GN - Ở trong con hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM), hàng ngày có một lớp học vẽ và viết thư pháp được quý thầy, sư cô và các bạn trẻ tìm học. Tới và gắn bó với lớp vì sự tận tâm truyền nghề của vị thầy dạy mình môn nghệ thuật thư họa - nhà thư pháp trẻ Nguyễn Tấn Hòa.
Nhà thư pháp trẻ Nguyễn Tấn Hòa ở phố ông Đồ - Ảnh: Thái Học Sinh
Từng tham gia CLB Thư pháp Việt (Nhà Văn hóa Thanh niên, Q.1) nhưng sau đó anh chọn cách “ẩn mình” để học nhiều hơn. Luôn sắm vai học trò, anh lân la tới nhiều nhà thư-họa ở Sài Gòn để thọ giáo những điều hay và mở lớp dạy (thực ra là chia sẻ) nhưng... không quảng bá, để tự nhiên, hễ ai biết và có duyên thì tới.
“Học trò thầy Hòa” có nhiều người xuất gia, thích viết thư pháp, vẽ sen, vẽ Phật cúng dường đã tìm tới lớp học địa chỉ 308/57 Hoàng Văn Thụ để luyện vẽ, luyện viết, cũng là luyện cho tâm mình tĩnh lại, kiên nhẫn với những đường nét thật khó, thật hài hòa do anh hướng dẫn. Ở lớp học trong con hẻm nhỏ ấy, quý thầy, sư cô trẻ gọi anh là “thầy Hòa”, còn anh cũng cung kính gọi “học trò” là “thầy”, “cô”.
Nguyễn Tấn Hòa quê ở Tiên Phước, Quảng Nam, từ năm 17 tuổi đã vào Sài Gòn, học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, rồi tốt nghiệp, học nghề, mưu sinh với đủ nghề khác nhau, từ nghề mộc tới chụp hình, kinh doanh, nhưng... “cái duyên lớn của tôi là thư-họa”, anh bộc bạch. Nó gắn với anh và anh yêu nghề này không chỉ là công việc mưu sinh nữa mà trở thành cơ hội để anh thực tập một đời sống an lạc, nhẹ nhàng, tĩnh lặng, để có thời gian suy nghiệm nhiều bài học hay từ cuộc sống và lời Phật dạy. Anh bảo, không thích nổi tiếng và việc kiếm tiền là tùy duyên chứ không cố, vì mình là con nhà Phật.
Nguyễn Tấn Hòa chọn sống thanh bần với phát nguyện ăn chay trường, ít tiêu xài cá nhân, ít đi ra ngoài, để dành thời gian đọc sách, luyện tâm mình vững chãi từ chính công việc trao nét chữ, nét vẽ đầu tiên cho những ai yêu thích nghệ thuật thư pháp, mỹ thuật. Đặc biệt, Nguyễn Tấn Hòa vẽ Phật, vẽ sen thì... đẹp khỏi phải nói, nhận định đó tới từ nhiều người, trong đó có quý thầy, sư cô biết đến anh, từng đến đây tham quan và thích nét vẽ có hồn của người họa sĩ - vốn chưa học qua trường lớp chính quy - chỉ vẽ bằng cả tấm lòng yêu sen, kính Phật.
Sen và tôn dung chư Phật, chư vị Bồ-tát, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma được anh vẽ nhiều và vẽ bao nhiêu cũng có người thỉnh, để cúng dường hoặc làm quà tặng cho những vị thầy khả kính của mình. Hữu xạ tự nhiên hương, đó là điều Nguyễn Tấn Hòa nhận về được từ sự tận tâm với công việc viết và dạy vẽ “không giấu nghề” - cũng như từ tính cách giản dị, chân phương của anh đối với tất cả mọi người.
Những ngày cuối năm này, anh đang có mặt ở phố ông Đồ - Cung Văn hóa Lao động (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), mang nét vẽ, con chữ của mình góp tay kiến tạo mùa xuân thêm tươi đẹp...
Bối Bối _________________ * Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ, mời bạn gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.