Người làm vườn

GN - Vườn kiểng lá 5.000m2 được trồng trong nhà lưới của chùa Phước Đức thuộc xã Tân Khánh Đông (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) được người làm vườn chắt chiu, chăm sóc. Người làm vườn ấy là TT.Thích Thiện Hữu, trụ trì chùa Phước Đức, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo TP.Sa Đéc…

ốn là người làm nông, am hiểu cây, đất, Thượng tọa đã mạnh dạn mượn vốn đầu tư, tiếp tục cơ nghiệp “cứu khổ ban vui” bằng ý chí, kinh nghiệm nghề nông và sự ủng hộ của Phật tử trong vùng.

XH2 GN938.JPG

TT.Thích Thiện Hữu trong vườn kiểng lá ở chùa Phước Đức

Như Thượng tọa chia sẻ: “Tôi xuất thân từ gia đình bần nông, việc lam lũ ruộng vườn đã quen từ nhỏ, kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt thì có anh em giòng họ trợ giúp. Nhân công chăm sóc vườn kiểng cùng tôi thường có 10 người, hầu hết là Phật tử. Mỗi tháng chùa chi từ 30 triệu đến 35 triệu đồng để hỗ trợ cuộc sống cho nhân công. Chăm lo cho Phật sự và tham gia làm từ thiện tại địa phương là mục tiêu mà nhà chùa phải làm nên không thể không lo phương tiện tài chánh”.

Chùa quê đất thừa vốn thiếu nên để bảo tồn và phát huy hiệu quả đồng vốn, nhà chùa đã trồng 4 công xoài là nguồn tích lũy “lấy ngắn nuôi dài” cho vườn kiểng ngày càng tăng trưởng. Gần hai năm đầu tư vun bón, đến nay vườn kiểng lá của chùa có hơn 10.000 giỏ với nhiều chủng loại phục vụ cho công trình, trang trí nội thất, trong đó nhiều loại kiểng lá như: bạch mã hoàng tử, kim ngọc ngân, phú quý, đại phú, vạn lộc, thanh tâm…

Và, nhiều  loại kiểng treo như: lan, cây giữ tiền, trầu bà, cẩm thạch, hồng huyết… Vườn kiểng của chùa cũng được thương lái trong vùng tìm đến chọn mua vài đợt đưa đi phục vụ tại các thị trường hoa kiểng khác. 

Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018 vừa qua, công việc của chư Tăng, Phật tử chùa Phước Đức càng tất bật phục vụ cho người dân địa phương và thương lái. Dù hiệu quả kinh tế của vườn kiểng chưa cao, chưa thể trang trải hết nợ nần; Thượng tọa cũng còn suy tư với nhiều hạng mục trùng tu xây mới ngôi Tam bảo vẫn còn trong dự tính nhưng trong nỗ lực của mình các Phật sự, cũng như vườn kiểng sẽ phát triển tốt hơn vì mục tiêu “tốt đẹp cho đời”.

Bên cạnh việc tích lũy thu nhập để xây mới chánh điện, nhà khách, nhà trù, sửa chữa và mở rộng thiền đường cho Phật tử tu tập định kỳ ngày càng đông (từ 200 đến 250 người /khóa tu niệm Phật hàng tháng), hàng năm nhà chùa đều có kế hoạch từ thiện như đầu năm cấp phát xe lắc cho người tàn tật, cất nhà tình thương, đóng góp xây cầu đường, quà Tết cho bà con nghèo, mùa hè phối hợp các trường học xét cấp học bổng, tập sách cho học sinh nghèo trị giá 300 triệu đến 400 triệu đồng/năm, góp phần an sinh xã hội giúp xã nhà Tân Khánh Đông sớm hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới.

Hiện nay, tuy xã có nhiều hộ thoát nghèo nhưng thỉnh thoảng cũng có người đến chùa xin gạo. Cô Phật tử Diệu Ngân, 74 tuổi, ở ấp Khánh Nhơn tâm sự: “Ai tới thầy cũng sẵn lòng. Con trai của tôi làm công quả ở đây, nó thương thầy lắm. Thầy vừa lo làm Phật sự tại địa phương vừa làm vườn để có thêm kinh phí lo cho người nghèo, Phật tử”.

Đến thành phố hoa Sa Đéc, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn cảnh trí thôn quê trong lành, yên ả và chia sẻ những tâm tình ý vị, đậm nét nhân văn của “nhà sư chân đất”. Chùa Phước Đức, nơi “người làm vườn” với tâm tình mộc mạc, đã âm thầm vun xới cho cỏ cây xanh lá, thắm hoa. Ở đó, tấm lòng của người tu sĩ thuần nông luôn rộng mở như vườn kiểng bạt ngàn xanh lá, đượm nhuần và tỏa ngát tình người nơi xứ sở hương hoa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.

Thông tin hàng ngày