Người Việt Nam là con Lạc, cháu Hồng

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng.  

Sáng 21/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khai mạc Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất với sự có mặt của 1.500 đại biểu, trong đó gần 900 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương cùng đại diện lãnh đạo 51 tỉnh, thành phố tham dự lễ khai mạc.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi đây là lần đầu tiên tổ chức gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quy mô lớn, có đông đảo thành phần và nhiều lứa tuổi khác nhau tham dự. Với chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, hội nghị là diễn đàn rộng rãi để người Việt Nam ở nước ngoài trao đổi, thảo luận và các cơ quan nhà nước lắng nghe trực tiếp ý kiến của kiều bào về chính sách người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đề ra chính sách phù hợp. Hội nghị cũng là dịp để biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu rõ: “Hội nghị là dịp để các bộ nhìn lại công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi mong rằng, Hội nghị sẽ phát huy dân chủ, góp nhiều ý kiến cũng như kiến nghị nhằm giúp các bộ, ngành đưa ra giải pháp hiệu quả hơn, là cơ sở quan trọng để thực hiện Nghị quyết 36”.

Hiện nay, có 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hằng năm có khoảng 500.000 người về thăm quê hương, trao đổi, nghiên cứu và đầu tư. Gần 3.000 dự án của Việt kiều đầu tư về nước với số vốn lên tới 2 tỉ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng được gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe những tâm tư tình cảm của bà con Việt kiều nhằm tăng cường đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Chúng ta phấn khởi trước những thành tựu của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới: Kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; tình hình an ninh chính trị ổn định là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới; Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, đặc biệt là uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Năm 2009 mặc dù ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng, được bạn bè thế giới đánh giá cao. Ngày nay, chúng ta có quyền tự hào, sánh vai với các cường quốc trên thế giới, có tiếng nói mạnh mẽ tại các diễn đàn quốc tế. Đó là kết quả những thắng lợi của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài dành được”.

Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về kinh tế xã hội mà Việt Nam cần tiếp tục khắc phục, phải quyết tâm vượt qua. 

Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng Nhà nước sẽ luôn tăng cường công tác người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cung cấp thông tin, kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con ở nước ngoài; giúp bà con giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là tiếng nói Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch nước mong muốn bà con Việt kiều trên khắp thế giới phát huy ý thức tự hào, tự tôn dân tộc; mong bà con đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện, phát huy những mặt được và khắc phục hạn chế, giúp công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiến bộ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ thân mật bà con kiều bào

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ thân mật bà con kiều bào

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: “Đảng, Nhà nước luôn coi trọng công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng... Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được lắng nghe để góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc”.

Tập trung trí tuệ kiều bào

Tại hội nghị, đại biểu kiều bào có cơ hội bày tỏ suy nghĩ và đóng góp ý kiến với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ qua 4 hội nghị chuyên đề: Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước và doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Anh bày tỏ mong muốn qua đại hội này, Nhà nước sẽ có sự quan tâm hơn đối với vấn đề giữ gìn ngôn ngữ cho các cháu bằng một số việc cụ thể như trợ giúp một số sách hoặc chương trình, tài chính cho các lớp học tiếng Việt.

Ông Trần Đức Mậu - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: "Có thể coi đây là hội nghị Diên Hồng của người Việt Nam ở nước ngoài, vì cộng đồng kiều bào ổn định và vững mạnh. Đây là dịp để mở ra một trang sử mới cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cũng là cơ hội cho những người làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài định hướng được rõ hơn mục tiêu sắp tới".

Tình đoàn kết của người Việt Nam trên toàn thế giới

Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Svetlov, Nga kỳ vọng được nói lên tiếng nói của một người con xa xứ với quê hương đất nước. "Điều tôi thấy qua hội nghị là tình cảm, tình đoàn kết của mọi người Việt Nam trên toàn thế giới cùng nói tiếng nói quê hương, tiếng nói đồng bào" - ông Văn Vinh chia sẻ.

Còn ông Tô Quý Phú - đại diện Hội Thân hữu Ai Lao tại Pháp bày tỏ hãnh diện được về dự hội nghị. "Sự kiện này chứng tỏ Chính phủ luôn suy nghĩ và quan tâm đến kiều bào. Chúng tôi - những người Việt Nam xa xứ có rất nhiều tâm tư, nhưng luôn mong muốn được chứng kiến một Việt Nam phát triển để được tự hào về thanh thế của đất nước" - ông Phú bộc bạch.
Một trong các đại biểu từ Bỉ là bác sĩ Hoàng Anh Dũng - chuyên gia ghép thận của BV Erasme thuộc Đại học ULB. Ông đang ấp ủ một dự án 10 triệu USD để sản xuất dịch truyền và dịch thẩm phân khúc mạc (lọc màng bụng). Nếu dự án thành công sẽ giảm được nhiều chi phí cho những người nghèo mắc bệnh có nhu cầu dùng loại dịch truyền này.

Người trẻ nhất trong số đại biểu Việt kiều từ Pháp về dự hội nghị là anh Nguyễn Mạnh Phát Thomas (30 tuổi) - thạc sĩ công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp, anh đã từ chối những cơ hội nghề nghiệp tốt ở Paris để trở về thành phố Hồ Chí Minh đầu quân cho IBM Việt Nam trên cương vị Giám đốc chương trình, giám sát các dự án phát triển của các công ty lớn của Pháp ở nước ngoài. Ngoài ra, còn rất nhiều đại biểu về dự hội nghị là những người lần đầu tiên trở về Việt Nam.

Anh Rossi Edouard - thành viên Hội Thân hữu Ai Lao tại Pháp - rời Việt Nam khi mới lên 6 tuổi và lần đầu tiên về thăm quê hương sau nửa thế kỷ. "Tôi nói tiếng Việt còn kém lắm, nhưng tôi đã quyết tâm sẽ học lại cho thật tốt, dù đã 56 tuổi rồi" - Edouard cười./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày