Người trẻ nghĩ gì về hạnh hiếu?

GN - Bạn có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về chữ hiếu? Làm sao để báo đáp thâm ân cha mẹ? - là những câu hỏi được gửi gắm tới những người trẻ và họ đã chia sẻ với Giác Ngộ:

anh hieu.jpg

- MC Trần Thanh Hùng (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM):

anh 1, MC Tran Thanh Hung.jpg

Chỉ với hai từ thôi nhưng chúng ta cũng thấy người xưa đã đề cao chữ “hiếu” khi gắn với chữ “đạo”.

Nhìn lại từ ngàn xưa, cổ nhân đã hết lời ca ngợi những tấm gương trong Nhị thập tứ hiếu và đó là những điển hình cụ thể giúp người đời sau học tập và làm theo những tấm gương hiếu thảo. Dù có trải qua bao biến đổi, cuộc sống có ngày một hiện đại hơn, thì đạo lý của con người xoay quanh chữ “hiếu” vẫn không bao giờ thay đổi, tuy cách thể hiện thì có khác nhau.

Dù bạn có là ai, đang ở vị trí nào trong xã hội, mà bạn chưa làm tròn chữ hiếu thì vẫn là một mảng khuyết rất lớn về phẩm hạnh. Thiết nghĩ không hẳn phải là những việc làm to tát mới được gọi là báo hiếu, mà chỉ cần là những điều nhỏ nhặt thôi, trong cuộc sống thường ngày. Không làm cha mẹ buồn lòng trong việc học hành, không để cha mẹ lo lắng khi quá sa đà vào những cuộc vui chơi cùng chúng bạn, không đôi co cự lại ba mẹ, hay thậm chí là lớn tiếng, nặng lời khi ba mẹ không đáp ứng những đòi hỏi của mình. Tất cả những điều ấy, ta làm theo trên tinh thần hiểu và thương ba mẹ, thì đó cũng là ta đã từng bước báo hiếu. Nói là từng bước, bởi vì có đi suốt cuộc đời, có làm hết thảy bao nhiêu điều tốt đẹp cho ba mẹ, chúng ta cũng không thể nào đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục rất đỗi bao la ấy.

Hãy luôn trân quý tình thương mà ba mẹ dành cho chúng ta, trân quý những phút giây chúng ta sống bên cạnh những người thân thương, để từ đó mà điều chỉnh những lời nói, những hành động đôi lúc làm cho ba mẹ buồn lòng.

- Nhà văn Kai Hoàng (Bà Rịa-Vũng Tàu):

anh 2, Nha van Kai Hoang.jpg

Chữ hiếu theo thời gian cũng đã thay đổi đáng kể trong cách thức để phù hợp với cuộc sống và những giá trị nhân văn hiện có. Đơn cử như thời của ba mẹ tôi, chữ hiếu đôi khi chỉ là việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Nhiều lúc tôi đặt dấu hỏi tại sao chữ hiếu thời đó có phần nhu nhược quá, nhưng tôi lại thầm cảm ơn từ sự nhu nhược đấy mà tôi được sinh ra trên cõi đời này và đón nhận sự yêu thương của bậc sinh thành.

Càng trưởng thành, tôi nghiệm ra sự hiếu thảo phụ thuộc nhiều trong chính sự chọn lựa của mỗi người. Và mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm người ta sống trong cái nền tảng hiếu thảo mà gia đình và xã hội đã gieo mầm, nhưng tựu trung lại đều thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn và đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ.

Chữ hiếu hiện nay cũng nằm trên hệ quy chiếu giống như bao đời xưa, có chăng chỉ là cách thức thể hiện hoặc có chính kiến hơn trong việc nêu ra quan điểm cũng như cách ứng xử của mình. Sự khác nhau nằm ở chỗ phương thức diễn đạt. Con cái có quyền phản biện lại ý muốn của cha mẹ nếu cảm thấy không phù hợp nhưng lòng hiếu thảo thì không có gì thay đổi.

Và để nói về báo hiếu, tôi cũng như bao người trẻ khác, việc thiết thực nhất là có thể tự lo cho bản thân mình để cha mẹ yên tâm ở phần đời còn lại của mình, sau là dành nhiều thời gian cũng như tình cảm để gần gũi và chăm nom cho bậc sinh thành những lúc trái gió trở trời, ốm đau bệnh tật. Nhưng quan trọng hơn tất thảy vẫn là ở tấm lòng, sự hiếu thảo phải được xuất phát từ chính tấm lòng của mỗi người con chứ không phải từ một nghĩa vụ vô hình hay một áp đặt chuẩn mực nào đó của xã hội đặt lên vai.

- Nhà báo Hồ Xuân Huy (BTV Đài Truyền hình TP.HCM):

anh 3, Nha bao Tran Xuan Huy.JPG

Đời sống xã hội hiện đại với nhiều áp lực bủa vây lấy con người, nhất là với những người trẻ khao khát thành công và đang trên con đường định vị bản thân. Công việc, các mối quan hệ xã hội cứ cuốn người ta vào vòng xoáy bất tận khó dứt ra được. Có lần, tôi đọc được bài viết của một người bạn văn, bày tỏ nỗi niềm của một người con xa nhà khi giật mình nhận ra suốt một thời gian dài anh chẳng có mấy tấm hình chụp chung với người mẹ già, dù có hàng ngàn tấm ảnh với bè bạn. Người con ấy đã kịp nhận ra rằng thời gian không chờ đợi ai nên những chuyến về thăm quê sau đó là sự toàn tâm dành cho gia đình. Câu chuyện nhỏ thôi, mà làm tôi xúc động.

