Kết nối tình Lam

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1125 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1125 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GN - Trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội và khi Gia đình Phật tử chưa thể trở lại sinh hoạt bình thường, nhiều đơn vị đã năng động tổ chức các chương trình sinh hoạt online để gắn kết, tạo không khí tươi trẻ, truyền đạt kỹ năng sống cho các bạn đoàn sinh.

Gặp nhau từ không gian mạng

Trong thời gian dịch bệnh, không thể đến chùa sinh hoạt do giãn cách xã hội, em Ngô Thị Thu Thủy, đoàn sinh Thiếu nữ Gia đình Phật tử Phổ Hiền (quận Tân Bình) và các anh chị em trong đơn vị cảm thấy bị mất kết nối. Hiểu được sự “bức bách” của đoàn sinh mình, khi phải chịu gián đoạn thói quen đến chùa sinh hoạt mỗi Chủ nhật hàng tuần, được hướng dẫn giáo lý, kỹ năng sống và chia sẻ những vui buồn trải qua trong tuần, các huynh trưởng Gia đình Phật tử Phổ Hiền đã có sáng kiến “sinh hoạt online”, tổ chức cuộc thi kết nối cho các em trong thời gian giãn cách.

Thu Thủy cho biết em đã rất mong chờ được gặp mọi người và tham gia những thử thách hàng tuần qua mạng xã hội. “Trong thời gian giãn cách xã hội, có rất nhiều điều tiêu cực diễn ra xung quanh. Khu em ở có nhiều ca nhiễm bệnh, rồi mỗi ngày mở mạng thì toàn những tin tiêu cực. Khoảng thời gian được quay về với Phật pháp, cùng anh chị em Gia đình Phật tử chia sẻ những kiến thức, em cảm thấy lạc quan hơn và có niềm tin vào cuộc sống”, Thủy chia sẻ.

Em Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi (đoàn sinh Oanh Vũ nữ GĐPT Kỳ Quang) viết lên những điều mong mỏi gửi về chương trình "Điều ước đêm trăng" trong dịp Trung thu do GĐPT Kỳ Quang tổ chức - Ảnh: GĐPT Kỳ Quang
Em Nguyễn Ngọc Tuyết Nhi (đoàn sinh Oanh Vũ nữ GĐPT Kỳ Quang) viết lên những điều mong mỏi gửi về chương trình "Điều ước đêm trăng" trong dịp Trung thu do GĐPT Kỳ Quang tổ chức - Ảnh: GĐPT Kỳ Quang

Với Nguyễn Gia Bảo, đoàn sinh Thiếu nam Gia đình Phật tử Long Hưng, hơn 5 tháng mới sắp xếp sinh hoạt lại dưới hình thức online, em cảm thấy rất phấn khởi và hạnh phúc. “Từ lúc nghe tin bị F1 tới bây giờ, chưa bao giờ em cảm thấy, việc hít thở và thiền đem lại cho mình cảm giác thoải mái, thanh tịnh như thế. Bởi lẽ trong suốt 1 tháng qua, em đã trải qua không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đa số đều mang theo sự tiêu cực”, Bảo trải lòng.

Bảo cho biết dù chỉ gặp được anh chị em qua ứng dụng Google Meet nhưng buổi sinh hoạt không vì thế mà bị trở ngại, mọi người cùng tu học, trò chuyện, đùa giỡn với nhau rất vui. Điều này giúp cho Bảo cảm nhận được hơi ấm của một gia đình thứ hai, một tập thể mà bấy lâu nay bản thân đã quên mất.

Kết nối “tình Lam”

Huynh trưởng Nguyên Hàm, Thư ký Gia đình Phật tử Phổ Hiền (Tân Bình) cho biết đơn vị bắt đầu sinh hoạt online từ ngày 27-6, ngay khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, một số anh chị cũng bị nhiễm bệnh. Ban huynh trưởng đơn vị đã thảo luận để đưa ra nhiều chương trình online, trong đó chương trình thử thách online mùa Covid-19, tính tới nay đã được 17 tuần, thu hút các em ngành Thiếu tham gia.

Cứ mỗi Chủ nhật, huynh trưởng sẽ đăng 11 câu hỏi về chủ đề Phật pháp, hoạt động thanh niên, mật thư… và các em tham gia trả lời qua fanpage đơn vị. Ngoài ra, đơn vị còn kết nối anh chị em qua ứng dụng Zoom để mọi người trò chuyện và hỏi thăm nhau. “Mục đích tạo niềm vui lạc quan cho anh chị em là chính và quan trọng nhất là vẫn kết nối trong những ngày dịch vì không được gặp mặt”, anh Nguyên Hàm cho biết.

Em Nguyễn Ngọc Bình An (Oanh vũ nữ GĐPT Hoằng Pháp) viết thư tay gửi đến ba mẹ trong cuộc thi "Lá thư thay lời con muốn nói" trong mùa Vu Lan - Ảnh: GĐPT Hoằng Pháp

Em Nguyễn Ngọc Bình An (Oanh vũ nữ GĐPT Hoằng Pháp) viết thư tay gửi đến ba mẹ trong cuộc thi "Lá thư thay lời con muốn nói" trong mùa Vu Lan - Ảnh: GĐPT Hoằng Pháp

Còn tại Gia đình Phật tử Bát Nhã (Bình Thạnh), huynh trưởng Thiện Phước, đoàn trưởng Oanh vũ nam cho biết trong thời gian dịch, một vài huynh trưởng tham gia tuyến đầu chống dịch nên phải tới ngày 15-8 mới bắt đầu sinh hoạt online. “Đối tượng tham gia đa phần là ngành Thiếu qua ứng dụng Google Meet. Sinh hoạt mỗi lần, huynh trưởng đều thăm hỏi tình hình sức khỏe các em, trao đổi về các vấn đề quanh dịch bệnh, các chủ đề Phật pháp để tạo sự lạc quan nơi các em”, huynh trưởng Thiện Phước cho biết thêm.

Sinh hoạt là tu học tự thân

Trước khi thành phố bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội, từ tháng 5, Gia đình Phật tử Hoằng Pháp đã áp dụng hình thức sinh hoạt online cho các em. Huynh trưởng Tịnh Lợi, Liên đoàn trưởng đơn vị cho biết nhờ duy trì hình thức này, đến nay sự kết nối của các thành viên đơn vị không bị gián đoạn, chương trình tu học các bậc học Oanh vũ, ngành Thiếu, ngành Thanh cả năm được đảm bảo ổn định.

Về chương trình sinh hoạt online, anh Tịnh Lợi chia sẻ trước khi bắt đầu, huynh trưởng đã tham khảo với phụ huynh để xin ý kiến, đa số đều rất hoan hỷ và trợ duyên. Riêng đối với các em điều kiện kinh tế khó khăn không có điện thoại thông minh, đơn vị cũng kêu gọi huynh trưởng tặng, do đó, các em có đủ phương tiện để sinh hoạt.

Huynh trưởng Tịnh Lợi cho biết bình quân hàng tuần, chương trình sinh hoạt online của đơn vị có trên 60 em tham gia. Đặc biệt, tuần Trung thu có trên 80 em tham gia với chương trình thú vị, đặc sắc.

“Ban huynh trưởng rất tâm huyết mong mỏi, duy trì sự tu học cho các em. Thấy các em ở nhà do dịch bệnh, nếu không đưa vào nề nếp thì các em sẽ xao lãng việc học và mất đi lửa sinh hoạt. Khi tổ chức cho các em sinh hoạt tu tập thì cũng là cách cho huynh trưởng tu tập.

Bản thân huynh trưởng, các anh chị ngành Thanh ngay cả lúc khó khăn nhất là trong nhà có ông bà cha mẹ bị bệnh vẫn không nao núng, dù có lo lắng, nhưng vẫn chuyên tâm chuyện sinh hoạt vì đó là chuyện tu học tự thân”, anh Tịnh Lợi nhấn mạnh.

Triển khai các hình thức sinh hoạt online là ưu tiên hiện nay

Huynh trưởng Thị Cư Nguyễn Thanh Minh, Trưởng Phân ban Gia đình Phật tử TP.HCM cho biết trong đợt dịch vừa rồi, Gia đình Phật tử có 120 người bị F0, trong đó có 10 em bị mất cha hoặc mẹ, và có 1 trường hợp mất cả cha và mẹ. Đối với những lam viên bị F0, F1, Phân ban đã trao tịnh tài hỗ trợ. Riêng đối với những em có cha mẹ mất vì Covid-19, Phân ban sẽ vận động để giúp đỡ các em trong học tập.

Gia đình Phật tử TP.HCM cũng nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị tỉnh thành bạn trong cả nước gửi về. Ngoài ra, nhiều đơn vị thành phố có anh chị tham gia tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ tặng nhu yếu phẩm đến các anh chị em và bà con khó khăn do dịch rất tích cực.

Trong 31 đơn vị trực thuộc, thời gian đầu tổ chức sinh hoạt online đã có nhiều lúng túng do dịch bệnh, nhưng sau đó các đơn vị đã triển khai sinh hoạt tốt hơn, chủ yếu là qua Facebook, Google meet, Zoom. Một vài đơn vị sinh hoạt hiệu quả, vì các em ở nhà nên khi có các hoạt động thì rất hào hứng tham gia các trò chơi Phật hóa, câu hỏi trắc nghiệm, thử thách tập thể dục thể thao.

Về hướng sinh hoạt sắp tới, Ban Hướng dẫn Phân ban sẽ vận động các đơn vị sinh hoạt online. Phân ban họp định kỳ mỗi tháng 2 lần trên Google Meet và khởi động chiêu sinh các bậc học dài hạn Kiên, Trì, Định dành cho huynh trưởng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày