GN - Mỗi lần nói chuyện với em, chị hay kể về “nhà mình” với cái cây ba trồng, cái ngõ nhỏ có hàng rào chè tàu do một tay mẹ cắt tỉa… Rồi đến đám ruộng nhà mình xanh um, in dấu chân mẹ lội lút mắt cá chân trong những lần giặm lúa, vãi phân và chân trần của ba phun thuốc, dẫu là mùa nắng hay ngày mưa, thậm chí là trời rét mướt.
Đám ruộng ấy gợi nhớ một thời nhà mình khó khăn, thiếu ăn, nhưng ba không bao giờ cạn ước mơ cho con cái học thành tài, và rồi những đứa con ba cũng thành người, có công ăn việc làm ổn định từ luống khoai, gánh phân, cái cày “nhà mình”.
Thi thoảng, ba hay điện thoại vô kể chuyện “mẹ bây” rồi kể về cây mít nhà mình là của “chị Hai bây trồng”, hay “cây cau sau hè là của thằng Út lượm hạt cau của bà Tám xóm dưới về gieo, chừ lớn bộn”. Ba đùa: “Cây cau nhà mình cao hơn thằng Út nhiều rồi” mà nghe thương quá đỗi.
Những cái thuộc về “nhà mình”, của “nhà mình” đã gắn bó với mấy chị em trong suốt quãng tuổi thơ tới lớn, cho đến hồi đi xa, để rồi mỗi lần nhớ quê, con gái, con trai của ba mẹ vẫn hay gọi về hỏi thăm cái cây, đám ruộng, góc hè, mái hiên, giàn bếp, cái nồi cơm điện… nhà mình “bây giờ ra răng?”. Có câu nói, gia đình là bến đỗ bình yên là vì vậy. “Cái bến” ấy ba má và mấy chị em gọi là “nhà mình” một cách dân dã đó!
Đỗ Thị Hiền