Cũng như tôi luôn dành sự thiện cảm cho những ai biết yêu và trân trọng giá trị gia đình, thương kính Mẹ Cha. Thời đại hiện nay, khi nhiều và nhiều người trẻ tha hương lập nghiệp, “báo hiếu” nhiều khi giản dị là cuộc điện thoại thăm hỏi Mẹ Cha đều đặn. “Báo hiếu” đôi khi là từ trong cách mình lựa chọn sống, sao cho xứng đáng với hạt mầm của lòng trắc ẩn, của những sự giáo dục ân cần, nghiêm khắc, kỹ lưỡng Cha Mẹ đã dày công. “Báo hiếu” đối với người mồ côi là sự tưởng nhớ khôn nguôi và phần đời tiếp theo không có Mẹ Cha mà vẫn sống thật tốt.

Cả cuộc đời dành tình yêu thương vô điều kiện cho các con, các bậc sinh thành hẳn chỉ mong con được yên vui, hạnh phúc, như ý trên bước đường lựa chọn. Thế nên, tôi thấy hai chữ “báo hiếu” có lẽ mãi mãi chẳng bao giờ được lấp đầy bởi mình có làm gì cũng không sánh được với công dưỡng dục sinh thành ấy.

Có lần, trong cuộc giao lưu giữa nhiều cây bút trẻ với bạn đọc ở hội sách, có một trò chơi bắt thăm câu hỏi ngẫu nhiên, tôi nhận được câu đại ý là “Bạn có mong muốn điều chỉnh gì ở diện mạo không cho phù hợp các xu thế đánh giá ngoại hình hiện nay?”. Tôi chẳng ngại ngần nói Không. Tôi nói “không”, chẳng phải tự tin mình có nhan sắc hút hồn, tôi nói vậy vì luôn thấy trân quý hình hài Cha Mẹ dành cho.

Được sinh ra với cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn là chúng ta đã được trao truyền cho một nền tảng vô giá để xây dựng cuộc sống của mình. Từ nền tảng đó, chúng ta lại ngày ngày hoàn thiện bản thân để hài lòng với mình hơn. Với những ai chẳng may có khiếm khuyết hay muốn có thay đổi để mình đẹp hơn, tự tin hơn, đó cũng là điều có ý nghĩa tốt. Bởi vì tôi tin chắc rằng, Cha Mẹ nào cũng mong cầu những gì đẹp nhất cho con cái.

Niềm hạnh phúc của đứa con còn là những bữa cơm nhà. Công việc của người làm báo có lúc đi sớm về khuya. Tôi nhớ mãi hình ảnh có hôm cả xóm nhỏ đã im lìm chìm vào giấc ngủ sâu thì vẫn còn có một căn nhà với khung cửa sáng đèn. Mẹ vẫn thức đợi cửa và những món ăn đã mới lại được hâm nóng ngon lành. Từ những khoảnh khắc như vậy, sau này, khi làm việc, tôi luôn cố gắng sắp xếp mọi thứ sao cho hài hòa, cân đối về thời gian, tránh rề rà, về muộn. Và thật vui vì tôi cũng có những người bạn thân đồng suy nghĩ.

Những ai còn sống cùng với Mẹ Cha, với đại gia đình thì luôn ý thức đi về đúng giờ, không vì sự ham vui tuổi trẻ mà gây lo lắng cho người ở nhà ngóng cửa đợi cơm. Mấy việc nho nhỏ vậy thôi, mà nhiều khi làm Mẹ Cha yên tâm. Còn thì với riêng tôi, tôi luôn cảm thấy mình chưa làm được gì nhiều tương xứng với những gì đã được nhận từ công ơn, từ tình thương của Mẹ Cha. Chỉ một điều, tôi luôn biết chắc, là mình thật may mắn vì luôn được tiếp thêm sức mạnh trên đường đời và khi mỏi mệt lại tìm được nơi trú ngụ yên an trong trái tim bậc sinh thành.               

- Dương Anh Thức (SV Đại học Sư phạm TP.HCM):

anh 4, SV Duong Anh Thuc.jpg

Chữ “hiếu” là mảnh ghép mặc định không-thể-thiếu trong bản thể đạo đức của bất cứ ai. Và hiển nhiên nếu thiếu hiếu đạo, nhân cách con người không thể trở thành thể “hoàn chỉnh” được. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con bước vào đời, là cây cao bóng cả che mát đời con. Trong vòng tay cha mẹ, con lớn lên, trưởng thành.

Con người không kính yêu cha mẹ thì sẽ không có tình người, không thể là người có phẩm chất, biết sống đẹp, thủy chung với bạn bè, xã hội.

Cuộc sống dù phát triển thì chữ hiếu vẫn là cơ bản xây đắp những mối quan hệ khác giữa người với người trong xã hội. Theo tôi, người hiếu thảo với cha mẹ thường là một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, quan hệ gia đình thuận hòa, góp phần làm kỷ cương của xã hội phát triển. Lòng biết ơn cha mẹ là cội nguồn của lòng biết ơn. Chữ hiếu vì thế phải được hiểu rộng hơn: hiếu với cha mẹ phải là người công dân tốt - có hiếu có tình cha mẹ thì mới có hiếu với đất nước.

anh 5, DD.Thich Chau Vien.jpg
anh 6, SC.Hue Lien.jpg

Lưu Đình Long thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày