Người tốt thầm lặng

GN - Lặng lẽ, nhiệt tình là những gì mà chúng ta nhận ra ngay từ lần đầu tiếp xúc với họ, những người làm việc “phi thường” trong cuộc sống bình thường…

Người “chăm sóc” tử thi

Năm 2005, sau khi ly hôn, ông Trần Ngọc Hải bỏ việc vác lúa mướn và xin vào làm hộ lý tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông (Đồng Tháp) để kiếm thu nhập nuôi 2 con. Ban đầu, ông Hải được giao nhiệm vụ quét trần nhà, lau rửa sàn nhà, cửa kiếng… tại các khoa, phòng của bệnh viện.

Làm được hơn 2 năm, công trình xây dựng khu “đại thể” của bệnh viện hoàn thành, ông Hải được phân công kiêm thêm nhiệm vụ quản lý nhà “vĩnh biệt” tại Trung tâm Y tế H.Tam Nông.

Đó là quyết định khiến ông có chút “lăn tăn”, thế nhưng khi chứng kiến những người qua đời trong cảnh quạnh quẽ, có khi không có người thân đến nhận, ông chạnh lòng. Vậy là, dẹp bỏ bao lo ngại, sợ sệt ban đầu, ông Hải đảm trách luôn việc tắm rửa, thay y phục, chăm giữ… xác người.

hinh xh GN 1059 - ong Hai.JPG

Ngoài công việc lao công hằng ngày, ông Hải còn "chăm sóc" tử thi ở nhà vĩnh biệt

Ông Hải tâm sự, một phần vì cuộc sống mưu sinh, phần khác cũng vì lòng trắc ẩn, tình thương giữa con người với nhau đã giúp công việc tiếp xúc, chăm giữ tử thi vốn ai cũng “lạnh xương sống” không dám nhận, trở nên nhẹ nhàng hơn với ông.

Trung bình mỗi năm, ông Hải tắm rửa, thay y phục, trông coi từ 5 đến 7 thi thể, có năm lên đến trên 10 thi thể. Tính riêng trong dịp Tết Canh Tý (2020) vừa qua, có tới 3 thi thể người tử nạn được đưa vào nhà xác.

Bên cạnh đó, công việc cũng đã giúp ông Hải tiếp xúc với thân nhân người mất mỗi khi họ đến nhận thi thể, bao nhiêu câu chuyện buồn vui cũng từ đó được chia sẻ với nhau. Có những gia đình sau khi nhận thi thể người thân từ nhà vĩnh biệt, họ bày tỏ sự biết ơn ông Hải và có nhã ý “hậu tạ” vài trăm ngàn gọi là “cà-phê, trà lá”, nhưng ông luôn từ chối.

Cũng có đôi lúc, gặp trường hợp gia cảnh người quá cố khó khăn, nghèo khổ, ông Hải không chút suy tính, đắn đo mà tự nguyện xuất tiền cá nhân để mua mền, gối đắp cho tử thi. Trong số tử thi mà ông Hải trông coi, nhiều nhất là những người bị tai nạn giao thông. Đôi khi, vào đến nhà vĩnh biệt, có những tử thi không còn toàn vẹn.

Ông Hải tâm sự, nhìn thấy những con người xấu số nằm đó, nếu được tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo tươm tất, thì mình tự nhủ có thể họ sẽ được thanh thản ra đi.

Bên cạnh đó, mỗi tháng, ông Hải đều quét dọn, vệ sinh nhà vĩnh biệt từ 1 - 2 lần, rồi mua hoa, quả, bánh trái về thắp nhang đèn, lễ lạy… như tục xưa của ông bà. Suốt 15 năm qua, ông Hải đã thầm lặng với công việc và thể hiện tấm lòng “nghĩa tử là nghĩa tận” của mình như vậy.

Nói về ông Hải, bác sĩ Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông chia sẻ: “Chúng tôi thấy anh Hải có một nghĩa cử rất đẹp, một tình người cao quý”.

Ông Giám đốc Trung tâm Y tế huyện còn cho biết, dù đồng lương ít ỏi và tiền kiếm thêm từ công việc làm vệ sinh ngoài giờ hoặc ngày nghỉ không bao nhiêu, nhưng gặp những trường hợp người bệnh nghèo, cơ nhỡ vào nằm viện không người chăm sóc, ông Hải luôn sẵn sàng giúp đỡ. Có trường hợp người bệnh không qua khỏi, nhà lại quá nghèo, ông Hải vừa xuất tiền cá nhân, liên hệ với các nhà hảo tâm, vừa đứng ra tẩn liệm, hỗ trợ chôn cất đàng hoàng.

Gia đình sẻ chia những “giọt hồng”

Đó là gia đình ông Hoàng Văn Chánh (sinh năm 1962), ngụ khóm 5, thị trấn Tràm Chim (H.Tam Nông). Gia đình ông gồm vợ và 2 con trai, với một cuộc sống bình thường như bao gia đình khác tại địa phương.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là trong số 4 người trong gia đình ông, có đến 3 người tham gia vào Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” của Trung tâm Y tế huyện. Gia đình ông Chánh đã có 46 lần tự nguyện hiến máu nhân đạo. Trong đó, riêng ông Chánh có đến 26 lần hiến máu cứu người, đứa con trai lớn hiến máu 13 lần và đứa con trai út hiến máu 7 lần.

hinh xh GN 1059 - ong Chanh.JPG

Ông Chánh chia sẻ hàng chục giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện

Ông Chánh vui vẻ cho biết: “Lần đầu tiên tôi tình nguyện đi hiến máu là năm 2008. Lúc đó, tôi rất hồi hộp, đi tới, đi lui trước cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông trong lòng vô cùng lo lắng. Bất chợt, tôi ngước nhìn thấy tấm băng-rôn tuyên truyền ghi dòng chữ ‘Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại’, vậy là nỗi lo âu, hồi hộp trong lòng tôi cũng tan biến”.

Qua tìm hiểu, ông Chánh biết được những giọt máu của mình nếu giữ lại trong cơ thể cũng sẽ tự đào thải nên việc hiến tặng, trong khả năng, sẽ cứu được người bệnh trong cơn nguy kịch. Ông cũng đã động viên người trong gia đình cùng bà con chòm xóm, thân hữu tham gia hiến máu.

Cũng từ đó, gia đình ông Chánh trở thành “điểm sáng” trong hoạt động hiến máu nhân đạo. Nhiều người xem đó là tấm gương để làm động lực, tự nguyện đến với hoạt động hiến tặng những giọt máu nghĩa tình cho người bệnh.

Con trai ông Chánh bày tỏ: “Ba tôi tự nguyện hiến máu nhiều lần rồi vận động hai đứa tôi đi hiến máu. Anh em tôi tâm nguyện nếu luôn được khỏe mạnh thì chúng tôi sẽ tiếp tục hiến máu để giúp cho bệnh nhân”.

Nói như Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tam Nông Nguyễn Thanh Khâm, gia đình ông Chánh là một gia đình có những hành động đáng trân trọng.

Hành động đó hết sức thiết thực, góp phần giúp cho những người bệnh thoát khỏi cơn hiểm nghèo và giúp ngành y tế bớt đi khó khăn về tình trạng khan hiếm “máu sống” để phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh.

Tr.Trọng Trung

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày