GN - Vụ việc người phụ nữ 40 tuổi đi bán tăm để mưu sinh, bà Lê Thị Bảy, bị một số người đánh đập dã man vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em tại xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) cuối tháng 7 vừa qua thật đáng báo động về hiện tượng bạo lực tự phát trong xã hội của chúng ta.
Bà Bảy, người quê ở huyện Mỹ Đức, được một hợp tác xã cấp giấy phép đi bán tăm gây quỹ tình thương, chỉ vì trong lúc đi bộ trên đường để bán ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, thấy một cháu bé đứng trong nhà, nên lên tiếng gọi hỏi bố mẹ cháu có ở nhà không để bán tăm, người ta đã hồ đồ cho rằng bà dụ dỗ trẻ con, rồi dẫn đến việc bà bị một số người đánh đập, dù bà hết lời van xin.
Hình ảnh 2 người phụ nữ bán tăm bông bị đám đông đánh dã man do nghi bắt cóc trẻ con - Ảnh: Facebook
Đám đông hung hãn đã trút những nắm đấm, dùng cả những hung khí đổ đòn lên người bà khiến bà bị chảy máu, ngất tại chỗ, bất chấp người đại diện cơ quan chức năng đã có mặt. Sau khi xác minh bà Bảy bị đánh trọng thương chỉ là ngộ nhận, nhưng hậu quả khiến bà phải nhập viện, và song song về nỗi đau thể xác, nỗi sợ hãi về sự hung hãn của con người chắc chắn sẽ ám ảnh bà cũng như những người thân sẽ còn lâu dài.
Gần đây những thông tin về nạn bắt cóc trẻ con lấy nội tạng cùng với những hình ảnh ghê rợn lan truyền trên mạng xã hội đã thực sự là nỗi ám ảnh và lo âu của rất nhiều gia đình có con trẻ. Mạng xã hội có một sức mạnh rất lớn, ảnh hưởng đến mọi ngõ ngách của đời sống, do đó, những loại thông tin này đã làm cho xã hội chao đảo, đẩy sự hoài nghi lên đến cao độ.
Vụ việc một nhóm người hành hung bà Bảy có thể nói là hậu quả của sự hoài nghi trên. Điều đó đã khiến cho nhiều người lo sợ đến nỗi phải gắn lên xe cộ của mình thông tin “tôi không phải là kẻ bắt cóc trẻ em”, nhằm tránh các phiền hà có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào.
Sự hoài nghi lan ra rộng hơn, nó là nguyên nhân của hiện tượng lãnh cảm trước các tai nạn trên đường, với những đau khổ của người khác, vì trước hết, sợ liên lụy và những phiền toái đến cá nhân mình, rằng “thi ân lại bị báo oán”, và nhất là của những cảnh tự xử bột phát do không kiểm soát cảm xúc tiêu cực, cũng như cả sự nghi ngờ về công lý, không hiểu hoặc không màng đến luật pháp.
Đạo Phật thường nhấn mạnh ý nghĩa của niềm tin và sự nguy hiểm của lòng hoài nghi đối với chân lý.
Nếu nói niềm tin chính là nền tảng cho mọi con đường, cho sự dấn thân, cho mọi sự hướng thiện và hướng thượng, nỗ lực giữ gìn, tưới tẩm, bồi đắp cho hệ thống các giá trị đạo đức tốt đẹp; thì sự hoài nghi đối với chân lý chính là lực cản trở cho hướng vận hành đó. Phật giáo xem niềm tin đúng - Chánh tín là cội nguồn của mọi phẩm chất tốt đẹp khác.
Niềm tin đúng không phải tự nhiên có, mà nó phải được giáo dục, trên căn bản của luật nhân quả. Chất liệu để tưới tẩm nuôi dưỡng nó là đời sống thực tế, không chỉ qua suy nghĩ, lời nói mà còn bằng hành động.
Với nhiều hiện tượng “tự xử” của một số người dân, chẳng hạn việc đánh đập đến chết, thậm chí đốt cháy phương tiện và người được cho là bắt chó, trộm cắp…, gần đây là vụ việc bà Bảy như trên đáng cảnh báo về nguy cơ bạo lực tự phát trong xã hội của chúng ta, nó càng đem đến sự bất an cho mọi người và cộng đồng. Nó như một đốm lửa nhỏ, nếu lơ là không kiểm soát sẽ đốt cháy cả khu rừng.