Người về bến Giác

Thi thoảng qua chùa Quán Sứ gặp lắm cái lạ. Thời ấy có Hòa thượng Thích Thiện Siêu trụ trì chùa Từ Đàm xứ Huế kiêm nghị sĩ. Mỗi lần ra Hà Nội họp Quốc hội lại tá túc ở chùa. Lần ấy hầu chuyện cụ mới được vỡ vạc ra cái duyên do tại làm sao mà những vị xuất gia lại mang họ Thích?

Rồi thời xa lắc, nơi đây liền dãy những nhà nghỉ, nhà chờ cho các sứ thần lân bang đến giao thiệp với Đại Việt nên có tên là Quán Sứ. Chùa cũng là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Thiện Siêu cười nhẹ thì bây chừ (Hòa thượng người Huế) Giáo hội Phật giáo cũng có cái duyên được đồng hành với dân tộc cử người giúp Chánh phủ để an dân...

Đổng lý Văn phòng Giáo hội khi ấy là Hòa thượng Thích Thanh Tứ lần đó hỏi tôi là có thấm được chữ duyên mà Hòa thượng Thích Thiện Siêu vừa nói đó không? Rồi ngài nhỏ nhẹ rằng, duyên là căn nguyên là sự lâu bền. Ngài chỉ tay lên vòm bồ đề mướt mát trước cổng chùa, thân cây đương sùi ra những u với mấu tuổi tác, quà tặng của Thủ tướng Ấn Độ những năm đầu 60 của thế kỷ trước khiến cho mặt tiền chùa Quán Sứ nhuốm vẻ u tịch chốn thiền môn.

Mặt tiền chùa được trang trí bởi nhiều câu đối lẫn hoành phi lấy nghĩa từ chữ Duyên. Những là Cửa từ bi tiếp dẫn tuỳ duyên/ Đường giác ngộ đề huề tiến hoá. Chuông sương kêu gọi hồn kim cổ/ Lầu gió di về bóng sắc không. Phật dạy Tuỳ duyên phương tiện.

Triết lý và giáo lý hình như nhiều điều, lắm nghĩa lẫn ý tứ sâu xa về chữ Duyên nhưng nôm na đến với thiền môn, đến với Phật chẳng lọ phải thứ này thứ khác (lễ vật) mà chỉ bằng sự ngay thẳng lòng lành sạch là được, miễn là có duyên. Duyên tức là rũ bỏ tham sân si là lành sạch ngay thẳng vậy!

Nhân một lần lựa lúc Hòa thượng đang vui, tôi đánh bạo hỏi thế cái duyên khiến ngài đến chốn thiền môn này là gì vậy? Qua câu chuyện của cụ, tôi ngạc nhiên khi biết được ghé thân chốn cửa thiền Quán Sứ này còn có những số phận lạ lùng...

Có một người đã từng tá túc ở chùa này. Quê ông mãi tận Hòn Đất, Kiên Giang nhưng đắc đạo tại Ấn Độ. Ông có vợ người Ấn. Vợ là cháu ruột Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã được người Anh đưa về Thượng Hải, Hồng Kông rồi Luân Đôn! Thế mà nghe tin Cách mạng Tháng Tám thành công, vị Hoà thượng này một thời đã được tôn là "vua Phật'' ở Ấn Độ đã từ Campuchia bỏ hết mọi thứ, lập tức trở về ủng hộ Việt Minh một va ly bạc và chiếc xe hơi Renaul rồi ra bưng biền tham gia kháng chiến.

Năm 1945, vị Hoà thượng đó tập kết ra Bắc về sư đoàn 328 rồi 320 dưới quyền chỉ huy của tướng Đồng Văn Cống. Rồi ông được chọn đi học trường cao cấp quân sự ở Liên Xô. Trở về nước, ông được "phân công'' về chùa Quán Sứ một thời gian nhưng có lẽ căn tu đến kỳ đã hết, nghề chẳng chọn người nữa nên ông xin ra làm chủ nhiệm một HTX xe ba gác ở bãi Phúc Xá rồi Bí thư chi bộ cho đến ngày miền Nam giải phóng. Hiện nay vị Hoà thượng có tên đời là Lưu Công Danh ấy hình như vẫn còn tại thế trên trăm tuổi ở mãi tận Kiên Giang...

Cụ Đổng lý Văn phòng Thích Thanh Tứ chiêu ngụm trà sen, thư thả cắt nghĩa cho tôi tư tưởng nhập thế chủ đạo xuyên suốt của Phật giáo Việt. Cụ nhắc đến câu của Ngô Thì Nhậm nhận xét vị vua độc đáo của Đại Việt, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: Trần Nhân Tông đi tu là để giữ nước, là để xây dựng một giáo lý đúng đắn và duy trì một nền thái bình lâu dài cho đất nước nên bất cứ hiền ngu phàm thánh nghe được đều hứng khởi...

Trần Nhân Tông - vị vua với võ công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, người đã chủ trì Hội nghị Bình Than năm Nhâm Ngọ (1282) và Hội nghị Diên Hồng năm Ất Dậu (1285). Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, ngó đôi ngựa đá cũng phải lấm bùn chinh chiến, nhà vua có câu thơ cảm khái Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Tạm dịch: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Ngài được vua cha Trần Thánh Tông truyền ngôi nhưng đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (năm1293), đương đêm cùng với mấy tùy tùng lên Yên Tử đi tu. Cũng chính ở Yên Tử, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập nên phái Trúc Lâm và trở thành Đệ nhất Tổ! Di sản của ngài được hậu thế đệ tử thành tâm làm sáng giá không những dưới trời Nam mà còn khắp nơi trên thế giới. Rồi cụ nhắc đến sự nhập thế độc đáo của nhà sư Thiện Chiếu: Từ bi có thể sát sanh để độ chúng sanh.

Năm 1940, ông cùng với nhiều nhà sư yêu nước khác vận động đồng bào Phật tử nổi dậy, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Rồi ông bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Sau năm 1945, ông về tham gia kháng chiến tại tỉnh Gò Công rồi vào chiến khu làm công tác tuyên huấn.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông được Nhà nước ta cử sang Trung Quốc làm chuyên gia khảo cứu, công tác tại Nhà Xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh với chức vụ Trưởng ban Dịch thuật Văn hóa Trung - Việt. Năm 1961, ông trở về nước làm chuyên viên nghiên cứu triết học tại Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Năm 1974, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Hòa thượng Thích Thanh Tứ

Tôi không rõ sự nhập thế của Hòa thượng Thích Thanh Tứ có na ná như những vị sư nhập thế mà cụ dẫn ra không? Nhưng khó lẫn thú vị khi hình dung hơn nửa thế kỷ trước, Hoà thượng là một chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc một đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh Hưng Yên.

Trần Văn Long, tên thật của Hòa thượng có lẽ được ban căn tu khá sớm? Năm lên 6 tuổi, cậu bé Long đã được gửi vào chùa Miêu Nha ngay ở làng để sớm hôm hầu hạ đèn sách kinh bổn cho sư cụ Đàm Ân trụ trì ở chùa. Rồi sau đó cậu bé Long rời Miêu Nha sang chùa Gia Lâm ở Kim Động.

Năm 12 tuổi xuống chùa Đống Long. Chính tại đây chú tiểu Trần Văn Long đã được giác ngộ cách mạng và cái năm phá kho thóc của Nhật, anh đã cầm cờ Việt Minh chỉ huy đội tự vệ mấy bận cướp kho thóc chia cho dân nghèo rồi có chân trong Hội Phật giáo Cứu quốc.

Kháng chiến toàn quốc, sư ông Trần Văn Long chùa Kim Động gia nhập Vệ quốc đoàn và trở thành chiến sĩ trong một đại đội chủ lực bộ đội địa phương vùng tả ngạn. Đơn vị của sư ông đã dự nhiều trận dọc đường số 5 khiến giặc khiếp đảm và kiêm thêm nhiệm vụ quấy rối sau lưng địch.

Trong một trận càn của giặc Pháp vào huyện Phù Cừ, ông bị giặc khui trúng hầm bí mật và bị bắt... Pháp đưa ông về Hưng Yên tra khảo rất dã man. Trần Văn Long vẫn lì chịu đòn không khai báo. Giặc hết đưa ông về bốt Kẻ Sặt một thời gian rồi bốt Lực Điền là những bốt kiên cố và có nhiều ác ôn khét tiếng nhưng vẫn không moi thêm ở vị sư ông trẻ ấy điều gì! Sau một thời gian giam ở "căng'' Hải Dương, Pháp đưa ông về nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội.

Ông bị biệt giam ở xà lim số 1 suốt cả năm trời. Giữa năm 1953, chúng buộc phải thả hơn 100 người trong đó có Trần Văn Long. Ông lại về vùng cài răng lược (nửa tề nửa tự do) của quê hương làm xã đội phó phụ trách tác chiến cho đến tháng 9 năm 1954.

Hoà bình. Ông lại về chùa Gia Lâm ở Kim Động kiêm công tác Phật giáo ở Hưng Yên rồi tỉnh Hải Hưng. Năm 1973, Hoà thượng Thích Thanh Tứ tức Trần Văn Long lên chùa Quán Sứ giữ chức Chánh Thư ký Trung ương Hội Phật giáo. Một thời gian sau kiêm luôn chức Chánh Văn phòng.

... Cuộc sống đổi mới, Giáo hội cũng phải đổi mới? Tại chùa Quán Sứ, tôi có nán lại một lúc với vài học viên trong lớp đào tạo Phật giáo cao cấp đang mở tại chùa mà thời điểm ấy cụ là Viện trưởng Viện Phật học. Họ được lựa chọn từ những sư tăng (nam nữ) có trình độ Phật học từ trung cấp trở lên đang trụ trì hoặc đang tu hành ở các chùa khắp nơi trong nước.

Một khoá học như thế là bốn năm. Khoá này đang có 218 vị theo học. Nhiều vị còn rất trẻ, có vị chưa tới 20 nhưng ngoài hiểu biết ở trình độ khá cao (trung cấp) giáo lý nhà Phật còn thông thạo cả Hán Nôm, tiếng Anh, tiếng Pháp, cả chữ Phạn, sử dụng thành thạo computer, có nhiều người có chứng chỉ tin học. Giáo trình phải được đổi mới cải tiến thường xuyên ra sao, nội dung nào thì thích hợp vừa giữ được cái "gốc'' giáo lý vừa mở thêm các "nhánh'' của giáo lý Phật giáo đang rất đa dạng trên thế giới...

Mục đích là Đạo pháp và Dân tộc nhưng nhà tu hành phải có trình độ hiểu biết không phải chỉ chung chung là phổ cập và nhất định về Phật giáo mà phải thông tuệ, uyên bác... Với quyết tâm và mục đích ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử hơn 200 vị đi đào tạo về Phật học ở nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Myanmar... Nhiều người đã có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về Phật học.

Thời điểm cụ là ĐBQH khóa XI, XII và đảm chức hàng đầu Giáo hội Phật giáo, tôi ít được hầu chuyện cụ. Có bận gặp ngắn ngủi bên hành lang giờ giải lao vài phiên họp QH, cụ cười mà rằng thi thoảng lại cũng phải lấn bấn phần đời! Tôi có nghe Hòa thượng kể sơ qua chuyến đi vào chùa Linh Mụ để yên hàn cái vụ lộn xộn nhiều năm trước ở Huế và cả chuyện phải cùng chính quyền "để mắt'' đến nạn sư giả chùa Hương. Rồi là nạn lấn chiếm đất đai nhà chùa. Lại cả việc kiện tụng cấp này cấp khác vv...

Nhà chùa có cụm từ trang trọng là thu thần thị tịch để chỉ việc rời bỏ cõi trần phàm. Chợt nhớ những lần hầu chuyện vị trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, cung cách chuyện trò dung dị của cụ như truyền đi một thông điệp giản dị rằng với chúng sinh cõi phàm trần này chỉ là gửi tạm ở bao sông mê bến lú những nhọc nhằn này khác khi chưa cập bến Giác? Mà việc thác phải chăng là sự về?

Mạo muội nghĩ có vẻ như vị Trưởng lão Hòa thượng ấy vừa cập bến Giác?

Trần Văn Long, tên thật của Hoà thượng có lẽ được ban căn tu khá sớm? Năm lên 6 tuổi, cậu bé Long đã được gửi vào chùa Miêu Nha ngay ở làng để sớm hôm hầu hạ đèn sách kinh bổn cho sư cụ Đàm Ân trụ trì ở chùa. Rồi sau đó cậu bé Long rời Miêu Nha sang chùa Gia Lâm ở Kim Động. Năm 12 tuổi xuống chùa Đống Long. Chính tại đây chú tiểu Trần Văn Long đã được giác ngộ cách mạng.

Đêm 28-11-2011

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày