Người có tâm

Người có tâm
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chúng ta thường nghe nói, con người “quý ở chữ tâm”, “hơn nhau ở chữ tâm” hay “sống phải có tâm”. Cụ Nguyễn Du cũng nói trong Truyện Kiều rằng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vậy thế nào là một người có tâm?

Chữ tâm trước hết có nghĩa là lương tâm, là tâm lương thiện, trong sáng. Người có lương tâm là người không làm những việc ác, những việc có hại cho người khác, dù việc đó có mang lại lợi ích cho mình. Một trong những mục đích quan trọng của đời người là kiếm tiền. Con người làm nghề này nghề kia, việc này việc nọ thì điểm đến cơ bản vẫn là tiền. Chúng ta không thể phủ nhận điều này, bởi đơn giản là vì tiền rất quan trọng cho đời sống. Tuy nhiên, người có tâm quan niệm về tiền cũng như cách kiếm tiền khác với người không có tâm. Người không có tâm kiếm tiền bằng mọi cách, mọi giá bất chấp pháp luật, đạo đức và tình người. Còn người có tâm cũng kiếm tiền nhưng họ không vì để có được tiền mà làm hại người khác.

Người có lương tâm là người biết nghĩ cho người khác. Ví dụ những người làm nghề buôn bán mà có lương tâm thì họ không bán đồ giả, đồ có chứa độc tố, bởi vì họ nghĩ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngược lại, người không có lương tâm chỉ làm sao mình thu nhiều tiền là được, còn người khác có như thế nào thì mặc kệ, không quan tâm.

Lương tâm thể hiện trong mọi lĩnh vực xã hội, từ việc đại sự quốc gia ảnh hưởng đến nhiều người cho đến những việc nhỏ nhặt giữa cá nhân với nhau. Vì lợi ích của mình mà không màng đến đau khổ của người khác là người không có lương tâm, còn người có lương tâm biết cân bằng giữa lợi ích của mình và người khác. Người không có lương tâm vô cảm trước nỗi đau của người; người có lương tâm biết suy bụng ta ra bụng người, biết đặt mình vào trường hợp của người khác.

Người có tâm còn là người biết quan tâm đến người khác, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Trong cuộc sống không thiếu những cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Có những gia đình vô nhà hàng kêu rất nhiều món, ăn nửa bỏ nửa, trong khi có những đứa trẻ không đủ cơm ăn. Các phương tiện truyền thông đưa tin cho biết có một số cán bộ tham nhũng đến hàng ngàn tỷ. Tôi nghĩ rằng nếu họ là người có tâm thì họ không bao giờ tham nhũng nhiều như vậy. Họ làm gì với số tài sản khổng lồ ấy? Dù họ có sống một ngàn năm cũng không xài hết số tiền kia, nhưng đó lại là tiền thuế của nhân dân. Người lao động, người dân nghèo khổ đổi mồ hôi nước mắt kiếm từng đồng nuôi con nhưng có trách nhiệm chia sẻ những đồng tiền ít ỏi ấy cho thuế phí. Nếu cán bộ có tâm thì họ sẽ không làm như vậy. Họ sẽ nghĩ đến những người thu nhập thấp mà không ra sức vơ vét cho đầy túi tham.

Có lần tôi ăn bánh ngọt và làm rớt xuống đất một ít bánh vụn. Chỉ vài phút sau, hàng trăm con kiến kéo nhau đến để ăn. Những miếng bánh vụn đó đối với tôi chẳng là gì cả, nhưng có thể làm no lòng hàng trăm con kiến. Xã hội loài người cũng có những hiện tượng như vậy. Đối với một số người, vài triệu đồng chẳng là gì cả. Một chuyến du lịch hay một tiệc sinh nhật của họ có thể lên đến vài chục hay vài trăm triệu. Nếu một phần số tiền đó đem đi làm từ thiện thì nhiều người sẽ được nhờ. Trước đây, khi thấy kiến bu đồ ăn rớt dưới đất, tôi liền lấy chổi quét ra ngoài, nhưng giờ thì tôi không quét nữa mà để cho chúng ăn. Sau khi ăn hết thì tự nhiên chúng sẽ đi. Nếu trong cuộc sống, những người giàu có biết chia sẻ, dù chỉ chút ít cho những người nghèo khổ thì hay biết mấy.

Người có tâm cũng là người có tấm lòng bao dung, độ lượng, thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ người khác theo khả năng của mình. Người có tâm sẽ không làm khó làm dễ người khác khi có ai đó cần đến mình, ngược lại họ sẽ tận tình giúp đỡ bằng sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc. Một số người khi có quyền sinh sát trong tay thì tỏ ra hách dịch, hoạnh họe đủ điều, gây khó khăn để chứng tỏ “ta đây” hoặc yêu sách này nọ. Xã hội ngày nay đâu đâu cũng thấy những hiện tượng như thế. Công chức thì ngâm hồ sơ, thầy giáo thì cố tình đánh rớt sinh viên… để cho người ta phải cầu cạnh hay cống nạp mình cái gì đó mới chịu giải quyết. Ngược lại, những người có tâm thì không khi nào làm khó người khác. Họ rất hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của người khác mà tận tình giúp đỡ. Tôi có người sư chú, chú ấy có nuôi dạy một người đệ tử nhỏ. Đến lớn, vị đệ tử ấy không muốn ở với chú nữa. Chú không những không giận mà còn gửi gắm đệ tử với vị thầy ở chùa mới, nhờ vị thầy đó chăm sóc người đệ tử giùm. Một Tăng sinh kể cho tôi nghe rằng có lần thầy ấy đi nộp đơn xin thọ giới ở văn phòng Giáo hội. Thầy ấy đến lúc giữa trưa, đang giờ chỉ tịnh, nên không dám vào văn phòng để nộp đơn. May sao có một thầy trong ấy nhìn thấy mới gọi vị Tăng sinh vào. Vị Tăng sinh thưa là ở tỉnh khác tới nên không canh được giờ. Vị thầy kia coi hồ sơ một cách cẩn thận và cho biết hồ sơ như vậy là đã đủ và nhận lấy. Vị Tăng sinh không ngờ sự việc lại dễ dàng như vậy nên rất mừng, liền phát tâm cúng dường tri ân. Vị thầy ấy không nhận, còn vui vẻ dạy rằng sau này có đảm nhiệm chức vụ gì trong Giáo hội thì hãy cố gắng giúp đỡ Tăng Ni. Vị Tăng sinh rất xúc động và hứa với lòng là sẽ nhớ mãi lời dạy ấy.

Người có tâm cũng là người có tấm lòng bao dung, độ lượng, thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ người khác theo khả năng của mình.

Thật ra, khi nói đến chữ tâm, chúng ta muốn nói đến sự đáng kính, đáng quý của những tấm lòng cao thượng trong xã hội, chứ mọi thứ đều có nhân quả cả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu, không phải có sức mạnh là sẽ chiến thắng. Nếu mình ỷ mạnh mà hiếp đáp người khác, cậy quyền thế mà lấy của người khác thì cái mình chiếm đoạt được cũng sẽ không bền. Đức Phật dạy rằng tài sản của chúng ta, nếu không phải thật sự của mình, không do phước của mình mà có được thì sớm muộn gì cũng bị năm nhà lấy đi. Năm nhà là nhà nước tịch thu, nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, và vợ con phá nát gia sản. Mà cho dù tài sản mình không bị năm nhà cướp mất thì bản thân mình, vì lý do này nọ, cũng không thể hưởng được tài sản đó. Chúng ta thấy nhiều người rất giàu có nhưng lại chết rất trẻ do bệnh tật hay tai nạn. Có người không chết nhưng bị tiểu đường hay tai biến thì cũng không thể hưởng thụ gì dù tiền muôn bạc vạn vẫn còn đó. Thật sự không phải sức mạnh bảo vệ được ta, cũng không phải khôn khéo bảo vệ được ta mà chỉ có phước đức mới có thể bảo vệ được ta. Trong kinh Tạp A-hàm (số 1291), Đức Phật dạy rằng:

Phước, lửa không thể thiêu

Phước, gió không thể thổi

Thủy tai hại trời đất

Phước, nước không chảy tan.

Vua ác và giặc cướp

Cưỡng đoạt của báu người

Nếu người nam, người nữ

Có phước không bị cướp.

Kho báu, báo phước lạc

Cuối cùng không bị mất”.

Cuộc sống không hề dễ dàng. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau cho nên đều có lý do để cho rằng việc làm của mình là cần thiết. Tuy nhiên, người có tâm sẽ hành xử khác với người không có tâm. Người có tâm biết rằng cuộc đời này khổ nên họ không gây thêm đau khổ cho người khác. Còn người không có tâm chỉ làm sao có lợi cho mình mà thôi. Thế nhưng con người có ai sống mãi đến ngàn năm để tranh giành hơn thua.

“Trăm năm ngó lại được gì

Đồi chiều nấmđất xanh rìcỏrêu

Một đời thương hận ghét yêu

Mưu toan cho lắm, một chiều phủi tay”

(Thơ Toại Khanh)

Và có lẽ:

“Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời”

(Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)

Tình thương chính là chữ tâm đó.

Thích Trung Hữu / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày