Nhà khoa học bức xúc việc chặt cây ở Hà Nội

GNO - Chiều hôm qua, 23-3, Trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức tọa đàm “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch xây xanh Hà Nội”.

IMG_5531.JPG


Các nhà khoa học ngồi lại với nhau, nói vấn đề thời sự: chặt cây xanh ở Hà Nội

Việc thực hiện thay thế hàng loạt cây tại Hà Nội trong thời gian ngắn đã vấp phải phản ứng dữ dội của người dân, khiến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã phải chỉ đạo tạm dừng đề án này. Rất đông đảo các nhà khoa học đã có mặt tại hội thảo để “mổ xẻ” vụ việc này, cùng đưa ra nhận định: “Đề án cải tạo, thay thế cây xanh của Hà Nội đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị 2 bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015, Hà Nội sẽ thực hiện chặt hạ, trồng thay thế 6.708 cây xanh trên 190 tuyến phố. Theo bản đề án này, thống kê cây xanh ở TP.Hà Nội với  trên 500 tuyến phố thấy tổng số hiện có 50.000 cây thuộc hơn 100 loài. Trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn, như xà cừ 5.000 cây, muồng 5.500 cây, bằng lăng 5.500 cây, phượng 3.800 cây, sữa 3.800 cây, bang 2.800 cây, chẹo 2.000 cây, sấu 2.200 cây… 

Hiện tỷ lệ cây xanh trong đô thị ở Hà Nội còn thấp, có chỗ không có hoặc đạt dưới 50 cây/1km, chưa phát huy được tầm quan trọng trong hệ sinh thái môi trường.

Từ cách đây hơn 100 năm (thời Pháp thuộc), người Pháp đã xây dựng nhiều tuyến phố, đi kèm theo là hệ thống cây xanh đặc trưng, như cây sấu phố Phan Đình Phùng, cây sao đen phố Lò Đúc, cây sữa phố Nguyễn Du, cây xà cừ phố Hoàng Diệu. Đến nay, hệ thống cây xanh này có đường kính lớn, tạo cảnh quan kiến trúc. Nhưng, do tác động của thời gian, một số cây đã bị mục thân, một số cây bị chặt rễ do quá trình thi công cải tạo vỉa hè, làm công trình ngầm nên dễ đổ trong mùa mưa bão.

Bản đề án đưa ra con số cây xanh cần thay thế là khoảng 29.638 cây. Trong giai đoạn 2014-2015 chỉ thay thế 6.708 cây, với kinh phí thực hiện được UBND TP.Hà Nội phê duyệt là 73,08 tỷ đồng. Các trục đường, tuyến phố thực hiện thí điểm cải tạo, thay thế cây xanh đô thị là Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh.

IMG_5533.JPG


Báo chí rất quan tâm tới sự kiện này

GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường nhận định, đề án thay thế 6.700 cây xanh đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo Nghị định 64/2010 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành, đã nêu rõ: “Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: a) Cây đã chết, đã bị gãy đổ hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”.

Thế nhưng những cây xanh đã bị đốn hạ trong những ngày gần đây đều không đủ điều kiện để chặt hạ theo quy định nêu trên. Do vậy, ngoài việc dừng ngay việc thực hiện chương trình chặt hạ cây, thì UBND TP.Hà Nội phải xem xét trách nhiệm những người đã tham mưu chưa đúng quy định cho chính quyền phê duyệt chương trình này.

Rất nhiều nhà khoa học khác như GS.Nguyễn Lân Dũng, TS.Phạm Sĩ Liêm… cũng đều khẳng định đề án đã vi phạm Nghị định 64.

Luật sư Trần Vũ Hải, Công ty Luật Hà Nội bổ sung thêm, đề án này cũng vi phạm Luật thủ đô, quy định ghi rõ trong Luật này là: “Cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng”.

“Nghị định 64 là Nghị định chuyên biệt về quản lý cây xanh đô thị, quy định, nếu chặt, đốn hạ bất kỳ một cây nào thì phải có hồ sơ với từng cây trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt, rồi cấp giấy phép chặt từng cây. Đằng này, chặt cả hàng nghìn cây mà không có hồ sơ, không có giấy phép chặt riêng cho từng cây là vi phạm pháp luật nghiêm trọng”- ông Hải nói.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cây xanh còn là nơi ở của chim chóc, bướm, ve sầu…  đó là đa dạng sinh học. Cây xanh đô thị phải liền dải thì mới giữ được đa dạng sinh học này, nếu chặt hạ, tức là cắt đứt cái dải này, các hệ sinh vật khác sẽ chết.

Ông Liêm bức xúc: “Quy hoạch đô thị không phải là phá hết cái cũ đi để xây dựng lại, mà phải xem cái gì cần giữ lại, cái gì phải bỏ. Đã tạo  màu xanh mới chưa, mà đã triệt hạ cái màu xanh cũ. Nên trồng cây mới xen kẽ, khi lên xanh thì mới chặt bỏ cây cũ. Cây sau khi chặt, họ đem đi đâu? Đề án đưa ra con số kinh phí gần 74 tỷ đồng cho trồng và cải tạo cây. Thế nhưng, trong đề án lại không có bất cứ dòng nào đề cập đến số tiền thu hồi gỗ cây thu hoạch.  Trong khi, có những cây khi chặt đi, gỗ của nó có thể bán được 100 triệu đồng, phần lớn số cây có thể bán được với giá 30 triệu đồng cây, nhưng nếu mua cây mới nhỏ trồng thì chỉ hết 1 triệu đồng/cây. Nếu chặt hết 6.700 cây này, bán đi phải thu được vài trăm tỷ đồng. Thế mà các ông ấy nói là việc trồng cây là do các doanh nghiệp tài trợ, thật là vô lý”.

TS.Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam nói: “Chúng tôi nghi ngờ hiệu quả của đề án cải tạo, thay thế cây xanh. Trước khi đưa cây vào trồng phải trồng khảo nghiệm ở vùng này 5-6 năm. Phải có những tổ chức, có hội đồng bác sĩ và hội đồng tuyển chọn cây để trồng. Tại sao các nhà khoa học không được hỏi ý kiến?".

"Các cơ quan chức năng ở Hà Nội nói rằng, đã trồng những cây mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm. Chúng tôi đang thực hiện dự án bảo tồn cây vàng tâm ở cao nguyên đá Đồng Văn. Cây vàng tâm là cây trong sách đỏ Việt Nam. Tôi đã đi xem cây mới trồng ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, thấy là cây mỡ, chứ không phải vàng tâm. Cây mỡ trồng ở đô thị không tốt, gỗ cây không có giá trị mấy. Cây này dễ bị sâu bệnh, rất nhiều côn trùng đeo bám, nếu sống được thì cũng không lớn được. Cả vàng tâm và cây mỡ đều không thích hợp với nhiệt độ trên 30 độ của Hà Nội. Vấn đề chữa bệnh cho cây cũng phải lưu tâm. Cây nào bị bệnh có thể chữa được thì phải chữa, chứ không phải là chặt. Ngày trước, trong vườn Phủ Chủ tịch có cây bụt mọc bị sâu bệnh, mọi người định chặt bỏ. Nhưng Bác Hồ đã yêu cầu chữa, không được chặt, và đã chữa được, ông Hiệp nói.

IMG_5542.JPG


Ông Nguyễn Tiến Hiệp đưa ra mẫu cây vàng tâm và mẫu cây mới trồng
trên đường Nguyễn Chí Thanh và khẳng định, cây mới trồng là cây mỡ, không thích hợp với đô thị

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam cho rằng, với 6.700 cây, tức là 1/7 số lượng cây xanh Hà Nôi, nếu chặt đi thì sẽ làm thay đổi bộ mặt của thủ đô. Lạ là người ta đổ lỗi cho cây xà cừ rễ nông dễ bị đổ. Thế nhưng cây xà cừ trồng đã 60-70 tuổi mà vẫn đứng vững. Trong một trận bão lớn của Hà Nội, đổ 100 cây, trong đó chỉ có 2 cây xà cừ bị đổ, vì vậy không thể đổ lỗi cho cây xà cừ. Có những cây người Pháp trồng tốt, sao giờ lại nói là nguy hiểm. Hà Nội không thèm quan tâm đến các nhà khoa học, không quan tâm đến nhân dân, thật đau lòng. Tôi kiến nghị, thanh tra vụ việc này, không nên để cho Hà Nội làm, mà phải do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Bài, ảnh: Chu Minh Khôi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày