Ngôi nhà bên sông

Trong ký ức mờ nhạt của đứa trẻ lên bảy, ngôi nhà tôi nằm khép nép khiêm tốn bên dòng sông trong xanh. Trước mặt nhà là con đê xanh cỏ trườn mình theo sông như con rắn khổng lồ.

Tôi yêu “con rắn” khổng lồ trước nhà như tuổi thơ lăn lộn nằm dài trên triền đê. Nhà bên sông, sau nương ba trồng nhiều chuối, chuối lên nhanh và xanh. Mẹ thường cắt lá chuối, rửa sạch để bán cho bà Loan dưới chợ gói bánh bột lọc. Bà Loan làm bánh bột lọc tôm ngon nhất vùng vì mua được sắn ngon từ Hải Lăng, tôm tươi ở chợ bên sông và lá chuối xanh, sạch đẹp từ vườn của mẹ - Ý thức tuổi thơ trong tôi đã từng nghĩ như thế.

Nghề sông nước đã gắn bó từ bao đời nay ở cái cù lao nằm giữa hai con sông này. Ba cũng học được nghề này từ ông nội. Mỗi lúc hoàng hôn là thuyền ba chèo lên cồn Nông cách nhà khoảng hai cây số để đặt lưới. Sông Thạch Hãn lúc đó cá tôm phong phú lắm, nghe ông nội kể lại cứ đặt lưới xuống là có cá, dường như cá cũng hiểu lòng người để giúp cho cả làng vượt qua những mùa đói kém cùng đất nước. Mấy mẹ con đẩy thuyền ba ra bến sông trong cái nắng đã nhạt một màu vàng úa, gió trên sông lành lạnh. Mẹ dắt chúng tôi quay về ngôi nhà có nhiều bụi chuối sau vườn, gió làm những chiếc lá chuối kêu xào xạc như một bản hòa âm nhịp nhàng dưới ánh trăng.

Dưới ngọn đèn dầu, mẹ nắn nót cho tôi những nét chữ đầu tiên sau khi ru em tôi ngủ. Những đứa trẻ trong làng thường không được đi học, chúng theo ba mẹ lênh đênh trên thuyền nhiều hơn ở trong nhà để bắt cá đổi gạo. Tôi được ba mẹ cho đi học cũng là điều hiếm hoi trong làng.

Buổi sáng tinh sương, mẹ thức dậy sớm để đón thuyền ba về, phân loại các thứ tôm, cá, cua ra riêng để kịp phiên chợ sáng. Chợ ở quê tôi họp lúc 6 giờ sáng và chưa đầy 8 giờ là không thấy bóng người nào. Họ vội vã mang những thứ ngon nhất của làng ra đây rồi trao đổi, mua bán trong chốc lát. Để khỏi trễ phiên chợ duy nhất trong ngày, ai cũng dậy sớm chuẩn bị. Tôi rất thích nhìn rổ tôm cá nhảy lách cách mỗi khi mẹ gánh đi chợ, tiếng xào xạc phát ra từ những con tôm với hai cái râu rất dài nghe thật vui tai.

Chợ họp ở một khu đất rất hẹp nằm sát bờ sông, những thuyền chài sau một đêm đánh bắt về muộn thường cho thuyền ghé thẳng vào mép chợ để bán chứ không kịp lên bờ phân loại cá, tôm; nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa đang ngái ngủ trên thuyền của ba mẹ chúng vì khi đêm thức khuya mà mủi lòng một cách rất tuổi thơ. Lớn lên, chắc chúng sẽ không đi khỏi hòn đảo này mà kế thừa con thuyền của ba mẹ rồi cứ thế, lênh đênh mưu sinh.

Mùa đông, khi con nước lên, thuyền không đi xa thả lưới mà đậu giữa lòng sông trước làng, những ánh đèn dầu nhấp nháy, lung linh giữa lòng sông cùng với sương khuya như một bức tranh tuyệt đẹp; thi thoảng tiếng đập vào mạn thuyền của người đánh bắt cho cá chạy mắc lưới làm vang cả một vùng trời yên ắng. Trong giấc ngủ mơ màng của chiều muộn, tôi còn nghe thấy tiếng vo ve của những con muỗi khi mẹ chưa kịp treo màn, tiếng người gọi đò của một ai đó trở về làng muộn…

Tuổi thơ đi qua nhanh như dòng nước trôi qua bến sông trước nhà. Đôi lúc tôi thường mường tượng về một cánh đồng nở đầy hoa tím của những cây cà, đỏ chói của trái ớt chín và vàng rực, thơm hương của cây lúa sắp đến mùa gặt. Những hình ảnh con thuyền của ba rẻ nước đi về phía cồn Nông, tiếng mẹ ru em những câu ca miền Trung trong những hoàng hôn sau buổi cơm chiều, tiếng lá sau vườn sột soạt là những thứ luôn đeo đẳng tôi mỗi khi hướng về một vùng quê nghèo nhưng bình yên.

Giờ đây, những ồn ào phố thị trong một chiều cuối năm. Tôi thèm được nghe tiếng gió hát sau vườn của ngôi nhà bên sông và tiếng gọi nhau của những người đi phiên chợ sớm. Những hơn tất cả, thèm được nghe tiếng gọi “đò ơi”!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày