Ngừng trở thành

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Con người đa phần có xu hướng muốn trở thành cái gì đó hay ai đó khác với con người hiện tại của họ.

Họ không bao giờ thấy hạnh phúc với sự hiện hữu đang là của mình nên tâm trí luôn vận động muốn trở thành cái gì khác với sự hiện hữu đang là ấy. Đó chính là lực vận động của khát ái để trở thành.

Trở thành là đau khổ. Trở thành là bất hạnh. Tham muốn trở thành cái gì đó hay ai đó khác với con người hiện tại của mình là một bất hạnh. Con người không ngừng vận động để trở thành, đeo đuổi hết tham vọng này đến tham vọng khác. Lực vận động để trở thành đó có tập tính mù quáng. Nó chỉ thúc đẩy con người trở thành trong vô minh, không hề quan tâm đến hạnh phúc của ta.

Lực vận động trở thành ấy, thuật ngữ Phật giáo gọi là Hữu (Bhava). Hữu là tiến trình trở thành trong vô minh đau khổ.

Cuộc sống và con người hiện tại của bạn, nói chung là hiện trạng của bạn, mà bạn không hài lòng, bạn muốn thoát ly khỏi hiện trạng đó, bạn muốn hiện trạng phải khác đi theo hình mẫu lý tưởng của bạn, đấy là bạn đang tạo ra tiến trình trở thành.

Khi rơi vào tiến trình trở thành, bạn hoặc sẽ “sinh” vào quá khứ, hoặc sẽ “sinh” vào tương lai. Tại vì bạn bất mãn với hiện tại, chối bỏ hiện tại nên tương lai là một ánh hào quang, quá khứ là một ánh hào quang đối với bạn. Bạn chối bỏ hiện tại nên bạn bị quá khứ hấp dẫn, bị tương lai hấp dẫn, bị quá khứ lôi kéo, bị tương lai lôi kéo.

Nếu bạn nhận ra hiện tại là giây phút tuyệt vời nhất, là cuộc sống hoàn hảo nhất thì quá khứ và tương lai không đủ phép mầu để kéo bạn đi. Nếu bạn nhận ra vẻ đẹp của hiện tại, niềm vui của hiện tại thì bạn đứng vững trên mặt đất thực tại, không có ảo tưởng nào đủ sức dẫn dụ bạn rời xa mảnh đất thực tại ấy, vì bạn biết rằng chỉ có hiện tại là thực tại duy nhất mà bạn có thể tiếp xúc với sự sống đích thực, ngoài ra chỉ là ảo tưởng.

Trong thần thoại Hy Lạp, khi vua Midas hỏi về cái gì cao quý nhất cho con người, Silene đáp: “Hỡi loài sâu bọ đáng thương, kẻ chỉ sinh ra bởi tình cờ và đau xót, tại sao ngươi buộc ta phải nói những điều chẳng làm ngươi hài lòng khi nghe? Điều quý giá nhất, mà ngươi không bao giờ chấp nhận được, là đừng sinh ra, không hiện hữu, chẳng là gì cả”.

Có phải đừng sinh ra, không hiện hữu là điều tốt đẹp nhất? Chúng ta sinh ra, hiện hữu trên cuộc đời này là một bất hạnh, khổ đau? Tất nhiên đây là chủ nghĩa cực bi quan trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại. Trong nhận thức tích cực của Phật giáo, việc con người hiện hữu trên cuộc đời không phải là một bi kịch, mà một sự kỳ diệu. Bi kịch của cuộc đời chỉ xảy ra khi có sự hiệu hữu của bản ngã, cái tôi và cái của tôi. Nỗi bất hạnh và khổ đau của cuộc đời không phải là do bạn sinh ra, mà do bản ngã của bạn sinh ra.

Khi bản ngã sinh ra bi kịch của cuộc đời đồng thời hiện khởi. Bạn chỉ khổ đau khi tự bạn tạo ra bản ngã, cái tôi. Nếu bạn không tạo ra bản ngã, cuộc đời là một sự kỳ diệu. Cho nên điều bất hạnh là bản ngã sinh ra chứ không phải bạn sinh ra. Nói như ngài Buddhadasa Bhikkhu: “Nên hiểu thật rõ rằng dù cho thân thể vật chất được sinh ra từ bụng mẹ, thế nhưng người ta vẫn có thể xem sự sinh thể xác ấy hoàn toàn vô nghĩa nếu nó không được kèm theo một sự sinh mang tính cách tâm thần, tức là sự sinh của tâm thức về cái ngã”.

Vấn đề không phải là bạn sinh ra mà bản ngã của bạn sinh ra. Mọi rắc rối của bạn nằm nơi bản ngã của bạn, nơi sự sinh thành bản ngã của bạn. Khi bạn khát vọng trở thành điều gì đó hay ai đó khác với cái hiện tại của bạn, con người hiện tại của bạn hay hiện trạng của bạn, đấy là lúc bản ngã sinh ra.

Bản ngã hình thành khi bạn phản ứng lại cái hiện trạng của bạn, con người hiện tại của bạn hay nói cách khác là những gì mà bạn đang là. Hễ bạn phản ứng với cái đang là bản ngã sẽ sinh ra, bất luận cái đang là đó là gì. Hành động trong sự phản ứng với cái đang là sẽ tạo ra bản ngã hành động, tức hành động có người hành động. Hành động không phản ứng với cái đang là chỉ đơn giản là tự thân hành động đang trải nghiệm thực tại đang là mà không có người hành động.

Hành động mà có người hành động, tức bản ngã hành động, hành động ấy dẫn đến bi kịch, khổ đau và bất hạnh; vì hành động ấy luôn tạo ra xung đột, mâu thuẫn và đối kháng. Hành động không có người hành động, đấy là hành động của tự do, tự tại và giải thoát, vì không tạo ra mâu thuẫn, xung đột và đối kháng. Khi bạn muốn trở thành cái gì đó khác với sự hiện hữu đang là của bạn đồng nghĩa với việc bạn sinh ra, bạn sinh ra cái bản ngã của bạn. Chỉ có bản ngã mới khát khao trở thành cái này cái nọ, người này người kia. “Tất cả khao khát, tất cả mưu cầu, tất cả tham vọng đều được xây dựng xung quanh tâm điểm là cái ‘tôi’” (Krishnamurti).

Nói thế, chẳng lẽ ta không có ước muốn đổi mới chính mình sao? Tất nhiên là không phải vậy. Ước muốn đổi mới chính mình luôn là động lực tất yếu. Nhưng nếu động lực phát triển đổi mới ấy bị thúc đẩy bởi sự bất mãn, không hài lòng với hiện tại thì lực vận động phát triển đó vận động trong mù quáng, bị thúc đẩy bởi vô minh. Còn khát vọng thay đổi bản thân, đổi mới chính mình không bị thúc đẩy bởi sự bất mãn, không hài lòng với hiện tại thì lực vận động đó vận hành trong tỉnh thức, được soi sáng bởi tuệ giác.

Bạn là nụ hoa, ví dụ vậy, bạn không hài lòng với sự hiện hữu đang là nụ ấy. Bạn muốn phải là bông hoa mới thỏa lòng. Chính cái ước muốn đó là tiến trình trở thành trong vô minh khát ái và vì vậy bạn rất khổ đau. Khi là nụ bạn hãy hạnh phúc là nụ. Cái lực tự nhiên trong nụ sẽ đưa bạn trở thành bông hoa. Nếu bạn không có ước muốn phải trở thành bông hoa mới hạnh phúc thì bạn sẽ hạnh phúc trong từng khoảnh khắc cuộc sống.

“Hãy trở thành những gì mà bạn đang là”, đấy là câu nói đầy thông thái của triết gia người Đức, Nietzsche. Ta luôn có xu hướng từ chối con người hiện tại của mình, con người thật của mình để đi tìm cái gì đó khác với cái hiện tại của ta, khác với con người thật của mình. Do không bằng lòng với cái đang là chính mình nên ta muốn trở thành người khác, trở thành ai đó hay giống ai đó.

Ta không nhận ra vẻ đẹp và niềm vui nơi con người hiện tại của mình, con người đang là của mình. Ta đang là hạt cát mà không nhận ra niềm vui và vẻ đẹp tuyệt vời của hạt cát mà cứ muốn được là chiếc lá. Ta đang là chiếc lá mà không nhận ra niềm vui và vẻ đẹp tuyệt trần của chiếc lá mà cứ muốn được là hạt cát.

Làm một hạt cát mà nhận ra mình được phơi mình trên bãi biển, đùa vui với những con sóng, nghe lời tâm sự của biển, được biển ru đưa ta vào những giấc ngủ dịu êm thì vui và hạnh phúc biết dường nào! Làm một chiếc lá mà nhận ra mình được làm bạn vui đùa với gió mây ở trên cao thì cũng hạnh phúc và sung sướng biết là bao! Nhưng khi làm hạt cát, bạn chỉ thấy niềm vui của chiếc lá. Khi làm chiếc lá, bạn chỉ thấy niềm vui của hạt cát. Ôi, thật bất hạnh thay, thế giới này chẳng mấy ai thấy được niềm vui của chính mình!

Ta thường hướng vọng ra bên ngoài, chỉ thấy niềm vui của người khác mà không thấy niềm hạnh phúc của tự thân, vì vậy mà ta muốn trở thành người khác để có được niềm vui như ta tưởng. Nhưng tìm niềm vui bằng cách trở thành người khác sẽ chẳng bao giờ có được, vì cố để trở thành người khác là ta đã đánh mất con người của chính mình. Ta càng cố giống người này, được như người kia thì ta càng trở nên bất hạnh. Vì không ai hạnh phúc khi đánh mất chính mình.

Vậy thì, hãy trở về với những gì mà bạn đang là như lời kêu gọi đầy thông thái của vị triết gia người Đức ấy. Nếu bạn là hạt cát, hãy sống trọn vẹn với hạt cát ấy, hãy vui với hạt cát ấy thì sự kỳ diệu của cuộc sống sẽ đến với bạn. Nếu bạn là chiếc lá, cũng hãy sống trọn vẹn với chiếc lá ấy, hãy hạnh phúc với chiếc lá ấy thì cuộc đời diệu kỳ cũng sẽ hiện ra với bạn. Nên nhớ, muốn trở thành người khác là một bất hạnh!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày