Nhà leo núi lấy triết lý nhà thiền làm phương châm sống

GN - Có một chàng trai TP.HCM, sanh năm 1988 - Hoàng Lê Giang - đã trải nghiệm qua hơn 40 quốc gia, 9 lần đi đến dãy Himalaya, trèo lên đỉnh Elbrus - nóc nhà châu Âu cao 5.600m và là người Việt Nam đầu tiên vượt qua hành trình 300km khắc nghiệt để chinh phục Bắc cực.

Hoang Le Giang.jpg


Hoàng Lê Giang trên đường chinh phục chính mình

Ít ai biết, cách đây vài năm, Giang phát hiện có một lỗ hổng trong tim - bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ phát, dù vậy, Giang vẫn có thành tích đáng nể: từng học tại THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, đậu trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, nhận học bổng hỗ trợ 100% học phí của Trường Đại học Jokoping (Thụy Điển), ngành Marketing…

Bạn tiết lộ: “Mình có xuất phát điểm về thể thao, các hoạt động leo núi dã ngoại, ở mức… rất bình thường”. Nhưng chỉ với việc luôn tâm niệm “mình sẽ cố gắng hết mức có thể để trải nghiệm cuộc sống, để hết mình với những điều tươi đẹp ngoài kia”, Giang đã từng vượt qua bản thân để đạt tới những điều kỳ diệu từ chính mình. Hoàng Lê Giang tiết lộ, anh là một người có cảm tình Phật giáo, lấy triết lý nhà thiền làm phương pháp sống.

Hành trình chinh phục

Trong cuộc sống cũng như những lần chinh phục độ cao, đường xa, Hoàng Lê Giang cho biết có lúc cũng gặp thất bại và xem đó là điều không thể tránh khỏi! Có lúc phải thay đổi kế hoạch, bị cảm sốt, chuyến đi gặp thời tiết xấu, thế nhưng “nghĩ lại tất cả thất bại đó là do mình định nghĩa, nếu xem như tất cả chỉ là các trải nghiệm khác nhau thì không có gì phải thấy buồn hay khó chịu”, Giang trải lòng.

Hoàng Lê Giang khá khiêm tốn khi nói về bản thân, rằng “mình không nghĩ mình chiến thắng được điều gì cả, khi xưa đi chơi thì người ta nói ham chơi, không lo sự nghiệp, không cống hiến, đến một lúc đi nhiều thì người ta nói mình đạt cái này cái kia. Giang chỉ nghĩ mình luôn cố gắng hết mình cho những gì mình làm và có niềm tin vào bản thân là được”.

Tại sao Giang chọn chinh phục những độ cao với những trải nghiệm lần đầu đầy mạo hiểm? Có nhiều người cho rằng việc đi du lịch này nọ là hoang phí?

Trả lời câu hỏi đó, Hoàng Lê Giang chia sẻ: ở những lúc vượt qua giới hạn của mình, những khi phải thử thách, gặp khó khăn mình sẽ hiểu rõ bản thân mình hơn.

Theo Giang, đi du lịch là mình dùng tiền mình lao động ra nên có phung phí cũng là tiền của mình. Ăn uống hay mua sắm hay mua nhà mua cửa với mình là hoang phí vì mình không thấy cần thiết thì sao - Giang đặt vấn đề.

Lý giải thêm về điều đó, Giang cho biết, đi làm kiếm tiền mới có tiền đi chơi, thậm chí làm 2-3 công việc, rồi kinh doanh nhưng không nhất thiết cái gì cũng cần nói rõ cho mọi người biết. “Số tiền để bỏ ra đi chơi đều đến từ giá trị của mình cho xã hội và mình nhận lại phần chi phí chứ đâu ra số tiền để đi suốt 8 năm nay”, bạn nói.

Khi chúng tôi hỏi Giang nghĩ mình đã tôi rèn hay rút ra được điều gì sau những chuyến đi? Lợi ích tự thân và cộng đồng mà Giang thực hiện trong những hành trình đó? - Hoàng Lê Giang khẳng định, nhờ đi mà bản thân… bớt ngu muội đi, bớt cái tôi đi, có sức khỏe hơn và cũng tạo cảm hứng cho người khác.

Theo đó, Giang cũng áp dụng nhiều bài học từ các chuyến đi cho công việc và cũng làm diễn giả cho các doanh nghiệp để truyền cảm hứng. Còn lợi ích rõ ràng nhất cho cộng đồng, theo Giang là số tiền thuế thu nhập cá nhân bạn đóng hàng tháng, lợi ích còn lại… xin để mọi người nhận xét.

Hạnh phúc là con đường

Với Hoàng Lê Giang, lúc leo núi, hạnh phúc là quá trình đi lên, là quá trình chuẩn bị, mình thấy vui và nhìn ra được cái hạnh phúc trong quá trình đó chứ không phải điểm đến là đỉnh núi. Cũng như 8 năm rong ruổi, hạnh phúc là quá trình 8 năm qua bao nhiêu khó khăn, dành dụm chứ không phải lúc nổi tiếng.

Nói về cảm xúc những lần đầu đến với những vùng đất mới mẻ, Hoàng Lê Giang cho biết, luôn bỡ ngỡ pha lẫn thích thú với những điều mới, trong đó, theo bạn sự thanh bình của Na Uy làm bạn ấn tượng.

“Thiên nhiên ở Na Uy khắc nghiệt nhưng những cánh rừng xanh, những ngọn núi sừng sững và Bắc Băng Dương mênh mông khiến cho Na Uy có một vẻ đẹp thần thoại”, Giang kể.

Giang.jpg


Hoàng Lê Giang tại Langtang (Nepal) - Ảnh: NV

Chia sẻ về kinh nghiệm cho những người trẻ mong muốn được đi đó đi đây như mình, Giang khẳng định, mọi thứ đều cần tích lũy và có kế hoạch, những chuyến đi của Giang không phải muốn là đi, đều cần sự chuẩn bị, cần thời điểm thích hợp và cần một động lực, một cái hạn tự đặt ra để tích cóp và thu xếp thời gian.

Khi nhắc về chuyện Giang có cảm thấy là mình mạo hiểm không, khi phát hiện bệnh tim nhưng vẫn luôn chinh phục núi cao, vùng hiểm trở, Hoàng Lê Giang không ngần ngại chia sẻ: “Mình nghĩ sống chết vô thường, đôi khi ở nhà hay ra đường đi làm còn nguy hiểm; hơn nữa Giang lắng nghe cơ thể mình và hiểu rõ mình đang làm gì”.

Hiện Giang đang làm cho một công ty tư vấn về nhân sự cho doanh nghiệp và diễn giả cho một số công ty, dự định tương lai có thể vẫn tiếp tục làm với công ty đó và làm thêm một người tư vấn phát triển tiềm năng, tư vấn về cuộc sống cho cá nhân hay các doanh nghiệp…

Mang về giải The Wanderer Of The Year

Cách đây một năm, tháng 1-2018, khi nhận giải The Wanderer Of The Year - Người lữ hành của năm (2017), Hoàng Lê Giang - chàng trai đam mê chinh phục những đỉnh núi kể vui: “Khi báo cho mẹ biết tôi đoạt giải, mẹ rất là bất ngờ bảo mày đi ăn chơi suốt ai trao giải cho mày. 

Bản thân tôi cũng nghĩ mình ham chơi, thích đi đến những vùng đất mới. Đối với những người như tôi, đơn giản là muốn có những trải nghiệm mới, hy vọng qua những hình ảnh, chia sẻ sẽ tạo cảm hứng cho những người đam mê”.

Giải The Wanderer Of The Year năm ngoái trao cho Hoàng Lê Giang, Tâm Bùi và Trần Đặng Đăng Khoa.

Chúc Thiệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày