GN - Cứ vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, sắp xếp công việc gia đình, anh Nguyễn Ngọc Hân (sinh năm 1984), kiểm lâm của Vườn quốc gia Núi Chúa lại bắt xe đò từ Ninh Thuận về TP.HCM, đến “phiên chợ xanh tử tế” (Q.3, TP.HCM) mang theo những sản phẩm mỹ nghệ thủ công gồm nhiều loại xâu chuỗi hạt niệm Phật, vòng đeo tay do đồng bào dân tộc Raglai sản xuất từ các loại hạt lượm trong rừng. Vượt chặng đường xa hơn 300km đến với phiên chợ, anh chỉ mang trong mình ý niệm tạo lối ra sinh kế, giúp cho bà con có tiền để đừng đốt rẫy, phá rừng. ..
Sự tử tế đằng sau mỗi vòng tay, xâu chuỗi
Để chuẩn bị đón khách tại “phiên chợ xanh tử tế” vào lúc 7 giờ sáng, trước đó một giờ, anh đã có mặt để dọn hàng. Nơi anh Hân bán hàng giúp đồng bào dân tộc là một góc nhỏ, được bày bán khiêm tốn trong gian hàng của Câu lạc bộ Sáng tạo Khởi nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Để có được chỗ bán hàng nhỏ xíu này, anh đã thuyết phục các thành viên của CLB cho để “ké” vì không có tiền thuê mặt bằng.
Anh Nguyễn Ngọc Hân bán hàng giúp đồng bào dân tộc Raglai tai phiên chợ xanh TP.HCM
Mặc dù không gian nhỏ, nhưng gian hàng chuỗi hạt lúc nào cũng được nhiều bạn trẻ dừng chân. Lúc đầu là vì sự bắt mắt của các chuỗi hạt ở núi rừng, rồi khi biết anh Hân bán các sản phẩm này để giúp đồng bào dân tộc, nhiều người thích thú mua sử dụng. Thanh Thảo, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM bày tỏ: “Ở đây mặt hàng nào cũng đẹp, anh kiểm lâm bán giùm hàng cho bà con nhưng giới thiệu nhiệt tình nên mọi người cũng nhiệt tình ủng hộ”.
Hỏi chị Trang, thành viên CLB Sáng tạo Khởi nghiệp Ninh Thuận cho anh để “quá giang” chỗ để bán chuỗi hạt mới biết, anh Hân bán chuỗi hạt cho bà con là tự bỏ tiền túi ra để đi xe về thành phố hoặc có khi CLB hỗ trợ vé xe. Tiền bán chuỗi hạt một phần gửi cho bà con, một phần được trích lại để chia sẻ khó khăn với những gia đình túng thiếu và mua quà, bánh, hỗ trợ cho các em học sinh dân tộc đến trường.
Mỗi ngày phiên chợ mở cửa tám tiếng, anh Hân hầu như đứng suốt, tận dụng mọi thời gian, cơ hội. “Có khi mải mê bán, anh quên luôn cả giờ ăn trưa”, một người bán hàng cạnh anh cho biết. Hai ngày tại phiên chợ, có khi thu được gần một triệu, có khi chưa đầy năm trăm nghìn, nhưng dù bán được bao nhiêu anh cũng vui. Anh quan niệm: “Chỉ cần có người mua là bà con vui rồi. Một triệu hay năm trăm ngàn với người đồng bào lớn lắm. Bán được một xâu chuỗi, trừ tiền vật liệu ra là bà con đã mua được hai ký gạo”.
Nhìn cách anh chăm chút cho gian hàng, thuyết phục khách để bán từng chiếc vòng tay đã thấy phần nào sự nhiệt tâm của anh. Nhưng khi theo chân anh vào làng người dân tộc Raglai thì càng hiểu hơn, anh đã dày công như thế nào với con đường vận chuyển chuỗi hạt của bà con đến thành phố đổi thành tiền. Từ Phan Rang, để vào làng đồng bào dân tộc, nơi bà con tập trung gia công sản phẩm ở Nhà văn hóa thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải phải mất hơn 90 phút đi xe máy. Đường đi có nhiều đoạn dốc thoải, đường mòn bé tí, nếu không nặng tình với bà con dân tộc thì có lẽ anh Hân không thể gắn bó sâu sắc như vậy.
Như khách quý đến nhà, nhìn thấy anh Hân, chị Cao Thị Thủy, Tổ trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải mừng rỡ, hỏi ngay: “Chừng nào lấy hàng để chị biết mà đóng cho chú”. Rồi chị giòn giã giới thiệu: “Chú Hân là một người vô cùng đặc biệt với chúng tôi. Mấy năm rồi hàng làm ra không ai mua, bà con khoắc khoải lắm. May mà hai năm nay nhờ có chú Hân lấy hàng bán giúp mà chị em mới có công ăn việc làm, có tiền mua thức ăn. Chú Hân chỉ dẫn tận tình từng người làm tỉ mỉ để sản phẩm đẹp, bán dễ dàng; đặc biệt chú không cho ngâm hạt với hóa chất để sáng màu, tất cả đều phải là thiên nhiên”.
