữa cái náo nhiệt của thành phố Đông Hà đang độ phát triển mạnh.
Điện Phật trang nghiêm của "ngôi nhà an lạc"-Ảnh D.Hiếu
Cô Lan sinh ra và lớn lên ở một vùng đất trũng huyện Hải Lăng, một vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Trị, gia đình làm nghề nông với truyền thống đạo Bụt lâu đời. Từ khi còn rất trẻ, cô đã nuôi dưỡng ước mơ một ngày nào đó, có đủ duyên lành, sẽ thỉnh chư vị Phật và Bồ-tát về thờ, sớm hôm kinh kệ. Năm 20 tuổi cô Lan lập gia đình, nhờ chăm chỉ làm ăn, dành dụm tích góp, nhiều năm sau cô đã thực hiện được ý nguyện của mình, xây ngôi nhà mới có phòng thờ Phật như ý nguyện.
Khác với những ngôi nhà bình thường, mọi sinh hoạt của cả nhà cô Lan đều ở tầng trệt, riêng tầng lầu chỉ dành để thờ Phật. Phòng thờ lớn và trang nghiêm như một chánh điện. Chính giữa là tôn tượng Đức Phật Thích Ca, Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Địa Tạng đứng cạnh bên. Hai góc tả hữu là ngài Hộ Pháp và ngài Tiêu Diện (ông Thiện và ông Ác). Trên bàn kinh để chuông mõ còn có Bồ-tát Di Lặc luôn mỉm cười đón chào ngày mới. Khung cảnh tôn nghiêm thanh thoát nơi đây khiến cho tôi phải chùn chân bước thật chậm và nhẹ nhàng chắp tay cung kính đảnh lễ Phật.
Tôi đã đến rất nhiều ngôi nhà có thờ Phật, nhưng thờ đầy đủ và trang nghiêm như nhà cô Lan thì chắc chắn là không có nhiều. Từ khi xây ngôi nhà mới này, gia đình nhỏ của cô phát nguyện ăn chay trường. Ban ngày vợ chồng cô buôn bán ngoài chợ. Chiều tối, sau khi cơm nước xong, cô cùng với những người bạn đạo, trong số đó có mẹ con tôi, tụng thời kinh tối. Mẹ tôi vừa hàng xóm, vừa là bạn buôn, cũng vừa là Phật tử sinh hoạt cùng nhau, cho nên tôi có cơ hội cùng mẹ đến nhà cô Lan để tụng kinh tối khá thường xuyên. Nhà chúng tôi ở xa chùa, mỗi tháng chỉ vài ba đêm đi chùa lễ Phật và vấn an sư cô trụ trì. Nhóm Phật tử thân quen cùng xóm chúng tôi chọn ngôi nhà cô Lan là nơi tụng kinh niệm Phật hàng đêm.
Hoàn cảnh của tôi tuy còn trẻ nhưng có nhiều bệnh nội thương phải điều trị thuốc men theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Vì thế tôi thường cầu nguyện chư Phật gia hộ. Đức tin của tôi đối với chư Phật, Bồ-tát rất lớn. Tôi ý thức được về nghiệp lực của mình nên thường xuyên tham dự những thời kinh sám hối để sám hối những tội lỗi từ vô thỉ kiếp. Những khi phải nhập viện, mọi người đều cầu an cho tôi. Như có phép mầu, trải qua hai năm từ ngày đến ngôi nhà này tụng kinh, niệm Phật, uống nước cam lồ của Bồ-tát Quán Thế Âm ban cho, sức khỏe của tôi đã khá lên rất nhiều. Lúc đầu tôi chỉ lạy sám hối được mười lạy thì thấy mệt choáng váng, nhưng tập dần dần cho đến bây giờ tôi đã lạy được 108 lạy một cách dễ dàng, dự hết cả một thời kinh mà không thấm mệt. Nhờ vào sự động viên của mẹ, sự trợ duyên của cô Lan khiến cho tôi có thêm niềm tin mãnh liệt vào Đức Như Lai.
Trút hết mọi buồn phiền mệt nhọc mỗi ngày, khi màn đêm buông xuống, trở về nương nhờ ngôi nhà an lạc, nghe tiếng chuông ngân quyện với lời kinh, tôi cảm nhận được sự bình yên, tin yêu hơn vào cuộc sống. Xin cảm ơn mẹ, cám ơn cô Lan, cám ơn quý Phật tử nơi đây đã cầu nguyện giúp cho tôi có nhiều năng lượng để vui sống. Xin cám ơn ngôi nhà của cô Lan đã cho cái thân bệnh tật của tôi nương nhờ lúc “thở than”, nương tựa Tam bảo gia hộ độ trì, để tôi có thể vượt qua được não phiền và nở được nụ cười an lạc.
Trong thâm tâm tôi gọi ngôi nhà của cô Lan là “ngôi nhà an lạc”. Cầu mong có được nhiều ngôi nhà an lạc như thế để cho những người Phật tử có đạo tâm mà ở xa chùa, vừa lao động kiếm sống vừa có nơi tinh tấn tu hành mà chuyển hóa thân tâm, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội thanh bình.