Nguồn gốc của Phật giáo Đại Thừa (phần 1)

NSGN - Thuật ngữ Mahāyāna thường được dịch là “Đại thừa” và thuật ngữ Hīnayāna là “Tiểu thừa”. Nghĩa gốc của tiền tố hīna trong thuật ngữ “Hīnayāna” là “bị loại bỏ”; nó cũng có nghĩa là “thứ yếu” hay “thấp kém”. Danh xưng “Hīnayāna” do đó là một thuật ngữ phản kháng được những hành giả Đại thừa sử dụng để chỉ Phật giáo Nikāya (Phật giáo Bộ phái).

 
Buddha-in-Gandhara.jpg

Không có nhóm Phật tử nào tự gọi mình là những người Hīnayāna. Không rõ có phải những Phật tử Đại thừa gọi toàn thể Phật giáo Nikāya là Tiểu thừa hay không, hay chỉ đề cập đến một nhóm cụ thể nào đó. Những tranh luận trong Đại trí độ luận (Mahāprajñāpāramitopadeśa,T 1509) chính yếu nhằm vào những người Tỳ-bà-sa bộ (Vaibhāṣika) của Nhất thiết hữu bộ. Những người Nhất thiết hữu bộ bị xem là những người Tiểu thừa trong bộ luận này và nhiều kinh sách Đại thừa khác. Đáng tiếc, ta không biết là thuật ngữ “Tiểu thừa” trong các kinh sách Đại thừa có đề cập đến những người Theravāda và Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) hay không.

Trong ký sự của mình, nhà chiêm bái Pháp Hiển (d.423?) chia những khu vực mà ở đó Phật giáo Ấn Độ được thực hành thành ba loại (Phật quốc ký, T2085, Ghi chép về những xứ sở Phật giáo): Đại thừa, Tiểu thừa, và trộn lẫn (Tiểu thừa và Đại thừa cùng thực hành ở một trụ xứ). So sánh ký sự của Pháp Hiển với ký sự của nhà chiêm bái Trung Quốc khác, Huyền Trang (600-664), Tây du ký (T2087, Một ghi chép về chuyến hành trình đến các vùng phía Tây), cho thấy rõ rằng Pháp Hiển sự dụng thuật ngữ “Tiểu thừa” để đề cập đến tất cả những tông phái của Phật giáo Nikāya. Huyền Trang hiểu Phật giáo Ấn Độ theo cách gần giống như vậy. Huyền Trang đặc biệt danh “Tiểu thừa” trước tên gọi một số tông phái, chẳng hạn như Nhất thiết hữu bộ, Chánh lượng bộ (Sammatīya), và Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādin). Ở những trường hợp khác, ngài chép lại rằng, tại một xứ sở mà ngài đến, dân chúng là những Phật tử Tiểu thừa hoặc rằng họ theo giáo pháp Tiểu thừa, nhưng ngài không nêu rõ tên tông phái của họ. Khi ngài thảo luận về hai nơi mà ở đó ngài nhìn thấy những người Theravāda và ba nơi mà ở đó ngài thấy những người Đại chúng bộ, ngài chỉ sử dụng tên của trường phái mà không sử dụng biệt danh “Tiểu thừa”.1 Sự khác nhau này có lẽ không đáng kể. Tuy nhiên, khi ngài thảo luận về năm khu vực mà ở đó ngài thấy những nhóm có liên hệ với phái Theravāda Sri Lanka, ngài gọi họ là những người “Theravāda Đại thừa”.2 Phái Abhayagiri thuộc tông phái Theravāda mà nó có ảnh hưởng ở Sri Lanka vào thời điểm này dường như chấp nhận nhiều giáo thuyết của Đại thừa. Về sau nó bị phái Mahāvihāra, phái chiếm lĩnh Phật giáo Sri Lanka ngày nay, trục xuất khỏi Sri Lanka. Những luận giải (aṭṭhakathā) còn tồn tại của phái Mahāvihāra, khi xem xét kỹ, có một số quan điểm giống với những giáo thuyết Đại thừa. Do đó, Huyền Trang gọi phái Theravāda của Sri Lanka là “tông phái Theravāda Đại thừa”. Như vậy, Huyền Trang không xem tất cả các tông phái của Phật giáo Nikāya là Tiểu thừa. Tuy nhiên, ngài xem phái Thuyết xuất thế bộ, mà nó thuộc dòng Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika), là Tiểu thừa, mặc dù có nhiều yếu tố Đại thừa được tìm thấy nơi cuốn Mahāvastu (Đại sự), tác phẩm tiểu sử về Đức Phật của phái Thuyết xuất thế bộ.

Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa không được phân biệt rõ trong ký sự của Nghĩa Tịnh (635-713), Nam hải ký quy nội pháp truyện (T 2125, Ghi chép về Phật giáo ở Ấn Độ và quần đảo Malay). Nghĩa Tịnh nhận xét là không có những khác biệt đáng kể nơi lối sống của những Tăng sĩ Tiểu và Đại thừa. Cả hai đều theo Vinaya, được cho là sử dụng ba y và một bát, và đặt sự tu tập của họ nơi Tứ thánh đế. Nghĩa Tịnh chép rằng “những người kính lễ Bồ-tát và đọc tụng kinh điển Đại thừa” là những hành giả Đại thừa, còn những người không làm như vậy là Tiểu thừa. Chỉ Trung Quán tông (Mādhyamika) và Duy Thức tông (Yogācāra) được đề cập nhất quán là Đại thừa.3 Nghĩa Tịnh trải qua hầu hết thời gian tại tu viện lớn ở Nālandā thuộc Trung Ấn. Việc sử dụng thuật ngữ “Tiểu thừa” và “Đại thừa” của ngài có thể cho thấy rằng những phân chia giữa hai loại Phật giáo không thật sự rõ ràng tại Nālandā vào thế kỷ VII.

Huyền Trang và Nghĩa Tịnh đến Ấn Độ khi Phật giáo ở vào giai đoạn giữa của nó. Do đó, những ghi chép của họ không mô tả Phật giáo Đại thừa sơ kỳ. Tuy nhiên, nói chung, thuật ngữ “Tiểu thừa” hầu như thường áp dụng cho Nhất thiết hữu bộ.

Những thuật ngữ “Śrāvakayāna” (Thanh văn thừa) và “Boddhisattvayāna” (Bồ-tát thừa) thậm chí xưa hơn những thuật ngữ “Tiểu thừa” và “Đại thừa”. Tiểu thừa cuối cùng thay thế cho Thanh văn thừa và Đại thừa thay thế cho Bồ-tát thừa. Thanh văn thừa có lẽ được sử dụng để đề cập đến Phật giáo Nikāya nói chung.


Ý nghĩa của Tiểu thừa và Đại thừa

Hậu tố yāna trong thuật ngữ “Hīnayāna” và “Mahāyāna” có nghĩa đen là “cổ xe”, và nó đề cập đến giáo pháp Phật. Bằng việc thực hành theo giáo pháp này, một người có thể vượt qua dòng luân hồi sinh tử, vượt từ bờ mà nó tượng trưng cho dục giới để sang bờ khác mà nó tượng trưng cho cõi giác ngộ. Giáo pháp được so sánh với một cỗ xe mà nó đưa hành giả đến giải thoát.

Những khác nhau giữa giáo pháp Tiểu thừa và Đại thừa thì nhiều. Nhưng khác nhau chính yếu, ít nhất theo truyền thống Đại thừa, nằm ở nơi thái độ của mỗi tông phái đối với việc giải thoát người khác. Truyền thống Đại thừa cho rằng một người phải cứu độ mình bằng việc cứu độ người khác. Những diễn tả của Đại thừa về tu tập như lục độ (pāramitā) minh họa cách một người có thể làm lợi ích chính mình bằng việc giúp kẻ khác. Những giáo thuyết này phản ánh một thế giới quan được đặt cơ sở trên giáo lý Duyên khởi.

Ngược lại, theo giáo pháp của Nhất thiết hữu bộ và Theravāda, mục đích của tu tập là để đạt lấy giải thoát cho chính mình bằng việc đoạn trừ tất cả phiền não. Mỗi khi đạt được giác ngộ, hành giả hoàn thành tất cả những gì cần phải làm và nhập Niết-bàn. Cứu độ kẻ khác không phải là một yêu cầu cần thiết cho việc hoàn thành tu tập. Ngay cả sau khi chứng đắc giác ngộ, việc cứu giúp kẻ khác không được yêu cầu. Phật giáo Thanh văn thừa (Śrāvakayāna) đôi khi được gọi là “Phật giáo dành cho các đệ tử” bởi vì ta có thể tinh thông nó bằng việc thực hành theo sự hướng dẫn của những vị thầy có đủ khả năng. Hành giả không bị bắt buộc phải tiến từ trò lên thầy. Thuật ngữ “śrāvaka”, mà nó có nghĩa là “người lắng nghe” hay “người học”, cũng phản ánh những đặc điểm này. Việc thiếu quan tâm xã hội này có thể liên quan đến việc hiểu học thuyết Duyên khởi mà nhiều trong số các tông phái Phật giáo Nikāya thừa nhận. Đối với họ, Duyên khởi đề cập đến sự tương tác của các thực thể riêng rẽ, mà mỗi thứ có bản chất riêng của nó.

Bên trong truyền thống Thanh văn thừa, giáo pháp được truyền từ thầy đến đệ tử. Thuyết pháp và giảng dạy là những việc do chư Tăng thực hiện. Tuy nhiên, bởi vì giáo pháp của Thanh văn thừa không đòi hỏi chư Tăng giúp đỡ người khác như một phần không thể thiếu trong thực hành của họ, những giáo pháp này bị những người ủng hộ Đại thừa xem là “Tiểu thừa”. Trong khi những người Đại thừa gọi truyền thống Tiểu thừa là “Phật giáo dành cho các đệ tử”, họ nghĩ rằng truyền thống Đại thừa là một hình thức Phật giáo mà nó cho phép họ trở thành những người thầy. Đó là giáo thuyết giúp họ trở thành Phật, trở thành ngang bằng với Phật, người thầy của các śrāvaka. Phật giáo Đại thừa khuyến khích hành giả giảng dạy dù khi đang còn học, một thái độ được đặt cơ sở trên tiền đề rằng hành giả có sẵn khả năng cần thiết cho việc chứng ngộ Phật quả. Người biết rằng mình có khả năng này được gọi là một Bồ-tát. Khái niệm Bồ-tát của Đại thừa mô phỏng theo những miêu tả về những tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni được thuật lại trong văn học Phật giáo. Như vậy, Phật giáo Đại thừa là một giáo thuyết hay một cỗ xe dành cho chư Bồ-tát, một Bồ-tát thừa. Một số hành giả Đại thừa tin rằng tất cả mọi người, không chỉ riêng họ, có khả năng thành Phật. Những hành giả này mong muốn giúp tất cả những người khác nhận ra rằng họ cũng có khả năng này và do đó nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cứu giúp người khác. Niềm tin của họ cuối cùng phát triển thành giáo thuyết rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Do đó, Phật giáo Đại thừa quan tâm đến người tại gia và thế giới này trong khi Phật giáo Tiểu thừa là một hình thức Phật giáo Tăng lữ được đặc tính bằng việc tránh xa thế gian.

Những khác nhau nơi thái độ giữa Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đưa đến nhiều giáo thuyết bất đồng nhau. Đối với những Phật tử Tiểu thừa, Niết-bàn là mục đích cuối cùng, được một số Phật tử Đại thừa mô tả là sự đoạn diệt thân và tâm. Ngược lại, những Phật tử Đại thừa cho rằng hành giả phải đạt lấy “Niết-bàn tích cực” (apatiṣṭhita-nirvāṇa) mà ở đó vị ấy vẫn tích cực hành hoạt. Chư Bồ-tát như Văn Thù (Mañjuśī), Phổ Hiền (Samantabhadra) và Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) có năng lực hơn chư Phật, nhưng tiếp tục hiến trọn đời mình để cứu độ chúng sanh thay vì đạt lấy Phật quả. Những Đức Phật như A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni (như một vị Phật vĩnh hằng) không bao giờ nhập vào sự đoạn diệt (parinirvāṇa). Họ tiếp tục cứu giúp chúng sanh. Nhập Niết-bàn thường được xem không gì khác hơn một phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sanh. Không ai thật sự nhập Niết-bàn như một trạng thái cuối cùng, theo quan điểm Đại thừa này.

Sự xuất hiện của những giáo thuyết này có thể được tạo nên bởi sự phát triển của học thuyết Tánh không (śūnyatā) và những giải thích mới về khái niệm Trung đạo và Duyên khởi mà chúng khác với những quan điểm Phật giáo Nikāya. Những quan điểm của Đại thừa về Đức Phật cũng khác với những quan điểm Phật giáo Nikāya. Phật giáo Đại thừa phân biệt ba thân Phật: Pháp thân (dharmakāya), Báo thân (saṃbhogakāya), và Hóa thân (nirmāṇakāya). Những giai đoạn tu tập của những Phật tử Đại thừa đưa đến việc chứng đắc Phật quả. Do đó, những con đường Đại thừa đưa đến giác ngộ chẳng hạn như mười giai đoạn (daśabhūmi: thập địa) hay 42 giai đoạn có ít điểm chung với danh mục Tiểu thừa về bốn vị và bốn quả hay với mục đích trở thành một A-la-hán. Một số nhà Đại thừa quan niệm Đức Phật là một người cứu độ chúng sanh cần cứu giúp và phát triển những học thuyết liên quan đến những con đường giải thoát dễ hơn hay việc sử dụng năng lực cứu người của chính Đức Phật. Những học thuyết như vậy chỉ được tìm thấy trong Phật giáo Đại thừa.

Vẫn còn những khác biệt giữa Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa có thể chỉ ra, nhưng sự khác biệt cơ bản nằm ở nơi sự khẳng định của Đại thừa rằng việc cứu giúp người khác là một phần cần thiết của nỗ lực độ mình trong khi giáo pháp Tiểu thừa nhấn mạnh việc tự độ.

o-ELLORA-CAVES-900.jpg

Ba nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa

Những nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa vẫn không được biết rốt ráo. Có ba nguồn cho thấy đã tạo nên những đóng góp quan trọng cho sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa. Những nguồn này được nói vắn tắt ở đây và sau đó giải thích chi tiết hơn trong những phần sau. Nguồn đầu tiên là Phật giáo Nikāya (Phật giáo Bộ phái). Nhiều học giả hiện đại đưa ra quan điểm rằng Phật giáo Đại thừa phát triển từ Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika). Nhưng bởi vì Đại chúng bộ vẫn tiếp tục tồn tại khá lâu sau khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện, sự xuất hiện của Đại thừa không thể được giải thích chỉ như sự chuyển đổi của những người Đại chúng bộ sang những người Đại thừa. Trong khi sự thật rằng nhiều điểm tương đồng giữa giáo thuyết của Đại chúng bộ và Đại thừa chứng minh rằng Đại chúng bộ đã ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa, những giáo pháp từ Nhất thiết hữu bộ, Hóa địa bộ (Mahīśāsaka), Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), và Theravāda cũng sáp nhập vào trong Đại thừa. Những giáo thuyết của Nhất thiết hữu bộ đặc biệt thường được đề cập trong những kinh điển Đại thừa, và giáo thuyết của Chánh lượng bộ (Sammatīya) cũng có ảnh hưởng. Mối liên hệ giữa Phật giáo Nikāya và Phật giáo Đại thừa rõ ràng không phải là một vấn đề đơn giản.

Nguồn thứ hai là văn học tiểu sử về Đức Phật do những người được cho thuộc “phái Tán dương Phật” (Tán Phật thừa) sáng tác.4 Mặc dù nguồn văn học này có thể có gốc rễ nơi Phật giáo Nikāya, nó cuối cùng phát triển theo những cách mà chúng vượt khỏi ranh giới bộ phái và góp phần cho sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa.

Nguồn thứ ba là tín ngưỡng thờ tháp. Sau khi Đức Phật diệt độ, xá-lợi của Ngài được phân chia và tôn trí vào tám bảo tháp được xây dựng ở Trung Ấn. Những bảo tháp này trở thành những trung tâm mà ở đó các Phật tử tín tâm tập họp. Về sau, vua Aśoka đã cho xây dựng nhiều bảo tháp tại những khu vực khác ở Ấn Độ, đóng góp thêm cho việc truyền bá tín ngưỡng thờ tháp. Những tín ngưỡng này cho thấy đã góp phần đáng kể cho việc xuất hiện của Phật giáo Đại thừa.

Bởi vì kinh sách Đại thừa không mô tả những nhân duyên đưa đến sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa, vì vậy bất kỳ sự nghiên cứu nào cũng phải một phần dựa trên sự suy đoán. Trong những trang sau, ba nguồn Đại thừa được giới thiệu ở trên sẽ được thảo luận chi tiết hơn.

Phật giáo Nikāya và Đại thừa

Như được giải thích ở trước, Phật giáo Nikāya thường được những Phật tử Đại thừa đề cập bằng biệt danh phản kháng “Tiểu thừa” (cỗ xe nhỏ). Tuy nhiên, Phật giáo Nikāya đã đóng góp nhiều cho Phật giáo Đại thừa. Ví dụ, những kinh sách Đại thừa chẳng hạn như Đại trí độ luận (Mahāprajñāpāramitopadeśa,T 1509, được quy cho Nāgārjuna) và Đại phẩm Bát-nhã (Pañcavimśatisāhasrikā-PP,T 223) thường có những tham khảo giáo pháp Nhất thiết hữu bộ. Những tác phẩm Đại thừa cũng tiếp nhận việc phân loại kinh Phật thành mười hai phần mà Nhất thiết hữu bộ, Hóa địa bộ, và Pháp tạng bộ sử dụng. Việc phân loại pháp (dharma) thành năm phần của Độc tử bộ (Vātsīputrīya) được trích dẫn ở trong những kinh Bát-nhã. Như vậy rõ ràng rằng những tác giả của nhiều kinh sách Đại thừa đã nghiên cứu những giáo thuyết Tiểu thừa.5

Nhưng những tương đồng về giáo thuyết giữa những tác phẩm Tiểu thừa và Đại thừa không chứng minh rằng những tác giả của các kinh sách Đại thừa đang là thành viên hay cựu thành viên của các tông phái Phật giáo Nikāya. Mặc dù học thuyết của Nhất thiết hữu bộ khác biệt xa tư tưởng Đại thừa, những giáo thuyết của Nhất thiết hữu bộ thường được đề cập hay sáp nhập vào trong kinh sách Đại thừa. Tuy nhiên, về mặt nội dung, học thuyết của Đại chúng bộ gần với tư tưởng Đại thừa nhiều hơn là học thuyết Nhất thiết hữu bộ. Tóm tắt rõ nhất về học thuyết Đại chúng bộ được tìm thấy trong Dị bộ tông luân luận (Samayabhedoparacanacakra,T 2031)6 của Vasumitra (Thế Hữu). Mặc dù Vasumitra là một thành viên của Nhất thiết hữu bộ, ông dường như là một học giả không thành kiến, đã thu thập cũng như tóm tắt chính xác giáo thuyết của những tông phái khác.Nơi một trong những phần của tác phẩm của mình, Vasumitra đã tập hợp lại giáo thuyết của bốn tông phái (Đại chúng bộ, Thuyết xuất thế bộ, Nhất thuyết bộ [Ekavyavahārika], và Kế dẫn bộ [Kaukuṭika]) thuộc dòng Đại chúng bộ và giải thích rằng bốn tông phái đã dạy rằng “Chư Phật, chư Thế Tôn, tất cả đều siêu phàm. Tất cả Như Lai đều không có những pháp bất tịnh (sāsrava)” (T 49:15b). Quan điểm này khác với quan điểm của Nhất thiết hữu bộ, nhưng gần với giáo thuyết Đại thừa. Bốn tông phái cũng chủ trương học thuyết rằng “Đức Phật có thể giảng giải tất cả giáo thuyết bằng một lời duy nhất” (T 49:i5b). Theo Đại tỳ-bà-sa luận (Mahāvibhāṣā, T 27:41a-b), giáo thuyết này cũng được những người Vibhajyavādin ủng hộ. Nó cũng được đề cập nơi đoạn văn nổi tiếng trong kinh Duy Ma Cật sở thuyết (Vimalakīrtinirdeśa, T14:538a). Vasumitra cũng giải thích rằng những tông phái này đưa ra những quan điểm rằng “rūpakāya” (sắc thân) của Như Lai là vô hạn. Thần thông của Như Lai cũng vô hạn. Thọ mạng của chư Phật là vô hạn. Đức Phật không bao giờ mỏi mệt trong việc giáo hóa chúng sanh và đánh thức niềm tin thanh tịnh bên trong họ” (T 49: i5b-c). Những giáo thuyết này gần với những quan điểm của Đại thừa về báo thân (saṃbhogakāya) Phật và là chứng cứ về mối liên hệ mật thiết của những tông phái này với Phật giáo Đại thừa.

Vasumitra cũng mô tả những học thuyết liên quan đến chư Bồ-tát mà những tông phái thuộc dòng Đại chúng bộ chủ trương. “Không có vị Bồ-tát nào có tâm tham, sân, hay làm hại kẻ khác. Để làm lợi ích chúng sanh, Bồ-tát sanh vào những tình trạng thấp kém theo mong muốn của họ” (T 49: 15c). Quan điểm rằng chư Bồ-tát có thể tự chọn lựa nơi họ sẽ sanh thì tương tự với giáo thuyết của Đại thừa và khác biệt đáng kể với quan điểm của Nhất thiết hữu bộ rằng tái sanh chỉ được quyết định bởi nghiệp.

Những người Đại chúng bộ chủ trương rằng “bản chất nguyên thủy của tâm là thanh tịnh; nó trở thành bất tịnh khi bị ảnh hưởng bởi những phiền não ngẫu nhiên” (T49:15c). Giáo thuyết này quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Nó được những nhóm khác bên trong Phật giáo Nikāya chủ trương. Ví dụ, nó được tìm thấy trong Xá-lợi-phất A-tỳ-đạt-ma luận (Śāripūtrabhidharmaśāstra, T 28:697b). Nó cũng được những nhà Phân biệt (Phân biệt luận sư) chủ trương và xuất hiện ở trong những kinh Pāli. Mặc dù học thuyết này không phải chỉ có trong Đại chúng bộ, những quan điểm của Đại chúng bộ về Phật dĩ nhiên gần với những quan điểm được tìm thấy trong Phật giáo Đại thừa và đưa ra chứng cứ về một sự nối kết sâu sắc giữa tư tưởng của hai nhóm. Bản chất chính xác của mối liên hệ giữa Tăng đoàn Đại chúng bộ và những người ủng hộ Đại thừa đáng tiếc là vẫn không rõ ràng. Bởi vì những người Nhất thiết hữu bộ cũng có những đóng góp về mặt học thuyết đối với Phật giáo Đại thừa, vấn đề quan trọng và khó khăn nhất vẫn cần được giải quyết là xác định những liên hệ tổ chức gì có thể đã tồn tại giữa Tăng đoàn Đại chúng bộ và những Phật tử Đại thừa.

Tiểu sử Đức Phật

Mahāvastu (Đại sự) là tiểu sử về Đức Phật do những người Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādin), những đệ tử của một phái liên quan đến Đại chúng bộ, tạo ra. Mahāvastu7 mô tả về bảy địa (bhumi) hay bảy giai đoạn mà một vị Phật tương lai sẽ trải qua trên con đường đạt đến Phật quả. Những bản văn Đại thừa chẳng hạn như Thập địa kinh (Daśabhūmikasūtra, T287) có những giáo thuyết tương tự về mười giai đoạn mà chúng thường được trích dẫn làm chứng cứ chỉ ra rằng Phật giáo Đại thừa sinh khởi từ Đại chúng bộ. Tuy nhiên, Mahāvastu và nguồn văn học tương tự liên quan đến cuộc đời Đức Phật vượt qua những ranh giới bộ phái. Ví dụ, đoạn cuối của Phật bản hạnh tập kinh (Abhiniṣkramaṇasūtra?, T190), một bản kinh thuộc Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) giải thích rằng chính tiểu sử ấy được Đại chúng bộ gọi là Đại sự (mahāvastu) và Nhất thiết hữu bộ, Ca-diếp di bộ (Kāśyapīya), và Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) gọi bằng những tên gọi khác nhau, như vậy cho thấy rằng những tông phái này chia sẻ một tiểu sử chung về Đức Phật (T3:932a).

Những khác nhau giữa những tác phẩm viết về tiểu sử Đức Phật hiện vẫn còn tồn tại. Mahāvastu của Đại chúng bộ, kinh Phật bản hạnh tập của Pháp tạng bộ, và kinh Phổ diệu (Lalitavistara)8 của Nhất thiết hữu bộ thì không giống nhau. Mahāvastu đặc biệt khác với những tác phẩm khác. Nhưng trước đó, những tông phái dường như đã chia sẻ cùng tiểu sử. Có lẽ những đặc điểm văn học của câu chuyện đã giúp nó vượt qua những khác biệt bộ phái. Ví dụ, Aśvaghoṣa (Vô Trước), tác giả của Phật sở hành tán (Buddhacarita), có những liên hệ mật thiết với Nhất thiết hữu bộ, nhưng ông cũng có những liên hệ với truyền thống Đa văn bộ (Bahuśrutīya), Kế dẫn bộ (Kaukuṭika), Kinh lượng bộ (Sautrāntika), và Du-già tông (Yogācāra),9 và như vậy không thể nói ông thuộc về bất kỳ một tông phái nào. Khác hơn, ông và những thi nhân khác, chẳng hạn như Mātṛceta, có thể nói là thuộc về “phái Tán dương Phật” (Tán Phật thừa).

Mātṛceta sống vào thế kỷ II hoặc III TL và đứng cận Aśvaghoṣa như một nhà thơ. Những thi phẩm của ông, lấy ví dụ điển hình là những tác phẩm như Śatapañcāśatka-stotra (150 khổ thơ) và Varnāharvarṇa-stotra (400 khổ thơ), được yêu thích khắp Ấn Độ.10 Trong những bài thơ của mình, Mātṛceta đã ca ngợi Đức Phật. Bởi vì Đức Phật được mô tả theo một cách thức rất con người, Mātṛceta dường như đã chịu ảnh hưởng bởi những học thuyết của Nhất thiết hữu bộ. Tuy nhiên, Mātṛceta cũng ca ngợi những phẩm hạnh của Đức Phật thì không thể đếm kể hết, trí tuệ của Phật thì toàn mãn, và tâm của Ngài thì vô lượng. Những mô tả này gần với quan điểm của Đại thừa về đặc điểm của Phật. Có một số bài thơ ca ngợi Đại thừa. Một số khác giải thích sáu ba-la-mật và học thuyết về tính Không, cả hai thuộc giáo thuyết của Đại thừa. Điều này đưa một số học giả hiện đại đi đến nghĩ rằng Mātṛceta thuộc về Trung quán tông.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Phật, những nhà thơ nhiệt thành tán dương Ngài và sử dụng những diễn tả văn học mà nó vượt qua những rào cản giáo thuyết bộ phái. Những thi nhân Phật giáo đã viết những tác phẩm của họ với mục đích khác với mục đích của các học giả mà họ quan tâm đến những vấn đề học thuyết. Thuật ngữ “Tán Phật thừa” xuất hiện trong bản dịch kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīkasūtra, T 9:9c) của Cưu-ma-la-thập; nhưng một thuật ngữ tương ứng không xuất hiện trong những phiên bản Sanskrit của kinh này. Trong Đại-tỳ-bà-sa luận (Mahāvibhāṣā), giáo thuyết của những nhà Phân biệt luận sư mà họ cho rằng Đức Phật thuyết giảng tất cả giáo pháp của Ngài bằng một âm duy nhất bị phê bình: “Những người (mà họ sáng tác) những tán ca tán thán Đức Phật thì quá lắm lời và phóng đại chân lý” (T 27:410a-b). Đoạn này rõ ràng đề cập đến những nhà thơ sáng tác nên những tán ca tán dương Đức Phật.

Những người viết tiểu sử của Đức Phật có lẽ giống với những người mà họ thuộc về “Tán Phật thừa”. Trong thảo luận sau, mối liên hệ giữa Phật giáo Đại thừa và những tác giả ban đầu về những tiểu sử này (những người trước Aśvaghoṣa) được xem xét.

Những tiểu sử của Đức Phật có thể đã phát triển từ văn học Vinaya. Ở phần mở đầu của Mahāvastu là một phát biểu rằng Mahāvastu vốn được đưa vào trong Vinaya của Thuyết xuất thế bộ. Tiêu đề của tiểu sử, Mahāvastu, tương ứng với phẩm đầu (Mahākhandhaka) của phần Mahāvagga(Đại phẩm) của Vinaya Pāli. Thuật ngữ “vastu”, “vagga” và “khandhaka” tất cả được sử dụng với nghĩa “phẩm” (chương) hay “phần”. Tựa đề “Mahāvastu” do đó có thể được dịch là “Đại phẩm” (phẩm lớn). Ngoài ra, một tiểu sử về Đức Phật được tìm thấy tại phần mở đầu của tác phẩm Mahākhandhaka tiếng Pāli, và E.Windisch đã chứng minh rằng, sự thật, các phần của Mahāvastu tương ứng với các phần của Mahākhandhaka. Khi tiểu sử về Đức Phật được mở rộng, nó được tách ra khỏi Vinaya và mang lấy hình thức Mahāvastu. Tiêu đề Mahīśāsaka tương đương với Mahāvastu, Tỳ-ni tạng căn bản (cơ sở của tạng Luật), cho thấy rằng những gốc rễ của tiểu sử nằm ở nơi Vinaya.

Khi nidana (những câu chuyện minh họa nguồn gốc của các giới luật) và avadana (những câu chuyện cảnh báo trước về việc phạm giới) trong Vinaya phát triển, tiểu sử của Đức Phật được mở rộng và cuối cùng tách ra khỏi Vinaya. Những người biên soạn nên tiểu sử Đức Phật có động cơ khác với những người nghiên cứu nidana và avadana trong Vinaya. Quan tâm của họ về Đức Phật phát triển từ mong muốn hiểu những nguyên nhân giác ngộ của Đức Phật và những thực hành đưa đến sự giác ngộ đó. Những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật được biên soạn và được phát triển với những vấn đề này trong tâm, đưa đến nguồn văn học mà nó có nhiều điểm chung với các Jātaka, những câu chuyện về tiên thân Đức Phật. Những tiểu sử của Đức Phật không có mối liên hệ tất yếu với Vinaya. Thay vào đó, những nhà biên soạn tiểu sử Đức Phật khi tìm kiếm những nguyên nhân giác ngộ và bởi sự tình cờ đã chọn tài liệu tiểu sử trong Vinaya làm cơ sở cho những tác phẩm của họ.

Trong số những tiểu sử về Đức Phật hiện còn có Mahāvastu, do phái Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravadin) thuộc Đại chúng bộ tạo ra; Phật bản hạnh tập kinh (Abhiniṣkramaṇasūtra?,T 190) của Pháp tạng bộ; và kinh Phổ diệu (Lalitavistara; bản Sanskrit, Tây Tạng, và hai bản Hán ngữ T 186 và 187, hiện còn) của Nhất thiết hữu bộ. Mặc dù tác phẩm cuối thuộc Nhất thiết hữu bộ, vài trong số những bản hiện còn, bản Sanskrit và T 187, được sửa đổi quá nhiều vào những thời điểm về sau đến độ chúng hoàn toàn mang đặc điểm Đại thừa và bao gồm những thuật ngữ chẳng hạn như Như Lai tạng (Tathāgatagarbha) và Tịnh pháp giới. Những bản văn có tên gọi ở trên là những tác phẩm bộ phái; nhưng nhiều nội dung của chúng không phản ánh bất kỳ sự xác nhận bộ phái nào.

Một số trong những tác phẩm tiểu sử khác mà chúng không có bất kỳ sự xác nhận rõ ràng nào về học thuyết hiện vẫn còn. Trong số chúng là Quá khứ hiện tại nhân quả kinh (T189), Thái tử thụy ứng bốn khởi kinh (T185, có thể có nguồn gốc Mahīśāsaka), Tu hành bổn khởi kinh (T184), Trung bổn khởi kinh (T196), Dị xuất Bồ-tát bổn khởi kinh (Abhiniṣkramaṇasūtra?,T188), Phật bản hạnh kinh (T193), Phật sở hành tán (Buddhacarita*,T 192). Những thuật ngữ “bổn khởi”, “bản hạnh” và “sở hành” trong các tiêu đề phản ánh sự quan tâm của những người biên soạn về nguồn gốc và những hoạt động cơ bản đưa đến giác ngộ. Những người viết tiểu sử tập trung sự quan tâm của họ chính yếu vào những sự kiện đưa đến giác ngộ, thường là những sự kiện rút gọn hay bị bỏ qua mà chúng đi cùng sự giác ngộ của Đức Phật.

Hirakawa Akira
Nguyên Hiệp
dịch

(Còn tiếp)

_________________

(1) Về việc sử dụng thuật ngữ “Hīnāyana” (Tiểu thừa) của Pháp Hiển và Huyền Trang, xem Hirakawa, Shoki Daijō Bukkyō no kenkyū, tr.700-718.
(2) Sách đã dẫn, tr.713. (3) Sách đã dẫn, tr.718-721.
(4) Hirakawa nghiên cứu việc sử dụng thuật ngữ Tán Phật thừa trong sách đã dẫn, tr. 169-170.
(5) Sách đã dẫn, tr. 746-775.
(6) Về Dị bộ tông luân luận, xem Higata và Kimura, “Ketsujūshi bunpashi kō.” Bản dịch Nhật ngữ từ phiên bản Tạng ngữ của bộ luận có thể tìm tại Teramoto, Chibettogo bunpō.
(7) Mahāvastu đã được É.Senart xuất bản từ năm 1882 đến 1897. J.J.Jones đã công bố một bản dịch Anh ngữ từ năm 1949 đến 1956. Từ năm 1963, R.Basak đã phát hành ba tập của bộ luận (Mahāvastu Avadāna). Để biết thêm về việc nghiên cứu, xuất bản và những bản dịch của tác phẩm này, xem Yamada, Bongo Butten no shobunken, tr. 66.
(8) Để biết thêm về ấn bản Lalitavistara, xem Yamada, Bongo Butten no shobunken, tr.67.
(9) Về Aśvaghoṣa, xem Kanakura, Memyō no kenkyū; Yamada, Bongo Butten no shobunken, tr.69; Tsuji, Sansukuritto bungakushi, tr.11-17. Những tác phẩm bằng tiếng Sanskrit của Aśvaghoṣa là Buddhuarita, Saundarananda, và Śāriputraprakaraṇa đã được xuất bản. Mối liên hệ giữa Kalpanāmaṇḍitikā được phát hiện bởi Luders và Dṛṣtāntapaṅkti của Kumāralāta nên được lưu ý.
(10) Một đánh giá của Tsuji Naoshiro về việc xuất bản tác phẩm Śatapañcaśatkastotra của Mātṛceta do D. R. S. Bailey thực hiện có thể tìm thấy trong Tōyō gakuhō 33, nos. 3-4 (1951). Cũng xem Nara, “Bukkyō shijin”, tr.135; Kanakura, Memyō no kenkyū, tr. 92f.; và Tsuji, Sansukuritto bungakushi, tr. 17-20.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày