Người thầy đặc biệt của bà con ở Cư M’Gar

Đại đức Thích Minh Đăng lắng nghe các em học sinh chia sẻ về hoàn cảnh gia đình
Đại đức Thích Minh Đăng lắng nghe các em học sinh chia sẻ về hoàn cảnh gia đình
0:00 / 0:00
0:00
GN - Với người dân ở huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, Đại đức Thích Minh Đăng, trụ trì chùa Hoa Nghiêm là người thầy rất đặc biệt.

Là vị tu sĩ trẻ năng động và dấn thân, ngoài việc được xem như điểm tựa tinh thần cho người dân địa phương, tháo gỡ khó khăn cho nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, Đại đức Thích Minh Đăng còn hết lòng quan tâm đến công tác giáo dục, tìm cách để các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không bị rớt con chữ trong quãng đường nặng gánh mưu sinh.

Điều đó được cụ thể hóa bằng quỹ học bổng “Tiếp bước em đến trường” được Đại đức Thích Minh Đăng sáng lập từ 2 năm nay, đã và đang góp phần nâng bước đường đến trường cho 72 em học sinh.

Đại đức Thích Minh Đăng trao phần hỗ trợ tiếp sức đến trường tới học sinh người dân tộc thiểu số

Đại đức Thích Minh Đăng trao phần hỗ trợ tiếp sức đến trường tới học sinh người dân tộc thiểu số

Trong cuộc trò chuyện với Giác Ngộ về dự án “Tiếp sức đường dài” cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, Đại đức Thích Minh Đăng chia sẻ:

- Hạnh nguyện của bản thân tôi trên con đường hoằng pháp là dấn thân phụng sự. Khi đi sâu vào buôn làng, chúng tôi chứng kiến nhiều em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn: mồ côi cha mẹ, mồ côi mẹ, cha thần kinh; hoặc mồ côi cha, mẹ tâm thần lang thang… Tuổi thơ của các em có quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Con đường đến trường của các em có quá nhiều chông gai. Hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, các em đứng trước nguy cơ phải dừng việc học bất cứ lúc nào.

Bản thân tôi rất đau lòng khi nhận được thông tin về hoàn cảnh của các em và khi trực tiếp đi khảo sát, hoàn cảnh nào cũng thật sự vô cùng khốn khó. Có trường hợp của em H’Nuk, Trường Tiểu học Tô Hiệu có mẹ bị tâm thần, đi lang thang sinh ra em không biết bố là ai và ngay cả mẹ em hiện nay ở đâu không rõ. Em ở với bà ngoại già yếu, một người dì tâm thần, một người dì tàn tật.

“Nếu như không có học bổng mỗi tháng thì không có điều kiện cho con, cháu đi học nữa” - đó là lời chia sẻ của hầu hết các bậc phụ huynh, nhất là ông bà của các cháu mồ côi chia sẻ với chúng tôi, khi nhận được học bổng.

72 em học sinh được thầy Minh Đăng tiếp sức, các em không chỉ được mở thêm lối để an tâm đến trường, mà những phần quà, học bổng thầy trao còn giúp gia đình nuôi niềm tin về tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía sau con chữ, từ đó họ cũng cố gắng cho con đến trường. Chương trình cũng nhờ đó mà thêm phần ý nghĩa, tác động tích cực đến đời sống an sinh xã hội”.

Chị Mỹ Trinh

Phó Bí thư huyện đoàn Cư M’Gar

Em H’Wit Byă, lớp 2A Trường Tiểu học Lê Văn Tám, mẹ mất sớm, gia đình khó khăn, bản thân em lại mắc bệnh ung thư; Em H’Như Niê, lớp 3A2 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, cả 3 anh em mồ côi cha, mẹ nương tựa nhau để sống; Em Nguyễn Kim Phụng Tiên, lớp 4C Trường Tiểu học Lê Lợi, mồ côi mẹ, bố đang chấp hành án tù, ở với chú thím, gia cảnh cũng rất khó khăn; Em H’Quyên Niê, lớp 7A3 Trường Trung học cơ sở Đinh Tiên Hoàng, mồ côi bố mẹ ở với dì dượng, gia đình dì cũng đông con, dượng bị tai biến nằm liệt giường.

Điểm chung của tất cả các em đó là gia đình rất khó khăn nhưng khao khát nuôi con chữ của các em rất mãnh liệt.

Chúng ta thường nói trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, nhưng làm thế nào mà các em có tương lai tươi sáng hơn nếu dừng việc học, không được đến trường? Câu hỏi đó ám ảnh, khiến tôi trăn trở rất nhiều và đó là nguyên do tôi quyết định thành lập quỹ “Tiếp bước em đến trường”, phối hợp dự án “Tiếp sức đường dài” của Huyện đoàn, trợ giúp kịp thời cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số hiếu học.

Chương trình này có gì đặc biệt, thưa thầy?

- Chương trình này với ý nghĩa tiếp sức, trợ lực, tạo niềm tin để bước chân các em vững vàng hơn trên con đường đến trường. Học bổng tiếp sức cho các em bằng việc hỗ trợ tiền hàng tháng, để các em an tâm rằng mình không phải nghỉ học trong năm đó, và các em có động lực để tin rằng nếu mình học tốt sẽ không phải gián đoạn giữa chừng.

Sự khác biệt ở đây đó là mạnh thường quân không đơn thuần chỉ chia sẻ, tặng tiền, trao quà đến các em rồi đi, mà là gắn bó lâu dài. Nhận nuôi một em học sinh, không chỉ là chung tay tiếp sức, không để các em phải bỏ học vì gia đình không đủ điều kiện kinh tế, mà còn để các em thấy cuộc đời luôn có những vòng tay ấm áp, những tấm lòng bao dung. Đồng thời, qua đây cũng tạo cơ hội để bà con đồng bào dân tộc thay đổi nhận thức, quan điểm, cách nhìn cuộc sống để phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Đại đức Thích Minh Đăng cùng đoàn thiện nguyện lặn lội đến các buôn làng

Đại đức Thích Minh Đăng cùng đoàn thiện nguyện lặn lội đến các buôn làng

Việc tiếp sức để các em học sinh có thể đi hết con đường cắp sách đến trường, giúp các em học hành tử tế, phát triển năng lực bản thân, sau này lớn lên có một nghề ổn định để lập thân lập nghiệp, giúp đỡ gia đình, bớt đi gánh nặng cho xã hội. Quý nhà hảo tâm cũng thấy rõ hơn ý nghĩa của việc mình làm, đem lợi lạc cho người đồng bào về vật chất lẫn tinh thần.

Thầy có thể chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển quỹ học bổng này?

- Trong 10 năm dấn thân với công tác thiện nguyện ở vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng gió, đồng hành xuyên suốt cùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi xem tiếp sức đường dài các em đến trường là một hạnh nguyện mà mình theo đuổi.

Đến nay, điều vui mừng là chương trình “Tiếp bước em đến trường” đang phát triển thuận lợi. Chúng tôi thực hiện và duy trì chương trình này đến khi nào hết sức có thể.

Niềm vui khi được tiếp sức đến trường

Niềm vui khi được tiếp sức đến trường

Hàng tháng và mỗi nửa năm học, chúng tôi đều báo cáo kết quả học tập của các em đến các mạnh thường quân đỡ đầu học bổng cho các em đến trường. Sự kết nối này giúp tình người đến gần với nhau hơn, ngày càng nhiều cánh tay cùng chung sức, mở thêm nhiều tín hiệu tốt lành cho các em học sinh đồng bào dân tộc.

Chúng tôi mong chương trình sẽ được mở rộng, để các em có thể bước đến chặng cuối cùng của con đường đến trường, chạm đến tương lai tươi sáng đang đón chờ phía trước.

“Giáo viên chúng tôi rất cảm kích thầy Minh Đăng, thầy là tu sĩ trẻ dành nhiều tình thương và giúp rất nhiều cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, là điểm tựa để các em có nhiều nỗ lực và an tâm hơn trong học tập.

Tất cả hoàn cảnh khó khăn của các em, khi nhà trường gửi thông tin đến, thầy đều không từ chối, thậm chí trực tiếp đi khảo sát để giúp các em đến nơi, đến chốn.

Có nhiều lần, thầy cùng anh em giáo viên chúng tôi đi đến nhà các em ở tận vùng sâu. Gặp trời mưa đường trơn, để vào trong buôn làng, chúng tôi phải để xe bên ngoài và đi bộ vào. Đường sình lầy hay lội nước, thầy đều không ngại. Thầy không chỉ có chương trình khuyến học tiếp sức đường dài, mà đi còn để khảo sát xây nhà cho học sinh. Tinh thần và tình thương thầy dành cho các em, giáo viên chúng tôi ai thấy cũng đều xúc động”.

Thầy Mai Văn Chuyền

Giáo viên Trường THCS Ngô Mây, huyện Cư M’Gar

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Im lặng không phải lúc nào cũng hay

GNO - Gia đình anh em chúng tôi đều là Phật tử. Tôi thường gắn bó với chùa chiền và tham gia các hoạt động Phật sự nhiều hơn những người khác. Qua các thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội liên quan đến người xuất gia và chùa chiền, tôi và người em đã xảy ra tranh cãi, bất hòa.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu lúc du học tại Đại học Nalanda (Nava Nalanda Mahavihara)

Viện Nghiên cứu Phật học VN đề xuất dựng tượng Hòa thượng Thích Minh Châu tại Nava Nalanda

GNO - Ngày 5-9, GS.TS Rajesh Ranjan, Hiệu trưởng Nava Nalanda Mahavihara (Ấn Độ) đã có thư phúc đáp Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN trao đổi về ý tưởng dựng tượng đài cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu trong khuôn viên của trường.

Thông tin hàng ngày