Nhân 21-6, tản mạn về nghề, nghiệp và Chánh ngữ

GNO - 1. Chúng ta làm trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần giao tiếp, nói năng. Người xưa kỹ tính dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hoặc “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Song, dù có ép “uốn đến bảy lần” thì sự “vừa lòng nhau” qua lời nói coi bộ thật không dễ cho nên có một phương án khác của nhiều người, “im lặng là vàng”. Im lặng? Trong nhiều trường hợp, có khi lại phản tác dụng, trở nên nhu nhược, thờ ơ...

Vậy mà trớ trêu, năm cấp ba chọn trường đại học, tôi lại yêu thích một nghề, là phát thanh viên, rất liên quan đến nghiệp nói. Trong khi đó, giọng mình thì thiếu độ vang, có nhiều chỗ phát âm sai lại còn bị đớt rồi thêm nói siêu nhanh. Khi lên đại học, tôi có ý thức sửa chữa nên thay đổi được chút ít.

Dù rằng bây giờ niềm đam mê của tôi với nghề MC là con số 0, nhưng bản thân cũng cảm ơn mộng ước thời “sửu nhi” đã tạo động lực cho mình cải thiện một số kỹ năng cần thiết cho việc nói tiếng Việt.

nghebao 11.jpg


Tác nghiệp báo chí - Ảnh minh họa từ internet

Chuyển đổi đam mê là một quá trình dài với nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản tôi nhìn nhận được là từ khi mình nghiên cứu về Phật giáo. Vào tuổi đôi mươi, nhìn nhận về sự nghiệp của nghề báo, tôi nghĩ về chữ Danh rất nhiều. Khi tìm hiểu về đạo Phật, ban đầu với một chút khái niệm mơ hồ về Nhân quả, Phước báu, tôi nghĩ để có thể thành danh trong nghề MC, chắc cần tu khẩu.

Trong năm giới cấm của Đức Phật có không được nói dối. Tiếp theo, con đường thoát khổ, Đức Phật đưa ra là Bát chánh đạo có Chánh ngữ (đứng thứ ba sau Chánh kiến, Chánh tư duy). Không nói dối cũng bao gồm không nói vọng ngữ, không nói lời phi nghĩa, không đâm bị thóc chọc bị gạo, không chê bai trong giao tiếp thường ngày là phép lịch sự nhiều người thường làm mà thậm chí còn không khen để lấy lòng... Trong môi trường thị phi của giới báo chí, truyền thông mà thực hành được Chánh ngữ quả là một thử thách không dễ.

Dĩ nhiên, có đôi lúc mình làm được, có đôi lúc cũng bị vướng. Nhưng có một chuyển biến rất thú vị, từ khi có ý thức thực hành nghiêm túc “không nói dối” đến một thời điểm, tôi dửng dưng hoàn toàn với nghề dẫn chương trình luôn. Và cảm thấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ được học trong sách văn học phổ thông: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” thật ra vừa là một ước vọng tốt đẹp của một đấng quân tử vừa lại mang vác trên vai mình một bi kịch của cuộc đời.

Tìm hiểu kỹ thêm về Chánh ngữ, tôi đọc lời Phật dạy, là không chỉ nói lời chân thật, mà còn đúng thời điểm, nói lời hòa nhã, nói có mục đích ý nghĩa và cuối cùng là phải phát ra từ tâm yêu thương.

Người Việt Nam có từ “nghề nghiệp”, nhiều người quen miệng hay bảo: “nghề chọn người”, nhưng theo một góc độ khác, tôi thấy, do nghiệp chọn nghề cho người thì đúng hơn. Chính tâm thức, hành vi của con người tạo nghiệp và nghiệp đó sẽ dẫn người đến với nghề hỗ trợ họ trong việc mưu sinh và rồi qua quá trình hành nghề, họ tạo ra nghiệp, cứ thế luẩn quẩn ngày này sang tháng nọ với nghề của mình gần suốt cả cuộc đời... Như thế, những người cùng nghề, chúng ta có từ “đồng nghiệp”, tức là có chung với nhau ít nhất một cái nghiệp về nghề.

2. Đại đức Thích Trí Minh có bài pháp thoại cho các sinh viên trong khoá tu Tam bộ nhất bái ngày 28-5-2017 (do chùa Long Phước, quận Bình Thạnh, TP.HCM tổ chức) ở Long Hải có nhấn mạnh rằng: “Đạo Phật không phải là đạo tiêu diệt, mà là đạo chuyển hóa”. Chúng ta học và hành theo Phật là chúng ta đang chuyển hóa thân tâm mình để có đời sống an lạc và hạnh phúc trong hiện tại.

Nghề nghiệp là mặt bộc lộ ra ngoài dễ nhìn thấy trong sự chuyển hóa của mình (qua lời nói đến hành vi và quan trọng nhất là tâm thức), từ một phóng viên chuyển thành nhà giáo. Hai nghề đều liên quan nhiều đến nghiệp nói nhưng khi đứng trên bục giảng, tôi chỉ cần dễ nhìn, lịch sự là đủ chứ không cần tô son điểm phấn nhiều như khi xuất hiện trên truyền hình, sân khấu,...

Khi nói năng, dù với bất kỳ ai, điều hiện nay bản thân đang cố tránh là những sáo ngữ - nói được mà không làm được. Khi chuyển đổi vị trí từ sân khấu, hiện trường phim,... qua bục giảng, lớp học,... tôi có nghĩ đến một điều mà mình cho là quan trọng nhất với người mang nghiệp giáo dục. Đó là muốn giáo dục người khác, trước hết mình cần tự giáo dục mình, không chỉ về nghề - phương tiện mưu sinh - mà còn về nhân cách, đạo đức.

Không ai có thể răn dạy ai được mà mình nghĩ là sự chia sẻ và cùng tiếp thu trong sự hiểu biết, nhu cầu và quan tâm của riêng mỗi người. Trong thời đại toàn cầu hoá, người dạy có khi trở thành người học, và người học có khi trở thành người dạy. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thật ra, nếu quan sát và suy nghĩ kỹ thì hợp lý, bình thường và dễ chấp nhận thôi.

Ví dụ, mình dạy về truyền hình hoặc phim tài liệu. Thời gian đầu đứng lớp, tôi nói với các bạn sinh viên là mình “chia sẻ” về môn học này. Sau một năm, tôi thấy từ “chia sẻ” vẫn còn quá kiêu mạn, mà học được từ câu chuyện của một người thầy dạy cô giáo của mình, tôi đổi từ “chia sẻ” sang từ “cùng học”. Biển tri thức là mênh mông. Và thật sự, dạy không chỉ là một quá trình truyền đạt một chiều mà cần có sự tương tác hai chiều. Song, người thầy trên bục giảng vẫn có một vị thế nhất định. Vị thế đó không chỉ được xác định trong tri thức - học hàm, học vị - mà còn trong quá trình tự rèn luyện, tự giáo dục nhân phẩm của mình. Chính nhân phẩm, chứ không phải trình độ, mới là yếu tố quyết định làm con người tự tin bước lên một nấc thang cao hơn để rao giảng về một chủ đề, học thuyết nào đó.

3. Nhìn nhận thêm, trong gia đình cũng vậy, bố mẹ sinh con cái, có trách nhiệm giáo dục con cái. Nhưng tại sao có bố mẹ giáo dục được con mà có bố mẹ lại “bó tay” rồi đổ thừa “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” hoặc “con hư...” mà không tự nhìn lại bản thân mình muốn giáo dục người khác, thì cần quay lại tự giáo dục mình. Cho nên, ông bà mình thường bảo những phụ nữ mang bầu là “người mẹ phải lo tu” thì con sinh ra mới ngoan được.

Trong sáu năm vật vã tìm cầu chân lý, con đường thoát khổ, Thái tử Tất-đạt-đa chỉ chuyên chú cầu đạo, không màng chuyện giảng dạy, bỏ qua lời mời ở lại của hai vị thầy. Cho đến khi thật sự chứng đắc, Ngài mới xoay chuyển bánh xe pháp.  Ngài chỉ nói những điều Ngài thực sự chứng được.

Đức Phật bảo, Ngài là người chỉ đường. Chúng ta đi đến đâu không phải lỗi do Ngài mà do chúng ta. Vì thế, giới luật và con đường đã có, quan trọng là chúng ta thực hành ra sao.

Với hàng Phật tử tại gia kiến thức Phật học thô lậu như mình, không dám mong cầu quán triệt hết kinh sách Phật pháp đồ sộ, chỉ cố gắng từng bước thấu hiểu Tứ diệu đế, giữ được ngày càng sít sao từng giới trong năm giới cấm, đồng thời hiểu và hành được Bát chánh đạo. Đó là nỗ lực hơn cả đời người.

Phật dạy: “Pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp”.

Diệu Tâm

...........................

* Bài thể hiện góc nhìn của một giảng viên trẻ, chuyên ngành báo chí tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày