GN - Ngày xưa cũng như hiện nay, xã hội luôn tồn tại người lao động và người sử dụng lao động dưới nhiều hình thức.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, sự phát triển xã hội, văn hóa và văn minh mà mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động có khác biệt nhau. Đa phần người lao động thì nhiều mà sở hữu tài sản ít. Ngược lại, người sử dụng lao động thì ít mà sở hữu tài sản lại nhiều.
Công nhân trong một công xưởng - Ảnh minh họa
Xã hội Ấn Độ cổ đại (cách nay 2.600 năm), người lao động và người sử dụng lao động được gọi là tôi tớ và chủ cả. Bấy giờ, mối quan hệ giữa hai giới này tuy có phân biệt giai cấp, ngôi thứ trên dưới rõ ràng nhưng nếu mỗi giới đều thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm của mình thì cả hai đều được lợi ích, an vui.
Đức Thế Tôn rất quan tâm đến mối quan hệ xã hội này vì họ là số đông trong xã hội. Ngài yêu thương, tận tình hướng dẫn cho cả hai giới có nhận thức, quan niệm sống và làm việc tích cực để cả hai cùng có lợi. Đối chiếu với luật lao động hiện nay, những lời dạy của Đức Phật cho chủ và tớ từ xa xưa đã cho thấy quan điểm tiến bộ, nhân văn của Ngài.
Song hành lợi mình và lợi người là chủ trương của Thế Tôn, nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ giáo pháp. Từ việc tu tập cho đến hoằng hóa, từ người sử dụng lao động cho đến người lao động, lợi ích phải hài hòa, ai cũng làm việc và cùng có lợi, đó là nền tảng cho phát triển bền vững và ổn định xã hội.
“Một thời Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ cùng với chúng Đại Tỳ-kheo 1.250 người. Bấy giờ, vào lúc thích hợp, Ðức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực. Lúc bấy giờ tại thành La-duyệt-kỳ có con trai của trưởng giả tên là Thiện Sinh, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành, đi đến khu vườn công cộng sau khi vừa tắm gội xong, cả mình còn ướt, hướng đến các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới mà lạy khắp cả.
…
Phật lại bảo Thiện Sinh:
Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo: 1- Tùy khả năng mà sai sử. 2- Phải thời cho ăn uống. 3- Phải thời thưởng công lao. 4- Thuốc thang khi bệnh. 5- Cho có thời giờ nghỉ ngơi.
- Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ : 1- Dậy sớm. 2- Làm việc chu đáo. 3- Không gian cắp. 4- Làm việc có lớp lang. 5- Bảo tồn danh giá chủ.
- Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Thiện Sinh, số 16 [trích])
Theo Đức Phật, người sử dụng lao động quan tâm đến người lao động ít nhất trên năm phương diện: Giao việc đúng người, ăn uống đầy đủ, lương thưởng xứng đáng, thuốc thang khi bệnh, làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ giấc quy định. Hiện nay, một số cá nhân hay tổ chức sử dụng lao động thậm chí còn chưa đáp ứng được năm tiêu chí cổ xưa này cho người lao động.
Về phía người lao động phải chu toàn năm bổn phận của mình. Đó là: Làm việc đúng giờ, có chuyên môn và kỷ luật, không gian tham trộm cắp, làm việc đúng quy trình, bảo vệ danh giá chủ. Những tiêu chí của người lao động xưa, theo quan điểm của Đức Phật, không chỉ giỏi về chuyên môn, có tinh thần kỷ luật mà phải có đạo đức và tình cảm nữa. Người lao động hiện nay chỉ cần kiện toàn năm điều này thôi là đã có tâm và có tầm, chắc chắn đi đâu họ cũng có việc làm, thu nhập tốt và được quý trọng.
Thế mới biết Đức Phật không chỉ chú trọng việc tu tập để chứng đắc giải thoát, Niết-bàn mà còn quan tâm đến các vấn đề xã hội với quan niệm rất nhân văn và tiến bộ. Thế Tôn đã xác định nếu cả hai giới đều chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình như trên thì mọi người “được an ổn không điều chi lo sợ”.
Quảng Tánh / Báo Giác Ngộ