Kiểm lâm Hân giúp đồng bào có gạo
Từ ngày sản phẩm mỹ nghệ được anh Hân đem lên thành phố bán, phụ nữ làng dân tộc ai cũng phấn khởi. Vì đây chính là cơ hội để các chị em chủ động kiếm tiền. Chị Mấu Thị Vịt, 25 tuổi hân hoan: “Nhờ có người mua hàng mà có tiền lo cho con, vì chồng không làm gì ngoài nhậu nhẹt”. Hàng ngày sau giờ học, bốn đứa con chị Cao Thị Biểu rủ nhau lên rừng lượm hạt về cho mẹ kết vòng chuỗi.
Chị khoe: “Cả nhà đều làm chuỗi, không vào rừng đốn củi nữa. Bốn đứa con là bốn đời chồng, khổ cực lắm, may có anh kiểm lâm giúp công ăn việc làm, bây giờ thấy chú Hân là thấy gạo, là thấy được ngày mai thoát nghèo. Một ngày làm chăm chỉ kiếm được gần hai trăm ngàn. Mong sao chú Hân có sức khỏe để giúp chị em phụ nữ tụi tui, chứ mấy bữa thấy chú đi tuần về mặt mày bơ phờ mà cũng ráng ghé lấy hàng, thương lắm”.
Bà con gia công sản phẩm mỹ nghẹ để có thêm tiền nuôi con, đong gạo
Hỏi anh Hân, một tuần làm việc không có ngày nghỉ, đến thứ Bảy, Chủ nhật không ở nhà, lại xuống thành phố bán hàng, đi như thế vợ buồn thì sao? Anh bảo: “Vợ cũng buồn nhưng cái nghề gắn liền với nghiệp rồi, kiểm lâm thường đi rừng suốt, không ở nhà thường xuyên. Đi bán chuỗi cho bà con cũng là công việc tích cực góp phần bảo vệ rừng của vườn quốc gia, nằm trong nhiệm vụ kiểm lâm nên vợ cũng hiểu.
So với việc đi tuần tra rừng thì đi bán sản phẩm giúp bà con có phần khó khăn hơn, vì mình chưa quen. Nhưng nghĩ đến niềm hạnh phúc của bà con khi bán được hàng, có tiền họ sẽ không phá rừng, làm hầm than; có tiền mua thức ăn, họ sẽ không bẫy thú... nên mình cố gắng”.
Ngoại trừ những đợt phải đi tuần tra theo kế hoạch, hoặc bận công việc cơ quan thì anh Hân mới không có mặt ở thành phố bán hàng, nhưng anh vẫn nhờ các bạn bên CLB Sáng tạo Khởi nghiệp bán giúp, chứ không bỏ lỡ phiên chợ nào. Anh trải lòng: “Sở dĩ mình dành nhiều tâm huyết với việc bán hàng cho bà con như vậy là vì có nhiều lần đi tuần, thấy các con thú bị bẫy, mình buộc người săn thả ra.
Nhưng nghe họ nói ‘giờ nhà tui không có tiền, không bắt thú thì lấy chi ăn’, mình cứ ám ảnh mãi - mặc dù lúc đó họ nghe lời mình, họ thả thú rừng, mình cũng lấy tiền túi cho họ về đong gạo nhưng chỉ giúp họ tức thời. Vậy nên, để hạn chế việc rừng chảy máu, mình quyết tâm giúp bà con có công ăn việc làm đàng hoàng. Làm trang sức thủ công bằng hạt cây rừng không những giúp họ có tiền mà còn bảo vệ rừng. Họ đi rừng lượm hạt, phát hiện hầm than trái phép hay người lạ vào rừng là họ báo với lực lượng kiểm lâm. Nhờ vậy mà công tác bảo vệ rừng được siết chặt hơn”.
Thôn Cầu Gãy và thôn Đá Hang ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải được xem là những thôn có đồng bào dân tộc Raglai có đời sống khó khăn, diện tích đất canh tác ít, bạc màu, loại cây trồng lâu năm kém hiệu quả. Trước đó, bà con đi rừng bẫy thú, đốn củi nhiều do không có công ăn việc làm.
Nhưng từ lúc buôn bán được mặt hàng trang sức thủ công, bà con chuyển sang đi rừng hái lượm hạt bồ-đề, hạt dẹt, hạt cam thảo, hạt gõ đỏ về phân phối cho các hộ gia công hoặc trực tiếp kết thành sản phẩm mỹ nghệ bán. Nếu chịu khó, đàn ông có thể lượm mỗi ngày được chục ký hạt rừng, phụ nữ siêng có thể làm một ngày một trăm cái vòng tay, mỗi người kiếm cũng được một, hai trăm ngàn đồng. Nhờ vậy, các mặt tiêu cực phần nào được hạn chế.
Mời độc giả đón đọc kỳ 2 về những gian nan, vất vả, có khi phải mất mạng để bảo vệ rừng của những người kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa…