Người gieo ruộng phước trên những cây cầu

Những ngày đầu năm  2009, mặc dù đang tất  bật với quyết tâm  hoàn  thành công trình cầu Dân Lập ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, anh vẫn sẵn sàng chi viện anh em thợ ra tận Đắc Nông để khẩn trương xây bốn căn nhà cho Hội Người mù huyện Cư Jút. Trong cuộc sống đời thường cũng vậy, bao giờ “vua cầu treo miền Tây” Nguyễn Văn Tổng cũng là nhà doanh nghiệp hai trong một - việc kinh doanh gia đình và  từ thiện xã hội luôn oằn nặng hai vai.

Dĩ nhiên, không ai có quyền buộc anh phải gánh thêm cái khổ của đời. Như anh nói: “Tôi chia sẻ cái khổ của người nghèo như một mệnh lệnh của trái tim mình, bởi không làm từ thiện tôi sẽ không đủ phước đức để tiếp tục ngoi lên sau những chuỗi ngày lầm than nghiệt ngã”. Và thật đơn giản để hiểu rằng vì sao một nhà giáo nghèo những năm đầu giải phóng, nợ nần bủa giăng đến ông chủ Cty TNHH TM và DV Xây dựng Thiện Tâm lại nặng lòng với những nỗi đau đời đến vậy. Anh em bè bạn tâm đắc với hoạt động xã hội thường gọi anh một cách thân tình - Bảy Tổng. Cầu Dân lập mà anh đầu tư làm lại mới trị giá 270 triệu cũng chính là cây cầu bắc qua Trường Tiểu học Vĩnh Bình nơi anh từng dạy học trước đây. Năm 1994, anh đã dành cả số vốn chắt chiu sau 4 năm dầu dãi ở xứ người để xây cầu treo vững chắc thay cho cầu ván xiêu vẹo ở quê nghèo. Nỗi ám ảnh trẻ con đi học té sông trong anh phần nào được giải tỏa. Anh cho biết lúc ấy vợ chồng dự tính dành 70 triệu đồng lót ván, nhưng bà con yêu cầu ráng lót sắt gai để sử dụng lâu bền, anh hào phóng làm hết 115 triệu đồng. Trở lại cảnh trắng tay, vợ anh khóc. Anh an ủi: “Không gì bằng công đức xây cầu bồi lộ. Mình đem lại niềm vui cho bà con nghèo, Trời Phật sẽ cho mình nhiều hơn”.

nhungcaycau.gif
Anh Nguyễn Văn Tổng (giữa), Giám đốc Cty Thiện Tâm
trong buổi lễ khánh thành cầu Dân Lập ở xã Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang


Kể về cuộc đời mình, anh nghẹn ngào muốn khóc: “Thời ấy lương giáo viên vùng sâu không đủ nuôi một vợ sáu con. Tôi nghỉ dạy về quê vợ Bến Tre đặt lờ kiếm cá bống dừa để bán, nhưng cái nghèo vẫn đeo mang. Năm 1990, tôi đưa vợ con lên thành phố quyết định vượt qua phận nghèo. Mỗi ngày vợ tôi đi gánh ve chai, tôi vác bao đi mua phế liệu, con tôi đi lượm xương bò xương heo bán cho các lò nước tương. Đêm về chui rúc dưới dạ cầu Trương Minh Giảng cạnh dòng kênh Nhiêu Lộc đen ngòm. Sau một thời gian lao động cật lực, tôi dành dụm mua được chiếc xe ba gác. Vợ chồng có tiền thuê nhà.

Năm 1993, tôi mua được căn nhà nhỏ ở xóm Giếng, Q.6. Rủi thay, năm 1995 bà con ở xóm lao động nghèo bất cẩn gây hỏa hoạn. Nhà tôi bị thiêu rụi lúc cả nhà đi làm. Sau đó, Nhà nước đưa chúng tôi đi vùng kinh tế mới ở huyện Đắc Mil (Đắc Lắc). Đất lạ xứ người khó sống, tôi lại về thành phố dấn thân vào nghiệp “đập phá” - mua các công trình công cộng xuống cấp, cha con suốt ngày vung búa đập và bán phế liệu. Có hôm tôi đập đến tối mịt, bàn tay cứng đờ mất cảm giác, chén cơm cầm cứ rơi như nước mắt rơi xuống thân phận nghèo. Rồi lăn lộn giữa đời, nghề dạy nghề, tôi tham gia thầu các công trình lớn: tháo dỡ nhà cao tầng, rạp hát, trung tâm thương mại…  và đều thu lợi lớn. Tôi mua đất xây nhà, lập doanh nghiệp tư nhân và làm thầu xây dựng”. Bằng tâm huyết và công sức lao động của chính mình, anh Bảy Tổng đã đẩy lùi được đói nghèo và trở thành một ông chủ giàu lòng nhân ái.

 Ngoài Cty TNHH Thiện Tâm tại TP.HCM, anh còn lập doanh nghiệp tư nhân ở xã nhà, hành nghề xây dựng và đi xây cầu từ thiện. Hơn 150 cây cầu treo từ thiện không chỉ ở An Giang quê anh mà còn ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, TP.HCM, Đồng Tháp v.v… Mỗi cây cầu bình quân trên 100 triệu đồng. Anh đóng góp 60% kinh phí bằng nguyên vật liệu và nhân công Cty anh sẵn có, số còn lại do nhân dân địa phương đóng góp.
Còn nhớ tháng 6 năm 2006, cầu treo Tân Lợi bắc qua kênh Ba Thê, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang với kinh phí 200 triệu đồng đã được đội thầu Cty TNHH Thiện Tâm khởi công và nhanh chóng hoàn thành trong niềm vui náo nức của dân làng. Cầu có ba nhịp cáp treo, cột trụ bê-tông cốt thép. Gần đây nhất, vào đầu tháng 4-2009, anh cũng vừa mới khánh thành cầu bắc qua kênh Thầy Lâm, trước chùa U Minh thuộc huyện LấpVò, Đồng Tháp.

 Đặc biệt, cầu treo của đội thầu giáo Tổng được đánh giá chắc chắn và không đung đưa bởi cấu trúc nhiều kinh nghiệm. Có thể xem cầu từ thiện là những công trình nhân đạo chủ lực của anh Bảy Tổng. Ngoài ra, mỗi năm anh còn dành phần lớn lãi Cty cho các đợt ủy lạo thiên tai, quà cho trẻ mồ côi, học sinh nghèo các nơi. Chỉ tính riêng năm 2008, xe tải của Cty anh đã vận chuyển 70 lượt hàng cứu trợ và nguyên vật liệu bắc cầu từ thiện. Đầu năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Nhưng anh Bảy Tổng vẫn không chịu dừng lại khi “lực bất tòng tâm”, quỹ xây cầu từ thiện của anh đã lạm phát. Anh từ tốn “bật mí”: “Tôi mua được 100 công ruộng, vừa cầm cố 50 công để tiếp tục làm cầu. Làm ruộng trên cầu xem ra chắc ăn hơn! Bởi tôi đã trải nghiệm đói nghèo nên tôi muốn sẻ chia, an ủi người nghèo. Tiền bạc như nước ròng nước lớn, lúc khá giả không làm phước thiện đến cuối đời nhắm mắt cũng hai nắm tay không”.
Vâng! Người viết xin thay mặt bà con nghèo nói lời tri ân anh. Chắc chắn công đức bắc cầu sẽ giúp anh vượt qua những khó khăn chung trong kinh doanh để tiếp tục gieo ruộng phước trên những cây cầu từ thiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ký ức về những ngày tranh đấu cho hòa bình, tự do vẫn còn sống động - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Những năm tháng viết nên câu chuyện hòa bình

GNO - Vậy là đã tròn 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất. Khi người dân TP.HCM đang sống trong không khí sôi nổi của những ngày tháng Tư lịch sử, thì ở một góc nhỏ bình yên của tịnh xá Ngọc Phương, từng trang ký ức về những ngày dậy sóng ở đô thị miền Nam được lật giở lại, qua lời kể của Ni trưởng Thích nữ Tuấn Liên.
7 hoa sen trên sông Hàn (TP.Đà Nẵng) kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569

Đà Nẵng: Lễ hạ thủy 7 hoa sen trên sông Hàn

GNO - Chiều 29-4, tại bờ đông sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ hạ thủy 7 hoa sen tượng trưng cho 7 bước chân thanh tịnh của Đức Phật nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 - Vesak 2025.

Thông tin hàng ngày